Nhanbkvn 2024
Chào Mừng Các Bạn Tham Gia Và Chia Sẽ Tại Diễn Đàn Nhanbkvn
Nhanbkvn 2024
Chào Mừng Các Bạn Tham Gia Và Chia Sẽ Tại Diễn Đàn Nhanbkvn
Nhanbkvn 2024
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

Nhanbkvn 2024

Chia Sẽ Không Giới Hạn
 
Trang ChínhTrang Chính  Sự kiệnSự kiện  Latest imagesLatest images  PublicationsPublications  Tìm kiếmTìm kiếm  Đăng kýĐăng ký  Đăng NhậpĐăng Nhập  

 

 Ác Quỷ Nam Kinh - Mo Hayder

Go down 
Chuyển đến trang : Previous  1, 2, 3
Tác giảThông điệp
Admin
Admin
Admin


Tổng số bài gửi : 17784
Points : 24761
Reputation : 0
Join date : 16/10/2016

Ác Quỷ Nam Kinh - Mo Hayder - Page 3 Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Ác Quỷ Nam Kinh - Mo Hayder   Ác Quỷ Nam Kinh - Mo Hayder - Page 3 Icon_minitimeSun Feb 03, 2019 9:20 pm


Chương 62

Khi chết, đứa bé vẫn chưa đủ tháng. Trên bụng con bé vẫn còn một đoạn dây rốn ngắn. Một xác ướp màu nâu, khô cứng, nhẹ như một con chim nhỏ, tới mức tôi có thể giữ nó dễ dàng trong lòng bàn tay mình. Một đứa con gái nhỏ xíu. Nhỏ hơn bình thường, nhỏ đến đáng thương. Một khuôn mặt sơ sinh màu vàng nhăn nhúm. Hai cánh tay đông cứng, giơ lên trên đầu như thể nó đang vươn ra để chạm vào ai đó trước khi thế giới của nó khép lại.

Hai chân cũng như phần lớn bụng dưới của con bé không còn nữa. Những gì còn lại cũng đã bị Fuyuki và mụ Y Tá của hắn cắt, xẻo và cạo sạch. Phần lớn cơ thể của con bé đã bị lấy đi bởi một người đàn ông có tuổi, giàu có, theo đuổi giấc mơ bất tử. Con bé không thể chọn người trông nom và chăm sóc nó. Con bé không thể nào tự cứu mình thoát khỏi cảnh bị nhốt trong một chiếc hộp, ngày đêm đối diện với một bức tường trống trơn, không thể nào di chuyển và cứ thế chờ đợi... Chờ đợi cái gì đây? Có phải là chờ ai đó tới và quay mặt nó về phía có ánh sáng?

Nếu tôi không tìm thấy con bé trong khu vườn thì có lẽ nó sẽ ở lại đó mãi mãi, cô độc trong bóng đêm với người bạn đồng hành duy nhất là những con chuột và những mùa cây thay lá, bị đóng băng vĩnh viễn, hướng về vô vọng. Và rồi con bé sẽ biến mất dưới lớp đổ nát của ngôi nhà và thay vì cây xanh, một tòa nhà chọc trời sẽ mọc lên phía trên nó, giống như nấm mộ cuối cùng. Khi mở chiếc túi và lớp giấy bọc, tôi nhận ra rằng Sử Trùng Minh đã đúng: quá khứ là một thứ thuốc nổ, và một khi những mảnh vụn của nó đã bắn vào người bạn thì nó sẽ luôn tìm được cách chui ra vào một ngày nào đó.

Tôi ngồi trong phòng làm việc của ông miệng há hốc, nhìn chằm chằm vào một điểm phía trên đầu ông. Không khí trong phòng dường như nhuốm một màu tang tóc. “Là con gái của ông ư?”

“Bị hắn bắt đi hồi chiến tranh. Ở Nam Kinh.” Ông hắng giọng. “Cô nghĩ là ai sẽ xuất hiện trong cuốn phim đó nếu không phải là Junzo Fuyuki và vợ tôi?”

“Vợ ông?”

“Dĩ nhiên rồi!”

“Fuyuki? Ông ta đã ở đó? Ở Nam Kinh?”

Sử Trùng Minh mở ngăn kéo và lôi lên bàn một vật gì đó. Hai chiếc thẻ kim loại có khắc chữ ghim trên một băng vải màu vàng sờn cũ. Vì hai chiếc thẻ này không có dây xích nên mất một lúc tôi mới nhận ra đó là hai chiếc thẻ quân nhân. Tôi cầm chúng lên và sờ tay vào bề mặt chiếc thẻ. Những chữ kanji khắc trên đó rất rõ nét. Một thân cây và mùa đông. Tôi ngước nhìn Sử Trùng Minh. “Junzo Fuyuki.”

Sử Trùng Minh không trả lời. Ông mở các cánh cửa tủ kê dọc theo tường và chỉ vào bên trong. Các ngăn tủ đều chật cứng những đống tài liệu vàng úa, cũ nát, buộc lại với nhau bằng dây dù, dây vải, băng dính và kẹp giấy.

“Đây là công việc của đời tôi. Việc duy nhất mà tôi làm suốt năm mươi năm qua. Bên ngoài, tôi là một giáo sư xã hội học. Bên trong tôi chỉ làm mỗi một việc, tìm kiếm con gái tôi.”

“Ông đã không quên,” tôi khẽ thốt lên khi nhìn vào núi tài liệu đó. “Ông chưa bao giờ quên Nam Kinh.”

“Không bao giờ. Cô nghĩ là tại sao tôi lại nói tiếng Anh lưu loát đến vậy nếu không phải để đi tìm con gái tôi và nói cho cả thế giới biết sự thật vào một ngày nào đó?” Ông rút một tập tài liệu ra và vứt xuống bàn. “Liệu cô có thể tưởng tượng được những con đường quanh co, gập ghềnh tôi đã phải đi qua, quãng thời gian mà tôi đã mất để lần ra dấu vết của Fuyuki? Hãy nghĩ tới hàng nghìn người đàn ông lớn tuổi ở Nhật Bản cùng có tên là Fuyuki. Giờ tôi ở đây, một người đàn ông nhỏ bé, được thế giới thừa nhận bởi những công trình trong một lĩnh vực mà tôi không hề quan tâm ngoài một sứ mệnh duy nhất là giúp tôi che giấu được mục đích thực sự của đời mình, cho phép tôi tiếp cận được với những tài liệu này.” Ông đưa cho tôi tài liệu trên cùng. Một bản copy có dấu của thư viện lịch sử chiến tranh của Bộ Quốc phòng. Tôi nhớ là đã nhìn thấy những logo này trên một số tài liệu của ông mấy tuần trước. “Tài liệu về các đơn vị của Quân đội Thiên hoàng. Những bản sao. Những tài liệu gốc, ít nhất cũng là những thứ còn sót lại sau các đợt chuyển giao tài liệu với phía Mỹ trong thời kỳ người Mỹ đóng quân ở Nhật Bản, được bảo mật rất cẩn thận. Tuy nhiên tôi đã may mắn khi được phép tiếp cận với chúng sau nhiều năm tác động, và cuối cùng thì tôi đã tìm thấy thứ mình cần.” Ông gật đầu. “Đúng vậy. Chỉ có duy nhất một trung úy Junzo Fuyuki ở Nam Kinh vào năm 1937. Duy nhất có một người. Tên diêm vương Nam Kinh. Tên ác quỷ canh giữ âm phủ. Tên săn thịt người để chữa bệnh.” Ông xoa trán, những vết nhăn hằn lên trên da. “Giống như mọi lính Nhật khác hay hầu hết công dân Nhật trở về nước sau cuộc chiến ở Trung Quốc, Fuyuki mang theo một chiếc hộp.” Sử Trùng Minh giơ tay miêu tả hình dạng và cỡ của chiếc hộp. “Đeo trên cổ hắn ta.”

“Đúng thế,” tôi nói khẽ. Tôi đã nhớ ra nó. Một chiếc hộp màu trắng được thắp đèn và trưng bày trong hành lang căn hộ gần Tháp Tokyo. Chiếc hộp đáng ra được dùng để hồi hương tro của đồng đội đã hy sinh tại Trung Quốc, nhưng Fuyuki đã dùng nó vào một mục đích khác.

“Và cùng với đứa bé, hắn ta còn mang theo một thứ khác nữa.” Sử Trùng Minh buồn bã nhìn đống tài liệu chồng chồng lớp lớp trước mặt. “Hắn mang theo nỗi đau của một người cha. Hắn kéo theo ông ta bởi một sợi dây... một sợi dây nối từ đây,” ông đặt tay lên trái tim, “từ chỗ này cho tới cõi vĩnh hằng. Một sợi dây không bao giờ có thể bị cắt đứt hay lay chuyển. Không bao giờ.”

Cả hai chúng tôi cùng im lặng một lúc lâu. Âm thanh duy nhất lúc này là tiếng cành cây xào xạc ngoài cửa sổ, thi thoảng lại khẽ chạm những ngón tay gầy guộc của chúng lên các ô kính. Cuối cùng, Sử Trùng Minh chùi nước mắt và đứng dậy, chậm chạp di chuyển trong căn phòng, khập khiêng giữa đám đồ đạc ít ỏi quen thuộc của ông. Ông lôi chiếc máy chiếu phim ra giữa phòng, cắm điện rồi bước đi không cần dùng gậy tới một chiếc màn chiếu di động để ở gần cửa sổ. Ông dỡ nó ra và lắp vào giá. “Đây, nó đây.” Ông nói, mở ngăn kéo bàn và lôi ra một chiếc hộp phim han gỉ. Ông nhẹ nhàng mở nó ra. “Đây là lần đầu tiên nó được chiếu cho người khác xem. Tôi vẫn luôn tin chắc rằng người đàn ông quay bộ phim này đã rất hối hận. Tôi dám chắc là khi trở về Nhật anh ta sẽ cho công chiếu cuộn phim này bằng bất cứ giá nào, dù có phải chết. Và đúng là anh ta đã phải chết. Còn đây là cuộn phim. Do tôi giữ gìn cho tới ngày hôm nay.” Ông lắc đầu và mỉm cười một cách gượng gạo. “Mỉa mai thay!”

Khi thấy tôi không nói gì ông bước tới và chìa chiếc hộp đựng phim ra trước mặt cho tôi nhìn vào bên trong.

“Ông sẽ chiếu nó cho tôi xem,” tôi thì thào, nhìn chằm chằm vào cuộn phim. Nó ở đây, những hình ảnh minh họa cho những gì tôi đã đọc trong cuốn sách màu da cam, một lời làm chứng mà tôi đã tìm kiếm suốt bao nhiêu năm qua, một bằng chứng chứng tỏ tôi đã không hề bịa ra bất cứ chuyện gì, nhất là cái chi tiết ấy, cái chi tiết cực kỳ quan trọng ấy.

“Đúng vậy. Cô cho là cô hiểu cảm xúc của mình khi xem đoạn phim này có đúng không? Cô đã nghiên cứu về Nam Kinh trong nhiều năm và đọc bất cứ thông tin nào liên quan tới nó. Cô đã chiếu đoạn phim này hàng trăm lần trong đầu. Cô nghĩ là cô biết mình sẽ nhìn thấy gì và như thế đã đủ kinh khủng lắm rồi, có đúng không?”

Tôi gật đầu một cách thụ động.

“Vậy thì cô sai rồi. Cô sẽ còn nhìn thấy hơn thế nữa kia.” Ông đeo kính và cho cuộn phim vào trong máy chiếu. “Cô sẽ thấy những gì cô nghĩ và còn hơn cả thế. Trong đoạn phim này còn có một nhân vật còn xấu xa hơn cả những gì cô tưởng tượng, xấu xa hơn cả tên diêm vương Nam Kinh.”

“Ai vậy?” Tôi nói như sắp hụt hơi. “Ai xấu xa hơn?”

“Là tôi. Chính tôi. Cô sẽ thấy tôi còn xấu xa hơn Fuyuki gấp nhiều lần.” Ông hắng giọng và đi tới chỗ công tắc đèn, tắt hết ánh sáng trong phòng. Trong bóng tối, tôi nghe thấy tiếng ông mò mẫm tìm tới chỗ máy chiếu. “Đó chính là một trong những lý do tại sao cho đến giờ vẫn chưa ai được xem cuộn phim này. Vì có một ông lão vẫn luôn miệng nói những lời thông thái về việc phải đối diện quá khứ nhưng lại không thể nào, không thể, chấp nhận được quá khứ của chính mình.”

Chiếc máy chiếu kêu lẹt xẹt và bắt đầu hoạt động, căn phòng tràn ngập những tiếng lách cách của cuộn phim đang chạy trong máy.

Sử Trùng Minh đã biết cách bảo quản cuộn phim rất tốt, không hề có một đoạn phim nào bị ẩm mốc, phân hủy hay bị trầy xước. Không có một đoạn nào bị tối hay nhảy hình để che mất tầm nhìn của bạn.

Những khuôn hình đầu tiên bắt đầu hiện ra, màn ảnh nét dần và một người đàn ông xuất hiện: gầy gò, trông có vẻ sợ hãi, đang đứng giữa một khu rừng phủ đầy tuyết. Anh ta đứng khom người, mắt nhìn chằm chằm vào ống kính máy quay với một vẻ hoang dại như chỉ chực nhảy bổ vào nó. Tóc tai tôi dựng đứng hết cả lên. Đó là Sử Trùng Minh. Sử Trùng Minh khi còn trẻ. Một thế giới xa xưa. Ông bước lại gần máy quay phim, la hét cái gì đó vào ống kính. Ông toan nhảy chồm vào người quay phim thì có cái gì đó xảy ra ở bên ngoài khuôn hình khiến ông thay đổi ý định. Ông quay người lại và chạy về phía đối diện. Chiếc máy quay phim khẽ rung lên khi chuyển sang cảnh Sử Trùng Minh chạy trên một con đường mòn, hai tay vung vẩy khi nhảy qua các mương nước và cành cây. Ông quá gầy, giờ tôi mới nhìn rõ, giống như một que củi, không khác gì một bộ xương trong bộ quần áo mùa đông rộng thùng thình. Đằng trước ông, phía cuối đoạn đường xuất hiện hai bóng người mờ mờ trong những chiếc áo bành tô viền lông, đứng xây lưng lại chiếc máy quay. Hai người này đứng sát vào nhau, cùng nhìn xuống một vật gì đó trên mặt đất.

Chiếc máy chiếu kêu lách cách một cách ầm ĩ và khi ống kính chĩa gần hơn vào hai nhân vật này thì một người trong số họ quay lại với vẻ mặt sửng sốt. Anh ta nhìn như mất trí vào người đàn ông Trung Quốc nhỏ bé đang chạy về phía mình, hai cánh tay chới với, theo sau là chiếc máy quay phim. Sử Trùng Minh bắt đầu đi chậm lại và người quay phim hẳn đã hạ thấp ống kính xuống khi chạy theo vì trong những khuôn hình tiếp theo tôi chỉ nhìn thấy cơ man nào là tuyết, những chiếc lá rụng và những bàn chân.

Ngoài tiếng lạch cạch của máy chiếu tôi có thể tưởng tượng ra những âm thanh của rừng núi, tiếng người thở hổn hển, tiếng ro ro của máy quay phim và tiếng cành cây gãy kêu răng rắc. Lúc này, ống kính lại được nâng lên và các hình ảnh hiện ra gần hơn, có lẽ chỉ cách lưng người đàn ông thứ hai khoảng một mét. Rồi, chiếc máy quay khẽ khựng lại như lưỡng lự trước khi quyết tâm quay cận cảnh người đàn ông này. Ông ta đột nhiên quay phắt lại một cách đáng sợ và nhìn chằm chằm vào ống kính. Một ngôi sao trên chiếc mũ của ông ta bắt nắng và lóe lên trong giây lát.

Tôi nín thở. Thật dễ nhận ra một người của hơn năm mươi năm về trước. Một khuôn mặt còn trẻ như đẽo ra từ gỗ, vẻ bệnh hoạn, rất bệnh hoạn. Xám ngoét và đầm đìa mồ hôi. Chỉ có đôi mắt là vẫn thế. Đôi mắt và những chiếc răng nhọn như răng mèo lộ ra mỗi khi hắn ta nhăn mặt.

Người quay phim như dừng tay lại vì các hình ảnh đột nhiên biến mất và đoạn phim tiếp theo kêu lách cách trong máy chiếu như một đoàn tàu sắp trật khỏi đường ray. Và rồi chúng tôi nhìn thấy từ một góc quay khác, Fuyuki đang đứng thở hồng hộc, mồ hôi nhễ nhại, người hắn như đang bốc hơi. Hắn ta cúi xuống làm gì đó và khi chiếc máy quay lia lại gần thì tôi có thể nhận ra là hắn đang lắp lưỡi lê vào súng. Dưới chân hắn là một người phụ nữ đang nằm ngửa trên mặt đất, chiếc áo dài bị kéo lên tới tận hông, chiếc quần dài bị xé rách để lộ cả một khoảng bụng màu sẫm.

“Vợ tôi,” Sử Trùng Minh nói khẽ, mắt ông dán vào màn hình như thể ông đang đối diện với một giấc mơ. “Đó là vợ tôi.”

Fuyuki hét cái gì đó vào máy quay. Hắn vẫy vẫy tay và cười nhăn nhở, để lộ những chiếc răng mèo. Chiếc máy quay phim lại chùng xuống như thể không chịu đựng nổi cái nhìn của hắn ta. Rồi ống kính từ từ quay ra xa, khung hình trở nên rộng hơn với hình ảnh một con dốc thoai thoải, những đám cây cối và một chiếc xe máy để dựa vào gốc cây. Ở góc của khuôn hình, tôi nhìn thấy người lính thứ hai. Anh ta đã cởi áo khoác và đang ôm chặt lấy Sử Trùng Minh trong đôi tay vạm vỡ, miệng Trùng Minh đang tru lên những tiếng kinh hoàng mà tôi không nghe thấy được. Ông cố giãy giụa để vùng ra nhưng người lính giữ ông rất chặt. Không ai quan tâm tới những lời cầu xin của ông. Tất cả đều đang nhìn Fuyuki.

Những gì xảy ra sau đó sẽ ám ảnh tôi trong nhiều năm. Nó chỉ bắt đầu từ một dòng chữ trong một trang sách ở nhà bố mẹ tôi nhưng giờ đây toàn bộ sự thật đang diễn ra trước mắt tôi. Cái điều mà ai cũng nói là chỉ có trong trí tưởng tượng của tôi giờ hiện ra sống động trên chiếc màn hình đen trắng kia. Nhưng nó hoàn toàn khác so với những gì tôi đã mường tượng ra, trong trí tưởng tượng của tôi, mọi tình huống đều rõ ràng, các nhân vật không hiện ra trong những cảnh máu me, lờ mờ, thần sắc hốt hoảng. Trong trí tưởng tượng của tôi hành động đó xảy ra trong chớp nhoáng và tinh xảo, như một điệu vũ samurai, kết thúc bằng một động tác hất kiếm trứ danh để gột sạch máu, vẽ trên tuyết hình một chiếc đuôi công màu sẫm.

Nhưng mọi chuyện lại khác hẳn. Vụng về và xấu xí. Fuyuki gắn lưỡi lê vào mũi súng, xoáy chặt rồi giữ thứ vũ khí đó bằng cả hai tay, như hắn ta đang cầm một chiếc giáo, khuỷu tay co lại phía sau người, lừng lững, đen sẫm một khối trên tuyết. Và rồi người đàn ông đã tập dùng mũi lê từ nhỏ ấy lấy hết sức bình sinh đâm thẳng lưỡi dao nhọn sắc vào bụng người phụ nữ yếu ớt không có gì phòng vệ.

Chỉ cần hai nhát đâm mạnh. Nhát đầu tiên khiến cô ấy giãy giụa, hai tay vung lên trong tư thế kỳ lạ giống như phụ nữ vẫn làm khi mỏi vai và đánh rơi con dao xuống đất. Nhát đâm thứ hai khiến cô ấy gần như chồm dậy, tay chìa ra trước mặt như một con rối. Nhưng trước khi có thể ngồi lên được thì cô ấy kiệt sức, ngã xuống và lăn sang một bên. Và rồi toàn thân cô ấy trở nên bất động, những vệt máu đỏ sẫm túa ra xung quanh như đôi cánh của một thiên thần.

Mọi chuyện xảy ra quá đột ngột, quá tàn bạo khiến tôi có thể cảm thấy sự kinh hoàng bao trùm lấy cả khu rừng của năm mươi ba năm về trước. Khuôn mặt của người lính thứ hai như biến dạng, còn người quay phim hẳn đã ngã khuỵu xuống vì hình ảnh đột nhiên bị rung. Khi anh ta lấy lại tự chủ và cố gắng đứng thẳng dậy thì trung úy Fuyuki đang thò tay vào trong cái lỗ mà hắn vừa tạo ra, lôi ra một cánh tay và rồi cả đứa bé trôi tuột ra ngoài, lành lặn với một mớ dây nhau lầy nhầy. Hắn ném đứa bé sang bên cạnh rồi tiếp tục đứng trước thi thể của người mẹ, cầm lưỡi lê khoắng vu vơ trong chiếc bụng toang hoác của người phụ nữ, môi mím lại một cách đăm chiêu như thể hắn đang đợi phát hiện ra cái gì đó. Người lính cấp dưới không thể chịu đựng hơn được nữa, hai tay ôm lấy miệng và lảo đảo bước ra chỗ khác, thả Sử Trùng Minh ở đó. Sử Trùng Minh nhảy bổ vào đám tuyết sẫm màu trước mặt. Cả người quỳ trên tuyết, ông quấn đứa con gái vào trong lớp áo khoác bằng lông rồi bò tới chỗ vợ mình. Ông cúi xuống sát mặt vợ mình, gào lên cái gì đó và nhìn chăm chăm vào đôi mắt đã không còn sự sống của cô ấy. Rồi người quay phim khẽ di chuyển sang bên cạnh và Fuyuki lại hiện lên trong khuôn hình, đứng ngay đằng trước Sử Trùng Minh, tay cầm một khẩu súng lục nhỏ, một khẩu “súng tiểu nambu”, chĩa vào đầu ông.

Phải mất một lúc Sử Trùng Minh mới nhận thức được chuyện gì đang xảy ra. Chỉ khi cảm thấy một cái bóng đổ xuống người mình thì ông mới từ từ nhìn lên một cách cứng nhắc. Một tay Fuyuki nhả cái chốt an toàn của khẩu súng còn tay kia chìa ra trước mặt Sử Trùng Minh ra hiệu, một cách ra hiệu mà ai cũng có thể hiểu được. Đưa cho tao.

Đưa cho tao.

Sử Trùng Minh cố gắng đứng dậy, siết chặt đứa bé vào ngực, mắt không rời khỏi cánh tay chìa ra của Fuyuki. Chậm rãi, Fuyuki lên đạn khẩu súng nambu rồi siết cò. Sử Trùng Minh giật mình, người chùng xuống, sau lưng ông chỉ khoảng nửa mét, tuyết bay tung tóe. Ông không trúng đạn, chỉ là một phát cảnh cáo, nhưng đầu gối ông bắt đầu va vào nhau và người ông run lên lập cập. Fuyuki bước lên phía trước một bước, gí họng súng còn bốc khói vào đầu ông. Run rẩy, nước mắt đầm đìa, Sử Trùng Minh ngước lên nhìn vào khuôn mặt của kẻ đang khống chế mình. Tất cả đều hiện lên trong đôi mắt của ông, giữa hình ảnh phản chiếu của những thân cây xung quanh là câu chuyện dài trắc trở về vợ ông và đứa con của họ, và câu hỏi “tại sao lại là chúng tôi, tại sao lại vào lúc này và ở đây?”. Một câu chuyện nối liền với quá khứ.

Không hiểu tại sao tôi lại đoán được chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo. Tôi cảm thấy rằng mọi chuyện sẽ càng ngày càng trở nên khủng khiếp hơn. Và đột nhiên tôi hiểu ra tại sao Sử Trùng Minh lại muốn giấu kín bộ phim này trong ngần ấy năm. Khi tôi xem đoạn phim này, tôi nhận ra rằng đó chính là lúc ông đang so sánh cuộc đời mình với tính mạng của đứa trẻ trong tay.

Ông nhìn chằm chằm vào bàn tay của Fuyuki rất lâu khiến chiếc máy quay phim phải bỏ cuộc, cảnh quay dừng lại. Nhưng cho tới khi cảnh tiếp theo xuất hiện trên khuôn hình thì ông vẫn chưa rời mắt khỏi chỗ đó. Một dòng nước mắt chảy dài trên khuôn mặt. Tôi sờ tay lên trán, gần như nín thở, nghĩ tới một Sử Trùng Minh đã lớn tuổi đang ngồi im lặng phía sau. Trong một cảnh quay đơn giản, có lẽ chẳng có ý nghĩa gì đối với bất kỳ ai khác ngoài bản thân ông, Sử Trùng Minh giơ đứa bé lên và nhẹ nhàng đặt nó vào tay Fuyuki. Rồi ông cúi đầu, loạng choạng đứng dậy và lết vào trong rừng. Không ai ngăn ông lại. Ông chậm chạp bước đi, hơi khập khiễng, cứ khoảng vài bước lại phải chống tay vào một thân cây cho khỏi ngã.

Không ai cử động. Người lính thứ hai chỉ đứng cách đó vài mét trong trời tuyết, đầu cúi gằm, hai tay ôm lấy mặt. Thậm chí ngay cả Fuyuki cũng không động đậy. Thế rồi hắn ta quay lại nói gì đó với người quay phim và túm lấy bàn chân của đứa bé, dốc ngược nó lên để kiểm tra, như đối với một con thỏ.

Tôi nín thở. Chính là lúc này. Chính là cái thời khắc kinh hoàng này. Fuyuki quan sát đứa bé với một vẻ chăm chú kỳ lạ như thể con bé có một câu trả lời quan trọng cho hắn. Hắn rút chiếc đai lưng cao su ra buộc vào mắt cá chân đứa bé rồi cột chặt nó vào thắt lưng khiến con bé lộn ngược đầu xuống đất, mặt nó chạm vào đùi hắn. Đứa bé quằn quại một lúc và rồi hai tay nó bắt đầu cử động.

Tôi ngồi nhổm dậy, hai tay bám chặt thành ghế. Đúng. Tôi đã đúng. Tay con bé chuyển động. Miệng nó hé mở vài lần, ngực phập phồng và mặt cau lại khi khóc. Con bé vẫn còn sống. Nó giãy giụa, hai tay vươn ra và cố gắng túm lấy chân của Fuyuki theo bản năng. Khi hắn ta xoay người thì con bé bị hụt tay, mất thăng bằng và văng theo một hình vòng cung như chiếc váy xếp của một kỹ nữ đang xoay vòng. Hắn ta cố tình làm như thế một, rồi hai lần trước ống kính, để con bé đập cả người vào đùi hắn, vừa làm vừa cười cười nói nói gì đó. Khi hắn ta dừng lại và để con bé nghỉ ngơi một chút thì theo bản năng, con bé lại vội túm lấy chân hắn.

Cuộn phim bắt đầu kêu loạt soạt vì đã tới đoạn kết, tôi có cảm giác như mình không còn chút hơi sức nào trong người. Tôi ngã chúi xuống khỏi ghế và quỳ trên sàn như một kẻ ăn xin. Màn hình lúc này không còn gì ngoài những đường sọc thẳng và những vệt ngoằn ngoèo. Sử Trùng Minh tắt máy và nhìn tôi đang quỳ trên sàn. Âm thanh duy nhất trong phòng lúc này là tiếng lạch cạch của chiếc đồng hồ cổ lỗ trên lò sưởi.

“Đó có phải là thứ cô mong đợi không?”

Tôi lấy tay áo chùi mắt trước khi trả lời. “Đúng vậy. Con bé vẫn còn sống. Quyển sách đã nói thế. Những đứa trẻ đều còn sống khi chúng bị lôi ra ngoài.”

“Đúng, đúng vậy, con bé còn sống.” Sử Trùng Minh nói giọng ngàn ngạt.

“Suốt bao nhiêu năm...” tôi lại phải đưa tay chùi mắt. “Suốt bao nhiêu năm qua tôi đã nghĩ mình tưởng tượng ra cái chi tiết đó. Ai cũng bảo là tôi bị điên, rằng tôi đã bịa đặt và không đứa trẻ nào có thể sống sót sau chuyện đó.” Tôi thò tay vào túi lấy ra một chiếc khăn tay, vo nó lại và chấm vào mắt. “Giờ thì tôi biết là tôi đã không hề tưởng tượng ra nó. Đó là tất cả những gì tôi muốn biết.”

Tôi nghe thấy tiếng ông ngồi vào bàn. Khi tôi ngẩng đầu lên thì thấy ông đang nhìn ra ngoài cửa sổ. Bên ngoài, những bông tuyết dường như sáng lên do được chiếu sáng từ bên dưới. Trông chúng giống như những thiên thần nhỏ đang rơi xuống trái đất.

“Tôi không bao giờ biết con bé đã sống sót được bao lâu,” ông nói. “Mong là không lâu.” Ông lấy tay dụi trán, so vai và nhìn quanh căn phòng một cách trống rỗng như đang cố tìm kiếm một điểm tựa an toàn để dừng mắt. “Tôi nghe nói rằng sau chuyện đó Fuyuki trở nên khỏe hơn. Người ta nói rằng hắn đã giết con gái tôi và ngay sau đó những triệu chứng của hắn đột nhiên biến mất. Đó là kết quả của một loại thuốc trấn an, một kiểu liệu pháp tinh thần, một sự trùng hợp hoàn toàn ngẫu nhiên. Cuối cùng thì hắn cũng khỏi bệnh sốt rét và theo năm tháng thì những cơn tái phát cũng yếu dần cho dù hắn có hay không...”

Ánh mắt ông chợt dừng lại khi bắt gặp mắt tôi, hai chúng tôi nhìn nhau một lúc lâu không nói gì. Vào chính lúc đó, ở ngay chỗ đó, khi tôi đang quỳ trên sàn nhà trong phòng làm việc của Sử Trùng Minh, có một cái gì đó thật khủng khiếp mà tôi không thể trốn chạy hay né tránh trỗi dậy trong lòng tôi: khi tôi hiểu ra rằng tôi sẽ không bao giờ có thể thực sự trốn chạy. Dù còn sống hay đã chết, những đứa con của chúng ta sẽ mãi gắn bó với chúng ta. Giống như Sử Trùng Minh, tôi sẽ mãi mãi gắn kết với đứa con gái đã chết của mình. Sử Trùng Minh đã ngoài bảy mươi và tôi đang ở tuổi hai mươi. Con bé sẽ ở bên tôi mãi mãi.

Tôi đứng dậy, nhấc chiếc túi du lịch của mình lên. Tôi đặt nó lên bàn trước mặt ông, đặt tay lên trên, đầu cúi gằm. “Con gái bé bỏng của tôi cũng đã chết,” tôi nói khẽ. “Đó là lý do tôi có mặt ở đây. Ông có biết không?”

Sử Trùng Minh từ từ rời mắt khỏi chiếc túi xách và ngước lên nhìn tôi. “Tôi chưa bao giờ đoán ra lý do tại sao cô tới tìm tôi.”

“Bởi vì chính tôi đã gây ra điều đó, ông thấy đấy, chính là tôi.” Tôi lấy cùi tay gạt nước mắt. “Chính tôi đã giết con bé, con gái bé bỏng của tôi, bằng một con dao.”

Sử Trùng Minh không nói gì. Mắt ông đầy vẻ bối rối.

Tôi gật đầu. “Tôi biết. Điều đó thật khủng khiếp và tôi không có lý do gì để mà... để mà kêu khóc vì chuyện đó. Tôi biết. Nhưng tôi không định... không định giết con bé. Tôi nghĩ là con bé sẽ sống. Tôi có đọc về những đứa bé ở Nam Kinh trong một quyển sách màu da cam và tôi, tôi không biết tại sao nhưng tôi nghĩ rằng có thể con tôi cũng sẽ sống sót nên tôi đã...” Tôi gieo mình xuống ghế và nhìn chằm chằm vào đôi bàn tay run rẩy của mình. “Tôi nghĩ con bé sẽ bình an và người ta sẽ mang nó đi thật xa, giấu nó ở một nơi nào đó, một nơi mà… bố mẹ tôi sẽ không thể tìm thấy nó.”

Sử Trùng Minh đi vòng qua chiếc bàn và đặt tay lên lưng tôi. Một lúc lâu sau, ông thở dài và lên tiếng: “Cô biết không? Tôi cho rằng bản thân mình là một người đã trải qua nhiều chuyện buồn, nhưng tôi... tôi thật không biết nói thế nào về chuyện của cô. Không một lời nào.”

“Xin đừng áy náy. Ông là một người rất tử tế, tử tế vì đã luôn bảo tôi rằng sự thiếu hiểu biết không giống như tội ác nhưng tôi biết...” Tôi quệt nước mắt và cố mỉm cười với ông. “Tôi biết. Ông sẽ không bao giờ có thể thật lòng tha thứ cho một người như tôi.”


Về Đầu Trang Go down
https://nhanbkvn-2022.forumvi.com
Admin
Admin
Admin


Tổng số bài gửi : 17784
Points : 24761
Reputation : 0
Join date : 16/10/2016

Ác Quỷ Nam Kinh - Mo Hayder - Page 3 Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Ác Quỷ Nam Kinh - Mo Hayder   Ác Quỷ Nam Kinh - Mo Hayder - Page 3 Icon_minitimeSun Feb 03, 2019 9:20 pm


Chương 63

Làm sao chúng ta có thể xác định được uy lực của tinh thần đối với thể xác? Fuyuki sẽ không bao giờ tin rằng cái xác ướp nhỏ bé của con gái Sử Trùng Minh không hề chứa đựng bí mật của sự bất tử. Rằng thứ thần dược mà hắn ta đã cẩn thận gìn giữ, bảo vệ và sử dụng suốt bao nhiêu năm qua thực chất chỉ là một loại thuốc trấn an, rằng điều thực sự giúp hắn sống sót chính là niềm tin mãnh liệt của hắn. Những người bên cạnh hắn cũng đã nghĩ như hắn. Khi hắn chết trong khi ngủ, chỉ hai tuần sau khi thi thể con gái của Sử Trùng Minh bị đánh cắp thì tất cả bọn họ đều nhất mực tin rằng đó là do hắn bị mất thuốc quý. Nhưng những người khác, những người theo chủ nghĩa hoài nghi thì lại băn khoăn về vai trò của một nhóm công tác đặc biệt của Bộ Tư pháp Mỹ trong vụ này.

Đó là một nhóm công tác đặc biệt, có tâm huyết, chuyên điều tra về tội phạm chiến tranh. Những thành viên trong nhóm này rất vui lòng được tiếp xúc với giáo sư Sử Trùng Minh của trường đại học Giang Tô và giờ là của Todai. Giờ đây, khi đã mang được thi thể của con gái về nơi an toàn, Sử Trùng Minh bắt đầu công khai mọi chuyện giống như một con sò mở miệng trong nước ấm. Suốt năm mươi ba năm qua ông bền bỉ theo đuổi mục tiêu này, làm mọi cách để được sang Nhật, đấu tranh không nản chí với sự quan liêu của giới chức trách bên Bộ Quốc phòng, nhưng giờ đây ông đã có mọi thứ cần thiết: những ghi chép của ông, hai chiếc thẻ quân nhân trên có ghi rõ tên tuổi và đơn vị của Fuyuki, tư liệu về lộ trình của các đơn vị Quân đội Thiên hoàng tại Trung Quốc vào năm 1937 và những bức ảnh của trung úy Fuyuki. Tất cả được đóng gói và gửi tới một địa chỉ trên đại lộ Pennsylvania ở Washington. Không bao lâu sau thì một cuộn phim đen trắng 16 li cũng vượt Thái Bình Dương để tới địa chỉ trên giúp cho đội công tác đặc biệt nhận diện Fuyuki một cách chính xác.

Cũng có một số lời xì xào về việc dường như có một đoạn trong cuộn phim đã bị cắt và các dấu vết để lại cho thấy việc biên tập này chỉ được tiến hành mới đây. Đó chính là ý của tôi khi quyết định cắt đi một số cảnh trong cuộn phim lúc Sử Trùng Minh trao đứa con của mình cho Fuyuki. Tự tôi đã cắt dán chúng một cách thủ công bằng kéo và băng dính trong một phòng khách sạn ở Nam Kinh. Tôi đã quyết định thay ông, bắt ông phải nghe theo. Tôi cho rằng ông không cần phải hy sinh bản thân mình vì chuyện này. Chỉ đơn giản vậy thôi.

Tôi cũng không sao lại bộ phim trước khi bọc nó vào trong lớp gói bằng nylon mềm và cẩn thận ghi địa chỉ nơi đến bằng bút dạ màu đen. Tiến sĩ Michael Burana, Phòng Điều tra Tội phạm Chiến tranh, Bộ Tư pháp. Tôi có thể gửi một bản cho các vị bác sĩ ở Anh, và có lẽ cho cả bà y tá thường mò tới bên giường tôi trong bóng tối. Và một bản khác kèm theo một bông hoa khô ép bên trong cho cô gái hay đùa ở giường bên cạnh. Nhưng tôi thấy không cần thiết bởi vì có cái gì đó đã xảy ra. Tôi đã già dặn hơn, tôi đã biết nhiều điều hơn. Nhiều tới mức đôi khi tôi cảm thấy nặng nề. Tôi đã biết thế nào là hậu quả của sự thiếu hiểu biết và thế nào là hậu quả của sự điên rồ. Tôi không còn cảm thấy cần thiết phải chứng minh điều đó cho bất cứ ai. Ngay cả với bản thân mình.

“Mọi chuyện giờ đã kết thúc.” Sử Trùng Minh nói. “Và thực tình tôi thấy vợ tôi có lẽ đúng khi nói rằng thời gian luân hồi vì chúng ta đã quay trở lại đây. Chúng ta đã đi bằng ấy đoạn đường để quay trở lại nơi bắt đầu.”

Đó là một buổi sáng tháng Mười hai trời xanh và thoáng đãng, mặt trời hắt lên tuyết những tia nắng sáng lóa, hai chúng tôi đang đứng trong rừng cây trên núi Tử Kim nhìn xuống Nam Kinh. Dưới chân chúng tôi là một cái huyệt nhỏ, mới đào, còn trên tay Sử Trùng Minh là thi hài của con gái ông, bọc trong vải mềm. Sử Trùng Minh không mất nhiều thời gian để tìm ra chỗ này, nơi ông đã trao con gái của mình cho Fuyuki. Ở hai bên sườn núi, nhiều thứ đã thay đổi sau năm mươi ba năm: những toa xe điện đèn đỏ giờ chạy xuyên qua rừng, đưa du khách lên thăm lăng Trung Sơn còn thành phố bên dưới giờ đã trở thành một đô thị của thế kỷ XX, to lớn lạ thường với những tòa nhà chọc trời và những bảng hiệu điện tử nhấp nháy. Nhưng cũng có những thứ không hề đổi thay khiến Sử Trùng Minh đứng lặng người đi khi nhìn chúng: đó là ánh mặt trời lấp lánh trên chiếc la bàn đo phương vị bằng đồng; những cành thông màu đen nặng trĩu tuyết, bình thản quan sát đám cây non lớn lên và nẩy hạt trên những dốc núi, chết đi rồi đâm chồi, chết đi rồi lại đâm chồi.

Chúng tôi đã quấn thi hài của đứa bé vào trong một tấm vải trắng và buộc lên đó một cành hoa nhài mùa đông. Tôi mua được trong một cửa hàng có tên là Thềm Mưa Hoa một chiếc áo dài truyền thống màu trắng để mặc trong lễ tang theo đúng phong tục cổ truyền. Đây là lần đầu tiên trong đời tôi mặc màu trắng và tôi nghĩ rằng nó rất hợp với mình. Sử Trùng Minh mặc một bộ đồ vét, tay đeo một mảnh băng tang màu đen. Ông nói rằng ở Trung Quốc, cha mẹ không được tới tang lễ của con cái. Khi bước xuống huyệt và đặt con bé vào đó, ông nói rằng ông không nên có mặt ở đây và nhất là không nên đứng trong huyệt mộ. Hẳn ông đã làm theo phong tục khi đứng về phía bên trái của nấm mộ và nhìn đi nơi khác. “Nhưng mà,” ông nói khẽ khi bắt đầu rắc đất vào trong huyệt, “còn có gì để mà nên với không nên nữa?”

Tôi chỉ im lặng. Một con chuồn chuồn đang quan sát chúng tôi. Tôi cảm thấy thật lạ lùng rằng một con côn trùng nhỏ bé thường không thể sống sót nổi giữa mùa đông lạnh giá lại xuất hiện ở đây, đậu trên một cành cây gần nấm mộ xem chúng tôi chôn cất một đứa bé. Tôi nhìn nó chằm chằm cho đến khi Sử Trùng Minh khẽ chạm vào tay tôi, thì thầm cái gì đó và tôi quay lại nhìn nấm mộ. Ông đã thắp một nén hương và cắm xuống đất trong khi tôi vội làm dấu thánh theo kiểu Thiên Chúa giáo vì tôi chẳng biết phải làm thế nào nữa. Và rồi hai chúng tôi cùng bước ra khỏi rừng cây tới chỗ ôtô đỗ. Sau lưng chúng tôi, con chuồn chuồn đã rời cành và khói từ nén nhang trên mộ bay lên trên những ngọn cam tùng, nở bung ra như đóa hoa trên sườn núi rồi bay ngang qua những cây sung dâu trước khi trở về trời.

Sử Trùng Minh qua đời sáu tuần sau đó trong một bệnh viện trên đường Trung Sơn. Tôi đã ngồi bên giường bệnh của ông.

Trong những ngày cuối đời mình ông cứ hỏi đi hỏi lại tôi một câu: “Hãy nói cho tôi biết, theo cô thì con bé đã cảm thấy gì?” Tôi không biết trả lời ông thế nào. Tôi vẫn cho rằng trái tim của con người luôn hướng từ trong ra ngoài để thuộc về ai đó, vươn ra để chạm vào hơi ấm gần nhất thì chẳng có lý do gì mà trái tim của một đứa bé lại làm khác? Nhưng tôi đã không nói với Sử Trùng Minh điều đó vì tôi chắc rằng trong những giây phút đen tối nhất của đời mình ông hẳn đã tự vấn liệu cái con người duy nhất mà con gái ông đã vươn tay ra để chạm vào, cái người duy nhất mà con bé đã cảm thấy yêu thương có phải chính là Junzo Fuyuki.

Và nếu như mẹ đã không thể nào trả lời được câu hỏi của Sử Trùng Minh thì liệu mẹ có còn hy vọng gì để trả lời cho con, đứa con gái chưa được đặt tên của mẹ, ngoại trừ việc nói với con rằng mẹ đã hành động vì thiếu hiểu biết, rằng mẹ vẫn nghĩ tới con mỗi ngày dù cho mẹ sẽ không bao giờ biết được sẽ phải làm cách nào để tính ra tuổi đời của con, ra quãng thời gian mà con đã tồn tại trên đời? Có lẽ con còn chưa là một linh hồn, con còn chưa đi được tới đó. Có lẽ con mới chỉ là một cái bóng hay một tia sáng. Hay là một linh hồn mặt trăng bé bỏng.

Mẹ sẽ không bao giờ hết băn khoăn rằng con đang ở đâu, liệu con có xuất hiện trong một thế giới khác, và nếu như con đã làm được điều đó thì liệu con có được sống trong yên bình và tình yêu tại một đất nước xa xôi mà mẹ sẽ không bao giờ đặt chân tới. Nhưng mẹ dám chắc một điều: Mẹ chắc rằng nếu con có quay trở lại thì điều đầu tiên con sẽ làm là quay mặt về phía mặt trời. Bởi vì, đứa con thất lạc của mẹ, nếu con đã học được bất cứ điều gì thì con sẽ học được rằng trên thế giới này, không ai trong chúng ta có được nhiều thời gian.


Về Đầu Trang Go down
https://nhanbkvn-2022.forumvi.com
Admin
Admin
Admin


Tổng số bài gửi : 17784
Points : 24761
Reputation : 0
Join date : 16/10/2016

Ác Quỷ Nam Kinh - Mo Hayder - Page 3 Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Ác Quỷ Nam Kinh - Mo Hayder   Ác Quỷ Nam Kinh - Mo Hayder - Page 3 Icon_minitimeSun Feb 03, 2019 9:20 pm


Ghi chú của tác giả

Năm 1937, bốn năm trước khi nước Mỹ bị lôi kéo vào cuộc chiến ở Thái Bình Dương sau sự kiện Trân Châu Cảng bị tấn công thì quân đội Nhật đã tiến sâu vào lục địa Trung Quốc, đánh chiếm thủ đô Nam Kinh. Những gì xảy ra tiếp theo đã vượt quá cả những nỗi sợ hãi khủng khiếp nhất của người dân Trung Quốc khi quân xâm lược điên cuồng tiến hành các vụ tra tấn, cưỡng hiếp và giết người phanh thây trong suốt một tháng trời.

Điều gì đã khiến một đội quân vốn có kỷ luật sắt đá hành động như vậy vẫn là đề tài của những cuộc tranh luận không dứt (để hiểu thêm về tâm lý của lính Nhật trong thời kỳ này, xin mời tham khảo tác phẩm kinh điển của Ruth Benedict với tựa đề The Chrysanthemum and the Sword). Nhưng có lẽ vấn đề gây nhiều tranh cãi nhất là con số thương vong thật sự trong cuộc chiến này. Một số người Trung Quốc cho rằng có tới bốn trăm nghìn người đã chết trong mùa đông năm đó trong khi một số người Nhật thì khẳng định chỉ có vài nạn nhân mà thôi. Lịch sử, như chúng ta vẫn thường được nhắc nhở, luôn được viết bởi kẻ thắng trận, nhưng nó sẽ được viết lại bởi nhiều đảng phái khác, những người xét lại, các nhà chính trị, những viện sĩ hám danh và thậm chí ở một mức độ nào đó là những người Mỹ muốn tìm cách xoa dịu Nhật Bản khi nhận ra vị trí địa lý chiến lược của nước này trong cuộc đấu tranh chống lại chủ nghĩa cộng sản. Lịch sử có thể thay đổi như một con tắc kè hoa, phản ánh những câu trả lời mà người ta muốn và khi mà các bên liên quan luôn đưa ra những kết luận khác nhau thì có rất ít hy vọng đạt được một sự nhất trí trong cộng đồng quốc tế về con số thương vong thực sự trong cuộc chiến này.

Tại một nấm mồ tập thể tại đài tưởng niệm Giang Đông Môn, du khách tới Nam Ninh (tên gọi hiện nay của Nam Kinh) có thể tận mắt nhìn thấy hài cốt của những người dân bị giết trong cuộc xâm lược năm 1937 chất thành đống. Khi nhìn đống xương đó và cố gắng hình dung ra quy mô và mức độ thực sự của cuộc thảm sát, tôi chợt nhận ra rằng, dù con số tử vong thực sự là bao nhiêu, ít hay nhiều, bốn trăm nghìn hay chỉ mười mạng người, thì mỗi người trong số những công dân không tên tuổi và đã bị quên lãng ấy xứng đáng được chúng ta nhìn nhận như những chứng nhân của một tấm thảm kịch lớn trên sinh mạng nhỏ bé của con người.

Chúng ta chỉ có những bằng chứng rời rạc về cuộc thảm sát; những lời kể của các nạn nhân, các bức ảnh, một đoạn phim 16 li ngắn và mờ do Đức cha John Magee ghi lại. Đoạn phim của Sử Trùng Minh là hư cấu nhưng rất có thể còn có nhiều đoạn phim tương tự chưa được công bố do sợ bị trả thù bởi những người Nhật không thừa nhận cuộc thảm sát đã xảy ra; chắc chắn có một phiên bản đoạn phim của Magee được một người dân thường mang về Nhật với ý định phát hành rộng rãi đã nhanh chóng biến mất một cách bí mật. Với những bằng chứng rời rạc và mang tính giai thoại này, thật không dễ để xây dựng một câu chuyện hư cấu về cuộc thảm sát, khuấy động lên một cuộc tranh cãi giữa những người duy cảm và những người theo chủ nghĩa tiêu cực. Để viết được câu chuyện này tôi đã phải dựa rất nhiều vào các công trình nghiên cứu của hai tác giả: Iris Chang, tác giả cuốn The Rape of Nanking (Vụ cưỡng hiếp Nam Kinh), cuốn sách được coi là tiếng chuông đầu tiên nhằm đánh thức dư luận rộng rãi về vụ thảm sát ở Nam Kinh; tác giả thứ hai và có lẽ quan trọng hơn là Katsuichi Honda.

Honda, một nhà báo người Nhật hoạt động không mệt mỏi từ năm 1971 để đưa sự thật về cuộc thảm sát Nam Kinh ra ánh sáng. Bất chấp thực tế về một làn sóng thay đổi trong cái nhìn của người Nhật hiện nay đối với quá khứ, cuộc xâm lược Nam Kinh mới chỉ được đưa vào sách giáo khoa một cách thận trọng và những người chứng kiến sự kiện này hẳn không thể nào quên được gương mặt sững sờ và đầm đìa nước mắt của các bậc phụ huynh khi được các con mình kể cho nghe sự thật. Tuy nhiên, Honda Katsuichi vẫn phải sống mai danh ẩn tích do sợ các cuộc tấn công trả thù của những người theo cánh hữu. Trong cuốn sách tập hợp lời khai của các nhân chứng trong vụ thảm sát có tên là Vụ thảm sát Nam Kinh của Honda xuất bản năm 1999 có rất nhiều lời chứng về những núi thi thể xung quanh khu vực núi Tử Kim, về những cột người sống do cố trèo lên nhau để thở và nhất là lời khai của một người tận mắt nhìn thấy cảnh một đứa trẻ chưa tới ngày sinh bị một sĩ quan Nhật cắt ra khỏi bụng mẹ.

Bên cạnh các cuốn sách của Honda, tôi còn tham khảo công trình nghiên cứu của các vị sau: John Blake và Annie Blunt của tổ chức Bright Future Mental Health, Jim Breen ở đại học Monash (cơ sở dữ liệu tuyệt vời về chữ kanji của ông có thể tìm thấy ở địa chỉ csse.monash.edu.au); Nick Burton; John Dower (tác giả cuốn Embracing Defeat); George Forty (tác giả cuốn Japanese Army Handbook); Hiro Hitomi; Hiroaki Kobaya Kobayashi; Alistair Morrisons; Chigusa Ogino; Anna Valdinger; và tất cả những người làm việc tại Hội đồng Anh ở Tokyo. Bất kỳ sai sót nào còn lại đều do lỗi của cá nhân tôi.

Xin cảm ơn thành phố Tokyo đã cho phép tôi thay đổi một chút bản đồ địa lý có một không hai của mình, cảm ơn Selina Walker và Broo Doherty vì niềm tin và nghị lực của họ. Tôi cũng xin gửi lời cảm ơn chân thành tới Linda và Laura Downing; Jane Gregory: Patrick Janson-Smith; Margaret O.W.O. Murphy; Lisanne Radice; Gilly Vaulkhard. Xin gửi một nụ cười tươi tới Mairi, người vĩ đại. Và hơn tất cả, xin gửi lời cảm ơn tới Keith và Lotte Quinn, những người bạn trung thành của tôi.

[1] Nhân vật phù thủy rất quen thuộc trong văn học dân gian Nga.

[2] Một con quái vật đột biến gen trong bộ phim cùng tên của đạo diễn Roland Emmerich.

[3] Tác giả muốn ám chỉ những cơn gió thổi từ Niigata, khu vực có nhiều lò phản ứng hạt nhân, nằm ở phía Tây Bắc Tokyo.


Về Đầu Trang Go down
https://nhanbkvn-2022.forumvi.com
Sponsored content





Ác Quỷ Nam Kinh - Mo Hayder - Page 3 Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Ác Quỷ Nam Kinh - Mo Hayder   Ác Quỷ Nam Kinh - Mo Hayder - Page 3 Icon_minitime

Về Đầu Trang Go down
 
Ác Quỷ Nam Kinh - Mo Hayder
Về Đầu Trang 
Trang 3 trong tổng số 3 trangChuyển đến trang : Previous  1, 2, 3

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
Nhanbkvn 2024 :: THƯ VIỆN SÁCH TRUYỆN :: Truyện Trinh Thám-
Chuyển đến