Nhanbkvn 2024
Chào Mừng Các Bạn Tham Gia Và Chia Sẽ Tại Diễn Đàn Nhanbkvn
Nhanbkvn 2024
Chào Mừng Các Bạn Tham Gia Và Chia Sẽ Tại Diễn Đàn Nhanbkvn
Nhanbkvn 2024
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

Nhanbkvn 2024

Chia Sẽ Không Giới Hạn
 
Trang ChínhTrang Chính  Sự kiệnSự kiện  Latest imagesLatest images  PublicationsPublications  Tìm kiếmTìm kiếm  Đăng kýĐăng ký  Đăng NhậpĐăng Nhập  

 

  Tương Tư - Loại Hoa Tím

Go down 
Tác giảThông điệp
Admin
Admin
Admin


Tổng số bài gửi : 17784
Points : 24761
Reputation : 0
Join date : 16/10/2016

 Tương Tư - Loại Hoa Tím Empty
Bài gửiTiêu đề: Tương Tư - Loại Hoa Tím    Tương Tư - Loại Hoa Tím Icon_minitimeSat Jun 10, 2017 3:58 am

 Tương Tư - Loại Hoa Tím Tuong_11

Chương 1

Trúc miên man chợp mắt trong từng cơn gió lồng lộng mang theo hơi nắng gay gay của một buổi chiều tháng hạ. Tiếng gió ào ạt lướt qua từ những nóc phố cao, lùa vào cửa sổ. Hòa lẫn với tiếng gió có tiếng nhạc trầm bổng thoát ra từ chiếc radio. Trong điệu nhạc guitar độc tấu tiêu điều, dường như có tiếng suối reo, tiếng nước chảy, và tiếng chim hót líu lo ở một cánh rừng lá gió xào xạc nào đó.

Trong giấc ngủ êm đềm, Trúc mơ thấy mình đi đến một cánh rừng có nhiều hoa thơm cỏ lạ với những bước đi nhẹ nhàng như mây khói. Rồi Trúc dừng lại, hình như ở một ngọn đồi hay một chóp núi gì đó. Trúc chỉ có ý thức là mình đang ở trên một đỉnh cao, cao tuyệt vời và xa biệt trần thế, xa biệt cả căn gác hoang vu như kim tự tháp của nàng. Trúc ý thức xung quanh nàng toàn là suối, là đá và hàng hàng lớp lớp một loài cây tương tư (1). Dưới mắt Trúc là trần gian (nàng ý thức như thế) và trần gian hoàn toàn là những vực thẳm nghìn trùng. Nhìn xuống những vực sâu ấy, Trúc rảo mắt kiếm tìm. Nàng mơ hồ trông thấy có bóng thành phố Sàigòn và Chợ Lớn với những con đường nằm dưới hai hàng me già râm bóng trên mặt đường phủ lác đác những lá xanh, lá úa loáng thoáng sắc màu tuyệt diễm và có bóng một người con trai quay lưng về phía Trúc đang lang thang dưới đó.

Bỗng, có tiếng gọi Trúc từ đâu vọng lại, tiếng gọi mỗi lúc một rõ, và cuối cùng, nàng mở bừng mắt. Ánh nắng chiều chói chang tỏa sức nóng gay gắt lên vùng ánh sáng nơi Trúc đang nằm. Trúc đưa tay dụi mắt. Việc đầu tiên của nàng là hồi tưởng giấc mơ kỳ quái vừa rồi. Cánh rừng, tiếng nhạc, vực thẳm, và một người con trai… lạ ! Một giấc mơ chưa từng có trong đời Trúc.

- Thư Trúc ! Thư Trúc !

Có tiếng gọi và tiếng gõ cửa dưới nhà, tiếng gọi tên Trúc giống như tiếng gọi trong mơ. Bất chợt, Trúc rùng mình một cái và cảm thấy hơi sợ. Tuy nhiên, Trúc biết rõ là hiện nàng đang tỉnh. Dù sao, nàng bắt buộc phải đáp trả lời một tiếng gọi khi biết rằng mình đang ở trong thế giới người tỉnh, mặc tiếng gọi xuất phát từ một thế giới nào.

Trúc vội sửa lại nếp áo và mái tóc rồi đi nhanh xuống thang gác. Lúc mở cửa, thấy giáo sư Thế bạn đồng nghiệp dạy chung trường với cha Trúc đang chờ với một người đàn ông trẻ khác. Bấy giờ, Trúc mới hoàn toàn “tỉnh” hẳn.

- A ! Chào bác ạ !

Trúc mở lời chào giáo sư Thế và gật đầu chào người đàn ông xong, lách người nhường cho cả hai đi vào trong nhà. Giáo sư Thế nói :

- Lúc đầu, bác ngỡ nhà đi vắng cả, sau nghe thấy có tiếng nhạc bác mới gọi cửa.

- Dạ thưa, xin lỗi bác ạ ! Vì cháu ở trên gác nên làm bác phải chờ lâu.

Trúc nói xong xin phép vào trong rót nước. Vào đến nhà bếp, Trúc mới chợt nhớ là vào giờ này, nhà không có nước trà nóng. Lâu nay, khách của giáo sư Chi không đến vào chiều thứ bảy nên Trúc đợi đến lúc làm cơm mới đun nước pha trà.

Trúc bưng hai ly nước lọc ra phòng khách, nàng định giải thích với giáo sư Thế về việc mời ông uống nước lọc nhưng lại thôi, nàng nghĩ tại sao lại phải chú trọng đến những chi tiết nhỏ nhặt ấy nhỉ ? Nếu là cha Trúc, ông sẽ áy náy giải thích ngay, vì ông luôn luôn uống trà nóng. Bạn bè của ông ai cũng biết ông là tay uống trà sành điệu, mỗi khi đi đâu về, nhà hết nước nóng là ông phải tự tay đun lấy để pha trà. Trúc cảm thấy ông có cái thói quen này thật là phiền phức. Nhưng ông lại cho đó là một cái thú tuyệt nhất.

- Cha cháu đi khỏi hở Trúc ?

Giáo sư Thế hỏi.

- Vâng ạ.

- Nhứt định là đi đánh cờ đấy thôi !

- Thưa đúng đấy ạ ! Cha cháu đến đằng bác Hiền để đánh cờ.

- Chắc cháu đánh cờ tướng cũng giỏi lắm ?

Trúc cúi đầu, cười đáp :

- Dạ cháu đánh cờ tệ lắm, thưa bác !

Giáo sư Thế cười, nâng ly nước trên tay :

- Mời cháu !

Rồi ông quay sang mời người đàn ông trẻ nọ, người này cùng bưng ly nước lên nói :

- Xin phép giáo sư.

Rồi quay sang Trúc, người đàn ông trẻ nói :

- Mời cô dùng nước.

Người thanh niên nói bằng tiếng Việt, làm Trúc ngạc nhiên đến quên cả đáp lại lời mời của ông ta.

Giáo sư Thế vừa bưng ly nước lên môi, chưa kịp uống vội nói :

- Ấy chết ! Bác quên giới thiệu với cháu, đây là ông Lê Thanh Bình.

Rồi ông quay sang người thanh niên nọ :

- Và đây là cô Lâm Thư Trúc, ái nữ của giáo sư Lâm Ẩn Chi.

Người thanh niên lịch sự nghiêng người. Giáo sư Thế nói tiếp với Trúc :

- Ông Bình đây là người Việt, một người bạn giới thiệu ông ấy đến bác để học chữ Trung Hoa, nhưng bác thì chuyên dạy về môn toán nên bác dẫn ông ấy đến đây giới thiệu với cha cháu.

Trúc mỉm cười, gật đầu, tỏ vẻ đã hiểu và nhìn phớt qua người thanh niên. Thảo nào, lúc mới trông thấy ông ta, Trúc đã có cái cảm giác là lạ, vì những cử chỉ của ông ta không có vẻ giống một người Trung Hoa, song cũng không xác định được một sự dị biệt hiển nhiên nào. Một cái nhìn rất khái quát đủ để Trúc có một nhận xét tạm thời về Bình. Dáng người hơi cao, nhưng không gầy, nước da ngâm ngâm đen, nét mặt Bình thoáng nhìn trông có vẻ suy tư, nhưng với đôi mắt hơi nhỏ qua làn kính không quá 5 độ lại biểu hiện những nét uy nghiêm và “có thần”.

Trong lúc chờ đợi, giáo sư Thế nói qua loa với Trúc về những học vụ của ông và cha nàng ở trường.

Bình, trong một tư thế điềm nhiên, vẫn im lặng lắng nghe từ đầu đến cuối, mặc dù nghe thì nghe chứ anh chẳng hiểu gì cả. Tuy nhiên, anh cũng không cảm thấy khó chịu vì chẳng ai nói chuyện với mình. Thực ra thì cả giáo sư Thế và Trúc đều chỉ mới gặp anh lần đầu.

Đợi mãi đến 5 giờ chiều giáo sư Chi vẫn chưa về, giáo sư Thế cáo từ trước, vì ông có hẹn, ông bảo Bình ở lại chờ, Bình tỏ vẻ ái ngại đứng lên thì giáo sư Thế nói :

- Ông Bình đừng ngại gì cả, cứ ở nán lại mà chờ nhất định là ông Chi sắp về đến đấy, tôi rất tiếc là vì có hẹn nên không thể ở lại cùng chờ với ông. Xin ông cảm phiền nhé !

- Dạ thưa không có chi, xin cảm ơn sự giúp đỡ của giáo sư nhiều lắm ạ !

Giáo sư Thế đi rồi, Trúc và Bình trở vào phòng khách ngồi đối diện với nhau. Trúc cảm thấy hơi ái ngại vì sự đơn độc đối diện với một người lạ. Trúc lo Bình sẽ gợi chuyện với nàng để phá tan bầu không khí im lặng thì nguy. Vì Trúc chưa nói chuyện “tay đôi” với con trai bao giờ. Hơn nữa, Bình lại là một người không đồng ngôn ngữ.

Riêng Bình, anh cũng cảm thấy bầu không khí không được tự nhiên cho lắm, song anh không dám nói gì vì anh biết người Trung Hoa, nhất là thiếu nữ Trung Hoa không thích nói nhiều trước một người lạ mặt. Sở dĩ Bình biết được điều này là vì anh có dạy Việt Văn ở một trường Việt Hoa và các cô bạn đồng nghiệp người Trung Hoa đã cho anh kinh nghiệm ấy. Lúc đầu, Bình ngỡ là họ tự kiêu, về sau anh mới vỡ lẽ đó là một tập quán trong sự giao thiệp của người Trung Hoa. Gần đây, Bình lại học được một câu thành ngữ Trung Hoa “Phùng nhân chỉ thuyết tam phân thoại”. Câu thành ngữ này đã dựng lên tập quán ít nói của người Trung Hoa. Bình nghĩ, ít nói hay là không nói cũng chẳng khác nhau bao xa, và dù có muốn nói ít câu cho phù hợp phép xã giao, anh cũng không biết nên nói như thế nào, vì trông cái vẻ cô chủ nhà này hình như không thích nói chuyện. Vì vậy nên trong khi ngồi chờ, Bình im lặng nhìn bâng quơ ra cửa sổ.

Trúc có một thói quen rất là trẻ con : khi lo ngại điều gì, nàng thường đưa ngón tay lên miệng cắn một cách vô ý thức. Lúc Trúc phát giác ra là mình đang cắn ngón tay trước một kẻ khác phái, lạ mặt, nàng hốt hoảng buông vội tay xuống và len lén nhìn sang Bình xem có bị anh bắt gặp không. Trúc yên tâm ngay, vì ánh mắt Bình đang hướng về những nhánh vạn niên thanh trồng bên ngoài cửa sổ. Sắc mặt Bình điềm nhiên cố hữu. Nhất là lúc anh chàng trầm mặc, sự điềm nhiên ấy càng làm nổi bật một vẻ gì đôn hậu, nhu hòa, hay là một nét buồn phảng phất vương mang chút rắn rỏi.

Danh ngôn tây phương có câu “Trầm mặc là cao cả”, dường như Trúc vừa phát giác ra cái gì cao cả ở Bình, cùng một lúc, nàng lại cảm thấy có cái gì thất thường ở con người này. Tại sao anh chàng lại có thể mặc nhiên đi thưởng thức cái đẹp vô tri của những nhánh vạn niên thanh trước sự hiện diện của một người con gái ? Ngớ ngẩn ! Đối với anh con trai này, Trúc chữa sai câu nói của người tây phương “trầm mặc là ngớ ngẩn”.

Ngắm chán những nhánh vạn niên thanh, Bình quay vào lật xem những quyển điện ảnh Hồng Kông để ở gần đấy, vẫn với vẻ điềm nhiên như không có Trúc ở trước mặt. Chẳng hiểu sao, Trúc thấy cái con người này thật là… ngạo nghễ đến dễ ghét. Trúc chỉ thấy ghét sự trầm mặc ngạo nghễ của Bình, nhưng lại không mảy may nhận thấy được sự mâu thuẫn rõ rệt ở chính mình. Lúc nãy, cứ sợ người ta gợi chuyện, bây giờ thì lại thấy ghét cái thái độ im lặng của người ta. Theo Trúc, nàng xét đoán rằng tại vì Bình kiêu ngạo nên chẳng thèm nói chuyện với mình. Ít ra, anh chàng cũng nên hỏi một câu xã giao, chẳng hạn : “Thưa cô, sách này có phải từ Hồng Kông sang không ạ ?”. Chứ người đâu mà lại kiêu căng đến thế ? Nghĩ thế nên Trúc nghe tức tức trong bụng. Dù không biết đích thực có phải Bình trầm mặc vì kiêu căng không, Trúc cũng cứ tức, và cứ kiêu căng lại bằng cách chả thèm chú ý đến Bình nữa.

Trúc cố bắt buộc đầu óc mình nghĩ ngợi để khỏi bực dọc về Bình. Bỗng, nàng sực nhớ đến cây tương tư trong giấc mộng. Thực ra, trên thực tế, Trúc chưa hề trông thấy loại cây này lần nào. Nhưng trong giấc mơ, nàng lại ý thức rất rõ rệt về tên và hình dáng của loài cây ấy. Bất giác, Trúc nghĩ đến bài thơ “Tương tư” của Vương Duy trong “Đường thi tam bách thủ” :

“Hồng đậu sinh Nam quốc
Xuân lai phát kỷ chi
Khuyến quân đa thải kiệt
Thử vật tối tương tư”.

Tạm dịch :

“Đậu đỏ mọc đất Nam
Xuân sang mầm nẩy lộc
Xin người hái để dành
Nhớ nhau trông kỷ vật”.

Người xưa dùng hai chữ tương tư một cách rất hàm súc. Thi sĩ Đỗ Phủ thời Đường, lúc đi thăm bạn không được gặp mặt vì bạn đi vắng, trên đường về ông đã ngâm “Hồng đậu từ” để tỏ lòng tưởng nhớ bạn của ông. Ngày nay, thiên hạ lạm dụng hai chữ tương tư một cách thái quá, đến nỗi nhiều người nghe nói đến tương tư thì chỉ nghĩ ngay đến việc tình tự giữa nam nữ, làm cho định nghĩa của danh từ này không còn thuần túy và trong sáng như ý của tác giả “Tương tư” nữa.

Sáu giờ kém năm phút thì giáo sư Chi về tới, ông bước vào nhà gật đầu chào Bình rồi đi thẳng luôn vô trong. Trúc vội vã kêu :

- Cha ! Cha ! Ông khách này đến tìm cha đấy !

- Thế à ? Cha tưởng ông ấy là bạn của con đấy chứ ?

Rồi quay sang Bình, ông nói :

- Xin lỗi cậu nhé ! Cậu cho biết quý danh.

Giáo sư Chi nói bằng tiếng Quảng Đông làm Bình ngơ ngẩn. Thư Trúc vội giải thích :

- Ông ấy là người Việt, thưa cha !

- Ơ hay ! Cái con bé này, việc gì cũng chẳng chịu cho cha biết trước cả.

Trúc cúi đầu im lặng lui xuống bếp để làm cơm, nàng cảm thấy ngạc nhiên về sự ngớ ngẩn của mình. “Quái ! Hôm nay mình làm sao thế này ?”. Trúc tự nhủ và tự lắc đầu, không thể giải thích.

Buổi tối, lúc dùng cơm, giáo sư Chi bảo cho Trúc biết, Bình là một sinh viên Văn Khoa, hiện Bình vừa học vừa dạy thêm ở các trường tư. Bình học thêm chữ Trung Hoa là để trau dồi về môn mà anh đang học. Vì không có thì giờ nên Bình chỉ nhờ ông dạy vào chiều thứ bảy và chủ nhật mỗi tuần.

Trúc nghe xong hỏi cha :

- Thế cha có nhận dạy cho ông ấy không ?

- Có, bắt đầu từ ngày mai, cậu ấy sẽ đến để học.

- Thế… chiều thứ bảy cha còn thì giờ đâu để đi đánh cờ nữa nhỉ ?

Giáo sư Chi trầm ngâm :

- Thì cha… bỏ hẳn, không đánh cờ nữa.

Trúc im lặng, nàng có vẻ không tin. Cái nhà ông Bình ấy có… mãnh lực gì làm cho cha nàng bỏ hẳn đánh cờ để dạy ông ta ? Nếu bảo là ông ấy trả học phí cao ư ? Đối với một người cương trực như cha nàng, cái giả thuyết ấy không thể đứng vững, đánh cờ là thú tiêu khiển duy nhất của ông cơ mà ? Trúc càng nghĩ càng thắc mắc, nên hỏi cha :

- Thế cha thu ông ấy bao nhiêu học phí mỗi tháng hở cha ?

- Không, cha chẳng thu đồng nào cả !

Trúc ngẩng đầu nhìn cha, nỗi nghi hoặc càng lúc càng gia tăng trong lòng nàng. Hình như giáo sư Chi đã đọc được ý nghĩ của Trúc qua ánh mắt nàng nên ông chậm rãi nói tiếp :

- Coi như là, cha với ông ấy dạy lẫn nhau và cùng nhau học tập, thế thôi !

- Trời ơi ! Cha mà cũng còn học tập nữa cơ à ?

- Chứ sao lại không ? “Học vô chỉ cảnh” mà lại ! Vả, cha với cậu ấy cùng làm nghề giáo, âu cũng là ngẫu phùng tri kỷ.

Giáo sư Chi nói và nghĩ lan man đến cuộc đàm thoại giữa ông và Bình. Người thanh niên Việt này gợi cho ông nhớ lại thời niên thiếu đã qua. Thuở ông còn bằng tuổi Bình, thanh niên Trung Hoa cũng nho nhã, khiêm tốn và tất cung tất kính như Bình vậy, đó mới là cái phong độ truyền thống của người dân Trung Hoa. Sau thế chiến, tất cả các việc đã dần dà phôi phai theo làn sóng cách mạng. Thanh niên và giới trí thức đua nhau xả thân cung phụng cho các triều lưu văn minh, phóng túng. Thế là dân tộc Trung Hoa từ xã hội, văn hóa, giáo dục, cho đến đời sống gia đình, nhất nhất, đều không còn thuần túy nữa. Ông nhìn tất cả sự vật biến thiên như nhìn sự luân chuyển tất yếu của bánh xe thời gian. Dĩ nhiên, chiếc bánh có lăn thì chiếc xe mới có thể tiến tới để đưa ông rời bỏ quê hương lang bạt đến chỗ này. Khách trú tha hương trên hai mươi năm trời nay, lắm lúc chạnh nhớ cố hương ông đã tự trách mình tại sao lúc bấy giờ không đủ can đảm ở lại, để bây giờ, lâu lâu, ông lại mắc phải chứng bệnh “sầu nhớ cố hương”.

Suốt bữa cơm, hai cha con không nói gì với nhau nữa. Trong sự im lặng của cha, Trúc không bao giờ xét đoán được ông có nghĩ gì hay không. Riêng Trúc, đầu óc nàng xôn xao với những ý nghĩ : Coi bộ cha nàng… mê cái ông Bình ấy quá. Từ ngày mẹ Trúc qua đời đến nay, không gì có đủ mãnh lực làm ông bỏ đánh cờ cả. Thế mà con người có bộ mặt lầm lì như Bình lại khắc phục được ông, thì cái anh chàng ắt hẳn chẳng vừa gì.

_________________
(1) Cây đậu đỏ (Xin xem điển tích về danh từ này ở phần sau).


Về Đầu Trang Go down
https://nhanbkvn-2022.forumvi.com
Admin
Admin
Admin


Tổng số bài gửi : 17784
Points : 24761
Reputation : 0
Join date : 16/10/2016

 Tương Tư - Loại Hoa Tím Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Tương Tư - Loại Hoa Tím    Tương Tư - Loại Hoa Tím Icon_minitimeSat Jun 10, 2017 3:59 am

Chương 2

Giáo sư Hiền quần áo chỉnh tề sắp sửa bước ra cửa thì Trúc chợt đến. Trông thấy Thư Trúc, ông nói :

- Hê lô ! Thư Trúc, good morning !

Giáo sư Hiền là bạn vong niên của cha Trúc, cũng hành nghề dạy học, nhưng ông Hiền theo tây học nên nếp sống của ông văn minh và… thượng lưu hơn cha của Trúc nhiều. Ông Hiền dạy sinh ngữ, còn giáo sư Chi thì chuyên dạy lịch sử và quốc văn (Trung Hoa). Tính tình của hai ông này khác nhau như hai thái cực, thế mà hai ông chơi rất thân với nhau.

Giáo sư Hiền có tất cả ba người con, một trai, hai gái. Hai cô con gái của ông là Mộ Dung và Niệm Từ, đều là bạn học chung trường với Trúc.

Trước năm 1954, cả hai gia đình giáo sư Chi và giáo sư Hiền đều ở Hà Nội. Sau khi vào Nam, tổng thống Ngô Đình Diệm ký nghị định Việt hóa Hoa kiều ở miền Nam, thế là họ nhập Việt tịch và trở thành người Việt gốc Hoa.

Giáo sư Hiền là mẫu người hoạt bát, văn minh thế đấy. Tuy nhiên, không phải là với ai, ông cũng trổ tài nói tiếng Tây, tiếng Mỹ, cũng không phải vì Trúc giỏi tiếng Mỹ mà ông đặc biệt nói với nàng. Lý do chính là vì Trúc chơi rất thân với con gái ông, thứ đến là ông có dạy kèm Anh văn cho Trúc và vài cô bạn khác của chị em Mộ Dung vào những chiều chủ nhật mỗi tuần. Đây là một nghĩa cử rất đẹp của ông, vì ông dạy miễn phí và bắt buộc họ phải học để có căn bản phát âm với một trình độ quốc tế như ông.

Trúc vui vẻ chào lại giáo sư Hiền :

- Chào bác ạ !

Trúc luôn luôn không dùng Anh văn để đáp trả lời giáo sư Hiền, điểm này có hơi phức tạp. Chẳng phải là Trúc không nói được tiếng Anh, mà là Trúc cảm thấy, trước một người đồng chủng, đồng ngôn ngữ, và đáng tuổi hơn mình mà nói tiếng ngoại quốc thì nghe nó vô lễ và phạm thượng hay thế nào ấy !

- Sao cả tuần nay không thấy cháu đến ? Hai con chó con của bác ngóng dài cả cổ ra !

Giáo sư Hiền vừa nói, vừa vò đầu Niệm Từ, cô con gái út của ông, vừa cười. Mộ Dung giẫy nẩy nói :

- Trời đất ơi ! Cha bảo tụi con là chó con à ? Con chẳng chịu đâu !

Niệm Từ cố tình trêu chị, nói :

- Trông cái mặt của chị giống hệt như con lợn con ấy, thế mà con làm bộ. Chó con còn đẹp hơn lợn con nhiều nhỉ, cha nhỉ ?

Ông Hiền cười hì hì. Mộ Dung đứng phắt lên, bẹo tai Niệm Từ mắng :

- Con bé này hỗn quá ta ! Này hỗn, tao cho mày hỗn !

Mộ Dung vừa nói, vừa bẹo mạnh tai Niệm Từ, cô bé đau quá la lên oai oái :

- Chao ơi ! Cái con lợn con này đói bụng quá xá, cứ cắn bừa lên tai của người ta, ái ! Ui cha !

Giáo sư Hiền cười, can gián :

- Thôi, đừng có cấu nhau nữa. Ba đi Sàigòn đây, có đứa nào muốn ba mua quà thì bảo ?

Niệm Từ nói :

- Thôi, khỏi cần ba mua đi ! Quà của ba toàn là thức ăn tay thay cơm cả. Không sanwiches nướng thì là mì khô. Ba mà “quà” về thì chắc chắn là chúng con phải mất món tiền ăn sáng.

Giáo sư Hiền cười, nói với Trúc :

- Thư Trúc, cháu xem đấy, lớn cả rồi mà cứ còn vòi vĩnh. Thôi bác đi đây. Cháu có thì giờ phải đến thường, chơi với chị em chúng nó nhá ! Không khéo chúng nó buồn quá, cứ cấu nhau mãi.

Rồi ông quay sang Mộ Dung :

- Thôi đừng dỗi nữa, em nó đùa tí có sao đâu nào ! Ba đi nhé ! good bye !

Nói xong, ông Hiền cúi người hôn phớt lên trán Mộ Dung, rồi đến Niệm Từ. Mộ Dung vùng vằng nói :

- Chúng con lớn cả rồi mà ba còn hôn hoài, may mà chỉ có Thư Trúc ở đây thôi chứ nếu có ai khác người ta cười chết !

Giáo sư Hiền cười hì hì vẫy vẫy tay chào vừa quay lưng đi.

Niệm Từ lân la lại gần Mộ Dung nói :

- Đố chị biết, bố đi đâu hôm nay ?

- Tôi không biết ! Bố thích đi đâu là quyền của bố !

- Ơ hơ ! Cái bà này, dỗi chi mà dai quá xá ! Chị Trúc, chị ngồi đây chơi nhá, để em xuống bếp xem còn tí cám nào không !

Niệm Từ bé nhất nhà, nên được cả nhà nuông chiều, thành thử, cô rất quá quắt. Mộ Dung tuy tính hay hờn dỗi, nhưng được cái là rất thương chiều em, nên Niệm Từ thường có những câu bông đùa quá đáng. Thấy Mộ Dung vẫn ngồi sịu mặt ra đấy, Trúc vội khuyên giải :

- Thôi đừng giận nữa Dung. Tình con bé khỉ quen rồi, hơi sức đâu mà cậu giận.

- Vờ đấy chứ ! Chiều hắn quá hắn chỉ khỉ chịu không nổi.

Thư Trúc và Mộ Dung chuyện trò được một lát thì có tiếng bà Hiền từ trong phòng vọng ra :

- Trả áo đây cho mẹ ! Nhanh lên nào ! Con khỉ, mày quá quắt lắm !

Niệm Từ từ trong phòng chạy ra, trên tay cầm chiếc áo dài Việt Nam của bà Hiền quơ qua quơ lại nói :

- Con nhất định không trả, trừ phi mẹ mặc áo xẩm xong con sẽ trả lại cho.

Thư Trúc đứng lên chào bà Hiền :

- Thưa bác ạ !

- Cháu đến bao giờ thế, Thư Trúc ?

- Thưa, lúc bác đang bận lễ Phật trên lầu đấy ạ !

- Thế à, cháu ở đây chơi với chúng nó, bác sửa soạn đi chùa lễ Phật. À mà này ! Ba cháu có còn dạy cho cái cậu gì người Việt ấy học nữa không ?

- Thưa bác còn ạ !

Niệm Từ chêm :

- Mẹ, nói cho mẹ nghe cái này, bác Chi bác ấy chọn chồng tương lai cho chị Trúc đấy, mẹ ạ !

Trúc cuống lên nói :

- Không phải thế đâu, thưa bác, bác đừng có tin cái con nhỏ này, nó hay nói…

- Bác biết rồi, con bé này láo lắm !

Rồi bà quay sang Niệm Từ :

- Trả áo đây cho mẹ, nhanh lên không trễ mất giờ của người ta !

- Con không trả ! Mẹ mặc áo dài đi ra đường người ta tưởng mẹ là người Việt Nam , hôm khác, trông thấy mẹ đi với con người ta sẽ bảo con là con của… bà già Việt Nam !

- Ừ thì con của bà già Việt Nam đã sao ?

Bà Hiền cười nói. Niệm Từ ngúng nguẩy :

- Con không chịu, con không chịu đâu !

Mộ Dung không nhịn được, lên tiếng :

- Úi chà, coi cái bộ tịch đỏng đảnh dễ ghét chưa kìa !

- Không ai nói với chị, đừng có lắm mồm !

Trong lúc Niệm Từ đôi co với Mộ Dung thì bà Hiền đã giựt phắt chiếc áo dài mặc vào người. Niệm Từ lồng lên :

- Mẹ, mẹ không cởi chiếc áo ấy ra, con sẽ gọi mẹ là… là cái bà già này cho mà coi !

Bà Hiền vừa khâu khuy áo vừa đủng đỉnh nói :

- Ừ, cô thích thì cô cứ việc gọi.

- Mẹ nghĩ là con không dám gọi thế đấy à ? Mẹ không cởi cái áo ấy ra con sẽ gọi ngay bây giờ.

Bà Hiền chẳng nói với cô ả nữa, bà lo thu xếp bánh quả vào giỏ. Niệm Từ tức quá dậm chân kêu to :

- Cái bà già này !

Chẳng ai lên tiếng cả, cô ả lồng lên :

- Cái bà già này, cái bà già n… ày !

Bà Hiền sửa soạn xong xách giỏ đứng lên nói :

- Nào, bà già này đi đây, có còn gì nói nữa không ?

Niệm Từ nói :

- Cái bà già này… kỳ quá xá !

Bà Hiền cười xòa, Trúc và Mộ Dung cũng không nhịn được cười theo. Bà Hiền đi rồi, Mộ Dung mắng em :

- Mày hỗn láo quá nhé Niệm ! Thấy được chiều rồi mày chẳng kiêng nể ai cả. Cha về tao sẽ mách cha cho coi !

- Cho chị mách, nhiều lắm là em bị cha mắng cho một trận. Nhưng chị coi chừng, em sẽ trả thù đấy !

- Cô trả thù chi tôi, tôi đâu có hỗn láo như cô mà hòng !

- Ai mà dám bảo chị hỗn ! Chị có hiếu thấy mồ ! Em sẽ mách cha chuyện khác cơ, việc gã con trai vô danh gọi điện thoại tống tình ấy mà !

Trúc đưa mắt nghi vấn nhìn Mộ Dung ngầm hỏi. Mộ Dung hội ý lắc đầu nguầy nguậy :

- Đừng tin cái mồm láo khoét của con khỉ chúa ấy, nó mới vừa vu oan giá họa cho cậu xong mà còn tin nó sao ?

Niệm Từ nói :

- Sức mấy mà em dám vu oan. Vụ “chồng tương lai” của chị Trúc sờ sờ ra đó. Bác Chi còn ra công dạy dỗ chàng rể tương lai đến quên cả thú đánh cờ cuối tuần, chả tin chiều nay chị đến nhà chị Trúc mà xem !

Trúc đầu hàng trước những lời trẻ con của Niệm Từ. Nhưng chẳng hiểu sao, dù biết những lời của Niệm Từ hoàn toàn chỉ có tính cách bông đùa Trúc cũng nghe lòng chợt thoáng bồi hồi.

*

Trưa hôm ấy giáo sư Hiền gọi điện thoại về bảo ông bận, không thể về để dạy bọn Trúc học được. Trúc cảm thấy một niềm vui của hồi còn ở tiểu học chợt đến với nàng. Hồi ấy, khi vào lớp học xong, được biết hôm ấy thầy bị ốm hay bận việc bất ngờ, cả lớp vui mừng như vỡ chợ. Song le sự vui mừng của thời thơ ấu khác xa với lúc đã lớn khôn. Bây giờ, không phải vì lười mà Trúc mừng khi nghe tin thầy bận, mà là vì một lý do thầm kín khác, khiến Trúc thích được nghỉ học để ở nhà vào buổi chiều thứ bẩy và chủ nhật. Dĩ nhiên chỉ có Trúc mới hiểu được lý do thầm kín ấy, chủ yếu là ở nhà có sự hiện diện của anh con trai Việt. Dù anh ta đến không phải vì Trúc, và Trúc cũng không công nhận nàng thích ở nhà vì anh ta. Bởi lẽ, mối tương quan giữa hai người chỉ thể hiện vỏn vẹn qua những cái gật đầu chào trong những lúc anh đến và đi, thế thôi ! Ngoài ra thì họ hoàn toàn như hai kẻ xa lạ.

Lúc Trúc rời nhà giáo sư Hiền ra về, chị em Mộ Dung căn dặn Trúc, đến chiều trở lại cùng đi xem chiếu bóng. Giá trước kia thì Trúc đã nhận lời ngay, nhưng lần này Trúc chỉ đáp một cách úp mở :

- Để xem đã, chiều nay quá 3 giờ không thấy mình đến thì các cậu cứ đi đi nhé !

Niệm Từ phàn nàn :

- Đi thì bảo đi, không đi thì bảo không đi, làm như người ta bức chị đi chả bằng.

Mộ Dung nói :

- Cứ quyết định thế đã, chiều nay Trúc đến thì đi, không đến thì chúng mình lại đằng ấy khao bác Chi một chầu bánh xếp hấp.

Niệm Từ reo lên :

- Ô kê ! Đề nghị tuyệt cú mèo. Nhân dịp chiều nay bọn mình… xem mắt chàng rể tương lai của bác Chi nữa chứ !

- Lại khỉ !

Trúc nói và từ giã ra về.


Về Đầu Trang Go down
https://nhanbkvn-2022.forumvi.com
Admin
Admin
Admin


Tổng số bài gửi : 17784
Points : 24761
Reputation : 0
Join date : 16/10/2016

 Tương Tư - Loại Hoa Tím Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Tương Tư - Loại Hoa Tím    Tương Tư - Loại Hoa Tím Icon_minitimeSat Jun 10, 2017 4:09 am

Chương 3

Nam Quốc, ngày… tháng… năm…

“Khâm,

Mấy tuần nay không nhận được thư anh, Trúc chả biết viết gì cho anh bây giờ. Dạo này anh bận lắm ư ? Trúc không biết chi về những việc gần đây trong đời sống của anh. Trúc thì vẫn thế. Duy có một việc dạo này cha dạy thêm cho một người Việt…

Thư viết đến đây, Trúc phân vân không biết có nên tiếp tục viết về người Việt ấy không. Cuối cùng, nàng xé bỏ bức thư đang viết dở và thay một tờ giấy khác. Lần này, Trúc thay đổi lời thư ở câu chót :

… Duy có một điều, dạo này Trúc ít đi đâu vào những chiều cuối tuần. Thời giờ rỗi rãi nhiều và trống vắng quá. Không đọc và viết thư cho anh Trúc chả biết làm gì. Đọc sách mãi đau đầu, nghe nhạc mãi ồn tai. Buồn quá anh nhỉ ?

Mong tin anh
Trúc.

Trúc đọc lại bức thư và cảm thấy bi quan nên nàng gấp thư lại cho vào ngăn kéo chứ không đem đi gửi. Bức thư này Trúc viết trong lúc quá cô đơn và rảnh rang, vì không có tính cách hồi âm nên gửi hay không chả thành vấn đề.

Khâm là một thanh niên Đài Loan, Trúc quen Khâm qua sự giới thiệu của một ông bạn của cha nàng, ông Lưu. Ông Lưu là một kỹ sư canh nông Đài Loan, được chính phủ phái sang Việt Nam phục vụ và Khâm là em kết nghĩa của ông.

Ông Lưu kể hoàn cảnh Khâm là một thanh niên mồ côi từ lúc còn bé, một mình “tự lực cánh sinh” vừa làm vừa học. Đến nay chỉ còn một năm nữa là Khâm tốt nghiệp về ngành duyên hải. Ông Lưu nhận thấy Khâm rất hợp với Trúc về nhiều phương diện. Ông đề nghị với giáo sư Chi để Khâm và Trúc làm quen bằng thư tín qua sự giới thiệu của ông. Để đến khi Khâm tốt nghiệp, ông sẽ vận động chỗ làm và giúp phương tiện cho Khâm sang Việt Nam .

Lúc đầu Trúc không tích cực mấy về vấn đề này. Nhưng sau khi đọc bức thư… trình diện của Khâm, Trúc mến Khâm ngay. Chỉ một tờ giấy trắng tinh anh với vài hàng chữ viết thẳng nếp, sạch sẽ, lời văn gẫy gọn, đơn giản và nội dung lễ độ, chân thành, Khâm đã chiếm được cảm tình của Trúc.

Cho đến bây giờ, Trúc vẫn không hiểu tại sao nàng lại chấp nhận loại tình cảm không có thực chất ấy được. Có lẽ tại vì hồi ấy Trúc mới lớn, lại chưa biết yêu, tình cảm dễ bồng bột và điểm thiết yếu là Trúc vừa mất mẹ. Trúc cô đơn nên chấp nhận Khâm như người lữ hành chấp nhận quán trọ. Nói như vậy là vì tự Trúc, nàng không hiểu chuyện nàng và Khâm sẽ kết thúc ra sao ? Biết đâu khi họ gặp nhau sẽ phải xa nhau vì những lý do tế nhị như : không đồng quan điểm, phát giác ở đối phương những thực tế tương phản với ấn tượng cho nhau trong thư và ảnh. Những điểm này rất quan trọng. Chẳng thà mình biết tất cả những khuyết điểm của người yêu trên thực tế, rồi chấp nhận hay không là thuộc quyền tiên quyết ở mình. Còn hơn là hiểu quá nhiều về những cái hay cái đẹp ở người yêu, để đến lúc gặp nhau mới vỡ lẽ đó chỉ là những lớp mạ bên ngoài. Lúc ấy, chẳng những tình yêu bị đổ vỡ mà lòng thất vọng về mộng đẹp bị ảo diệt biết sẽ gây nên hậu quả như thế nào ?

Trúc phân vân rất nhiều về những vấn đề này, nên trong thư viết cho Khâm, Trúc luôn luôn tránh dùng những từ ngữ tha thiết, nhiệt tình, mà chỉ hỏi nhau về sức khỏe, sự học, đời sống hay những chuyện về thời tiết, nắng mưa, thế thôi.

Tuy nhiên, có được một bạn lòng như Khâm để hỏi han, săn sóc bằng… bút, cũng lấp vá được rất nhiều những thời giờ trống vắng của Trúc.

Dần dà, việc viết thư cho Khâm trở thành nguồn hạnh phúc duy nhất của Trúc. Đôi lúc, Trúc vơ vẩn ước ao, giá nàng có một người bạn lòng hiện diện bằng xương bằng thịt để hỏi han bằng lời nói, săn sóc bằng hành động và biểu lộ lòng nàng bằng ánh mắt thiết tha trìu mến thì sung sướng và hạnh phúc biết mấy !

“Tại sao tôi lại nghĩ nhiều đến vấn đề này thế nhỉ ?” Trúc thầm hỏi. Có phải chăng đó là hiện tượng khao khát yêu đương ở lứa tuổi dậy thì ? Có thể trả lời như thế, song Trúc không thể nhìn nhận câu đáp số… thẹn người ấy ! Vì thực ra, trong thâm tâm Trúc, nàng rất lấy làm thẹn khi có những ý nghĩ thầm kín liên quan đến trai gái yêu đương trong đầu. Thế nhưng nàng luôn luôn không ngăn chặn được những ý nghĩ tương tự tuôn tràn như dòng thác lũ khi nó chợt đến với nàng.

Đồng hồ gõ đúng ba tiếng, Trúc đoan chắc rằng ngay lúc ấy, nàng từ trên gác đi xuống tới dưới nhà thì vừa đúng lúc để mở cửa cho Bình. Con người này đúng giờ như một cái máy. Quả vậy, vừa xuống khỏi thang gác đã thấy Bình đứng ở cửa. Anh nghiêng người chào Trúc một cách lễ phép. Trúc gật đầu chào lại và mở cửa. Bình nói lời cám ơn và đi thẳng lại bàn học. Trúc nói :

- Ông Bình chịu phiền chờ một lát, cha tôi đi khỏi chưa về.

- Vâng, cám ơn cô !

Trúc đi đến bên bình trà nóng định rót cho Bình một ly, chợt nàng nhớ đến một chi tiết nhỏ. Có lần, giáo sư Chi và Bình uống trà đàm đạo sau giờ học. Trúc nghe ông hỏi Bình sao uống trà ít thế? Bình trả lời vì quen uống nước lọc nên uống trà vào thấy xót ruột. Trúc biết là Bình nói đúng, chính Trúc cũng có cái cảm giác ấy khi uống loại trà đặc biệt của cha nàng. Nghĩ thế nên Trúc đổi ý đi vào trong rót một ly nước lọc cho Bình, hình như hành động này của Trúc đem đến cho Bình một sự kinh ngạc nên anh vội vã nói một cách gần như… cuống quít lên :

- Cảm ơn… cảm ơn cô !

Trúc đáp lại Bình bằng một cái mỉm cười chợt thoáng. Trúc cảm thấy Bình đang nhìn nàng, và đây là cái nhìn đầu tiên có đầy đủ ý nghĩa của một cái “nhìn” chứ không như những lần trước, Trúc chỉ bắt gặp ở Bình những cái nhìn thoạt qua rất mơ hồ. Đối với Trúc, đó là những cái nhìn ngạo nghễ.

Trong lúc chờ đợi giáo sư Chi, Bình đem tập ra chép bài. Trúc ngồi ở salon đọc sách. Từ ngày Bình đến học tới nay, đây là lần đầu tiên giáo sư Chi đi vắng vào chiều chủ nhật. Nhất định là phải có chuyện gì đó, chứ không thể là đi đánh cờ. Lúc ông đi Trúc đang ngủ trưa nên nàng không biết ông đi đâu.

3 giờ rưỡi, giáo sư Chi vẫn chưa về. Trúc chợt nhớ đến cái hẹn với chị em Mộ Dung. Quá 3 giờ rồi, nhất định nàng không còn kịp thời giờ sang bên ấy được nữa. Có lẽ hai chị em đã lên đường đi sang đây. Quả đúng thế, vài phút sau đấy đã nghe tiếng họ vừa đi vừa nói chuyện ngoài hành lang. Trúc đi ra mở cửa thấy chỉ có Mộ Dung với hai cô bạn học khác, Diệu Nga và Diễm Minh. Hai cô này cũng học với giáo sư Hiền vào chiều chủ nhật. Trúc hỏi :

- “Tiểu Hầu Tử” (1) không đến à ?

Mộ Dung đáp :

- Có đến nhưng đi tới đầu ngõ gặp bác Chi, nó kéo bác ấy đi chợ mua vật liệu về làm bánh xếp hấp.

Trúc phàn nàn :

- Chết chưa ! Thế người ta đến học chờ đấy thì làm sao ?

- Bác Chi bảo Trúc bảo ông ấy làm bài và viết chính tả (2), chờ bác về dạy ông ấy học.

Trúc kéo ba người vào giới thiệu với Bình :

- Xin giới thiệu với ông Bình, đây là các bạn học của tôi, cô Lý Mộ Dung, Chu Diệu Nga và cô Trương Diễm Minh.

Trúc chỉ từng người để giới thiệu, rồi quay sang các bạn :

- Ông Lê Thanh Bình !

Diệu Nga nói khẽ với Trúc :

- Tên nghe “nhã” quá !

Trúc cười :

- Thế à ? Mời các cậu ngồi đi đã !

Mộ Dung nói :

- Chắc ông ta ghét đi lính !

Diệu Nga nối lời :

- Hẳn rồi, tên nghe phản chiến đáo để !

Mộ Dung đưa tay lên môi :

- Suỵt ! Ông ta biết nghe tiếng bọn mình không ?

Trúc nói :

- Yên tâm, ông ấy chỉ học quan thoại.

Diễm Minh nói :

- Nghe Niệm Từ nói…

Trúc ngắt lời :

- Tớ lạy cậu, đừng có nghe lời con bé ấy, mình khổ thân với hắn không ít.

Mộ Dung nói :

- Thư Trúc, bảo người ta làm bài đi chứ !

- Ừ nhỉ !

Trúc đáp và đi đến bên Bình :

- Thưa ông, cha tôi nhắn bảo ông làm bài và viết chính tả trước, tí nữa ông về sẽ học bài.

Bình đẩy quyển vở đến trước mặt Trúc nói :

- Đây tôi đã làm xong hết cả, mời cô xem lại hộ.

Trúc đọc qua bài chính tả và không thấy có chữ nào viết sai, duy có nét bút là viết không được thẳng nếp cho lắm. Nhưng mới học mà viết như thế thì phải thông minh và chịu khó lắm ! Nàng xếp tập lại nói :

- Ông Bình học rất giỏi.

- Xin cảm ơn sự khích lệ của cô, tiện đây nhờ cô chỉ hộ tôi đọc vài chữ ở bài thứ mười này, lát nữa khỏi phải làm phiền giáo sư.

Trúc chỉ Bình cách đọc và giải thích xong một bài thì giáo sư Chi và Niệm Từ về đến. Giáo sư một tay xách cái bắp cải, một tay ôm gói bột, Niêm Từ thì xách một xâu thịt nạc và một gói vật liệu khác. Giáo sư trao bắp cải và bột cho Trúc xong nói với Bình :

- Xin lỗi cậu Bình nhé, bây giờ thì chúng ta bắt đầu học.

Bình đứng lên nói :

- Thưa giáo sư, cô Thư Trúc vừa mới chỉ cháu học bài xong. Nếu giáo sư bận thì cháu xin phép đi về.

- Nếu thế thì cậu phải ở lại chơi và dùng bánh xếp hấp với chúng tôi đã.

Rồi ông quay sang nói với bọn Trúc :

- Mấy chị em bắt tay ngay vào việc là vừa đấy các con.

Niệm Từ hích khẽ Trúc :

- Không giới thiệu à ?

Trúc nói :

- Lại đây, vẽ vời !

Niệm Từ phản kháng :

- Sao lại vẽ vời ? Nghi lễ đấy chứ !

- Ừ, thì nghi lễ, có cần phải rót rượu và mời cô nương an tọa không ?

- Ừm… mà thôi khỏi !

Niệm Từ khoác tay nói với giọng kẻ cả, trông y hệt như bà cụ non. Trúc kéo Niệm Từ đến trước Bình giới thiệu :

- Đây là cô Lý Niệm từ, em của Mộ Dung.

Rồi quay sang Niệm Từ :

- Ông Bình.

Trúc cố tình không đọc cả họ lẫn chữ tên lót của Bình vì sợ Niệm Từ cũng có ý nghĩ như Diệu Nga về cái tên vừa “nhã” vừa “phản chiến” của Bình và nói thẳng ý nghĩ ấy ra trước mặt anh thì thật là rắc rối. Trong khi Trúc giới thiệu, Bình chỉ gật đầu chào. Niệm Từ hé môi dợm nói câu gì đó thì bị Trúc kéo đi vào trong bếp, vừa phàn nàn :

- Định ba hoa gì đấy ? Mới gặp người ta lần đầu tiên, nên hàm súc một tí, hiểu không “tiểu hầu tử”?

- Biết rồi, em không làm mất mặt chị đâu mà hoảng cả lên.

- Thế lúc nãy cậu định nói gì ?

Niệm Từ nhíu mày ra chiều suy nghĩ :

- Xem nào, lúc nãy em thấy ông ta có bộ mặt hơi quen, mà không biết đã gặp ở đâu ?... A, thôi đúng rồi ! Nhà ông ta làm nghề chạy… xe lam phải không ?

Trúc suýt bật cười thành tiếng. Mộ Dung đang đứng gần đấy nhồi bột nói :

- Ác khẩu vừa thôi chứ, người ta là giáo sư văn chương đấy !

- Kỳ quái, để Niệm ra xem lại cái đã !

Trúc kéo Niệm Từ lại nói :

- Thôi đi, bảo đảm cậu lầm trăm phần trăm. Lo mà làm bánh không lát lại kêu đói.

Niệm Từ quay vào bếp thấy Diễm Minh đang lăng xăng trước mớ nào là củ hành, lá hành, tỏi, ớt v.v… Diệu Nga thì đang xắt cải, cô vội la lên :

- Ơ hay, cái chị Diệu Nga này, giành mất phần xắt cải của người ta. Em chả thèm băm thịt đâu, mỏi tay đến chết. Chị Trúc giữ phần này đi, em đi rửa chảo nhóm bếp.

- Cậu ngồi chơi không cũng chẳng sao, miễn đừng phá phách là được rồi.

- Chị Trúc làm như em là khỉ không bằng !

Mộ Dung nói :

- Lơ mơ mà đoán đúng đấy !

Diệu Nga chêm :

- Tự biết nhận thức mình mới là người tự trọng.

Cả bọn đồng cười xòa, duy có Niệm Từ hình như đang… lo ra nên không có phản ứng gì. Cô ả vừa nhóm bếp vừa lầm bầm :

- Nhất định, không nhầm vào đâu được.

Trúc hỏi Niệm Từ :

- Cậu nhớ được mặt bao nhiêu bác tài xế xe lam nhỉ ?

Diệu Nga nói :

- Phải gọi là “anh tài xế” mới đúng. Tiểu Hầu Tử nhà ta chỉ nhớ mặt những anh nào đẹp trai thôi.

Niệm Từ giọng đứng đắn :

- Đừng giỡn, nói thật đấy, em chỉ nhớ mặt mỗi mình ông ta thôi.

Diệu Nga nói :

- Thế đủ chán rồi, anh ta cũng đẹp trai ra phết chứ lị !

Niệm Từ giãy nảy lên :

- Đã bảo người ta nói thật mà mấy chị cứ bêu xấu người ta hoài… hu hu…

Cả bọn ngỡ rằng Niệm Từ vờ khóc, không ngờ lát sau nghe thấy tiếng hít mũi mới biết là cô nàng khóc thật. Nước mắt còn đang loanh quanh trên đôi khóe mắt của cô. Diễm Minh bất nhẫn an ủi :

- Thôi, đừng khóc nữa Niệm, các chị ấy đùa chút có sao đâu. Lại đây, bọn ta học xếp bánh.

Niệm Từ vừa lau nước mắt vừa thút thít nói :

- Chị biết tại sao mà em nhớ mặt ông ta không ?

Diễm Minh lắc đầu. Niệm Từ tiếp :

- Vì ông ta làm em… muối mặt mấy lần.

- Ồ !

Cả bọn đồng kêu lên với vẻ kinh ngạc. Trúc hỏi :

- Thế là thế nào ?

Niệm Từ giải thích một thôi dài, đại khái mỗi tối cô đi học thêm bằng xe lam, và có vài lần vẫy phải xe của cái “nhà ông ta” ấy. Trong lúc cô đang dằng co với các bạn về vấn đề xe chật, xe rộng thì ông ta đã rồ máy vọt đi với dáng điệu bất cần. Vài lần như thế, có lẽ ông ta đã nhận diện được Niệm Từ, nên có một hôm nàng đứng đón xe một mình, gặp lúc ông ta lái xe trống chạy ngang, thấy cô vẫy định ngừng lại. Nhưng đến lúc chợt nhận ra là Niệm Từ ông ta bỏ chạy mất.

Rồi Niệm Từ kết thúc:

- Người chi mà kênh kiệu thế, thật là tức chết đi được.

Cả bọn nghe xong đều cho là có lẽ Niệm từ nhận lầm người. Thế rồi không ai bảo ai, tất cả đều yên lặng lo làm bánh. Riêng Trúc, đề tài này làm nàng suy nghĩ không ít. Rất có thể đó là sự thật, vì đối cới Trúc, Bình là một con người tương đối dị thường. Thế thì, bất cứ một sự việc “bất tầm thường” nào xảy ra ở con người dị thường ấy đều quá… tầm thường. Ý nghĩ trên đây cho Trúc một ý thức mới về Bình : Tại sao anh làm thêm ban đêm bằng nghề chạy xe lam trong khi ban ngày anh làm nghề dạy học ? Đành rằng bất cứ nghề gì không hắc ám, không hổ thẹn với lương tâm đều đáng được tôn trọng. Song le, ít ra giới giáo dục và văn hóa so với giới lao động ở Việt Nam còn là hai cực đoan trong tư tưởng mọi từng lớp. Trúc lại nghĩ, rất có thể Bình đang chịu trách nhiệm với một gánh nặng gia đình, nếu không tận tâm dốc lực, anh không đủ điều kiện để giải quyết thỏa đáng. Bằng chứng là anh đang ở vào hạng tuổi đi lính nhưng anh được hoãn dịch. Càng nghĩ, Trúc càng thấy dự đoán của mình gần như đúng hoàn toàn, duy có “hình thức” của cái gánh nặng gia đình và lý do hoãn dịch là hơi phúc tạp và mơ hồ, Trúc không sao cả quyết được. Rất có thể, Bình được hoãn dịch với lý do… một vợ sáu con cũng chưa biết chừng. Bất giác, Trúc cảm thấy mồ hôi rịn ra ướt cả trán, đồng thời Trúc nhận thấy nàng hoàn toàn vô lý trong những giả thuyết về Bình. Tại sao nàng lại đi để cả tâm trí vào những ảo giác đâu đâu đối với một con người không có tí tương quan nào đến nàng ?

Trúc cố rứt bỏ tất cả những tư tưởng liên quan đến Bình ra khỏi đầu óc. Tuy nhiên, Trúc mơ hồ ý thức một nỗi buồn nản hay thất vọng nào đó nhen nhúm trong đầu óc trống không của nàng.

Trọn một giờ đồng hồ ngồi ở bàn ăn, Trúc không dám nhìn Bình, dù chỉ một cái nhìn thoáng qua. Cơ hồ như những giả thuyết về Bình đã đem đến cho nàng một nhận thức mới và nàng sợ… phạm tội. Đã đành Trúc hoàn toàn vô căn cứ dưới bất cứ một ý nghĩ nào, nhưng Trúc không hiểu sao nàng lại như thế !

Trong suốt bữa ăn, nỗi buồn nản vô hình đã khiến Trúc trầm mặc, hay nói đúng nàng lười biếng trong việc nói năng.

Trúc biếng nhác đến không buồn để ý bữa ăn đã kết thúc dưới không khí nào, dù biết nàng là gia chủ, có bổn phận gây dựng một không khí thoải mái cho bữa ăn.

__________________
(1) Tiểu hầu tử là con khỉ con, biệt danh của bọn Trúc dành cho Lý Niệm Từ.
(2) Người Trung Hoa viết chính tả phải học thuộc lòng và tự viết lấy.


Về Đầu Trang Go down
https://nhanbkvn-2022.forumvi.com
Admin
Admin
Admin


Tổng số bài gửi : 17784
Points : 24761
Reputation : 0
Join date : 16/10/2016

 Tương Tư - Loại Hoa Tím Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Tương Tư - Loại Hoa Tím    Tương Tư - Loại Hoa Tím Icon_minitimeSat Jun 10, 2017 4:10 am

Chương 4

Trúc ghi tên học lớp kế toán đêm đã hơn một tháng nay. Nàng bỏ trường kế toán ở gần nhà nàng nhất, có thể đi bộ đến trường, để học ở một trường khác, xa hơn, phải đi bằng xe lam.

Trúc không phủ nhận nàng làm thế là vì tò mò, muốn đi xe lam mỗi tối với hy vọng sẽ gặp Bình, để xác nhận lời của Niệm Từ là đúng hay sai.

Hơn một tháng nay, Trúc không gặp Bình, cũng không gặp một ông tài xế xe lam nào giống Bình. Trúc hơi thất vọng, định bụng học hết khóa kế toán sơ khởi hai tháng, nếu vẫn không gặp Bình, nàng sẽ kết luận lời của Niệm Từ là sai.

Rốt cuộc, chưa hết khóa học, nàng đã phải xoay ngược chiều kết luận, vì Trúc đã gặp Bình trong vai anh tài xế xe lam. Lúc bước lên xe, Trúc không dám nhìn thẳng Bình, vì sợ Bình ngượng (?). Suốt quãng đường từ trường học đến đầu con đường dẫn đến nhà Trúc, Trúc quan sát thái độ làm việc của Bình. Nàng cảm thấy Bình vẫn mang nét điềm nhiên cố hữu trong bất cứ trường hợp hoặc giờ khắc nào.

Hình như Bình chưa nhận ra Trúc đã lên xe của anh. Trúc cũng mong thế, vì nếu nhận ra nàng có lẽ Bình sẽ thấy khó xử. Nghĩ thế nên Trúc cố tình quay mặt ra phía sau xe.

Lúc xuống xe, Trúc nhờ một hành khách ngồi chung xe bảo Bình dừng lại và gửi luôn tiền xe cho người hành khách.

Xuống khỏi xe rồi, Trúc chợt cảm thấy nàng cư xử với Bình như thế có vẻ không được đàng hoàng. Chẳng hiểu một bản năng vô hình nào đó, xui nàng ngoảnh đầu nhìn lại, vừa đúng lúc bắt gặp Bình đang dõi trông theo nàng. Thấy Trúc quay lại, Bình vội đưa tay vẫy vẫy. Trúc đi trở lại thản nhiên gật đầu chào Bình. Đáng lẽ Trúc phải vờ ngạc nhiên mới đúng, vì lúc lên xe nàng đã trót vờ không trông thấy anh. Nhưng Trúc nhận thấy nàng không thể giả dối mãi trước sự chân chính của Bình. Bình điềm nhiên trao trả tiền xe lại cho Trúc với nụ cười thật tươi và cho xe chạy. Anh không nói một lời, cũng không để Trúc kịp nói tiếng cảm ơn.

Trúc ngẩn người trông theo cho đến khi chiếc xe mất hút sau một khúc quanh.

Trong khoảng khắc, Trúc thấy nàng đã đánh giá trị con người Bình quá thấp. Ít ra, Trúc đã hiểu về Bình quá nhiều trong cách cư xử, thế mà nàng vẫn nghĩ quẩn về anh.

Bây giờ Trúc mới kịp nhận thấy, nàng kém xa Bình trong việc xử thế, nhất là đối với những việc đột ngột, Bình có thừa điềm tĩnh để ứng phó. Còn Trúc, nàng chỉ có tài nghĩ quẩn, đoán mò. Có lẽ tại Trúc thông minh quá, hoá ra nhạy cảm trong việc xét đoán mọi vấn đề.

Thật ra thì Bình đã nhận ra Trúc từ khi trông thấy nàng đứng bên đường đón xe và anh đã tự động dừng xe lại để rước nàng. Điểm này quá rõ rệt, vì Trúc chưa đưa tay vẫy, xe đã ngừng lại. Đối với một anh tài xế kênh kiệu (nhận xét của Niệm Từ) như Bình làm gì có việc cầu cạnh hành khách như thế ?

Lần đầu tiên Trúc thấy tinh thần sảng khoái khi nghĩ đến những điều liên quan đến Bình, nhất là khi nghĩ đến nụ cười tươi tắn của anh trong bóng đêm mờ ảo. Lần đầu tiên Trúc phát giác ra Bình có một hàm răng vừa đều đặn vừa trắng tinh khiết và… có duyên lạ. Trúc vẫn thường có cảm giác hàm răng tinh khiết của người đàn ông không hút thuốc lá vẫn là món lợi khí duyên dáng nhất để chinh phục đàn bà. Trên đường về nhà, đầu óc Trúc chở đầy ăm ắp những nụ cười, khỏa lấp rất nhiều ý nghĩ.

Giáo sư Chi đang ngồi ở bàn viết chấm bài. Ông vừa xem một bài luận văn hay chi đó, vừa gật gù tỏ vẻ thưởng thức. Trúc ngồi ở salon đọc báo. Tuy mắt nàng dán trên mặt báo, đầu óc nàng đang đang tập trung về phía giáo sư Chi. Nàng hy vọng ông hoàn tất chóng vánh công việc để tìm cách gợi chuyện với ông. Trúc rất ít khi gợi chuyện với cha, nhưng dạo này hình như nàng có quá nhiều vấn đề thắc mắc cần phải giải đáp ở cha nàng. Thời gian chầm chậm trôi qua, hình như giáo sư Chi vẫn còn mải mê làm việc. Thư Trúc cảm thấy một nỗi bất bình dâng lên trong lòng nàng. Cha nàng thì lúc nào cũng thế, ông mải lo thưởng thức khen tặng các học trò ngoan của ông, chưa bao giờ Trúc nghe ông khen nàng lấy một tiếng.

Đồng hồ gõ báo hiệu thiếu 15 phút 10 giờ. Trúc chán nản đứng lên sửa soạn lên gác, khuya thế này mà ông chưa chấm xong bài, nàng không còn thời giờ để chờ đợi ông nữa.

- Thư Trúc, con lại đây mà xem cái này.

Giáo sư Chi gọi Trúc đến trao cho nàng một quyển vở. Lại một cậu học trò ngoan nào được lòng ông đây, Trúc nghĩ, và lướt qua bài luận văn có nét chữ đều đặn. Nàng không chăm chú đọc nên không hiểu nội dung ra sao. Lúc trao trả quyển vở lại cho cha, ông hỏi :

- Khá đấy chứ ?

Trúc chỉ đáp lại bằng vài tiếng khen tặng cho có lệ chứ thực ra nàng không còn tâm trí đâu để đọc những kiệt tác của những kẻ nàng chỉ nghe tên mà không biết mặt ấy. Lúc Trúc quay gót đi lên gác, nàng nghe tiếng giáo sư Chi nói :

- Bây giờ cha mới biết, người Việt hiếu học hơn người Trung Hoa ta nhiều.

Trúc đứng dừng lại, cùng một lúc, tim nàng cũng ngưng đập trong tích tắc. Thì ra bài luận văn lúc nãy là của Bình, sao cha nàng không nói sớm. Nếu biết thế, nhất định Trúc phải chăm chú đọc cho thật kỹ và sẽ gợi chuyện với cha nàng về đề tài “Bình”. Nàng vẫn mong mỏi được biết ít nhiều về Bình qua sự thuật lại của cha, thế mà nàng đã bỏ lỡ cơ hội sau mấy giờ đồng hồ ngồi chờ cơ hội ấy đến. Càng nghĩ Trúc càng thấy tiếc nuối. Nàng muốn quay trở lại yêu cầu cha nàng cho phép nàng đọc lại bài luận văn của Bình, nhưng làm như thế cha nàng sẽ đoán biết được tâm ý của nàng. Chợt Trúc nảy ra một ý nghĩ, nàng quay trở lại nói với giáo sư Chi :

- Hình như hoàn cảnh ông ấy không được khá, cha ạ ! Con thấy ông ấy lái xe lam vào buổi tối.

- Con bảo cậu Bình ấy à ?

- Vâng, cha không biết việc này ư ?

- Có, vì thế nên cha mới bảo là cậu ấy hiếu học.

Giáo sư Chi cầm ly nước uống một ngụm và trao chiếc ly cho Trúc :

- Con rót cho cha một ly nữa.

Trúc cầm ly đi vào trong và nghĩ ngợi tìm cách để gợi chuyện với cha. Cuối cùng, nàng đã nghĩ ra được một cách. Lúc mang nước ra cho cha, Trúc thuận tay kéo chiếc ghế đẩu ngồi xem ông chấm bài. Giáo sư Chi đã hiểu thấu tâm lý của Trúc, trên thế gian nầy có bậc làm cha mẹ nào lại không hiểu con mình ? Vì hiểu Trúc nên ông đã im lặng từ đầu đến cuối, để cho cái gì đến nó sẽ phải đến trong vòng kiểm soát âm thầm của ông. Là một con người đã từng sống dưới sự chi phối giữa lý trí và tình cảm, ông thấy rõ con gái của ông cũng mang trong người dòng máu di truyền ấy, và sẽ có một lối xử thế như ông vậy, nghĩa là phàm việc gì cũng ứng biến một cách thuận hồ tự nhiên, không cưỡng ý trời cũng không nghịch ý người. Mọi sự tự nhiên sẽ được giải quyết, dù thỏa đáng hay không thì cũng sẽ đi đến một kết cuộc.

Giáo sư Chi ngừng tay chấm bài. Ông mồi thuốc hút và thong thả nói về Bình cho Trúc nghe.

Thì ra, Trúc đã đoán đúng phần nào về gia cảnh của Bình. Quả tình anh phải mang một trọng trách lớn lao đối với gia đình. Tuy nhiên, anh không phải thuộc vào thành phần “một vợ sáu con” như Trúc đã ước đoán.

Bình là con út trong một gia đình có ba người con trai. Hai người anh của Bình đều ở trong quân đội. Một năm trước đây, người anh cả của Bình tử trận, để lại một vợ và bốn con thơ. Hiện Bình cùng chị dâu lo việc sinh kế cho các cháu và một người cha già. Thỉnh thoảng, Bình lại phải phụ cấp khoản chi tiêu cho người anh thứ hai trong quân ngũ. Chiếc xe lam mà Bình đang lái là do số tiền tử của anh cả, cộng với số tiền dành dụm của chị dâu mua được. Ban ngày, xe để cho mướn, ban đêm Bình chạy để kiếm thêm.

Trong lúc ngồi nghe cha kể, Trúc cố làm ra vẻ thản nhiên, chứ thực ra lòng Trúc xôn xao với những cảm xúc bồi hồi. Trúc muốn hỏi thêm cha về những chi tiết khác xung quanh sinh hoạt của Bình, nhưng nghĩ lại, nàng không có tư cách hay lý do gì để tìm hiểu đời tư của Bình nên ngồi yên nghe và cố giữ thái độ điềm tĩnh từ đầu đến cuối.

Kể ra thì Bình có đủ đức tính về mọi mặt…

Giáo sư Chi vươn vai, đứng lên nói tiếp :

- Cha xem anh ta rất có tương lai.

Trúc cũng đứng lên, vì đã đến giờ đi nghỉ. Giáo sư Chi chừng nhớ ra điều gì :

- À, con có đọc thư của Khâm chưa, Thư Trúc ?

- Thưa cha, gần hai tháng nay, con không được cái thư nào của Khâm cả.

- Sáng nay mới có cái thư đấy thôi, cha để trên đầu tủ ăn, con không trông thấy à ?

Trúc chạy vội xuống bếp, bật đèn tìm được cái thư. Trúc cảm thấy cha nàng gần như lạ lùng. Ông nhắc Khâm sau khi vừa kể chuyện về Bình cho nàng nghe, làm Trúc có cảm tưởng như ông đang điều khiển bộ não của nàng, vừa bắt nàng nghĩ về Bình một cách mãnh liệt, vừa xoay sang bắt nàng phải nghĩ về Khâm. Tại sao ông không đưa thư của Khâm cho nàng từ lúc ban sáng ? Tại sao ông không nói về Bình những ngày trước đây ?

Trúc cảm thấy buồn bực vô cùng. Nàng mang thư lên gác ngồi phệt xuống giường không buồn bóc thư ra đọc ngay. Ngồi như thế được một lát, Trúc cảm thấy nàng trách cha một cách vô lý không chi bằng. Tự Trúc nghĩ quanh nghĩ quẩn hết người nầy đến người kia, chứ ông có biết nàng nghĩ hay bảo nàng nghĩ thế này hay thế nọ bao giờ đâu ?

Trúc giận Khâm hai tháng mới gửi cho nàng một cái thư, làm nàng chờ đợi mỏi mòn đến nghĩ vơ nghĩ vẩn. Càng nghĩ Trúc càng cảm thấy cơn giận sôi lên sùng sục trong lòng. Trúc ném thư sang một bên và tắt đèn lên giường nằm. Nàng trả thù Khâm bằng cách không đọc ngay thư anh và định bụng sẽ viết cho Khâm bảo rằng vì anh gửi thư trễ nên nàng phạt anh bằng cách để trễ thêm vài hôm mới đọc thư và trả lời Khâm.

Hơn một giờ đồng hồ trôi qua, Trúc không tài nào chợp mắt ngủ đi được, đầu óc nàng lại cứ mải mê suy nghĩ. Đến lúc Trúc chợt phát giác ra là mình đang suy nghĩ về Bình. Trúc thở dài nghĩ thầm : “Tôi làm sao thế này ?” Trúc tự biết, từ mấy tháng nay, nàng đã để hết tâm trí vào việc suy luận và xét đoán những vấn đề thuộc về Bình. Trong khi ấy nàng lại không hề mảy may thắc mắc hay xét đoán vì lẽ gì Khâm ít thư cho nàng. Hơn nữa, trong khoảng thời gian vắng thư Khâm, Trúc cũng không có cái thư nào gửi đi hỏi thăm nguyên do. Nghĩ đến nguyên do vì đâu Khâm không viết cho nàng, Trúc ngồi bật dậy, bật đèn xé thư Khâm ra đọc :

Thư Trúc,

Giải thích chỉ là một việc quá thừa, nên anh không giải thích vì sao hơn một tháng nay, anh không có thư cho Trúc. Mong Trúc tha lỗi cho anh, anh có lỗi với Trúc nhiều quá.

Tháng vừa qua anh và một nhóm bạn có tổ chức một cuộc cắm trại ở núi Dương Minh và, bãi bể Dã Liễu. Trong suốt hai tuần lễ cắm trại, anh không có lấy một chút thì giờ để viết thư cho Trúc. Ban ngày thì lo tham dự cuộc vui đùa của đám thanh niên nam nữ trong tổ chức, đêm đến rúc vào trong lều tập thể của các bạn trai. Phần thì không đèn đuốc, phần thì vì đông người không khí ồn ào nên anh không thể làm gì được. Đây là lần đầu tiên anh tham dự cuộc cắm trại đầy thích thú nhưng cũng khá mệt mỏi này nên về đến trường anh đâm uể oải và lười biếng đến hơn nửa tháng sau anh mới viết thư này cho Trúc. Xin Trúc tha lỗi cho anh. Mong thư Trúc.

Khâm.

Trúc cảm thấy có một sự đổ vỡ âm thầm nào đó, sắp sửa xảy ra chung quanh nội dung bức thư của Khâm. Thì ra, Khâm đã vì mải mê chơi đùa nên quên lãng Trúc. Trúc cảm thấy những lý lẽ của Khâm viết trong thư đều không đứng vững. Có lẽ Khâm đã thay đổi hẳn tính tình khi tiếp cận lớp người trẻ có cuộc sống vui cuồng sống vội ấy. Ý nghĩ này làm Trúc chua xót. Giá trước kia Khâm đã tỏ ra là một con người ham chơi, đua đòi có lẽ Trúc đã không dễ gì chấp nhận tình cảm của anh và bây giờ sẽ không đến đỗi chua xót vì sự thay đổi của anh.

Trúc xếp thư lại và lên giường nằm suy nghĩ. Trước kia cũng có những lần Khâm đi xa. Mỗi lần như thế, Trúc đều nhận được thư Khâm viết trên xe hỏa với những dòng chữ ngoằn ngoèo in trên tờ giấy tí hon xé từ sổ tay làm Trúc cảm động. Thế mà lần này, chẳng những khi đi Khâm không viết một dòng cho nàng, đến lúc về, lại lười biếng để đến nửa tháng sau mới viết. Càng nghĩ Trúc càng thấy giận Khâm. Hai hàng nước mắt tuôn ướt cả chiếc khăn lông phủ trên mặt gối. Đến lúc quá mỏi mệt, Trúc mới chợp mắt ngủ thiếp đi.


Về Đầu Trang Go down
https://nhanbkvn-2022.forumvi.com
Admin
Admin
Admin


Tổng số bài gửi : 17784
Points : 24761
Reputation : 0
Join date : 16/10/2016

 Tương Tư - Loại Hoa Tím Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Tương Tư - Loại Hoa Tím    Tương Tư - Loại Hoa Tím Icon_minitimeSat Jun 10, 2017 4:10 am

Chương 5

Rời khỏi nhà Mộ Dung, Thư Trúc và Diễm Minh đi dọc theo đường Đồng Khánh về nhà. Trời nắng gắt gay làm cả hai đổ mồ hôi nhễ nhại, nhưng họ vẫn không đi nhanh hơn, cơ hồ sợ con đường rút ngắn.

Ngày mai Diễm Minh đi Hồng Kông, lần chia tay này không biết đến bao giờ mới gặp lại. Lúc nãy vừa ở nhà Mộ Dung ăn bữa tiệc tiễn biệt Diễm Minh, Mộ Dung khóc rưng rức. Tuy không chơi thân với Diễm Minh, Trúc cũng cảm thấy buồn vô hạn. Nhìn Mộ Dung giọt vắn giọt dài, Trúc có cảm tưởng chuyến ra đi của Diễm Minh có giá trị trọng đại như những người đi làm lịch sử. Cũng có tiệc tiễn biệt, cũng có những giọt nước mắt luyến tiếc của bạn bè. Trúc ước ao nàng cũng sẽ có cơ hội đi xa một chuyến, chẳng để làm gì, chỉ để chuốc những giọt nước mắt chân thành của bạn bè mà tự lấy làm vinh hạnh. Nhưng rồi Trúc thở dài, giả sử sau này có cơ hội đi xa, liệu Trúc có thể rời bỏ cha nàng để ra đi hay không ? Hoặc giả rất nhiều năm sau, nàng có thể dứt áo ra đi một cách không ràng buộc, liệu bạn bè có còn đủ những đa sầu đa cảm để tiễn nàng bằng nước mắt như đã tiễn Diễm Minh hay không ?

Dù sao thời gian là một cái gì rất vô thường, nó có thể làm cho tình cảm con người đậm đà, cùng một lúc cũng có thể làm cho nhạt nhòa đi, hay khô khan cằn cỗi đến không còn có thể gọi là tình cảm nữa.

- Thư Trúc dự định thế nào trong tương lai nhỉ ?

- Tương lai ?

Trúc cảm thấy bàng hoàng. Tại sao lâu nay Trúc chưa từng nghĩ đến hai tiếng ấy nhỉ ? Cũng bởi thế, Trúc không biết nói thế nào để trả lời Diễm Minh.

- Sao thế ? Thư Trúc !

- À… á. Tôi không biết !

- Không biết cái gì ?

- Ơ hay, Diễm Minh vừa hỏi tôi về tương lai đấy thôi !

Cả hai im lặng băng qua ngã tư đường.

- Tôi cảm thấy Thư Trúc thật đặc biệt. Trong một nhóm bạn bè theo đạo Phật, hình như chỉ có Thư Trúc là không có ý kiến gì về Đức Chúa Trời.

Ngừng một lát, Diễm Minh tiếp :

- Không, có thể là Trúc có rất nhiều ý kiến, nhưng vì Trúc thường im lặng nên tôi không hiểu được đấy thôi.

Thư Trúc cảm thấy buồn cười, nhưng nhìn Diễm Minh thấy có nét gì uy nghiêm trên khuôn mặt bầu bĩnh, giông giống khuôn mặt những con búp bê Đại Hàn của Diễm Minh, Trúc nghiêm ngay nét mặt lại nói :

- Tôi có thể đưa ra ý kiến gì bây giờ ? Tôi không hiểu mảy may nào về Đức Chúa Trời, hay Thiên Chúa giáo cả !

- Nhưng Trúc theo đạo Phật !

- Không hẳn theo đạo Phật là phải có ý kiến về…

- Xin lỗi Trúc, tôi không có ý ấy. Tôi muốn nói, phần đông, những người theo đạo Phật thường có ý kiến về Thiên Chúa giáo, và khi tôi muốn tìm hiểu về Phật thì họ trả lời rất mơ hồ, tôi không hiểu chi cả. Trúc có thể…

- Tôi cũng không hiểu chi cả !

- Thật là lạ lùng ! Đáng lẽ ra, là một tín đồ Phật giáo, Trúc phải chịu khó tìm hiểu và học hỏi về giáo lý của tôn giáo mà mình tín ngưỡng mới đúng.

- Diễm Minh nói rất đúng. Tuy nhiên, Phật giáo chỉ là tín ngưỡng truyền thống của gia đình tôi, không ai bắt buộc tôi học hỏi về giáo lý nên tôi chẳng hiểu chi cả.

- Nhưng tự Trúc có bổn phận tìm hiểu.

- Tại sao lại là bổn phận nhỉ ? Tôi không là tu sĩ, vả lại tôn giáo không có quyền bắt buộc tín đồ điều ấy.

- Có chứ, nếu không, ta lấy tư cách gì để làm một tín đồ ?

- Thế… à ! Có lẽ tôi không phải là một tín đồ Phật giáo, nhưng cũng không thể là kẻ ngoại đạo. Thế thì… tôi là gì nhỉ ?

Diễm Minh cười, Trúc cũng cười. Lúc đầu chỉ là những cái cười mỉm, rồi cười thành tiếng, rốt cuộc cả hai cùng cười sặc sụa. Diễm Minh nói :

- Lạ nhỉ ?

Trúc nói :

- Thật là buồn cười !

- Trúc đã nghĩ ra mình là gì chưa ?

- Đã, tôi là tôi !

- Dĩ nhiên, ngoài phạm vi tôn giáo, tôi cũng là tôi, ngược lại, tôi là một tín đồ Thiên Chúa giáo.

- Nếu thế, trong phạm vi tôn giáo, tôi không là gì cả ?

Trúc dừng lại. Quả thật, “không là gì cả” mới là câu duy nhất để nói với Diễm Minh, vì đó là sự thật. Trúc chợt nói :

- Đúng rồi ! Không là gì cả !

Diễm Minh cười lắc đầu :

- Tôi vẫn không hiểu. Mà thôi, ta không nói về tôn giáo nữa. Trở lại vấn đề cũ, Trúc có dự tính gì cho tương lai không ?

- Tôi chưa hề nghĩ đến những gì sẽ làm trong tương lai. Nhưng xin Diễm Minh nói một cách cụ thể hơn.

- Chẳng hạn, học hết chương trình trung học, Trúc định thôi học để đi làm hay tiếp tục học. Nếu tiếp tục học, sẽ chọn môn nào, bằng ngược lại, sẽ chọn chức nghiệp gì ?

- Câu trả lời của tôi có lẽ sẽ làm cho Diễm Minh thất vọng, vì tôi chưa có dự tính nào cả. Giá dụ, tôi đặt trong đầu một kế hoạch thập toàn thập mỹ, nhưng đến thời kỳ phải thực hành kế hoạch ấy, bỗng nhiên vì hoàn cảnh hay nguyên do nào khác, bắt buộc phải bỏ dở kế hoạch cũ để chuyển sang một mục tiêu khác thì Diễm Minh nghĩ sao ?

Diễm Minh trầm mặc giây lát :

- Tôi còn định hỏi Thư Trúc, có ý định xuất ngoại không, nhưng theo quan niệm vừa rồi của Trúc, tôi biết là tôi sẽ không được một câu trả lời thỏa đáng nào. Tuy nhiên, tôi cảm thấy chúng ta rất trùng hợp với nhau ở một tiêu điểm nào đó, dù quan niệm của chúng ta hoàn toàn tương phản.

Dừng lại một lát, diễm Minh nói :

- Tôi mến Thư Trúc lắm.

- Tôi cũng rất mến Diễm Minh.

- Đây là lần đầu tiên, tôi chuyện trò thật cởi mở với một người không đồng tôn giáo và là sơ giao.

- Nếu Diễm Minh tin ở lời nói của tôi, đây là lần đầu tiên tôi nói chuyện thật nhiều, và thật… trôi chảy.

Diễm Minh bật cười thành tiếng :

- Thư Trúc, cậu đùa với tôi đấy à ?

- Tôi nói thật, cậu không tin ?

- Tin chứ sao lại không ? Thư Trúc này !

- Hửm ?

- Cậu có thích trao đổi thư tín với tôi không ?

- Dĩ nhiên là có.

- Tôi sang đến bên ấy xong sẽ viết thư ngay cho Mộ Dung và cậu, cậu chịu khó tìm hiểu về tôn giáo của mình và viết thư kể cho tôi biết, nhé !

- Vâng, nhưng tại sao cậu quan tâm đến Phật giáo thế ?

- Phải nói rằng tôi quan tâm đến cậu, Mộ Dung và các bạn bè đạo Phật khác mới đúng.

- Xin cám ơn Diễm Minh.

- Cậu lại khách sáo. Sắp đến nhà tôi rồi, mình chia tay nhé ! Cậu ở lại chờ thư tôi.

- Diễm Minh !

- Chi, Thư Trúc ?

- Tôi mời cậu đến nhà tôi dùng cơm tối. Tôi muốn một mình tôi mời cậu bữa tiễn biệt tối nay, được chứ ?

- Thôi, không dám phiền cậu. Mình hiểu nhau là được rồi. Tôi đi nhé, bái bai !

- Diễm Minh ! Tôi chờ cậu đến 7 giờ tối. Nếu cậu bận không đến được thì thôi, nhé !

- Vâng, tôi sẽ cố gắng đến. Cám ơn Trúc nhé !

Nhìn theo bóng Diễm Minh khuất dần sau một khúc quanh, Trúc lấy khăn tay lau mồ hôi ở trán và ở cổ. Nàng cảm thấy cổ họng khô khát, có lẽ tại phơi nắng và nói nhiều.

- Cô Trúc !

Một giọng nói phái nam đầm ấm vang lên bên tai Trúc. Tiếng gọi nghe thật quen, Trúc không dám tin tưởng là tiếng gọi quen thuộc ấy phát xuất từ con người đã làm tâm trí nàng bận rộn từ bấy những nay. Nhưng cuối cùng sự thật vẫn là sự thật, thính giác của Trúc có mơ hồ đến thế nào đi nữa thì thị giác của nàng vẫn còn đủ khả năng chứng thực sự hiện diện của Bình. Trong lúc Trúc còn đang ngơ ngẩn trước sự thể quá ư đột ngột, thì Bình lên tiếng lần thứ hai :

- Cô Trúc đi đâu thế ?

- Dạ, thưa… tôi từ nhà cô Mộ Dung về…

Trúc định hỏi “ông Bình đi đâu đấy”, nhưng nàng biết là Bình đang trên đường đi đến nhà nàng để học, vì hôm nay là chiều thứ bảy. Mặc dù hỏi như thế chỉ là một phép lịch sự, Trúc vẫn cảm thấy không được thành thật nên nàng im lặng. Hình như Bình đoán được tâm ý của Trúc nên tự giải thích :

- … Tôi định ghé hiệu sách Tản Đà để tìm một vài loại sách rồi đến đằng giáo sư, nhưng hiệu sách chưa mở cửa. Cô có biết mấy giờ họ mở cửa không ?

- Dạ, khoảng 3 giờ thưa ông.

Bình xem đồng hồ tay nói :

- Thế thì trễ mất giờ học, thôi để khi khác vậy ! Cô về bây giờ chứ ?

Bình nói xong không đợi Trúc trả lời đã bước chân đi. Lúc nãy Trúc định bụng là sẽ đi mua thêm một ít thức ăn về làm cơm thết diễm Minh, nhưng thái độ của Bình trông chừng anh quả quyết là Trúc đang trên đường về nhà. Nếu nàng nhất định từ chối cùng đi về với Bình, Trúc e Bình sẽ hiểu lầm là nàng khinh thị anh thì khốn. Nếu là trước kia, có lẽ Trúc để mặc cho Bình hiểu lầm. Bây giờ thì khác, biết đâu Bình sẽ chẳng vì hiểu lầm mà cho rằng sở dĩ Trúc tránh đi cùng với Bình là vì đã từng trông thấy anh lái xe lam. Như thế chẳng hóa ra Trúc là một con người có tư tưởng hạ cấp ? Nghĩ thế nên Trúc không ngần ngại rảo bước đi theo Bình.

Buổi trưa trên con đường Tản Đà thật vắng lặng. Khoảng từ đường Đồng Khánh đến đường Nguyễn Trãi râm mát bởi những tàn me già khổng lồ đang rắc nhẹ những lá vàng xuống mặt đường nhựa thoai thoải dốc. Rất tiếc là khúc đường nên thơ quá ngắn. Trúc dừng chân trong khoảnh khắc ở khúc quanh sang đường Nguyễn Trãi, con đường chật hẹp khan hiếm bóng mát. Nếu đi xuống một tí nữa, hai bên đường chẳng còn một bóng cây. Hàng phố, cửa hiệu san sát, ồn ào đến bực dọc.

Trúc lấy khăn tay che đầu để đỡ phải chóa mắt vì ánh nắng. Đến ngã tư, Bình ra hiệu cho Trúc qua đường và nói :

- Ta đi sang đường Hồng Bàng cho đỡ nắng.

Trúc lặng lẽ đi theo sau Bình. Nàng có cảm tưởng Bình cũng vừa nghĩ đến điểm đáng ghét của đường Nguyễn Trãi như nàng nên mới đề nghị như thế. Thế nhưng Trúc chẳng hiểu ý nghĩ trên đến với nàng từ lúc nào ? Có lẽ mới đây thôi, vì trước kia, Trúc đi thì đi, chớ chưa bao giờ có một ý thức gì về những con đường.

Đang đi trên đường Phù Đổng Thiên Vương, chợt có một đôi nam nữ đèo nhau trên chiếc xe Honda chạy vụt qua, suýt đụng phải Bình, vì anh đi phía sát lề đường. Gã con trai có dáng công tử bột đã không dừng xe xin lỗi còn nói với lại :

- Rán để dành tiền mua xe rồi hãy đi với bồ, chú em ạ !

Gã nói bằng tiếng Quảng Đông, Bình không biết nên hỏi :

- Anh ta vừa nói gì thế hả cô ?

- Tôi không nghe rõ, thưa ông.

Trúc nói dối một cách thật phớt tỉnh. Nàng có đủ sự bình thản để nói dối mà không tự thẹn trong trường hợp vừa rồi. Lẽ thứ nhất, Trúc sợ nói trắng ra sẽ chạm đến tự ái của Bình. Thứ đến, Trúc tự thấy nàng có bổn phận che đậy sự thiếu hàm dưỡng của gã con trai nọ trước mặt Bình. Dù sao, gã và nàng cùng nói một ngôn ngữ, cùng ở trong tình trạng chen chân khách trú trên quốc thổ của Bình. Bình mỉm cười nói :

- Chắc họ phàn nàn tôi không biết luật đi đường đấy !

Trúc mỉm cười, nàng nói mà không nhìn thẳng Bình :

- Theo tôi, ông Bình mới là người có quyền phàn nàn họ.

- Tại sao thế hở cô ?

Bình vừa hỏi, vừa nhìn Trúc với dáng điệu thích thú về một đề tài thú vị.

- Vì họ không nhường người đi bộ.

Nói xong, Trúc mỉm cười nhìn Bình không chút ngượng ngập. Trúc không ngờ giữa nàng và Bình có thể có được một cuộc đàm thoại cởi mở và thú vị thế. Bình bây giờ không còn lầm lì “kênh kiệu” như trong ý nghĩ của Trúc trước kia nữa. Anh cười như nụ cười đầu tiên từng làm Trúc phát giác sự duyên dáng dễ thương ở anh.

- Cô Trúc giỏi về luật lệ giao thông lắm ! Chắc cô phải đứng đầu về môn Công dân giáo dục ?

- Ông Bình đoán sai rồi, tôi thích học Lịch sử nhất.

Bình trầm ngâm giây lâu, hỏi :

- Cô có thích học Việt văn không ?

- Thưa có !

- Nếu cô Trúc không trách tôi tò mò, tôi xin mạn phép hỏi cô một câu.

- Xin ông tự nhiên cho.

- Cảm ơn cô Trúc. Tại sao cô thích học Việt văn ?

Trúc nhìn Bình. Trực giác cho nàng thấy, đề tài này không được thú vị lắm, lại có vẻ hơi quan trọng. Nàng trầm ngâm giây lát, đáp :

- Tôi không hiểu chính xác được tại sao, thưa ông ! Cái gì tôi thích thì tôi học. Nhưng… tại sao ông hỏi tôi câu ấy ?

- Vì theo tôi thấy thì những học sinh ở các trường Việt Hoa thường không thích học Việt ngữ. Chẳng những thế, hình như họ không mấy có cảm tình với các giáo sư dạy Việt ngữ nữa.

Bình nói câu này với nét buồn trên mặt. Trúc cảm thấy ái ngại chính nàng là một phần tử kể trên, đã và đang gián tiếp làm mất lòng Bình. Trúc biết là Bình nói thật vì anh có dạy ở các trường Việt Hoa. Nhất thời Trúc chẳng biết nói thế nào để giải đáp thỏa đáng câu hỏi của Bình, mặc dù Trúc biết rõ nguyên nhân gây nên phần đông học sinh Việt gốc Hoa không thích học Việt ngữ. Lý do chủ yếu là ngôn ngữ là một trong những sức mạnh thiên nhiên có thể tạo nên sự cảm hóa và đồng hóa giữa hai dân tộc. Người Trung Hoa thường tự hào dân tộc mình có một lịch sử văn hóa vĩ đại. Họ chỉ nghĩ, nếu học và biết giỏi ngôn ngữ của một dân tộc mà xưa kia đã từng một thời lệ thuộc quyền thống trị của dân tộc họ, để bị văn hóa và ngôn ngữ của dân tộc này cảm hóa và đồng hóa thì chẳng có gì lấy làm vinh dự cả. Nhưng họ không hoặc ít khi nào nghĩ đến : Học ngôn ngữ của một dân tộc khác, ngoài những lý do (nếu có) nêu trên còn có thể đi đến sự cảm thông và sống chung hòa bình. Giáo sư Hiền đã có lần đưa ra một ý kiến về ngôn ngữ trong lúc dạy bọn Trúc : Học sinh ngữ cũng là để gia tăng giá trị con người, biết một thứ tiếng chỉ có giá trị một con người, nếu ta chịu khó học thêm nhiều thứ tiếng, ta sẽ có giá trị của nhiều con người. Trong những bạn bè của Trúc, có nhiều người trong lúc vì lý do lịch sử, nảy sinh ra tâm lý ghét bỏ chữ Việt, thì họ lại gạt bỏ những khía cạnh tâm lý khác, để theo học Nhật ngữ. Họ học Nhật ngữ với khía cạnh tâm lý là, Nhật là một cường quốc, giỏi Nhật ngữ, họ sẽ có một địa vị xã hội hái ra tiền trong tương lai. Trúc không có tư tưởng ấy nên có một vài lần bạn bè rủ Trúc học Nhật ngữ, Trúc đã khẳng khái từ khước. Tuy nhiên, hiểu rõ nguyên nhân là một vấn đề. Trúc không phải là một con người linh lợi hoạt bát, nên nếu dùng lời nói để giải thích nguyên nhân với Bình là cả một công trình. Nếu nói không khéo sẽ xảy ra tình trạng “từ bất đạt ý” thì lại càng phức tạp hơn. Sau một hồi trầm ngâm, Trúc quyết định tìm một cách khác để trả lời Bình. Vừa lúc ấy, có lẽ Bình đã phát giác ra sự tư lự của Trúc nên hỏi :

- Hình như cô Trúc không được vui, hay tôi đã hỏi sai câu gì làm phật lòng cô chăng ?

- Ồ ! Xin lỗi ông, tôi chỉ đang nghĩ cách để trả lời câu hỏi của ông chứ chẳng có chi làm tôi không vui cả.

Bình cười :

- Thế cô đã nghĩ ra chưa ?

Trúc ngẫm nghĩ một thoáng nói :

- Theo tôi thấy thì cũng tùy người ông ạ. Gia đình tôi và gia đình cô Mộ Dung đều là người Trung Hoa, thế nhưng chúng tôi đã học và thích chữ Việt. Quan niệm mỗi người một khác. Cha tôi có quan niệm là đã sống trên đất Việt Nam thì học chữ Việt là một điều cần thiết. Tìm hiểu văn hóa Việt tức là bắc nhịp cầu thông cảm giữa đời sống của hai dân tộc, ông ạ !

- Vâng, tôi hiểu giáo sư ở điểm này. Thế còn cô, dù sao cô thuộc vào thành phần lớp trẻ, quan niệm của cô có lẽ khác hơn bậc tiền bối như giáo sư phần nào ?

- Thú thật với ông, từ bé đến giờ tôi chưa có một quan niệm cụ thể nào cả. Đối với quan niệm của kẻ khác nếu tôi thấy đúng thì tôi thích và học.

- Thế cô có thích quan niệm của giáo sư ở nhà không ?

- Dĩ nhiên là có, thưa ông !

Bình xoa tay nói một cách thoải mái :

- Tôi rất lấy làm hân hạnh được sự cảm thông của cô.

Trúc trố mắt :

- Ông nói sao ?

- Tôi là người Việt, cô nhỉ ?

Trúc chợt hiểu, nàng mỉm cười cúi đầu im lặng. Hai người im lặng đi song song trên đường Hồng Bàng, hình như cả hai bắt đầu đi chậm hơn trước. Trúc có cảm tưởng mặt trời đang trốn trên mây ngủ gật nên ánh nắng không còn gay gắt và Trúc nghe thoải mái lạ. Lát lâu sau, Bình lên tiếng :

- Cô Trúc này !

Trúc đáp lời Bình bằng cách ngẩng lên nhìn anh.

- Sao cô không hỏi tôi “tại sao ông học chữ Trung Hoa” ?

- Ừ nhỉ, tại sao ông học chữ Trung Hoa ?

- Tại vì tôi thích nên tôi học.

- Tôi hỏi thật mà, ông trêu tôi chi ?

Bình hơi bối rối, có lẽ vì Trúc nói một cách trịnh trọng, không cười.

- Xin lỗi cô, tôi không có ý ấy. bây giờ tôi thành thật trả lời cô nhé.

Thấy Trúc vẫn im lặng, Bình băn khoăn hỏi :

- Cô giận tôi ư ?

Trúc phì cười :

- Đâu nào ? Tôi đang lắng tai nghe ông “thành thật trả lời” đấy chứ !

Bình thở ra nhẹ nhõm :

- Lúc đầu tôi học chữ Trung Hoa để tìm hiểu và thích ứng cho việc dạy các học sinh Việt Hoa. Dần dà, tôi thấy văn hóa Trung Hoa rất có ý nghĩa cô ạ.

- “Ý nghĩa” trong trường hợp nào thưa ông ?

- Rất nhiều, nhưng tôi chỉ xin kể một trường hợp cụ thể cho cô nghe. Chẳng hạn, giáo sư ở nhà từng nói với tôi một câu thật khiêm nhường nhưng cũng thật ý nghĩa, đó là câu “giáo học tương trưởng”.

Rồi như sợ Trúc nghe không hiểu, Bình nói lại câu trên bằng tiếng quan thoại với lối phát âm rõ rệt và tiếp :

- Người tây phương cũng có câu thành ngữ trên, nhưng họ đề cập đến câu này với lối hành văn và phát âm rườm rà nghe không được hàm súc. Chẳng hạn tiếng Anh nói câu giáo dục tương trưởng thật là dễ hiểu “The man learning when – whom teaching”, trong khi ấy tiếng Việt Nam có thể dùng bốn chữ giáo dục tương trưởng để biểu đạt cả lời lẫn ý của câu thành ngữ Trung Hoa mà không cần phải viết trắng ra rằng “người dạy học đã học trong lúc dạy”. Đấy cô xem có ý nghĩa hay không ?

Trúc gật gù :

- Tôi phục ông Bình quá !

Và Trúc chuyển sang tiếng quan thoại :

- Tôi có thể nói chuyện với ông bằng tiếng quan thoại không ?

Bình cười ngại ngùng :

- Vâng, có thể… nhưng tôi kém lắm mong cô chỉ giáo cho.

Bình đáp lời Trúc cũng bằng tiếng quan thoại, nhưng anh nói chậm và vấp đôi chữ. Trúc dí dỏm :

- Tôi đâu dám, “giáo học tương trưởng” mà ông.

Bình cười dòn tan nhưng không đáp lời Trúc.

- Sao ông không nói chi cả ?

- Thật… thật khó nói.

- Có chi khó nói đâu nào ?

- Tôi muốn nói… tiếng quan thoại… thật khó nói.

Trúc chợt hiểu là nàng nói tiếng quan thoại với Bình như nói với một người Trung Hoa, thảo nào anh thấy khó tiếp lời.

- Hay ta nói lại tiếng Việt vậy ?

Bình xua tay :

- Tôi thích nghe cô nói tiếng quan thoại hơn.

- Nhưng ông không nói chi cả.

- Thì tôi nghe cô nói.

- Tôi không biết nói gì cho ông nghe bây giờ…

- Cô không biết nói gì thì thôi, tới nơi rồi.

Bình vừa nói vừa đưa tay ra hiệu cho Trúc quẹo vào đường Tổng Đốc Phương.

Cả hai im lặng đi về đến nhà Trúc. Trúc xem đồng hồ, vừa đúng 3 giờ 5 phút. Bình nói :

- Trễ mất 5 phút phải không cô ?

- Sao ông biết ?

Trúc ngạc nhiên hỏi, vì không thấy Bình xem đồng hồ. Bình đáp :

- Tôi đoán mò cô ạ.

Trúc chợt nhớ ra là Bình thường đúng giờ như một cái máy. Nàng chỉ mỉm cười lấy chìa khóa ra mở cửa. Giáo sư Chi đang rửa mặt ở nhà sau. Trúc chạy a vào nói như phân bua :

- Cha ! Con gặp ông Bình ở ngoài đường !

- Thế à ! Bao giờ thì Diễm Minh đi Hồng Kông ?

- Ngày mai, thưa cha. Con có mời Diễm Minh lại nhà mình ăn cơm tối nay. Cha bảo, ta làm món ăn gì thết Diễm Minh đây ?

- Dĩ nhiên là làm một món ăn Việt để kỷ niệm Diễm Minh đã từng sống ở Việt Nam .

Giáo sư Chi vừa nói vừa đi ra phòng khách để dạy Bình học.

Biết chắc chắn rằng thế nào ông cũng mời Bình ở lại dùng cơm, mặc dù chưa biết Bình có nhận lời không, Trúc cũng thêm một nhúm gạo lúc nấu cơm. Quả vậy, chỉ một lát sau, giáo sư Chi đi vào bảo Trúc nấu luôn phần cơm cho Bình. Không hiểu sao, Trúc có ý nghĩ, lần này Bình vì nàng mà nhận lời ăn cơm nhà nàng.

*

- Thư Trúc à, Thư Trúc, Thư Trúc !

Nghe tiếng gọi, Trúc biết ngay là Quốc Trinh đến. Cô bạn này nổi tiếng là thông minh, lanh lợi, tính tình cương trực, mau mắn, làm việc hay nói năng đều linh hoạt đến gần như rối rít. Hiện Quốc Trinh là ký giả của vài tờ báo Hoa ngữ ở Chợ Lớn. Trong một nhóm bạn bè chỉ có Quốc Trinh là ra đời sớm nhất. Thấy Thư Trúc đang ở phòng khách thế mà Quốc Trinh cũng gọi một thôi dài, đó là cố tật của cô. Trúc vừa mở cửa cho Quốc Trinh vừa nói :

- Chi mà rối lên thế, làm người ta cứ ngỡ là hoàng hậu giá lâm.

- Công chúa giá lâm chứ !

Quốc Trinh khôi hài. Thư Trúc đưa tay lên má làm động tác lêu lêu :

- Có biết xấu hổ không đấy ? Thưa công chúa !

Quốc Trinh định trổ tài ồn ào của cô như mọi khi, nhưng chợt trông thấy Bình ngồi ở bàn ăn vội thè lưỡi hỏi khẽ :

- Có khách à ? Ai thế ?

- Công chúa mãi bận việc triều đình có thèm hạ giá đến tệ xá đâu mà biết những việc xảy ra từ bấy những nay. Vào trong này đã.

Quốc Trinh ngơ ngác :

- Việc gì đã xảy ra ? Sao tớ không nghe bọn Diễm Minh nói gì cả ?

Trúc phì cười :

- Đùa với cậu đấy ! Đây là ông Bình. Ông ấy là người Việt, đến học Quốc ngữ (quan thoại) với cha mình 5, 6 tháng nay rồi. Cậu có thèm đến đây đâu mà biết. À, cậu vừa gặp Diễm Minh đấy à ?

- Ừ, hắn phái mình đến nói cho cậu biết, hắn không đến được, và đại diện cho hắn ăn cơm nhà cậu tối nay.

- Thảo nào ! Nếu không, thánh chỉ cũng không dời gót ngọc đến đây.

- Thôi đừng cay cú nữa, đói bụng lắm rồi, có cho ăn cơm không thì nói.

- Quốc Trinh đấy à ? Cháu vừa đến đúng lúc, ở lại dùng cơm nhé !

Giáo sư Chi từ trong đi ra nói.

- Thưa bác ạ ! Cháu đại diện cho Diễm Minh thì nhất định phải xơi của bác một bữa cơm mới được.

- Diễm Minh không tới à ? Ừ, ngày mai đã đi rồi thì đến thế nào được.

Quay sang Bình ông tiếp :

- Cô Trinh giỏi chữ Việt lắm, cậu Bình ạ ! Cô ấy đang làm ký giả cơ !

- Cháu van bác đừng “tuyên truyền miễn phí” cho cháu nữa, cháu ngượng đến chết đi được. Ai cũng tưởng làm ký giả phải giỏi lắm. Tình thật… cháu không bằng một nửa Thư Trúc.

- Cho tôi xin, tôi không dám có một tí liên hệ nào với đại ký giả cả. Nào, chúng ta bắt đầu xơi cơm.

Trong bữa cơm, Quốc Trinh nói chuyện huyên thuyên. Để giúp Bình mau tiến bộ trong việc học quan thoại, giáo sư Chi đề nghị nói chuyện bằng quan thoại. Quốc Trinh nói quan thoại thì phải biết, trôi chảy và đúng giọng y như Bắc Bình. Phải công nhận là Quốc Trinh quá thông minh, học tiếng gì là phải giống tiếng ấy. Lúc chưa làm ký giả, Trinh giao thiệp với vài cô bạn ký giả người miền Bắc, thế là Trinh nói tiếng Việt y như người miền Bắc.

- Thư Trúc, có một việc này định bàn với cậu…

Không nghe Quốc Trinh nói tiếp, Trúc hỏi :

- Việc chi mà quan trọng thế ?

- Về kế hoạch mỗi năm của bọn mình.

- Việc cuối năm ủy lạo Viện Dưỡng Lão ấy à ?

- Ừ, nhưng năm nay tôi đề nghị, mình bỏ Viện Dưỡng Lão để ủy lạo Viện Mồ Côi.

- Tại sao ?

Trúc hỏi cụt lủn. Tự Trúc cũng nhận thấy ngữ khí của nàng đầy vẻ bất tán đồng. Vì Trúc không muốn đương nhiên bỏ ngang việc ủy lạo Viện Dưỡng Lão do bà giáo sư Hiền đề xướng và bọn Trúc đã làm trong mấy năm qua. Trúc đã quen thuộc với những mối cảm xúc trong những lần trao từng gói quà bé nhỏ qua những bàn tay các cụ già run rẩy, dăn deo. Mỗi lần như thế y như là Trúc bị cảm xúc mãnh liệt bởi những tiếng xôn xao vui mừng của các cụ.

Dĩ nhiên, ủy lạo Viện Mồ Côi đồng thời vẫn có thể ủy lạo Viện Dưỡng Lão. Có điều mỗi lần ủy lạo, mỗi người phải bỏ ra một số tiền kha khá. Trừ Quốc Trinh ra, bọn Trúc chưa ai đi làm cả. Ngửa tay xin tiền cha mẹ dù rằng làm việc thiện thì cũng phải ở một giới hạn nào thôi. Vả lại làm việc thiện bằng đồng tiền không phải do mình đem mồ hôi sức lực tạo ra, nó không đầy đủ ý nghĩa một việc thiện.

- Hôm qua mình đi theo một phái đoàn báo chí Việt Nam lên thăm một Viện Mồ Côi ở Biên Hòa. Nói là Viện Mồ Côi chứ thực ra chỉ là một nhà chùa, chấp nhận nuôi dưỡng những đứa trẻ côi cút. Nếu cậu trông thấy nhất định phải rơi nước mắt.

- Thế à ?

Trúc hơi mềm lòng, nhưng không mấy tích cực :

- Biết mình có đủ phương tiện không ?

Đối với Trúc, hai chữ phương tiện là ám chỉ tiền bạc. Phải chi Trúc có một việc làm, “ừ nhỉ, tại sao lâu nay mình không nghĩ đến tìm một việc làm” ? Bây giờ Trúc cảm thấy cần thiết nghĩ xa một chút có lẽ đời sống sẽ đỡ bớt những hoang mang. Nếu Diễm Minh đang hiện diện, Trúc sẽ trả lời Minh ngay rằng “Tôi sẽ đi làm, không cứ phải đợi học hết trung học, có thể ngay bây giờ”.

- Bởi thế nên tôi mới bàn ngay với cậu…

Quốc Trinh hơi ngần ngại nói :

- Tôi có quen với mấy ông Dân Biểu… Tôi có nói qua việc ủy lạo Viện Mồ Côi này và họ có hứa giúp về mặt tài chánh, tôi định nói với cậu đi thu góp với tôi…

- Tôi không đi !

- Tại sao ?

- Tôi không thích làm việc thiện bằng tiền của kẻ khác.

- Thư Trúc, cậu đừng hiểu lầm, người ta bằng lòng bỏ tiền ra để làm việc thiện.

- Dĩ nhiên, họ bằng lòng cậu mới rủ tôi đi góp tiền được. Nhưng cậu hiểu không, họ bằng lòng chứ không phải tự ý hưởng ứng.

- Cậu đừng cố chấp như vậy, mình không đề xướng thì họ biết đâu mà tự ý bỏ tiền ra ?

- Ai bảo cậu ? Nếu họ tự nguyện làm một việc thiện, tự họ có thể đề xướng lấy cơ mà ?

- Thư Trúc ! Sao mà cậu lôi thôi thế ?

- Tôi lôi thôi hay cậu lôi thôi đấy ? Khi không đề xướng bỏ Viện dưỡng Lão, chuyển sang Viện Mồ Côi, không đủ phương tiện phải đi cầu cạnh người ta. Mình làm việc thiện chứ có phải đi buôn lãi lời đâu mà cậu phải chạy đôn chạy đáo cho nó mệt xác.

Cả hai càng nói tình hình càng trở nên căng thẳng. Giáo sư Chi nói :

- Thôi, cháu Quốc Trinh cũng đừng nhận tiền của mấy ông Dân Biểu làm chi. Các cháu tự thấy có nhiều thì giúp nhiều, có ít thì giúp ít. Bác sẽ dự một phần vào việc này với các cháu.

- Thưa bác, bác không hiểu chứ đây lên Biên Hòa rất xa, chỉ tiền bao xe thôi cũng là một chi phí đáng kể.

- Nếu các cô không từ chối, tôi có thể dự một phần trong việc chuyên chở.

- Ông có xe ? Quốc Trinh hỏi.

- Vâng, xe động cơ ba bánh được không cô ?

- Sao lại không ? Nếu chúng tôi thuê xe thì cũng thuê loại xe này thôi.

- Nếu tôi tham gia một số tiền, có tiện không các cô ?

Bình hỏi xong nhìn Trúc như dọ hỏi. Quốc Trinh không dám nhận tiền nên cũng nhìn Trúc. Nhất thời Trúc bị bốn làn nhãn quang của hai người soi đến bối rối. Trúc chửi thầm Quốc Trinh : “Con này ngốc quá, người ta tự ý góp phần thì lại làm bộ làm tịch”. Cuối cùng Trúc đành nói :

- Thế ông có cùng đi với chúng tôi không ?

- Dĩ nhiên, tôi giữ chân tài xế mà lại.

- Không dám ạ !

Trúc nói thật khẽ. Quốc Trinh chợt reo lên mừng rỡ :

- A, thật là may ! Ông Bình tốt quá, có thiện chí quá ! Chúng tôi cảm ơn ông nhiều lắm.

- Rõ là tài ký giả. Trúc nói.

- Thư Trúc, tuần sau mình tiến hành nhé ! Viện Mồ Côi cơ, nhé ?

- Ừ thì Viện Mồ Côi, có ai bảo sao đâu ?

Quốc Trinh không bao giờ giấu được sự hớn hở, cô vừa dọn bát hộ Trúc vừa ngân nga một điệu nhạc vui tươi cổ điển. Quốc Trinh rất cởi mở và dạn dĩ gợi chuyện với ai mới quen, nên Bình cũng trở nên hoạt bát luôn trong buổi tối hôm ấy. Họ bàn rất nhiều về đề tài ủy lạo Viện Mồ Côi. Sau khi Bình và Quốc Trinh ra về, họ đã vạch sẵn một chương trình chuẩn bị cho cuộc ủy lạo vào chủ nhật tuần sau. Tuy nhiên, Trúc vẫn dự định báo cho bà giáo sư Hiền biết để bà góp thêm ý kiến, dĩ nhiên là cũng góp thêm một “cổ phần” cho việc ủy lạo.


Về Đầu Trang Go down
https://nhanbkvn-2022.forumvi.com
Admin
Admin
Admin


Tổng số bài gửi : 17784
Points : 24761
Reputation : 0
Join date : 16/10/2016

 Tương Tư - Loại Hoa Tím Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Tương Tư - Loại Hoa Tím    Tương Tư - Loại Hoa Tím Icon_minitimeSat Jun 10, 2017 4:11 am

Chương 6

- Minh ! Đứng lên, xòe tay ra !

Cậu học trò lấm lét nhìn Thư Trúc như van lơn. Trúc hét :

- Tôi bảo đứng lên ! Tại sao em không học bài ?

- Thưa cô, em không có thì giờ, em…

- Láo ! Em không qua mặt được tôi đâu. Nào, ngửa tay ra, bây giờ thêm một tội nói dối nữa.

- Thưa cô đừng đánh em tội nghiệp. Em nói thật, cô không tin hỏi em Xương xem !

- Xương ! Minh làm gì mà không có thì giờ học bài ? Em phải nói thực, nếu không sẽ mang tội đồng lõa.

- Thưa cô, anh Minh phải làm việc giúp mẹ, mãi đến 10 giờ rưỡi tối mới được nghỉ.

- Có thật không đấy ? Hay là hai anh em toa rập nhau đánh lừa tôi ?

- Em nói thật, cô không tin cứ hỏi mẹ xem !

Trúc lắc đầu, nàng không thể hiểu nổi tâm trạng của những bậc làm cha mẹ sao mà mâu thuẫn thế ? Tại sao họ không để cho con cái có thì giờ học bài ở nhà thay vì bỏ một khoản tiền mượn người dạy kèm ? Trông nét mặt chất phác của hai cậu học trò không đến nỗi nói dối.

- Tại sao em phải làm việc giúp mẹ hở Minh ? Và em bắt đầu làm như thế từ bao giờ ?

- Thưa cô… em mới phải làm từ tuần lễ nay thôi, vì… vì…

Trúc khoa tay ra hiệu Minh im lặng và hỏi Xương :

- Vì sao mà Minh ấm ứ thế, Xương ?

- Dạ thưa cô vì… vì mẹ bảo vì chúng em không chăm học, phải mướn thầy dạy kèm, nên mẹ bảo anh Minh làm để có tiền trả tiền dạy học cho cô.

- Thế em làm gì để giúp mẹ em, Minh ?

- Thưa cô em phụ mẹ dán hộp giấy và nhãn hiệu cho hiệu buôn.

- Thế còn cha em ?

- Thưa cha em cũng thế.

- Tại sao ?

- Thưa cô tại sao… thế nào ạ ?

- Tôi muốn hỏi tại sao cha em không đi ra ngoài làm việc mà lại ở nhà dán hộp giấy ?

- Dạ thưa tại… tại cha em sợ bị bắt đi lính !

Đây là câu giải đáp thiết thực nhất mà Trúc chưa hề nghĩ tới từ khi bắt đầu dạy kèm cho hai anh em Minh và Xương. Sự việc giản dị có thế mà Trúc không thể thấu triệt để phải hỏi gặng thằng bé hai tiếng tại sao. Có thể đây là bước đầu tiên Trúc đi vào và đối diện với sự sống, một sự sống tách rời gia đình và học đường. Lẽ đương nhiên đó là một cuộc sống có tính cách hòa mình với xã hội. Đối với Trúc, bây giờ xã hội chính là ngưỡng cửa của một đại học đường. Ở đó Trúc bắt đầu học được những sự thật và chân cuộc sống.

Trúc không thể ngờ rằng nàng có thể thông cảm và hòa mình với chân cuộc sống một cách rất thuận hồ tự nhiên như thế. Nàng thong thả quay sang nói với Minh :

- Em về nói với mẹ : Hãy để em có thời giờ học bài vào buổi tối. Về khoản tiền học phí, cô không thu đâu !

Minh ngần ngại :

- Nhưng sao cô không thu cơ ?

- Đừng hỏi chi cả, cứ thưa lại với mẹ như thế !

Trúc xếp tập lại và đưa hai anh em Minh ra cửa. Một món tiền dành cho việc ủy lạo viện dưỡng lão cũng được Trúc đưa đi theo gót chân hai cậu học trò nghèo.

*

- Thưa cô, có phải cô là cô Trúc không ?

Trúc ngắm cậu bé khoảng 13, 14 tuổi một thoáng và hỏi :

- Em có việc chi ?

- Dạ thưa, chú Bình của cháu nhờ cô thưa lại với giáo sư cho chú nghỉ học thêm một tuần nữa. Chú ấy còn bệnh, chưa khỏi hẳn.

Trúc định hỏi cậu bé về bệnh tình của Bình, nhưng biết rằng sẽ chẳng hỏi được gì thêm ngoài câu “chú của em bệnh ra sao ?” nên Trúc im lặng gật đầu. Cậu bé quay lưng đi rồi, Trúc vẫn đứng lặng ở ngưỡng cửa. Thế là thêm một tuần lễ nữa không thể gặp mặt Bình. Một tuần lễ trôi qua rồi biết Bình có thể khỏi bệnh để trở lại học không ?

Chưa bao giờ Trúc thấy chán nản như bây giờ. Thời giờ trôi qua một cách lặng lẽ và vô vị. Trúc đóng cửa và đi lên gác. Nàng lơ đãng đọc lại hai bức thư của Khâm và Diễm Minh vừa gửi tới ban sáng. Diễm Minh đã tìm được một việc làm ở một tu viện. Trúc có linh cảm rằng Diễm Minh sẽ trở thành tu nữ sau một thời gian, vì đó là lý tưởng và ý chí của nàng. Có lẽ Diễm Minh không bao giờ biết đau khổ, vì tâm hồn nàng quá bao la, trong khi đau khổ chỉ là một ngõ hẹp tầm thường mà Trúc đang dần dà dấn thân vào đó.

Khâm dạo này trở lại viết thư cho Trúc thật đều như khi xưa. Anh sắp tốt nghiệp Đại học và đang nghĩ đến kế hoạch sang Việt Nam . Được tin này đáng lẽ Trúc phải mừng lắm mới đúng, nhưng sự thật đã trái hẳn đi. Trúc đang hoang mang vô cùng. Trúc biết tình cảm của nàng đối với Khâm đã mờ nhạt tự bao giờ, chỉ vì Bình. Nhưng Bình đối với nàng rất vu vơ, cơ hồ rất tha thiết nhưng cũng rất lãnh đạm. Trúc hồi tưởng lần đi ủy lạo Viện Mồ Côi ở Biên Hòa vừa qua, bọn Mộ Dung cắt nàng ở lại trông xe với Bình. Cả hai ngồi đối diện nhau gần tiếng đồng hồ, Bình chỉ ngồi thừ người ra không nói một lời. Đối với thái độ im lặng của Bình, Trúc chỉ nghe chua xót. Nàng không làm sao hiểu được Bình, con người anh lạ lùng đến kỳ quặc. Trúc ngồi chán, bảo Bình ở lại trông xe để nàng đi tìm bọn Mộ Dung thì Bình cũng xuống xe đi theo nàng. Trúc quay lại hỏi : “Sao ông không ở lại trông xe ?” Bình đáp :

- Đi với cô cho có bạn.

- Nhỡ mất xe thì sao ?

- Thì thôi !

Trúc đứng dừng lại, Bình cũng dừng lại theo. Hai người đứng yên cúi đầu nhìn xuống đất. Cuối cùng, Trúc đi trở ra xe. Bình hỏi :

- Sao cô đi trở lại, không thích có tôi cùng đi hay sao ?

- Tôi chỉ sợ mất xe ông ạ !

Bình im lặng đi theo Trúc ra xe. Anh lấy trong thùng đồ hộp ra một lon nước ngọt khui đổ ra một cái ly giấy đưa cho Trúc. Anh uống phần còn lại trong hộp. Trúc nhìn Bình làm việc với một nỗi ngây ngất trong lòng. Nàng có cảm tưởng cả hai là một đôi tình nhân. Ở Bình, có cái gì làm cho Trúc có cảm tưởng cách xa anh trăm ngàn dặm, nhưng luôn luôn làm Trúc say sưa trong cảm giác xa cách ấy ! Bình uống đồ hộp một cách vụng về làm nước ngọt bắn tung tóe lên áo khiến Trúc bật cười. Anh cũng cười theo. Rốt cuộc, cả hai cười dòn tan như hai kẻ loạn trí dưới ánh nắng dìu dịu của buổi sáng. Trúc không còn thấy gì khác ngoài nụ cười của Bình, những chiếc răng trắng đều đặn luôn luôn lôi cuốn nàng đến gần như đam mê.

Trúc lắc đầu nguầy nguậy cố gắng xua đuổi sự ám ảnh của Bình, nhất là nụ cười của anh. Trúc lấy giấy viết thư ra định trả lời Khâm, song đầu óc nàng chẳng có lấy một câu, một chữ, ngoại trừ những nụ cười. Cuối cùng, nàng đành gác bỏ việc viết thư và đi tìm chị em Mộ Dung.

Vừa bước chân đến cửa đã nghe tiếng của Niệm Từ :

- A ha, chị Trúc đến vừa đúng lúc ! Cho chị xem cái này.

Trúc tiếp tấm thiếp Noel từ tay của Niệm Từ. Trên mặt thiếp vẽ một bức họa cổ Trung Hoa, cảnh một thiên kim tiểu thư đứng trên tầng lầu cao bên trong một dãy tường kín cổng, và ngoài tường có một thư sinh đang thơ thẩn ngóng nhìn. Loại thiếp này Trúc thường thấy bày bán ở các hiệu sách. Trúc đưa trả lại cho Niệm Từ và nói một cách lơ đãng :

- Có chi lạ đâu ?

Niệm Từ ngúng nguẩy :

- Cái chị này, lạ mới đưa chị xem chứ ! Lật bên trong ra mà xem.

Trúc chú ý lật bên trong ra thấy có đề mấy hàng chữ :

Thùy thuyết đương thời tương phùng ngộ
Doanh đắc thê mê
Tuệ nguyệt thành si
Tố dĩ thu phong tổng bất tri !

Tạm dịch :

Thuở mới gặp nàng ai bảo đã trái ngang
Chỉ chuốc lấy đam mê
Trí tuệ tuyệt vời của nàng khiến ta trở thành si dại
Than thở với gió thu mà gió thu đâu hiểu nỗi lòng ta !

- Úi chà !

Trúc bật kêu lên khi đọc xong bài từ trên, và quay sang hỏi Mộ Dung :

- Con nhà ai thế ?

- Ai mà biết !

- Quái, cậu mà không biết thì còn ai biết !

Mộ Dung nhún vai lắc đầu và trao cho Trúc một bức thư. Trúc mở thư ra xem thấy cùng một nét chữ trong thiếp :

Mộ Dung,

Xin Mộ Dung tha lỗi cho sự đường đột vì đã gọi Mộ Dung bằng tên. Nếu Mộ Dung biết rằng chúng ta là bạn học đồng lớp có lẽ Mộ Dung sẽ không trách tôi về điểm nhỏ nhặt ấy. Tôi là đứa con trai ngồi hàng ghế thứ sáu, bên dãy bàn phía tay phải, dáng cao, gầy, mang kính cận. Nếu Mộ Dung cho tôi được hân hạnh kết bạn, thì xin Dung gửi thư hồi âm theo địa chỉ ngoài phong bì, tạm đề tên tôi là Mr. M. David

Kính bút,
M. David

Trúc đọc xong bức thư, trầm ngâm giây lát :

- Thế cậu có nhớ ra ở hàng ghế thứ sáu có một gã nào như vậy không ?

- Làm thế nào nhớ được mà nhớ, mình ngồi ở hàng ghế thứ hai, chả nhẽ cứ quay đầu ra đằng sau mà nhìn mãi ?

- Vả lại, trước đâu biết được có một mục tiêu như thế để mà nhìn, nhỉ ?

Niệm Từ chêm. Trúc nói :

- Kỳ sau bắt đầu “nhìn” là vừa !

- Ai mà làm kỳ cục thế, hắn biết được tưởng là mình chú ý hắn thì nguy.

Trúc nhìn Mộ Dung :

- Thế ra cậu không chú ý hắn à ?

- Ai đã biết hắn đâu mà chú ý với không chú ý ?

- Về sau cơ ! Ít ra cậu cũng vì bận tâm đến bài Từ và bức thư mà lưu ý tìm hiểu về hắn ?

- Chả !

- Thật thế ?

- Sao lại không ?

- Tại sao ?

- Vớ vẩn !

Trúc thở dài. Tội nghiệp anh chàng ! Trúc lẩm bẩm đọc lại hai câu cuối trong bài Từ của gã : “Tuệ nguyệt thành si, Tố dĩ thu phong tổng bất tri”. Ôi, một thi sĩ đa tình đầy khí chất của Lý Hậu Chủ. Bất giác, Trúc nghe bùi ngùi trong dạ vì nhận ra hai câu trên tương phản ít nhiều tâm trạng của nàng. Mộ Dung vậy mà diễm phúc đáo để. Trúc lặng lẽ tự tay rót cho mình một ly nước và ngồi ngả người ra ghế vừa uống nước vừa trầm ngâm suy gẫm, với một mối thương cảm vô hình nào chợt đến với Trúc làm nàng cảm thấy bất lực hoàn toàn trước sự xâm phạm đột ngột của nó. Bây giờ Trúc đã nhận thức rằng nàng quả là một con người đa sầu đa cảm.

- Trúc ! Cậu làm sao thế ? Có việc gì không mà cậu đến vào giờ này ?

- Sao ? Tôi không thể đến thăm các cậu vào giờ này ư ? Mới có tám giờ rưỡi tối !

Mộ Dung hòa hoãn :

- Đồng ý là cậu có thể đến bất kỳ lúc nào, nhưng trước cậu không thế. Buổi tối mang xe đến nhà rước cậu chưa chắc cậu đã chịu đi. Cậu nói tôi nghe, cậu có tâm sự gì ?

Trúc lắc đầu buồn bã :

- Không ! Chả có chi cả.

Niệm Từ tinh ranh :

- Em biết chắc là có, nhất định có liên can đến bác tài xế xe…

- Niệm Từ !

Mộ Dung quát em :

- Nói năng cẩn thận một tí.

Niệm Từ thè lưỡi, im lặng. Mộ Dung chợt nhớ ra một điều gì :

- À, Thư Trúc này, có lẽ chúng mình nên tổ chức một bữa ăn họp bạn và mời ông Bình một bữa cơm, dù sao ông ấy cũng đã giúp mình trong chuyến đi Biên Hòa vừa rồi.

- Có thể, nhưng ông ấy đang ốm, tuần này vẫn chưa thể đến được.

Niệm Từ gật gù nói :

- Thảo nào !

- Thảo nào cái gì ? Cô coi chừng tôi đấy nhé !

Trúc bực dọc hỏi gằn, chưa bao giờ nàng có thái độ nghiêm khắc ấy trước những lời bông đùa của Niệm Từ.

Niệm Từ lắc đầu tặc lưỡi :

- Em trông chừng bệnh tương tư của chị có mòi trầm trọng quá mất.

Nếu được tương tư thì còn gì hơn. Trúc thấy rõ bệnh nàng bây giờ nghiêm trọng gấp đôi bệnh tương tư nữa kia. Trúc đang chiến đấu với chính con tim mình để giành lấy phần tự quyết. Trúc đang như một kẻ lạc lối đứng băn khoăn sầu muộn trước một ngã tư không người, chẳng biết phải rẽ vào hướng nào.

- Thư Trúc, cậu nghĩ chúng mình có cần đi thăm ông Bình không ?

Một tia sáng lóe nhanh trong óc Trúc : Ý kiến hay ! Chỉ có kẻ vô tư lự mới phát biểu được những ý kiến hợp thời nhất. Tuy nhiên, Trúc cũng không thể tán đồng ngay, vì như thế có vẻ làm sao ấy, rất khó nói. Trúc đành trả lời một cách ấm ứ :

- Tôi cũng chẳng hiểu mình có nên đi hay không ?

- Sao lại không ?

Niệm Từ ra vẻ ta đây :

- Đã là con người phải ăn ở cho có nghĩa. Người ta đã từng giúp mình, không quản khó nhọc, bỏ cả công ăn việc làm, từ Sàigòn lái chiếc xe lam chở năm sáu mạng người, lại còn thêm một bao gạo lên Biên Hòa. Bây giờ người ta ốm, thì dĩ nhiên mình “bắt buộc” (Niệm Từ gằn mạnh) phải có bổn phận đi thăm người ta, chứ ai lại “chẳng hiểu có nên đi hay không “ ?

Niệm Từ nói một thôi, đến câu chót cô nhại giọng của Trúc khiến Trúc cảm thấy ngường ngượng mặc dù đó chỉ là một câu nói ỡm ờ, nếu không muốn cho là giả vờ nói thế, chứ thật ra trong thâm tâm Trúc tán đồng đứt đuôi đi rồi ! Tuy ngượng nhưng nỗi vui mừng khiến Trúc mất đi cảm giác ấy rất nhanh, nàng khoát tay nói :

- Thôi thôi cô đừng có lý luận nữa, đi thì đi. Nhưng bao giờ đi đây chứ ?

- Này, này, chị không thích thì cứ không đi, chả ai bách bức chị cả, việc gì phải ồn ào lý luận với chẳng lý luận ?

Rồi Niệm Từ thở dài ra vẻ người lớn :

- Chỉ tội cho anh chàng, cứ ngỡ rằng người ta quan tâm đến mình lắm, ốm nằm nhà cứ sợ người ta lo phải cố gắng tìm kẻ hèn này nhờ trao lại cho bà chị bức thư chứ lị !

Trúc bật cười thành tiếng :

- Chu choa ! Rõ là một kịch sĩ tài hoa trong các ban hài kịch, diễn khéo ra phết Mộ Dung nhỉ ?

- Kịch khỉ thì có ! Mộ Dung nói.

- Em hỏi thật chị Trúc, chị có muốn đọc thư của ông Bình không ?

Niệm Từ hỏi.

- Không !

Trúc đáp gọn lỏn. Trúc nghĩ là Niệm Từ nói láo một trăm phần trăm, vì nàng quá hiểu Bình, làm gì có việc thư với từ trong khi ở trước mặt nàng anh không có một lời để nói. Vả lại, giữa anh và nàng hoàn toàn không có mối dây liên hệ nào để anh có thể viết thư cho nàng. Sở dĩ Niệm Từ nói thế có lẽ vì cô hiểu lầm Bình và nàng đã có tình ý chi đó nên trêu nàng chơi, Trúc còn lạ gì tính phá phách của Niệm Từ nữa. Niệm Từ không ngờ Trúc đáp một cách cứng rắn như thế nên nói :

- Không đọc thì thôi, người ta đi tắm cho nó mát, cho đỡ tức cái ngực. Đã đành việc thiên hạ chả can chi mà mình phải tức, chỉ tức hộ cho cái anh chàng…

Tiếng Niệm Từ mất hút dưới nhà bếp. Mộ Dung hỏi Trúc :

- Liệu con bé có nói thật không đấy, Thư Trúc ?

- Đến cậu mà cũng tin là hắn nói thật cơ à ?

- Ngộ nhỡ có thật thì sao ?

Trúc cúi đầu :

- Thế cậu bảo phải làm thế nào ?

- Soát cặp táp của hắn.

Trúc định nói “vớ vẩn” nhưng chẳng hiểu sao nói không ra lời, chỉ lẳng lặng đi theo Mộ Dung vào phòng ngủ của hai chị em tìm cặp táp của Niệm Từ. Mộ Dung xốc hết sách vở ra lật từng quyển kiếm tìm chẳng thấy có gì. Trúc đinh ninh trong bụng là sẽ chẳng tìm thấy chi cả. Tuy nhiên, nàng cứ để cho Mộ Dung moi móc kiếm tìm. Cuối cùng, Mộ Dung lôi ra từ trong cặp táp một mảnh giấy xếp làm tư vuông vức và nói :

- Đây rồi !

Tim Trúc đập đánh thót trong lồng ngực. “Vô lý !” Trúc nghĩ thế nhưng nàng cũng nghiêng đầu đến sát bên Mộ Dung chờ cô mở tờ giấy ra xem. Cuối cùng, cả hai cùng dán mắt lên hàng chữ nhỏ li ti :

“Nhìn xem,

Cái quần của cô rách một lỗ ở bên trái, chắc cho con gì cắn ?”

Mộ Dung và Trúc xem xong nhìn nhau ngớ ngẩn cả ra.

- Thế này là thế nào ?

Mộ Dung hỏi và cười như muốn mếu.

- Chả biết !

Trúc đáp và liếc mắt đọc trở lại một lần nữa. Chợt Trúc bật cười lên :

- Ha ha ha ! Ngốc ơi là ngốc ! Chúng mình ngốc đến thế là cùng ! Cậu xem, nét chữ này là của tiểu hầu tử nhà ta. Chắc hắn viết cho con bé người Việt ngồi kế bên hắn.

Mộ Dung cũng rũ ra cười :

- Đúng rồi, tiểu hầu tử nhà ta chơi thân với nàng này lắm. Nghe nói con bé này “hách” đáo để, mỗi khi nghe ai khen cô nào đẹp thì ả hỏi ngay “có đẹp bằng moa không ?”

Mộ Dung nói xong cười lên khanh khách, Trúc cũng ôm bụng cười theo.

- Cười cái gì mà cười dữ dzậy hai cái bà này ?

Trúc ngẩng lên thấy Niệm Từ đang chống nạnh hai tay đứng ở cửa phòng. Mộ Dung phất mảnh giấy trong tay nói :

- Nhìn xem !

Niệm Từ hốt hoảng định đưa tay giật mảnh giấy, nhưng Mộ Dung đã rút phắt tay lại và nói :

- Điều kiện !

Niệm Từ lồng lên :

- Điều kiện cái con khỉ nhà các bà ! Ai cho phép các bà lục soát cặp táp của người ta ? Có trả đây không người ta mách ba cho mà xem !

- Hì hì, chính ba ra lệnh cho tôi lục soát đấy ! Cô có giỏi thì cứ mách ba đi, hi hi !

- Hì hì, hi hi…

Niệm Từ bĩu môi nhại lại Mộ Dung và ngồi đánh phịch xuống ghế :

- Điều kiện gì, nói đi !

- Đánh đổi “tang vật” này với bức thư ông Bình. Mộ Dung nói.

- Nhưng…

- Lại nhưng, nhưng cái con khỉ nhà… hừ ! Cô không biết điều thì thôi tôi đem lên trình ba.

Mộ Dung nói xong gấp mảnh giấy cho vào túi. Niệm Từ dịu giọng :

- Thư ông Bình em không có, nhưng em nhặt sổ tay của ông ấy…

- Nhặt ở đâu ? Bao giờ ?

Trúc hỏi dồn. Niệm Từ đáp :

- Hôm mình đi Biên Hòa ấy ! Ông ấy đánh rơi lúc khuân gạo xuống xe.

Mộ Dung sa sầm nét mặt :

- Thế sao không trả ngay cho ông ấy ?

Niệm Từ im lặng. Mộ Dung gằn giọng :

- Thế mà còn lên mặt thầy đời, nào là người ta đối xử thế nào với mình, mình phải đối xử lại người ta ra sao, ra sao. Phét ! Toàn là đạo đức giả cả ! Bây giờ tôi mới biết, bộ mặt thật của cô là : người ta đối xử tốt với mình thì khi nhặt được cái gì của người ta mình phải đem giấu kín nó đi, để… khai thác… có đúng không ?

- Thôi Dung, Niệm còn nhỏ, chưa hiểu thế nào là nên hay không.

Trúc nói xong quay qua Niệm Từ :

- Lần sau đừng có như thế nữa, nghe không ?

Mộ Dung vẫn chưa nguôi giận nên nói :

- Sao mà tồi thế Niệm ?

Niệm Từ ngẩng phắt lên :

- Này, chị đừng có thừa thế bắt nạt người ta mãi. Em công nhận là em tò mò nên không trả ngay sổ tay lại cho ông Bình, nhưng khi xem trong ấy có nhiều việc thầm kín liên quan đến chị Trúc nên không dám trả lại ông ấy, sợ ông ấy… ngượng, chị hiểu chưa ? Tò mò không có nghĩa là tồi, yêu cầu chị đính chính !

- Ơ hay, cô dạy khôn tôi đấy à ?

- Thế là hòa.

Trúc nói :

- Bây giờ không ai hơn ai thiệt cả. Tôi đề nghị thế này, yêu cầu Niệm cho tôi xem sổ tay của ông Bình được không ? Vì có liên quan đến tôi nên tôi phải đọc, không thể cho là tò mò nhỉ ?

- Dĩ nhiên !

Niệm Từ đáp và đứng lên đi mở khóa ngăn kéo riêng của cô lấy cuốn sổ tay đưa cho Trúc. Trúc hồi hộp giở từng trang và chỉ đọc thoáng qua những trang ghi địa chỉ của các bạn Bình. Đến phần giữa của quyển sổ, Trúc phát giác tên nàng nằm ngang dọc, la liệt trên từng trang với nét bút viết chữ Trung Hoa chưa được vững lắm của Bình. Tiếp theo đó là những trang viết theo lối tạp ghi bằng chữ Việt. Trúc thoáng thấy có tên nàng trong đó nên tiếp tục đọc :

“Thư Trúc, tại sao tên nàng nghe lạ thế ? Tại sao tôi cứ nghĩ mãi về cái tên mà tôi không hiểu nó mang ý nghĩa gì, và tôi cũng không làm sao hiểu nổi cái con người mang tên Thư Trúc.”

Và một đoạn khác :

“Tôi nghĩ là tôi đã không còn tự chủ được nữa, và những mộng tưởng xa xưa của tôi bay vù đâu mất. Thư Trúc !! Nàng hoàn toàn không phải là người trong mộng tưởng của tôi ở những năm về trước. Nàng không có khuôn mặt trái soan và làn da trắng nõn nà dưới vành nón lá, trên người nàng không vận tà áo dài thướt tha của những phụ nữ Việt Nam . Thế mà nàng đã đi sâu vào trái tim tôi tự bao giờ, tôi không hề hay biết. “

“Thư Trúc, nàng không có một dung nhan kiều diễm, không có ánh mắt đa tình. Nàng rất tầm thường, thế mà nàng đã ám ảnh tôi trong từng bước đi, từng giấc ngủ.”

“Tôi không làm sao hiểu được nàng dù đã nhiều lần được trò chuyện với nàng. Con người nàng trang nghiêm đến gần như lạnh lùng, bình thản đến gần như u sầu, gần như có rất nhiều tâm sự. Có phải thế không ? Thư Trúc, Thư Trúc, Thư Trúc, Thư… “

Và đằng sau là những tờ giấy trắng. Trúc đọc xong những đoạn văn trên mà không hiểu mình đã có cảm giác gì. Vui, buồn, tủi, hận đều không có ý nghĩa gì đối với Trúc. Trúc chỉ nghe lòng hoang mang đến cực điểm. Lúc chưa biết được tình của Bình đối với nàng ra sao thì nàng chỉ nghe buồn da diết, bây giờ biết rồi thì lại hoang mang không biết phải làm sao. Nói rằng nàng yêu Bình thì Trúc tự cho rằng nàng không có cái quyền đó, nói rằng không yêu thì đau khổ cho nàng biết mấy !!

- Thế nào, Thư Trúc ? Người ta yêu cậu đấy ! Còn phần cậu ?

Mộ Dung hỏi. Trúc thong thả lắc đầu :

- Không giản dị thế đâu !

- Hai năm rõ mười thế còn gì nữa ? Mà tôi hỏi thật cậu nhé, thí dụ người ta yêu cậu thật đi, cậu có yêu lại người ta không ?

- Tôi không có quyền đó, cậu thừa hiểu mà !

- Ai cấm cản cậu ? Anh chàng Khâm ấy à ? Tôi luôn luôn phản đối cậu và bác Chi ở điểm này. Đời bây giờ nhân loại đã đi đến trình độ chinh phục mặt trăng. Cậu có đọc hồi ký của Tưởng Bích Vi mà cậu còn khư khư ôm giữ lấy cái thành kiến lỗi thời ấy. Cậu thấy đó, thời đại Tưởng Bích Vi cách thời đại chúng mình gần một thế kỷ…

- Mộ Dung ! Cậu đừng so sánh quái gở như vậy. Tôi không đa tài, đa tình như Tưởng Bích Vi, và Khâm cũng không lãng mạn, bội bạc như Từ Bi Hồng.

- Sao cậu biết ? Cậu có gặp mặt Khâm bao giờ chưa mà biết là hắn không lãng mạn, không bội bạc ?

Thư Trúc thở dài :

- Thôi, ta không bàn về đề tài này nữa. Xin hai cậu cho biết ý kiến bao giờ đi thăm ông Bình ?

- Dĩ nhiên là sáng chủ nhật !

Niệm Từ nói và quay sang Mộ Dung ngửa tay :

- Nào, trả lại đây cho người ta !

Mộ Dung trao trả mảnh giấy cho Niệm Từ nói :

- Này, nhớ chữa sai văn phạm câu chót, “bị con gì cắn” chứ không phải “cho con gì cắn” đâu đấy.

Niệm Từ vồ lấy mảnh giấy càu nhàu :

- Kỳ quá xá !


Về Đầu Trang Go down
https://nhanbkvn-2022.forumvi.com
Admin
Admin
Admin


Tổng số bài gửi : 17784
Points : 24761
Reputation : 0
Join date : 16/10/2016

 Tương Tư - Loại Hoa Tím Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Tương Tư - Loại Hoa Tím    Tương Tư - Loại Hoa Tím Icon_minitimeSat Jun 10, 2017 4:11 am

Chương 7

Trước khi đi thăm Bình, Trúc đã cùng Mộ Dung bàn luận rất nhiều chung quanh vấn đề tình cảm giữa nàng và Bình. Theo Mộ Dung thì Trúc bắt buộc phải chọn một trong hai biện pháp dứt khoát : Một là nghiêng hẳn về phía Bình và giải quyết dứt khoát với Khâm, vì cả hai chưa có hình thức hôn nhân nào cả, Trúc hoàn toàn có quyền chọn lựa người bạn đường hợp ý với mình ; hai là nếu chọn Khâm thì Trúc phải tránh gặp Bình vì anh đã tỏ ra có cảm tình với Trúc, chứ Trúc không thể để câu chuyện kéo dài mãi trong tình trạng khó xử mà lụy cho cả ba !

Vì vậy, khi đối diện với Bình, Trúc đinh ninh rằng có thể nàng sẽ chọn giải pháp thứ nhất, vì Trúc hoàn toàn bị lôi cuốn phải ngả hẳn về phía Bình. Trong lúc đối diện với anh, trông anh cười, nghe anh nói, nhìn những động tác khoan thai, mà Trúc chưa hề trông thấy ở một người con trai nào, của Bình, ngần ấy thứ đã xâm nhập và ở sâu trong tiềm thức của Trúc từ lâu lắm.

Theo kế hoạch của Mộ Dung, nếu Trúc chọn Bình thì hãy khéo léo trả quyển sổ tay cho Bình, vì đó là một cách nói cho Bình biết, Trúc đã hiểu rõ lòng anh. Nếu Bình thật lòng yêu Trúc thì anh sẽ theo cái đà ấy mà tiến xa hơn. Bằng ngược lại thì Trúc phải tránh xa Bình, coi như không biết gì về những điều trong quyển sổ tay và giữ nó luôn để làm kỷ niệm.

Có lẽ định mệnh đã an bài mối duyên giữa Bình và Trúc chỉ có thế thôi, nên đúng cái lúc Trúc quyết định sẽ tìm cách trả quyển sổ tay cho Bình thì nàng nhận được thư Khâm. Một cuộc chiến tranh bùng nổ trong tâm hồn Trúc. Nàng cố gắng phấn đấu cho đến phút giáp mặt Bình trên giường bệnh của anh mà trận chiến vẫn chưa ngã ngũ ra sao. Rốt cuộc, Trúc đành để cho quyển sổ nằm nguyên trong túi áo cho đến lúc ra về.

Mộ Dung vẫn để ý từng cử chỉ của Trúc nên vừa ra khỏi nhà Bình, Dung nói :

- Thế là cậu đã quyết định ?

Trúc lắc đầu. Mộ Dung tiếp :

- Thế là nghĩa làm sao ?

- Chả biết nữa cậu ạ, tôi hoang mang lắm !

Mộ Dung thở dài. Niệm Từ nói :

- Hay là cứ yêu hai chàng cho xong.

Trúc cười thảm não. Mộ Dung nói :

- Yêu kiểu đó thì lên đến thiên đàng tình ái bằng một phát súng tiễn linh hồn em xa anh và anh sẽ theo em.

- Giỡn chị, ai chứ ông Bình thì em dám đoan chắc là ông ta không dám làm thế. Vả lại ông ấy làm gì có súng ?

- Không có súng, không biết dùng dao à ?

Mộ Dung nói. Trúc bật cười :

- Gớm, các cậu nằm mơ ngay cả ở ngoài đường ngoài xá như thế này à ?

Mộ Dung nghiêm sắc mặt :

- Cậu bảo tôi nghe, cậu đã quyết dịnh như thế phải không ?

- Quyết định thế nào cơ ?

- Đừng vờ nữa. Cậu đã quyết định chọn Khâm phải không ?

Trúc chau mày, xong mím môi im lặng. Mộ Dung nhìn Trúc nói :

- Cậu trở nên vô cùng khó hiểu.

Niệm Từ nói chen :

- Thế còn chị, bộ chị tưởng là chị dễ hiểu lắm đấy à ? Bảo cho chị biết, chính chị còn chưa hiểu được lòng mình thì đừng hòng đi hiểu kẻ khác cho thêm phiền.

- Ai bảo với cô là tôi không hiểu được lòng tôi ? Tôi không hiểu tôi thì còn ai hiểu, cô hiểu à ?

- Ấy đấy ! Chỉ có em mới hiểu được lòng chị, đi guốc trong tim chị mà thôi !

Mộ Dung bĩu môi :

- Tài nhỉ ? Thế cô hiểu tôi ra làm sao ?

- Chị ấy à ? Mâu thuẫn !

- Mâu thuẫn trong những việc gì mới được ?

- Việc anh chàng David ấy !

- Cô chịu khó theo dõi tôi đến thế cơ à ?

Trúc chen vào :

- Thế nào, Mộ Dung, câu chuyện đi đến đâu rồi ?

- Đã bảo với cậu là vớ vẩn !

- Vớ vẩn ? Vớ vẩn cái nỗi gì mà ngày nào cũng đọc thư của người ta ?

Niệm Từ nói. Mộ Dung cãi lý :

- Ơ hay, thư của người ta gửi cho tôi thì tôi đọc là lẽ dĩ nhiên !

- Nếu đổi lại là em thì em gửi hoàn những phong thư ấy cho hắn, tuyệt nhiên không bóc ra đọc.

- Tại sao ?

-… Đã bảo với chị là vớ vẩn mà lại ! Ai lại, mồm thì cứ kêu vớ vẩn mà tay thì cứ cầm chắc bức thư của người ta mà đọc đi đọc lại mãi !

Mộ Dung nói gượng :

- Mày chả hiểu gì cả, nhóc con ạ !

Rồi như sợ Niệm Từ tiếp tục phân tích tâm lý, Mộ Dung quay sang hỏi Trúc :

- Cậu phải có hành động dứt khoát mới được, cứ như thế này mãi có ngày cậu phải đi trị bệnh thần kinh mất.

Trúc ngẩng nhìn trời. Ánh sáng trong tia nắng mặt trời chiếu vào mặt làm Trúc muốn hắt hơi. Nàng cúi đầu nhìn xuống chân nói như tự thú :

- Tôi không biết nói sao bây giờ. Thú thực với cậu, tôi công nhận mình có cảm tình với Bình, nhưng không thể làm thế nào hơn được, vì đối với Khâm, không phải chỉ có vấn đề tình cảm suông mà thôi, lại còn có cả vấn đề trách nhiệm trong ấy nữa, mà hai chữ trách nhiệm luôn luôn là một gánh nặng đeo mang trong lương tâm mình.

- Tôi hiểu, nhưng không có việc gì là không giải quyết được cả. Chúng ta phải cố gắng tự tìm cho mình một cách thức, một phương pháp để giải quyết vấn đề chứ ?

- Để xem đã, có thể là không có một phương pháp hay cách thức nào hiệu nghiệm bằng thời gian.

Cả ba đều im lặng đi bách bộ trên đường về nhà, mỗi người mang trong tâm hồn một ý niệm.

Lúc đi ngang qua một chiếc cầu, Mộ Dung như cảm hoài điều gì, cô để bàn tay kéo lê trên thanh sắt một bên thành cầu nói :

- Đoạn trường ai có qua cầu mới hay ! Theo lập trường của tôi, nếu tôi là cậu, tôi sẽ yêu Bình. Nhưng biết đâu khi tôi thực sự ở trong trường hợp của cậu, tôi lại chẳng hoang mang như cậu vậy !

Trúc cười. Niệm Từ nói :

- Bảo là chị mâu thuẫn thực chả sai tí nào cả. Em chưa qua cầu đoạn trường bao giờ, nhưng em biết, chỉ có một cách này là có thể giải quyết vấn đề của chị Trúc.

- Cách gì thế ?

Trúc hỏi. Niệm Từ ra chiều bí mật :

- Thiên cơ bất khả lậu !

Mộ Dung nói :

- Phét vừa thôi, ai còn lạ gì cô ?

- Cái chị này, chị không biết gì cả thì im lặng cho người ta nhờ !

Trúc chen vào nói :

- Có cách gì Niệm Từ nói ra đi, để còn phải nghiên cứu lại nữa.

- Chị phải lánh mặt ông Bình một thời gian.

- Để chi vậy ?

Mộ Dung hỏi. Niệm Từ đáp :

- Thì để thử thách lòng chị Trúc chứ còn để chi nữa ? Sao mà chị… khờ thế ?

Mộ Dung định làm dữ, nhưng chẳng hiểu nghĩ sao cô lại gật gù nói với Trúc :

- Cậu sửa soạn tôn con bé làm “cố vấn ái tình” cho cậu đi là vừa.

Niệm Từ hăng hái nói :

- Việc ấy là lẽ đương nhiên, nhưng em còn phải nghĩ lại đã. Làm cố vấn ái tình cho chị Trúc không khoái bằng làm cho chị…

- Tôi cóc cần cô !

- Biết đâu đấy ?

Trúc chen vào nói :

- Trở lại vấn đề cũ đi, Niệm Từ !

- Vâng, em cho là chị nên xa ông Bình một thời gian, xem chị có cảm thấy đau khổ không ? Nếu không đau khổ, tiếc nuối chi cả thì chả hề gì, chị cứ việc yên tâm mà chờ đợi anh Khâm. Bằng ngược lại thì chị nên bỏ anh Khâm mà yêu ông Bình, lấy ông ấy, nếu không chị sẽ đau khổ suốt đời.

Trúc nhìn Mộ Dung :

- Cậu có ý kiến gì không ?

Mộ Dung cười :

- Cái ấy còn tùy ở cậu, nếu cậu thấy thích thì cứ thử xem sao ?

- Đáng được thử thách, nhỉ ?

Niệm Từ nhìn Trúc hỏi. Trúc gật đầu :

- Ừ, đáng được thử thách !

Cả ba lại tiếp tục im lặng đi nốt quãng đường. Buổi sáng chủ nhật từ từ trôi qua theo những chiếc bánh xe lăn hối hả trên đường xá tấp nập.

Những ngày kế tiếp cũng đã trôi qua trong một cuộc thử thách. Trúc đã lấy lại được sự bình thản của những ngày Bình chưa xuất hiện. Trúc nghĩ, có thể nàng sẽ mãi mãi giã từ những sự mâu thuẫn và đau khổ đâu đâu trong tình cảm. Vấn đề đã giải quyết êm xuôi trong một tâm trạng khẳng khái. Trúc đã bày tỏ sự việc với Mộ Dung và Niệm Từ. Niệm Từ hớn hở đưa cao ngón tay cái lên nói :

- Thấy chưa, kế hoạch của em là số dách mà !

Còn Mộ Dung thì chỉ nghiêm trang nói :

- Thư Trúc, cậu hãy suy nghĩ cho chín, không nên nuôi dưỡng tình yêu bằng ảo giác.

- Ảo giác ? Cậu chỉ Khâm ư ?

- Ừ !

Niệm Từ nói :

- Cái chị Dung này, việc của chị Trúc thì tự chị ấy quyết định lấy, việc gì đến chị mà chị phải thương vay tiếc mướn cái nhà ông Bình ấy. Chả lẽ…

Mộ Dung đưa tay bịt mồm Niệm Từ nói :

- Im mồm, định nói nhảm à ?

Trúc cười nói với Mộ Dung :

- Cậu yên tâm. Tôi hiểu tôi nhiều hơn cậu nghĩ !

Tuy nói thế nhưng Trúc bắt đầu cảm thấy bận tâm về hai chữ “ảo giác”. Mộ Dung là kẻ ngoại cuộc, có thể cô đã nhìn thấy những viễn tượng mà Trúc chưa thể nhìn thấy, và ý nghĩ của Mộ Dung đã được bộ não sáng suốt của cô gạn lọc kỹ càng trước khi nói ra. Ý nghĩ này làm Trúc không dám chủ quan thái quá. Đồng thời, trên một phương diện khác, Trúc mơ hồ cảm thấy, trong tâm trí nàng đã sẵn sàng chuẩn bị để thích ứng một biến chuyển, một biến chuyển rất mông lung, mơ hồ.


Về Đầu Trang Go down
https://nhanbkvn-2022.forumvi.com
Admin
Admin
Admin


Tổng số bài gửi : 17784
Points : 24761
Reputation : 0
Join date : 16/10/2016

 Tương Tư - Loại Hoa Tím Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Tương Tư - Loại Hoa Tím    Tương Tư - Loại Hoa Tím Icon_minitimeSat Jun 10, 2017 4:12 am

Chương 8


Bình ôm lấy quyển sách học trước ngực, buồn bã đi ra khỏi con ngõ dẫn vào nhà Trúc. Đã ba tuần rồi anh không hề thấy Trúc ở nhà trong lúc anh đến học. Đã nhiều lần, anh định hỏi giáo sư Chi về Trúc, nhưng thấy ái ngại nên thôi. Bình nghĩ, có lẽ Trúc đi học thêm một môn gì đó. Nhưng học môn gì thì cũng học ở ngày thường, vì Trúc rảnh cả ngày kia mà. Nghĩ mãi vẫn không tìm ra nguyên do, cuối cùng, Bình nảy ra một ý định. Anh đi đến quán bán thức ăn ngọt cách đầu ngõ không bao xa, chọn một chỗ hướng về mặt đường, hy vọng sẽ trông thấy Trúc từ ngoài đi vào ngõ. Lão chủ quán đến bên anh niềm nở hỏi một câu bằng tiếng Quảng Đông :

- Xực mách dẹ a, lụ bảl ? (Gọi thức ăn gì đấy ông chủ ?)

Bình không biết nghe tiếng Quảng Đông, nhưng anh đoán hiểu lão ta hỏi anh ăn gì nên đáp :

- Ông cho tôi một ly đậu xanh nước đá !

Lão chủ quán gọi với vào trong :

- Dách cô tál xí bứng !

Bình hơi ngạc nhiên vì tiếng Quảng Đông khác với tiếng quan thoại xa quá. Học chữ Trung Hoa mà rốt cuộc nghe không hiểu tiếng Trung Hoa. Bình hơi tiếc là trước kia anh đã không nhờ giáo sư Chi dạy luôn cho anh tiếng Quảng Đông. Chợt Bình có ý học tiếng Quảng Đông ngay lúc ấy. Giáo sư Chi và Trúc thường nói chuyện bằng tiếng Quảng Đông, nếu anh chịu khó học tập từ lúc đầu thì không đến nỗi mù tịt như bây giờ. Nghĩ đến việc học tiếng Quảng Đông, Bình nghe phấn khởi lạ. Anh vội lấy sổ tay ghi câu vừa học được ở lão chủ quán và chú thích :

Dách cô : Một ly (một cái)

Tál xí : Đậu xanh

Bứng : Nước đá.

Bình ghi xong nhẩm đọc sang tiếng quan thoại. Rốt cuộc, anh thấy cũng không đến nỗi khó đọc cho lắm. “Một cái”, tiếng quan thoại đọc là “í cớ” và “nước đá” thì đọc là “bíng”. Hai tiếng này tương đối dễ nhận ra. Duy có chữ “đậu xanh” là khác biệt một cách lạ lùng, khó hiểu, vì tiếng quan thoại đọc đậu xanh là “lúy tấu”. Ngôn ngữ Trung Hoa thật là phiền phức. Thảo nào Tôn Dật Tiên tiên sinh đã ví nước Trung Hoa trước cuộc cách mạng Tân Hợi là một bãi cát rời. Một quốc gia có quá nhiều ngôn ngữ dị biệt thì dân tộc của quốc gia ấy khó lòng mà đoàn kết nhất trí cho được.

Bình ngồi ở chiếc quán nọ đợi đến 7 giờ 30 tối cũng không thấy bóng Trúc. Anh nghĩ có lẽ Trúc đã đi ngang đầu ngõ và về đến nhà từ lâu nhưng vì anh sơ ý nên không trông thấy đấy thôi. Bình biết là giờ này Trúc nhất định có mặt ở nhà, vì đó là giờ ăn cơm tối. Tuy nhiên, anh không thể trở lên được vì không tiện.

Bình rời quán nước nọ với một tâm trạng thật uể oải. Anh không buồn về nhà ngay ; anh không muốn người thân lo ngại, hỏi han về sự buồn bực của anh. Trước kia, anh chưa từng cảm thấy những nỗi buồn bực, chán nản làm bận rộn anh bao giờ. Vì thế nên anh sợ sẽ bị người nhà hiểu lầm là anh buồn vì phải làm lụng vất vả để nuôi gia đình. Tối nay, nghỉ chạy xe sẽ mất gần nghìn bạc lợi tức. Đành thế, chứ anh không làm sao có đủ can đảm vác bộ mặt ủ rũ về nhà. Được người thân yêu thương lo lắng là một cái phúc, nhưng ở trong trường hợp của Bình bây giờ lại là một cái họa. Giá ở nhà ai cũng ghét bỏ anh, không ngó ngàng gì đến anh thì anh sẽ về nhà, vào thẳng phòng mình nằm lì ra giường mặc sức mà thả hồn theo những suy tư, mặc sức mà buồn chán. Thậm chí đến mức anh muốn được ôm mặt khóc một hơi cho tiêu tan những nỗi buồn uất kết trong lồng ngực anh đã ba tuần nay.

Bình đi lang thang trên đường Nguyễn Trãi, rồi đến Đồng Khánh. Đi ngang mỗi hiệu sách anh đều ghé xem và đều có ý định mua một quyển sách để tặng cho Trúc. Song rốt cuộc anh không mua được quyển nào cả, vì anh không biết Trúc thích xem loại sách gì. Vả lại, trình độ Hoa ngữ của anh kém hơn Trúc quá xa, chỉ sợ những loại sách mà anh thấy thích, sẽ không hợp với nàng.

Bình định bụng sáng mai sẽ tự động đến thăm Trúc xem cớ sự ra sao. Anh đã chờ đợi đến không còn có đủ nhẫn nại để chờ đợi nữa. Anh cảm thấy Trúc vắng mặt trong trường hợp hết sức lạ lùng, nhất định là phải vì một lý do nào đó.

Đi ngang một phòng triển lãm tranh thủy mạc Trung Hoa, Bình ghé vào xem qua một dạo. Tranh thủy mạc Bình rất thích, nhưng anh không dám nghĩ đến việc bỏ một khoản tiền ra mua lấy một bức để treo, vì làm thế đối với cha anh là một lối hoang phí tiền bạc. Ông cụ xuất thân từ một nông gia nên đã quen với lối sống thanh đạm, lam lũ. Nghệ thuật là một danh từ xa lạ đối với ông, và tiêu tiền cho những gì có tính cách nghệ thuật đều là xa xỉ cả. Vì muốn làm vui lòng cha nên Bình đành khắc phục mọi ý muốn theo sở thích của mình.

Bình đứng thật lâu trước một bức tranh khổ nhỏ, chỉ vẽ vỏn vẹn một cành trúc và vài chiếc lá xanh, trông đơn sơ nhưng rất đẹp mắt. Bức tranh đơn giản nhưng có một chiều sâu mỹ thuật này thu hút lấy ánh mắt Bình, làm anh ngắm mãi không chán. Cuối cùng, Bình đã đi đến một quyết định. Anh đi hỏi giá bức tranh và được biết đây là một buổi triển lãm gây quỹ mở trường cho con em lao động nên giá tranh đặc biệt hạ. Bình đặt ngay bức tranh nọ và xin chồng tiền lấy tranh vào sáng hôm sau.

Bước ra khỏi phòng tranh triển lãm, Bình đã hiểu vì sao anh lại thích bức tranh ấy. Rất giản dị, chỉ vì nó mang tên của một người con gái, Trúc.

Nỗi buồn rời bỏ Bình ra đi từ lúc nào anh không hề hay biết.


Chương 9

Như một viên sỏi được ném xuống mặt hồ đã phẳng lặng từ lâu, những gợn sóng bộc khởi, xao xuyến trong lòng Trúc và tiếp tục xao xuyến không ngừng vì sự xuất hiện của Bình.

Hôm nay là sáng chủ nhật, Bình đến một cách bất ngờ làm Trúc ngỡ là nàng đang mơ. Trúc đứng sững ở cửa mấy giây mới mời Bình vào nhà ngồi. Trông Bình gầy hẳn đi, có lẽ vừa khỏi bệnh. Trúc nhớ hôm đến thăm Bình, anh không gầy thế này.

- Giáo sư có nhà không hở cô ?

- Cha tôi đi khỏi thưa ông.

Trúc đáp và đi vào trong lấy nước. Có lẽ vì Bình vừa trải qua một cơn bệnh hay sao mà Trúc nghe giọng nói của anh khao khao, là lạ. Nàng mang nước ra ngồi đối diện với Bình và hỏi :

- Ông Bình tìm cha tôi có việc chi không ạ ?

Bình thong thả ngẩng lên nhìn Trúc :

- Không cô ạ ! Hôm nay tôi rỗi nên tạt sang đây với hy vọng sẽ được gặp cô.

Trúc không ngờ Bình nói thẳng ra như vậy. Tuy nhiên, Trúc cũng vờ ngạc nhiên :

- Gặp tôi ?

- Vâng !

Trúc định hỏi thêm “để chi vậy, thưa ông ?”, nhưng thấy làm sao ấy, nên thôi. Bình nói :

- … Tôi rất cám ơn thịnh tình của cô Trúc và các bạn đã đến thăm trong lúc tôi bệnh, nay thì tôi đã khỏi hẳn và đã đi học lại.

- Thưa vâng, tôi có biết.

Bình nhìn Trúc một thoáng, hình như có cái gì bất bình thường đã xảy ra hay sao mà trông Trúc không được tự nhiên. Tuy thế, anh cũng làm ra vẻ điềm tĩnh, tươi cười nói :

- Thời gian qua mau quá cô Trúc nhỉ ? Thấm thoát mà lễ Giáng sinh đã qua mất mấy hôm.

Vừa nói, Bình vừa cầm cuộn giấy bọc bức tranh trên tay nói :

- Tôi có một món quà Giáng sinh… đến trễ, xin cô vui lòng nhận cho.

Nói xong, Bình trao ngay cuộn giấy cho Trúc. Trúc đón nhận với một tâm trạng vô cùng mâu thuẫn. Trúc biết, đã quyết định xa Bình thì không nên nhận tặng vật của anh. Nhưng Bình tặng quà cho nàng trong một trường hợp hết sức tế nhị. Nếu nàng từ chối chẳng hóa ra coi rẻ Bình. Lâu nay, Bình vẫn coi trọng nàng trong tình bạn, và trên thực tế, tình bạn giữa hai người vẫn chưa có gì sứt mẻ cả. Cuối cùng, Trúc đành quyết định nhận món quà và nói :

- Xin cám ơn ông Bình, ông khách sáo quá làm tôi ngại. Chính tôi đã sơ sót đến đỗi chưa nghĩ đến việc chọn một tặng vật biếu ông trong dịp lễ Giáng sinh.

Bình cười :

- Nếu cô cũng chọn quà Giáng sinh cho tôi, chả hóa ra chúng ta đổi quà chứ không phải tặng quà?

- Lệ thường thì phải thế ông ạ !

Bình trầm ngâm một lát, nói :

- Cô Trúc, tôi hy vọng cô sẽ thích món quà Giáng sinh của tôi biếu. Tôi cũng mong cô đừng tặng lại gì cho tôi cả. Nếu cô có quan niệm “lệ thường vãng lai” thì tôi hy vọng cô giúp tôi một điều…

- Điều chi thế, thưa ông ?

- Tôi hy vọng được học tiếng Quảng Đông với cô đấy ạ !

Trúc cười :

- Việc ấy rất dễ, có chi đâu mà ông Bình trịnh trọng thế. Còn món quà của ông, nhất định là tôi sẽ thích lắm.

- Cô chưa biết món quà ấy là gì mà đã thích rồi cơ à ?

- Tôi thì tôi nghĩ rằng, trước bất cứ một món quà gì, mình có thích thì mới nhận chứ, thưa ông. À, để tôi xin phép ông mở quà ra xem nhé !

- Vâng, cô cứ tự tiện.

Trúc mở cuộn giấy ra và ngẩn người trước món quà mất mấy giây. Nàng không ngờ Bình tặng cho nàng một món quà quí hóa như vậy. Giá biết trước chắc Trúc không dám nhận. Giờ đã lỡ nhận quà tức là đã nhận một nỗi lòng gói ghém trong món quà của người ta. Trúc hiểu, mỗi một con người trong xã hội này, làm một việc gì cũng đều ấp ủ một dụng tâm trong ấy. Chỉ khác nhau ở chỗ, cái “dụng tâm” của mỗi người một khác : Người thì bất lương gian ác, kẻ thì lương thiện và sâu sắc thâm trầm.

Nhan đề của món quà vỏn vẹn một chữ Trúc trên góc bên phải. Bình không đề tặng mà chỉ ký một cái tên thật nhỏ dưới góc bên trái bức tranh. Đó chính là cái “dụng tâm” sâu sắc, thâm trầm của Bình. Anh đã mượn tên của bức tranh để xưng hô với Trúc một cách thân mật hơn, gần gũi hơn. Nhưng điểm này chỉ có Trúc mới hiểu được. Ông họa sĩ nào đó đã vừa bán một bức tranh, vừa làm một nghĩa vụ cho xã hội loài người, trong đó có Bình và Trúc.

- Đẹp quá !

Trúc buột miệng khen ngợi và nói tiếp :

- Ông Bình tặng cho tôi một món quà quí hóa thế này, tôi biết lấy gì…

- Tôi xin nhắc để cô nhớ, đó là điều tôi vừa yêu cầu cô dạy tôi học tiếng Quảng Đông.

Trúc cười nói :

- Nhưng tôi xin nói trước, tôi không biết cách “dạy” đâu đấy, ông Bình ạ ! Hay là có gì thắc mắc ông cứ nêu câu hỏi, tôi sẵn sàng phúc đáp những điều mà tôi hiểu, được không ông ?

- Vâng, được lắm cô ạ.

Bình đáp và lục trong túi áo tìm quyển sổ tay vừa nói :

- Hôm qua, tôi học được một câu. Đậu xanh, tiếng Quảng Đông có phải gọi là… là…

Bình quên mất vì lật trong sổ tay tìm chưa ra trang anh có ghi chú. Trúc nối lời :

- Là “lục tàu” thưa ông.

Bình đã tìm ra trang sổ ấy, nhưng nghe Trúc nói, ngẩn người ra. Sao lại kỳ quái thế này, hay lão chủ quán không phải là người Quảng Đông ? Nghĩ thế nên Bình hỏi Trúc :

- Ông chủ quán bán thức ăn ngọt ở trước đầu ngõ này có phải là người Quảng Đông không cô Trúc ?

- Có lẽ phải ông ạ ! Tôi nghe ông ta nói tiếng Quảng Đông.

- Lạ nhỉ ? Thế mà tôi nghe ông ta nói hai tiếng “đậu xanh” không giống như cô vừa nói.

- Ông ta nói như thế nào, thưa ông ?

Bình chỉ trang sổ nói :

- Là… “tál xí” thì phải.

Trúc suýt bật cười lên. Nhưng nàng kịp dằn lại vì sợ Bình hiểu lầm. Trúc chỉ buồn cười cho óc khôi hài của giới thương buôn. Bình không hiểu đó là tiếng có tính cách khôi hài nên mới hỏi Trúc, chứ nếu Bình biết được thì không bao giờ anh hỏi thế. Trúc hiểu tính Bình không lấy việc ấy làm ngại, nàng tiếp :

- Có lẽ ông ta nói đùa đấy. Tôi biết, đậu xanh chỉ có một tên chính gọi là “lục tàu” mà thôi ông ạ !

- Thế còn chữ “tál xí” này theo đúng nghĩa nó là gì thế hở cô ?

- Là… tương tư, thưa ông.

- Ồ ! Sao lại có việc lạ thế nhỉ ? Cô có biết tại sao họ lại đặt cho đậu xanh cái danh từ ấy không ?

Trúc ngần ngại một chút, song cứ tình thật mà nói :

- Theo tôi nghĩ thì có lẽ tại vì đậu đỏ còn có tên là đậu tương tư nên những người có óc khôi hài mới chế ra một cái tên cho đậu xanh cho vui vậy mà.

- Thế tại sao đậu đỏ lại là đậu tương tư hở cô ? Tôi nghe lạ hết sức.

- Tại vì có một điển tích như thế này : Tục truyền ngày xưa có một đôi vợ chồng rất thương yêu nhau. Khi người chồng chết đi, bên mộ có mọc cây đậu đỏ. Người vợ tưởng nhớ chồng ngày đêm than khóc bên mộ rồi cũng chết. Người sau cho rằng cây đậu đỏ đã chứng kiến một người chết vì thương nhớ kẻ khác nên gọi là cây tương tư.

- Ồ, chuyện nghe hay và cảm động quá cô nhỉ ? Thế người sau chắc có nhiều áng văn ca tụng câu chuyện tình này lắm hở cô ?

- Văn thì tôi chưa được đọc qua, nhưng thơ thì tôi có biết một bài nói về đề tài này.

- Nếu cô thuộc bài thơ ấy xin cô làm ơn đọc cho tôi nghe.

Trúc thấy anh tỏ ra chăm chú nghe và vẻ hứng thú hiện rõ trên nét mặt. Nàng thong thả đọc bài thơ “Tương Tư” của Vương Duy cho Bình nghe. Bình nghe xong bảo Trúc đọc lại từ câu cho anh chép vào sổ, xong hỏi :

- Cái chữ quân trong câu “khuyến quân đa thải kiệt” có phải dùng được cho cả phái nam lẫn phái nữ không cô Trúc ?

- Theo nguyên văn bài thơ thì chỉ dùng cho phái nam ông ạ, vì ông Vương Duy dùng chữ quân gọi một người bạn thơ và bài thơ này cũng để tặng cho người bạn ấy.

Bình suy gẫm một lát, chợt hỏi Trúc :

- Thế, nếu gọi phái nữ thì phải dùng chữ nào cho nó hợp hở cô ?

Trúc hơi cúi đầu, giả vờ đăm chiêu suy nghĩ. Nàng đã hiểu ngay chữ ấy là chữ gì rồi, nhưng nhất thời cảm thấy hồi hộp một cách vô căn cớ nên không dám nói ngay ra, cũng không dám ngẩng nhìn Bình. Do dự một lát, cuối cùng Trúc chỉ đành e dè nói :

- Có lẽ nên dùng chữ “Khanh” thưa ông !

Bình lẩm bẩm :

- “Khuyến khanh đa thải kiệt”

Xong, hình như còn thắc mắc nên Bình hỏi lại :

- Chữ “khanh” này còn là vua chúa xưng hô với quân thần ấy mà, có phải không cô ?

- Vâng ạ.

- Nếu thế thì cũng dùng để gọi phái nam rồi.

Trúc cười :

- Vua chúa gọi quân thần hay hoàng hậu, cung phi gì cũng dùng chữ khanh cả. Trừ trường hợp này ra, chữ khanh chỉ dùng cho phái nam gọi ý trung nhân hay thê thiếp của họ mà thôi. Tuy nhiên, ngày xưa cũng có trường hợp người vợ gọi người chồng là khanh, nhưng chỉ gọi trong lúc không có mặt kẻ thứ ba, vì ngoài đời không có tục gọi như thế.

Bình gật gù :

- Kể cũng hay ho nhỉ, cô Trúc nhỉ ?

Trúc không nói gì. Nàng chỉ mỉm cười quay sang ngắm bức tranh. Bình cũng im lặng ngắm tranh với nàng. Chợt, Bình nghĩ ra một điều hỏi :

- Thế, có… trúc tương tư không hở cô ?

Bình hối đã hỏi câu trên, nhưng đã quá muộn. Thực ra thì anh không có ngụ ý gì cả. Trong lúc ngắm bức tranh, anh nghĩ lan man đến việc trên đời này lại có những việc thích thú như thế ư ? “Đậu tương tư” ! Trong lúc đầu anh nghĩ thế thì mắt anh đang ngắm cành trúc trên tranh, thế là câu hỏi đến với anh một cách thật bất chợt. Buột miệng thốt ra rồi, Bình cứ nơm nớp lo sợ Trúc nỗi giận vì sự sỗ sàng của anh. Bình chưa hề toát mồ hôi vì một lời nói vô ý thức của mình. Anh chờ đợi câu trả lời của Trúc với một nỗi thấp thỏm lo âu như đang chờ đợi một hình phạt.

- Thưa có đấy ông ạ !

Trúc đáp một cách thư thả với vẻ điềm tĩnh trên sắc mặt. Bình nghe xong nhẹ nhõm người như một tội đồ vừa nghe mình được ân xá. Tuy nhiên, anh không thể không đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác cho được. Không hiểu có phải Trúc cố tình nói đùa với anh không mà nàng cứ tiết lộ những việc lạ lùng, đến đỗi anh không thể nào ngờ được. Nhưng xét cho chính, Trúc không đến đỗi khiếm nhã đi nói đùa với một kẻ luôn luôn nể trọng nàng. Cuối cùng, Bình dè dặt hỏi :

- Chắc là cũng có điển tích gì đấy phải không cô ?

Trúc dừng ngắm tranh, ngồi ngay người lại đối diện với Bình :

- Theo tôi đọc trong một quyển sách thì ở Trung Hoa có một cái núi tên là “Tấn Vân”. Trên núi có một ngôi miếu gọi là “Tấn Vân Tự” mà xưa kia còn có tên là “Tương tư Tự”. Ngoài miếu có “Sườn núi tương tư” và trên sườn núi có mọc loại “Trúc Tương Tư”. Nhà thủ pháp (chuyên tài viết bút lông) Trung Hoa cận đại Vu Hữu Nhậm đã sáng tác một danh khúc khi đến viếng thắng cảnh ở đấy.

- Nếu thế thì chắc chắn là cô phải thuộc làu danh khúc ấy ?

Trúc gật đầu. Dĩ nhiên là nàng thuộc, vì bài hát này có ghi trong tập Hồi Ký của Tưởng Bích Vi (một nữ danh nhân Trung Hoa cận đại) và chính Khâm đã gửi tặng tập Hồi Ký ấy cho Trúc. Đồng thời Khâm cũng có rút một câu trong bài hát, dùng bút lông viết trên một tấm liễn gửi cho Trúc. Hiện nàng đang treo tấm liễn ấy trên gác.

Bình xoa tay cười nói :

- Thế thì lại xin phiền cô vui lòng đọc cho tôi chép, cô nhé ?

Trúc mỉm cười, bắt đầu đọc chậm chậm :

“Tương tư nhai thượng tương tư tự
Tương tư thụ kết tương tư tử
Tương tư điểu quán song song thùy
Tương tư trúc tự niên niên thúy
Tự thiện bạch vân phi
Cảm tác lao nhân kế
Canh lâm phong tư hoán cao tăng khởi”.

Tạm dịch :

“Miếu tương tư ở trên sườn núi tương tư
Cây tương tư kết hạt tương tư
Chim tương tư quen đứng song song khi ngủ
Trúc tương tư tươi thắm muôn đời
Như ngưỡng mộ mây trắng bay trên trời
Dám nhờ ai đó tá
Đứng trong gió lộng mà nghĩ đến việc gọi chào vị cao tăng trong miếu

Đọc cho Bình chép xong bài hát, Trúc nói :

- Danh từ “Tương Tư Trúc” do đấy mà ra. Tôi nghĩ chắc không có điển tích nào khác, vì ít ai biết đến lắm.

Bình mỉm cười, anh đang nghĩ đến câu “Tương tư trúc tự niên niên thúy”. Đối với anh, câu này có một ý nghĩa thật tuyệt vời.

*

Bình cáo từ không được bao lâu thì giáo sư Chi về đến. Trông thấy bức tranh trên bàn, ông lại gần ngắm nghía một lát, đoạn hỏi Trúc :

- Tranh của ai thế Thư Trúc ?

- Thưa, của ông Bình ạ.

Giáo sư Chi nhìn con gái :

- Bình tặng cho con đấy phải không ?

Trúc cúi đầu :

- Vâng, thưa cha !

Giáo sư Chi không hỏi gì thêm nữa. Ông đặt bức tranh trả lại ở bàn cho Trúc và lặng lẽ đi vào phòng. Ván cờ gần như sắp đến hồi kết cuộc. Con gái ông đã chấp nhận để mất một con cờ quan trọng. Dù sao kỹ thuật của nó cũng còn yếu. Một nhân chứng công minh không bao giờ chỉ vẽ cho một tay cờ nào cả, dù cho nhân chứng ấy có là cha của một trong hai tay cờ

Trúc không hiểu cha nàng đã nghĩ gì ? Và hậu quả những ý nghĩ của ông sẽ ra sao ? Nàng thong thả cuốn bức tranh mang lên gác.

*

Trúc tưới hết phần nước còn lại bên bụi Vạn Niên Thanh như trút đổ những ưu phiền còn lại trong lòng nàng để ban cho chúng sự sống, một sự sống vô vị từ ngày này sang ngày khác. Trúc không làm sao có cảm tình với bụi Vạn Niên Thanh do cha nàng trồng trước cửa. Nếu ông trồng một bụi hoa hồng hay hoa gì khác có lẽ Trúc đỡ cảm thấy nhạt nhẽo hơn. Cuộc sống của Trúc đã bình dị đến nhạt nhẽo. Trúc không muốn nhìn sự vật chung quanh cùng chung số phận với nàng. Cứ như bụi Vạn Niên Thanh vô duyên này luôn luôn làm cho Trúc trông thấy hiện thân của nàng mỗi khi đối diện với nó. Tuy nhiên, Trúc nghĩ sẽ có một ngày nào đó tình yêu mang nàng rời bỏ hiện hữu để tìm đến một chân trời hoa mộng. Chỉ tội nghiệp bụi Vạn Niên Thanh suốt đời sẽ không bao giờ nở một đóa hoa, cuộc sống vô vị đến thế dù cho nó thanh xuân đến vạn nghìn năm nữa vẫn là một kiếp khổ hình.

Khổ hình ? Nếu bụi Vạn Niên Thanh có tri giác, có tình cảm và biết tiếng nói của loài người có lẽ nó sẽ nói với Trúc : “Một tình yêu được đóng khung, không lối thoát càng bi đát hơn sự khổ hình gấp vạn nghìn lần”. Nhưng đối với Trúc, nàng chưa công nhận là nàng đã yêu. Hay nói đúng hơn, nàng đang nhu nhược chạy trốn một sự tự thú trong tình yêu. Trúc thường có ý nghĩ : định mệnh đã an bài cho nàng một cảnh ngộ và cảnh ngộ ấy đã tước đoạt quyền yêu của nàng.

Hình như Mộ Dung đã xét thấy cái quan niệm về định mệnh của Trúc, đã làm cho nàng điêu đứng không ít trong mấy lúc gần đây nên đã nói với Trúc : “Thư Trúc ! Ta phải khống chế định mệnh chứ đừng dại dột để cho định mệnh khống chế ta. Cậu hãy cẩn thận, đừng để định mệnh hại cho dở khóc dở cười, dở yêu dở hận. Chừng đó, tôi ngại tôi cũng sẽ bó tay, không giúp được gì cho cậu cả.”

Đối với Trúc, không chế định mệnh không dễ bằng khống chế con tim mình, hãy làm những gì dễ làm trước đã.

- Cô Trúc !

Tiếng gọi thật khẽ. Không quay đầu lại, Trúc cũng thừa hiểu là Bình đã đến. Anh luôn luôn đúng hẹn. Hôm nay Mộ Dung có tổ chức một bữa ăn họp bạn và có mời Bình, nên anh đến để cùng đi với Trúc lại nhà Mộ Dung. Trúc hiểu Mộ Dung làm thế chỉ vì nàng, nhưng Dung không nói ra, nàng cũng không tiện hỏi. Dù sao, nàng vẫn cảm kích Mộ Dung đã dành tất cả lòng ưu ái trong tình bạn cho nàng. Đứng trên cương vị của Trúc, nàng đã không biểu lộ sự cảm kích trước Mộ Dung thì thôi, chứ không lý do gì nàng lại ngỏ lời từ khước. Không từ khước tức là đã chấp nhận thêm một thử thách quan trọng trong đời nàng. Đành chịu vậy. “Vạn sự quí hồ tự nhiên”. Có miễn cưỡng quản thúc mình cũng chẳng được nào !

Trúc quay lại đối diện với nụ cười tươi tắn của Bình. Nàng cũng mỉm cười đáp lại anh. Nhưng có lẽ ưu phiền chưa dứt hẳn trong lòng Trúc nên nàng không sao có được một nụ cười tươi như Bình.

Trúc mở cửa mời Bình vào phòng khách và nói :

- Ông Bình chờ tôi một chút nhá !

Bình chưa kịp nói gì thì giáo sư Chi xuất hiện. Trong lúc hai người đang chào hỏi nhau, Trúc đi vào trong rót nước. Trúc đã cho giáo sư Chi biết là sáng nay Bình đến để cùng đi với nàng tới nhà Mộ Dung nên đem nước ra xong Trúc liền lên gác thay áo. Nàng không dám ngắm nhìn bức tranh của Bình như mọi hôm, vì nó có mãnh lực làm cho nàng ngã lòng.

Lúc xuống dưới nhà, Trúc vào bếp xem lại nồi cháo và đĩa cá mặn hấp mà nàng đã nấu sẵn cho cha từ sáng sớm. Giáo sư Chi rất thích ăn cháo, nhất là vào những ngày nghỉ. Ông có thể ăn cháo cả ngày thay cơm. Đây cũng là một thói quen thông thường của những người Trung Hoa xuất thân từ Đại Lục. Trúc thì không làm thế nào ăn theo cha được. Thiếu nửa bát cơm trong một bữa ăn đủ làm Trúc khó chịu cả buổi. Tuy nhiên, ở những buổi ăn họp bạn, không có một hạt cơm nào vào ruột Trúc cũng cảm thấy no cả ngày với những thức ăn tạp nhạp, nửa tây, nửa ta. Đôi khi có cả những món ăn Ấn Độ.

Sáng nay, hình như bọn Mộ Dung định làm món ăn thuần Việt để thết Bình.


Về Đầu Trang Go down
https://nhanbkvn-2022.forumvi.com
Admin
Admin
Admin


Tổng số bài gửi : 17784
Points : 24761
Reputation : 0
Join date : 16/10/2016

 Tương Tư - Loại Hoa Tím Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Tương Tư - Loại Hoa Tím    Tương Tư - Loại Hoa Tím Icon_minitimeSat Jun 10, 2017 4:14 am

Chương 10

Cũng con đường Hồng Bàng, cũng hàng me già, cũng lá me rơi, và cũng như mới ngày nào, Trúc và Bình cùng bước song song bên lề đại lộ, chỉ khác một điểm là lần này họ đang trên đường đến nhà Mộ Dung. Đó là một sự nhận xét khái quát về phương diện “ngoại tại”, còn “nội tại” thì là cả một vấn đề rất phức tạp. Không ai có đủ tự hào đi nhận xét một tâm trạng được tiềm phục bên trong mỗi con người, ngay cả chính bản thân họ cũng thế.

Bình phủi những lá me bay bám trên áo nói :

- Cô Trúc này !

- Dạ ?

- Tôi có một điều thắc mắc không biết có tiện hỏi cô không ?

- Ông Bình cứ thử nói ra xem.

- Tôi biết là tôi rất dốt nên mới thắc mắc điểm này, nói ra xin cô đừng cười tôi nhé ! Tôi không hiểu sao tên cô là Trúc mà lại ghép với chữ Thư ?

Trúc trầm ngâm :

- Ông Bình có nhớ tên của cha tôi không ?

- Thưa có, húy danh của giáo sư là Ẩn Chi.

- Cha tôi họ Lâm, lâm cũng có nghĩa là rừng, cả tên lẫn họ của ông là ẩn ở trong rừng.

- Thế thì có liên can gì đến tên của cô đâu ?

- Có đấy chứ ! Ông cụ tự ví mình là một kẻ sĩ. Đã là một kẻ sĩ thì sống ở đâu cũng không thể thiếu sách và trúc. Trong văn hóa Trung Hoa, trúc được đại biểu cho tác phong của người quân tử. Lòng dạ của người quân tử luôn luôn quang minh lỗi lạc như sự trống rỗng, thông suốt của ống trúc. Vì thế, ngày xưa người ta luôn luôn trồng trúc trước sân nhà để làm kiểng. Các cổ nhân thường nói : “Ninh khả thực vô nhục, bất khả cư vô trúc”. (1)

Sở dĩ Trúc dài dòng như thế vì nàng biết Bình thắc mắc là vì quan tâm đến nàng một cách thật sự. Trong quyển sổ tay của anh đã nói lên điều đó. Bình gật gù nói :

- Ý nghĩa !

- Tên của ông Bình cũng có ý nghĩa lắm.

- Nhưng là một ý nghĩa quá lộ liễu.

Trúc im lặng nhìn xuống mặt đường. Một làn gió thổi lùa những chiếc lá me bay lướt trên mặt đất. Chợt Trúc nhớ lại một việc, ngày gặp Bình lần đầu tiên, nàng đã mơ một giấc mơ có bối cảnh trước mắt : một con đường nằm dưới hai hàng me già râm bóng, và một người con trai. Bất chợt, Trúc quay sang nhìn người con trai bên cạnh. Cũng vừa lúc ấy, Bình quay sang định nói gì với Trúc, nhưng trông thấy Trúc ngẩng nhìn anh, ngỡ là Trúc định nói gì, Bình vội nói :

- Cô Trúc định nói gì thì nói trước đi.

Thực ra thì Trúc không định nói gì cả, nhưng đã lỡ để Bình bắt gặp nàng lẻn nhìn anh, thì làm sao Trúc cũng phải tìm một câu gì để nói cho đỡ ngượng :

- Tôi… gọi ông Bình bằng “ông” hoài, ông có giận không ?

- Không, cô Trúc thích gọi tôi sao thì tôi thích nghe vậy, tôi đâu dám giận cô.

- Gọi bằng ông nghe hơi kỳ kỳ, ông Bình nhỉ ?

- Sao mà kỳ ?

- Ông còn trẻ quá mà !

Bình phì cười :

- Cô Trúc hiểu lầm rồi. Tiếng ông chỉ dùng để gọi những người lạ hay quen mà chưa thân thế thôi, chứ không có nghĩa là “ông già”.

Trúc cúi mặt ngượng ngùng. Bình nói tiếp :

- Cô Trúc, cô có coi tôi như là một người bạn thân không ?

- Thưa có !

- Tôi rất hân hạnh được biết điều này, vì lâu nay tôi rất quí mến cô, và trong thâm tâm tôi đã tự coi cô như là một người bạn thân nhất đời tôi vậy. Vì thế, tôi mong rằng cô sẽ nói ra những điều gì mà cô không được vừa ý về tôi, nếu có.

Trúc cắn môi thật chặt như để áp đảo tinh thần mình trong phút giây quan trọng cuối cùng của một ván cờ. Đã từ lâu lắm, Trúc đã có cảm giác là nàng sẽ thua cuộc, nhưng không ngờ lại thua cuộc một cách quá sớm, sớm hơn sự dự liệu trong lòng tự tin của nàng. Làm sao đây ? Trong phút giây ấy, hình bóng Khâm chợt xuất hiện một cách rực rỡ trong tim nàng. Trong lúc Trúc chưa biết trả lời Bình như thế nào thì đã nghe tiếng anh nói tiếp :

- Một mặt khác, tôi hy vọng cô Trúc sẽ không ngần ngại gì về việc cho tôi biết những điều mà cô cảm thấy khó xử. Đứng trên cương vị một người bạn, tôi xin hết lòng giúp cô những việc mà tôi có thể giúp.

Trúc phải công nhận là Bình khôn ngoan và cẩn mật một cách khó thể tưởng tượng. Trúc có cảm tưởng là Bình đã nhìn xuyên qua nàng và đã thấu hiểu chu đáo những gì tiềm ẩn trong tâm hồn sâu kín của nàng. Tuy nhiên, đó chỉ là một sự xét đoán. Trúc không tin Bình lại có thể “toàn năng” như sự xét đoán của nàng.

- Theo sự nhận xét của ông Bình thì tôi đang có việc khó xử ư ?

- Tôi không dám quả quyết như thế, nhưng hình như cô đang có tâm sự gì thì phải ?

“Tâm sự” ư ? Trúc có cảm tưởng như Bình đã dày công tìm hiểu nàng từ lâu lắm. Trúc thường nghĩ, tâm sự của nàng thì trùng trùng điệp điệp, mà kẻ hiểu tâm sự nàng thì chả thấy có ai, ngay cả Khâm cũng thế ! Chẳng phải là Trúc giấu giếm tâm sự của nàng, việc gì phải giấu giếm mới được kia chứ ! Chỉ vì từ trước đến nay, chưa một ai cho Trúc có một cơ hội để nàng bày tỏ tâm sự, như Bình vậy.

- Tôi sẽ kể cho ông Bình nghe một câu chuyện. Câu chuyện này, đối với ông, có thể là một tâm sự.

Trúc bình thản nói, nói như để giãi bày tâm sự của nàng và để gỡ một cái gút trong lòng Bình, để hai người càng hiểu nhau thêm :

- Tôi có một người bạn thân, ở rất xa. Chúng tôi chưa được gặp nhau lần nào…

Trúc ngừng nói, quay sang quan sát trên sắc mặt Bình. Không một phản ứng gì hiện trên gương mặt ấy cả. Gần như anh đang lắng tai nghe, cũng gần như không nghe thấy gì cả.

- Ông Bình có thích nghe câu chuyện của tôi không ?

- Xin cô tiếp tục.

- Người bạn ấy tên Khâm, Vương Chiêu Khâm ! Chúng tôi quen nhau qua sự giới thiệu của một người bạn của cha tôi. Khâm mồ côi, ông Bình ạ ! Anh ấy tranh đấu một mình với sự sống từ lúc bé.

Bình gật gù, trầm ngâm. Trúc nói tiếp :

- Tôi quen Khâm vào lúc vừa mồ côi mẹ không được bao lâu. Hồi ấy, tôi rất tiêu cực. Vì đối với tôi, mất mẹ là mất tất cả. Mặc dù tôi còn có cha, nhưng cha chỉ là hiện diện trong lòng tôi với địa vị hiên ngang của một người cha mà thôi. Ông không dịu dàng, từ tốn và… vạn năng như mẹ. Mẹ tôi vừa là mẹ, vừa là thầy, vừa là một bảo mẫu dễ tính, nhân từ như trong các truyện cổ tích Trung Hoa. Đôi khi vừa là một y sĩ hay là một người bạn tri âm của tôi nữa.

Bình chép miệng :

- Như thế thì Khâm xuất hiện rất đúng lúc.

- Vâng, sau khi quen Khâm, tôi thấy mình có phúc hơn Khâm nhiều. Khâm lớn lên ở viện mồ côi nên không biết cha mẹ mình là ai. Sau này, rời viện mồ côi sống tự lập, Khâm được một người nhận làm em nuôi và Khâm coi người nghĩa huynh là kẻ thân nhất trên đời.

Ngừng một lát, Trúc tiếp :

- Dù sao, sự bất hạnh của Khâm đã gầy dựng cho anh một ý chí bất khuất. Nghĩ cho cùng thì tạo hóa cũng chưa đến nỗi bất công trong việc an bài một sinh mệnh bất hạnh.

Trúc ngừng nói. Thấy Bình vẫn im lặng, Trúc hỏi :

- Ông Bình đang nghĩ gì thế ?

- À, tôi… tôi đang nghĩ đến cái hôm ta đi viếng trại mồ côi, không biết cô Trúc đã nghĩ thế nào ?

Thật ra thì Bình đã không nghĩ thế, anh đang chìm trong một cảm giác bùi ngùi, thất vọng hay là sao ấy, anh cũng không hiểu rõ. Chỉ biết là Trúc đã tiết lộ một sự thật, một sự thật mà anh sợ biết được. Đã từ lâu, Bình có cái cảm giác như đang đi trong sương mù, hy vọng được thoát ra một vùng có ánh sáng. Một mặt khác, lại sợ vùng ánh sáng bên ngoài đám sương mù kia sẽ là một bãi sa mạc mênh mông. Bây giờ, nỗi lo âu ấy đã thành sự thật. Tuy nhiên, Bình vẫn chưa vội thất vọng. Anh nghĩ, chỉ cần kiên tâm, trì chí, sẽ có một ngày anh vượt qua được bãi sa mạc trước mắt. Chỉ cần anh còn hơi thở, còn nghị lực, là anh còn đủ kiên tâm để chờ đợi cái ngày ấy. Cái ngày mà… định mệnh sẽ ban cho anh một sự an bài.

- Như tôi vừa mới nói đấy, tạo hóa chưa đến đỗi bất công. Tôi nghĩ là trong tương lai, những sinh mệnh đáng thương mà chúng ta đã gặp ấy sẽ được dịp hãnh diện vì đã trưởng thành trong sự bất hạnh.

Trúc ngẫm nghĩ và trả lời Bình. Bình hỏi :

- Chẳng hạn như Khâm ?

Trúc gật đầu. Bình lại hỏi :

- Nếu thế thì chúng ta không nên oán trách chiến tranh đã gây nên những bất hạnh ?

Trúc mím môi, nàng không muốn nói về chiến tranh trong bất cứ trường hợp nào, vì nó đã trở thành một đề tài cũ nát từ đời cha Trúc, cho tới đời Trúc. Nó đã làm cho con người trở nên chai lỳ, không còn mang cái cảm giác rung động, kinh hoàng, khi nghe nhắc tới hai chữ “chiến tranh” nữa.

- Cô Trúc đang nghĩ gì thế ?

- À, tôi đang nghĩ đến một câu mà Tôn Dật Tiên tiên sinh đã nói : “Đa nạn khả dĩ hưng bang” (2).

Bình không nói gì cả. Anh biết Trúc không thích nói về chiến tranh nên đã xoay sang nói câu trên. Có lẽ câu nói ấy là của người Trung Hoa nên anh không thấy xảy ra trên quê hương anh.

Hai người im lặng đi được một quãng, Bình hỏi Trúc :

- Bao giờ thì cô Trúc mời tôi uống rượu mừng nhỉ ?

Trúc nhìn Bình thật nhanh và đáp thật khẽ :

- Thưa, tôi không biết ! Làm thế nào mà biết được những chuyện quá xa vời ấy ạ ?

- Thế cô và… Khâm, không có kế hoạch gì cho tương lai cả hay sao ?

Lại kế hoạch, lại tương lai. Sao mà Bình có những ý nghĩ giống Diễm Minh lạ. Trúc đáp :

- Thưa không ! Thế còn ông Bình ?

- Tôi ấy à ? Hiện giờ thì tôi không có kế hoạch gì cả.

- Hiện giờ ?

- Vâng !

- Thế đến bao giờ thì ông mới bắt đầu có những kế hoạch ?

- Chưa biết được ! Nhưng ít nhất, tôi cũng chờ uống xong rượu mừng của cô trước đã.

“Chờ uống xong rượu mừng của cô trước đã”. Thật thế ư ? Liệu chúng ta sẽ chờ đến bao giờ ? Ai biết được những việc xa vời ấy ? Ai biết được “tiệc rượu mừng” trong tương lai ai sẽ mời ai ?

Đến con đường rẽ vào nhà Mộ Dung, Trúc và Bình định chuyển hướng đi thì nghe tiếng của một người con trai chào Bình :

- Thưa thầy ạ !

- A, Đỗ Vinh ! Anh đi đâu đấy ?

Trúc quay nhìn anh học trò của Bình. Nàng nhớ lại một việc xảy ra cách đây không lâu ở nhà Mộ Dung. Đó là bài từ và bức thư của anh chàng M. David. “Tôi là đứa con trai ngồi ở hàng ghế thứ sáu, bên dãy bàn phía tay phải, dáng cao, gầy, đeo kính cận”. Sau vài lần để ý nhìn sang hàng ghế thứ sáu, Trúc và Mộ Dung đã quả quyết M. David chính là Đỗ Vinh. Dẫu thế, Trúc và Mộ Dung vẫn giả vờ coi như không biết có gã trong lớp học, mặc dù gã vẫn viết thư cho Mộ Dung mỗi ngày.

- Đây là cô Lâm Thư Trúc.

Tiếng Bình giới thiệu. Đỗ Vinh gật đầu chào Trúc :

- Lâm tiểu thư !

- Và đây là anh Đỗ Vinh. Anh Vinh học với tôi ở trường X. Cậu tú tương lai đấy, cô Trúc ạ !

Trúc mỉm cười. Chẳng hiểu sao, trong đầu Trúc thoáng hiện hình bóng Mộ Dung và tiếng nói của Niệm Từ : “Vớ vẩn ? Vớ vẩn cái nỗi gì mà ngày nào cũng đọc thư của người ta”. Trong khoảnh khắc, Trúc nghĩ ngay đến một việc : Biết đâu Mộ Dung đã chẳng để ý yêu gã, nhưng chỉ vì lòng tự tôn nên… Nghĩ đến đây, Trúc đã có một quyết định. Nàng cũng gật đầu chào Đỗ Vinh :

- Đỗ tiên sinh ! Hay Mr. David cũng thế ?

Thoạt đầu, Bình hơi ngạc nhiên, vì anh giới thiệu bằng tiếng Việt mà Đỗ Vinh chào Trúc bằng tiếng Trung Hoa. Bây giờ anh mới vỡ lẽ :

- Thì ra cô Trúc và anh Vinh đã quen nhau từ trước ?

Đỗ Vinh nói :

- Thưa thầy, em học cùng lớp với cô Trúc ở ban sinh ngữ.

Rồi Đỗ Vinh ngập ngừng :

- Thầy và cô Trúc đi đến nhà cô… Mộ Dung có phải không ạ ?

- À á ! Sao anh biết ?

Bình ngạc nhiên hỏi. Mặt Đỗ Vinh ửng đỏ lên vì mất tự nhiên. Trúc biết Đỗ Vinh hiểu rõ con đường này đến nhà Mộ Dung nên nhất thời đã nói hớ lời, nàng vội “giải cứu” Đỗ Vinh :

- Bạn học cả, ông Bình ạ ! Ông Vinh rất mến cô Mộ Dung.

Nàng quay sang Đỗ Vinh :

- Nếu Đỗ tiên sinh không bận việc gì, xin mời cùng đi với chúng tôi.

Ánh mắt Đỗ Vinh chợt sáng ngời, rực rỡ hy vọng. Tuy nhiên, anh vẫn e dè nói :

- Thưa, tôi rảnh lắm… Nhưng không biết có tiện không, Lâm tiểu thư ?

Trúc mỉm cười :

- Xin yên tâm !

Thế là Đỗ Vinh tháp tùng với Trúc và Bình đi đến nhà Mộ Dung. Bình hơi khó hiểu, vì trông Trúc và Đỗ Vinh không có vẻ gì quen thân nhau lắm. Nhưng trong câu “xin yên tâm” của Trúc, hình như hàm ẩn một bí mật mà chỉ có hai người mới hiểu được.

Dọc đường, Trúc thấy Đỗ Vinh có vẻ hoang mang, như đang phân vân, lo ngại điều gì. Trúc nghĩ, anh chàng coi thế mà… nhát gan. Dù sao thì sự việc hôm nay do nàng mà ra cả. Nàng có bổn phận phải… trấn tĩnh Đỗ Vinh cũng như phải chịu mọi trách nhiệm về phía Mộ Dung.Trúc muốn gợi một câu gì nói cho Đỗ Vinh yên tâm hơn, nhưng nghĩ mãi chẳng ra, vì dù sao, đây là lần đầu tiên, nàng chính thức tiếp xúc với Đỗ Vinh. Cuối cùng, Trúc nghĩ đến bài từ của Đỗ Vinh viết cho Mộ Dung. Trong ấy có hai câu mà Trúc còn nhớ, đó là : “Tuệ nguyệt thành si. Tố dĩ thu phong tổng bất tri”. Trúc nhìn sang Đỗ Vinh. Quả là một thi nhân, nhưng rất tiếc là thi nhân cổ điển nên không được mạnh dạn cho lắm. Trúc thấy rõ là nàng cần phải chủ động trong việc “đứng trung gian” cho Đỗ Vinh và Mộ Dung mới được. Nghĩ thế nên Trúc dùng tiếng Quảng Đông nói với Đỗ Vinhh (vì Trúc ngại Đỗ Vinh không muốn Bình biết chuyện riêng của anh) :

- Đỗ tiên sinh này !

- Dạ ?

- Ông thường hay làm thơ ?

Mặt Đỗ Vinh ửng hồng như con gái. Anh cúi đầu lí nhí nói :

- Thưa không… không thường lắm đâu ạ !

Rồi Đỗ Vinh ngửng nhìn Trúc, dè dặt hỏi :

- Chắc Lâm tiểu thư chơi thân với Lý tiểu thư lắm thì phải ?

Việc ấy là lẽ dĩ nhiên. Anh chàng đã biết tỏng ra rồi mà còn phải hỏi. Tuy nhiên, vì lễ mạo Trúc cũng đáp một tiếng “vâng” và đi thẳng vào đề :

- Theo tôi thấy thì… than thở với gió thu là một điềm bất thường.

- À á !

Đỗ Vinh tròn xoe đôi mắt. Sau làn kính cận, Trúc thấy mắt của Đỗ Vinh hơi giông giống mắt Bình. Mắt của những người cận thị gần như là tương đối giống nhau. Ngẩn ra mất một lúc, Đỗ Vinh mới lấy lại tự nhiên. Anh bình thản hỏi :

- Tại sao thế, Lâm tiểu thư ?

- Tại vì tất cả cảnh vật của mùa thu đều buồn, nhất là gió thu.

Đỗ Vinh cười, lần này anh cười một cách cởi mở, không còn đỏ mặt nữa.

- Nếu thế thì xin Lâm tiểu thư chỉ giáo cho.

Đỗ Vinh nói với giọng thành khẩn. Trúc mỉm cười :

- Không dám.

Trúc ngẩng nhìn dãy lầu trước mặt. Nàng chỉ một căn nhà có cửa sơn màu vàng ở tầng lầu thứ 2 hỏi Đỗ Vinh :

- Ông có biết căn nhà ấy là nhà của ai không ?

Đỗ Vinh đáp :

- Có ạ, là nhà của Lý tiểu thư !

- Đúng đấy, ta sắp đi vào căn nhà ấy, vậy tôi xin báo cho ông biết trước một việc là trong căn nhà ấy rất kỵ một điều.

- Điều gì thế, Lâm tiểu thư ?

Đỗ Vinh hỏi dồn. Trúc đáp :

- Kỵ… mắc cỡ !

Đỗ Vinh cúi đầu bẽn lẽn. Trúc cười nói :

- Đấy, ông cần tập tính dạn dĩ ngay lúc này là vừa.

Đỗ Vinh cũng không vừa gì, anh quay sang Bình nói :

- Thưa thầy, em xin báo cho thầy biết một việc !

- Việc gì cơ ?

- Lâm tiểu thư vừa mới bảo là nhà của Mộ Dung “cấm mắc cỡ”, thầy…

Bình cười xòa vỗ vai Vinh nói :

- Tôi nghĩ là tôi không có tính hay mắc cỡ.

Rồi Bình quay sang Trúc hỏi :

- Có phải thế không, cô Trúc ?

Trúc cười, cúi đầu nhìn xuống chân. Con đường đến nhà Mộ Dung càng lúc càng ngắn hơn, ngắn hơn.


_____________________

(1) Chẳng thà ăn cơm không có thịt, chứ không thể ở nơi không có trúc.

(2) Một nước có bị chiến tranh đe dọa, tàn phá, người dân mới ý thức được sự phấn đấu quật cường để xây dựng quốc gia cường thịnh.


Về Đầu Trang Go down
https://nhanbkvn-2022.forumvi.com
Admin
Admin
Admin


Tổng số bài gửi : 17784
Points : 24761
Reputation : 0
Join date : 16/10/2016

 Tương Tư - Loại Hoa Tím Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Tương Tư - Loại Hoa Tím    Tương Tư - Loại Hoa Tím Icon_minitimeSat Jun 10, 2017 4:14 am

Chương 11

Chiều thứ bảy, chưa đầy hai giờ Bình đã có mặt ở cái quán (không tên) gần chợ Hòa Bình. Nơi hẹn hò duy nhất của Bình và Trúc ở cái quán không tên bắt đầu từ lúc họ trở thành một đôi bạn, một đôi bạn thuần túy đúng như sự định nghĩa của nó. Đối với Bình, anh cảm thấy đã quá đầy đủ trong giai đoạn hiện tại và chỉ nuôi dưỡng hy vọng trong niềm tin và lòng kiên nhẫn mà thôi.

Bình chờ chưa đầy năm phút thì Trúc đến. Trúc ôm mấy quyển sách học trước ngực mỉm cười khép nép ngồi xuống ghế đối diện với Bình nói :

- Anh tới sớm quá hà !

Bình chỉ cười nhìn Trúc. Bà chủ quán quen thuộc khách đến nỗi không cần hỏi khách uống gì khi bước vào quán, thấy Trúc đã tới, bà gọi với vào trong :

- Hai ly “hồng trà” đá !

Bình nhìn Trúc mỉm cười hỏi :

- Phải không, Thư Trúc ?

Trúc cũng mỉm cười đáp :

- Vâng ạ !

Rồi cả hai cùng nhìn nhau cười. Mụ chủ quán người Nam thấy hai người cười, đi lại gần đánh một câu tiếng Tàu hỏi Trúc :

- Hầy ừm hầy ? (Phải không ?)

Trúc cười đáp :

- Hầy a !

Mụ chủ quán cười dòn tan.

Kể cũng lạ, quán tiệm gì mà luôn luôn chỉ có hai người khách vào mỗi chiều thứ bảy và chủ nhật thì còn làm ăn nỗi gì ? Có một lần, Bình có việc đi ngang quán vào buổi sáng thấy rất đông khách. Anh vỡ lẽ, thì ra quán không tên đắt hàng vào buổi sáng. Nhờ ở điểm đó chứ quán đắt hàng vào cả buổi chiều thì chẳng bao giờ có cái vinh hạnh được tiếp hai người khách quí này !

Bình hôm nay có vẻ trầm ngâm hơn mọi khi. Anh đang xếp đặt trong đầu óc những lời lẽ trịnh trọng nhất để nói với Trúc, vì chỉ còn một tuần lễ nữa là Trúc đi Đài Loan để thi vào trường Đại Học Sư Phạm ở bên ấy. Cùng đi với Trúc có cả Niệm Từ, cả hai đều xin du học tự túc. Đối với Trúc, đây là một chuyến đi thử thách định mệnh. Trúc định sang bên ấy thi đỗ được thì học, không thì về. Nàng sẽ nhân cơ hội này tìm hiểu Khâm, một công hai việc, cho cái việc tình cảm nó dứt khoát đâu ra đó đã. Riêng Bình, anh coi chuyến đi của Trúc có tính cách giải quyết cái tình trạng mâu thuẫn giữa anh và Trúc hiện nay. Dù sao đi nữa, anh vẫn giữ vững lòng tin và hy vọng cho đến ngày Trúc trở về.

Thấy Bình mãi lo đăm chiêu nghĩ ngợi, Trúc lên tiếng :

- Anh Bình, sang đến bên ấy Trúc sẽ viết thư đều cho anh.

Bình ngẩng nhìn Trúc thật nhanh, nói :

- Không nên, Trúc ạ. Tôi đã nghĩ kỹ rồi. Theo sự xét đoán của tôi, thì Trúc đã thừa hiểu là tôi… yêu Trúc chân thành… nhưng, tôi không biết phải nói sao bây giờ ! Tôi chỉ cầu chúc cho Trúc sang bên ấy được nhiều sự may mắn và thành công trong việc học cũng như tình cảm…

Trúc bàng hoàng hỏi :

- Thế, anh không còn chấp nhận tình bạn giữa chúng ta nữa hay sao ?

- Tôi luôn luôn ghi nhớ tình bạn giữa tôi với Trúc, và hy vọng sẽ có sự tiến xa hơn nữa. Cũng vì thế mà tôi không muốn duy trì sự mâu thuẫn sẽ làm tôi đau khổ suốt đời. Theo thiển ý của tôi thì…

Bình ngập ngừng. Trúc khẳng khái nói :

- Trúc rất sẵn sàng chấp nhận một ý kiến nơi anh.

- Tôi mong Trúc sang bên ấy một mặt lo việc học, mặt khác cố gắng tìm hiểu nhiều về… Khâm. Nếu nhận thấy Khâm đáng tin cậy, thì Trúc hãy… quên tôi đi. Trong thời gian mà Trúc chưa có quyết định chính xác thì đừng viết cho tôi một cái thư nào cả. Riêng tôi, tôi sẽ chờ Trúc đến mãn khóa học. Ngày nào Trúc viết thư cho tôi có nghĩa là đã ban cho tôi niềm hy vọng trong thời gian đợi chờ. Trúc có nghe kịp ý nghĩa của lời tôi nói không ?

Trúc im lặng gật đầu. Trong lòng nàng gợn lên một nỗi buồn man mác khó tả. Bình hỏi :

- Thế Trúc chấp nhận ý kiến của tôi chứ ?

- Vâng, Trúc xin nghe theo lời anh dạy.

- Trúc có cho rằng lời đề nghị của tôi hơi quá đáng không ?

Trúc lắc đầu lảng nhìn nơi khác. Bình thấy trong khóe mắt nàng long lanh ngấn lệ. Anh vội hỏi :

- Tôi đã làm phật lòng Trúc phải không ?

- Thưa không !

- Thế sao Trúc khóc ? Tôi xin lỗi đã làm Trúc thương cảm !

Trúc nuốt ực nỗi niềm cay đắng vào tận cùng đáy tim đang thổn thức. Trúc có cảm tưởng đây là giờ phút quyết liệt nhất trong đời nàng. Đề nghị của Bình rất xác đáng, nhưng liệu Trúc có đủ tâm trí để dàn xếp ổn thỏa mọi việc khi sang bên ấy, hay là chỉ sống một chuỗi ngày khắc khoải trong sự dằn vặt của nhớ thương và tiếc nuối ? Dù sao, Trúc không thể nào phủ nhận hình bóng Bình đã in sâu vào trong tâm khảm nàng từ bấy lâu nay. Nhưng Trúc biết nói sao bây giờ ? Tâm hồn nàng quá mỏng manh, yếu đuối. Nàng không đủ nghị lực để phá hiện trạng mâu thuẫn giữa nàng với Khâm, cũng không đủ cương quyết dửng dưng trước Bình.

- Anh Bình, Trúc không xứng đáng với tấm lòng cao thượng của anh. Anh đợi chờ Trúc, chỉ sợ hoài công anh thôi !

Trúc nói một cách yếu ớt. Bình chậm rãi lắc đầu nói :

- Ở trên đời này, chẳng có ai cao thượng mà không vị kỷ cả Trúc ạ ! Tôi chờ là tại vì tôi… yêu. Không ai có quyền bắt buộc tôi chờ, và cũng không ai có quyền làm cho tôi quên hay không yêu nữa. Tôi chỉ hành động theo nhu cầu của con tim tôi. Tôi chân thành với chính mình, còn Trúc thì sao ?

- Trúc sẽ coi những lời của anh là một cứu cánh trong những quyết định sau này.

Bình gật gù nhìn đồng hồ đeo tay, nói :

- Sắp đến giờ học rồi. Hôm nay Trúc có cần đến học ở nhà giáo sư Hiền không ?

- Không anh ạ ! Sắp phải đi rồi còn học với hành gì nữa. Sang đến bên ấy rồi sẽ học cho bằng thích. Bây giờ Trúc đi với anh về nhà, kẻo anh trễ giờ học.

Bình vẫn ngồi yên nói :

- Tôi đã xin phép giáo sư nghỉ chiều nay. Nếu Trúc cũng rảnh thì tôi xin được mời Trúc một bữa ăn tiễn biệt.

- Vâng, nếu anh thích.

Bỗng nhiên Trúc thấy ước ao được gần Bình nhiều hơn trong những giờ phút này, mặc dầu nàng biết, tiệc tùng chỉ là một hình thức, chỉ làm cho Bình tốn kém. Nhưng nàng đã xem nó là một điểm tựa, và níu lấy, để thời gian gần gụi được duy trì trong những giờ phút sắp xa nhau. Xa nhau rồi không biết có còn gặp lại nhau không. Ôi, tình cảm ! nó làm cho biết bao nhiêu tâm hồn phải khổ sở, điêu linh.

Về Đầu Trang Go down
https://nhanbkvn-2022.forumvi.com
Admin
Admin
Admin


Tổng số bài gửi : 17784
Points : 24761
Reputation : 0
Join date : 16/10/2016

 Tương Tư - Loại Hoa Tím Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Tương Tư - Loại Hoa Tím    Tương Tư - Loại Hoa Tím Icon_minitimeSat Jun 10, 2017 4:15 am

Chương 12 (hết)

Thấm thoát mà Trúc đã đi Đài Loan được ba tháng. Trong những thời gian Trúc vắng mặt, Bình rất năng lui tới nhà giáo sư Chi trong những giờ nhàn rỗi, có khi ngủ lại nhà giáo sư Chi để cùng ông đánh cờ, chuyện vãn đến mãi khuya. Tuy Trúc đã giữ lời hứa và không viết cho anh lá thư nào, nhưng Bình cũng biết được nếp sống của nàng ở bên đó qua những thư Trúc viết về cho giáo sư Chi. Mấy tháng nay, Trúc và Niệm Từ lo bận học thi dưới sự dìu dắt của Khâm. Hai cô mướn một căn phòng ở gần trường Đại Học Sư Phạm “Đài Đại” và tự nấu ăn, vì ở đấy người ta ăn mì và ăn bánh bao trắng (không có nhân) nhiều hơn là ăn cơm. Những thức ăn ấy ăn ít thì ngon mà ăn thường thì ngán, không quen ăn được. Theo trong thư Trúc kể thì nàng học bài thi một cách rất khó nhọc, vì trình độ bên ấy quá cao, ngày thi gần kề mà Trúc chưa nắm vững được phần cốt yếu trong việc thi. Trong khi ấy thì Niệm Từ học rất khá, mức tiến bộ của cô vượt Trúc khá xa. Trong thư Trúc cũng thường nhắc nhở đến Khâm. Đại khái, Khâm là một mẫu người hoạt bát, hay giúp đỡ người đến gần như săn đón, kiểu cách và Khâm cũng rất có óc khôi hài. Mỗi lúc nói chuyện với anh, anh luôn luôn có nhiều đề tài làm cho mọi người vui cười thỏa thích. Khâm và Niệm Từ mà ngồi vào bàn tán gẫu thì không khí vui nhộn và tự nhiên đáo để. Tuy nhiên, đôi khi Trúc cũng có những lời ngầm tỏ sự nhớ nhà và thương cha trong một hai lá thư. Tuyệt nhiên, Trúc không bao giờ nhắc đến Bình. Điểm này làm giáo sư Chi cảm thấy là lạ, tuy nhiên, ông không nói ra. Ông biết là Bình rất muốn biết tin tức về Trúc nên lá thư nào của Trúc gửi về ông cũng đưa cho Bình đọc. Bình đọc thư Trúc một cách rất hàm súc. Anh chỉ nói thoáng qua về Trúc khi đọc thư nàng, tuy nhiên, càng ngày càng thấy mình vững niềm tin hơn. Anh đã đọc được những ước muốn bỏ cuộc trong thư của Trúc, và anh thầm chờ đợi một lá thư Trúc gửi riêng cho anh. Anh đinh ninh nhất định là ngày đó sẽ đến, nhưng không biết bao giờ, lâu hay mau. Anh nhất quyết như vậy và anh sống bình yên trong niềm hy vọng đợi chờ.


* * *

Lớp học bắt đầu im lặng khi Bình bước vào cửa. Những cô cậu học trò người Việt gốc Hoa rất mến Bình và rất lưu tâm đến những bài Bình dạy. Theo Đỗ Vinh thì trường hợp này rất hiếm, vì phần đông các cô cậu hay có thành kiến với những giáo sư Việt. Bởi vì có những cô cậu tới trường học chữ Việt mà hiểu tiếng Việt một cách mù mờ, có lẽ tại vì sự tắc trách của các trường tiểu học, khi dạy Việt văn chỉ dạy cho bằng có để qua mắt Bộ Giáo dục, thế nên lên đến trung học, học sinh phải học Việt văn một cách khổ sở. Khi gặp phải giáo sư người Việt, vì đã sẵn không hiểu nhiều về tiếng Việt nên giáo sư càng giảng họ lại càng mù tịt thêm hơn. Lúc mới tới đây dạy, Bình cũng đã gặp phải trường hợp kể trên nên anh đã cố gắng học chữ Trung Hoa để khắc phục cái trường hợp gần như là tệ đoan đó. Cho đến nay thì Bình đã thành công. Học sinh lớp anh tiến bộ về Việt văn một cách thấy rõ. Điểm này làm cho Bình cảm thấy như được khích lệ và càng ngày càng say sưa phấn khởi trong nghề của mình.

Bình đưa tay cao đáp lại lời chào của học sinh và ngồi vào bàn soạn bài dạy. Bỗng Đỗ Vinh từ dưới lớp học tất tả đi lên đến gần Bình nói nhỏ :

- Thưa thầy, cô Lý Mộ Dung mời thầy đến nhà cô ấy sau giờ tan học, có việc ạ !

Bình ngẩn ra mất một phút, xong bàng hoàng gật đầu nói :

- Em cũng đi với tôi chứ ?

- Vâng ạ !

Đỗ Vinh trở về chỗ ngồi rồi mà Bình còn ngồi thừ ra đó. Suốt giờ học, anh cố giữ sự bình tĩnh, giảng bài một cách chu đáo, tỉ mỉ, mặc dù sự mời mọc đột ngột của Mộ Dung làm anh không khỏi lấy làm thắc mắc. Nhưng trước sau gì rồi nỗi thắc mắc kia sẽ được phơi bày sau khi đến nhà Mộ Dung, nên Bình tạm gác một bên cho đến hết giờ học.

Trên đường đến nhà Mộ Dung, Bình cũng không hỏi Đỗ Vinh về việc vừa rồi mà chỉ hỏi qua về tình bạn giữa Đỗ Vinh và Mộ Dung mà thôi.

Đến nơi, Mộ Dung đã đợi sẵn ở phòng khách với hai ba phong thư trước mặt. Trái tim Bình đập rộn rã trong lồng ngực. Hình bóng Trúc thoáng hiện trong anh, anh cố gắng giữ sự điềm tĩnh hỏi :

- Cô Mộ Dung sắp báo cho tôi biết một tin vui phải không ạ ?

- Ông đoán ?

Mộ Dung mỉm cười rót nước mời khách. Đỗ Vinh nói :

- Chắc chắn là tin vui rồi thầy ạ, nếu không, Mộ Dung phải khóc thay vì cười.

Mộ Dung nguýt Đỗ Vinh nói :

- Ham thấy người ta khóc lắm cơ !

Rồi quay sang Bình, Mộ Dung nói :

- Đây là một tin buồn, nhưng nếu ông Bình biết xong chắc phải vui lắm cơ !

Bình cười cởi mở :

- Chắc là tin về Thư Trúc hả cô ?

- Vâng, cuộc thi đã có kết quả. Thư Trúc trượt vỏ chuối rồi ông Bình ạ ! Chỉ có Niệm Từ đỗ.

Bình thở khì nhẹ nhõm. Quả là một tin buồn nhưng không phải thuộc loại buồn da diết. Anh thư thả nói :

- Hết keo này thì bày keo khác, tôi nghĩ Thư Trúc không đến đỗi bỏ cuộc.

Mộ Dung lắc đầu :

- Ông đoán sai rồi, nó hăm bỏ cuộc và đòi về, nhưng còn phải chờ hỏi ý kiến của bác Chi rồi mới quyết định sau. À, Thư Trúc có một cái thư cho ông đây.

Bình nhận thư với lòng mừng khấp khởi. Nhìn phong thư niêm kín, Bình nóng lòng đến ước gì được bóc thư ra đọc ngay. Nhưng anh dằn lòng cố ngồi nán lại chuyện vãn với Đỗ Vinh và Mộ Dung một lát rồi mới kiếu từ ra về.

Về đến nhà, Bình đi ngay vào phòng đóng cửa lại, mở thư của Trúc ra đọc. Cánh thư màu xanh, chỉ ghi vỏn vẹn có một bài thơ :

Hồng đậu sinh Nam Quốc
Xuân lai phát kỷ chi
Khuyến quân đa thải kiệt
Thử vật tối tương tư.

Phía dưới bài thơ đề ba chữ : “Thư Trúc tự”. Bình ấp cánh thư lên ngực, nghe như hương vị tình yêu ngào ngạt tỏa khắp căn phòng.

HOÀNG DIỄM KHANH
06 - 12- 74
Về Đầu Trang Go down
https://nhanbkvn-2022.forumvi.com
Sponsored content





 Tương Tư - Loại Hoa Tím Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Tương Tư - Loại Hoa Tím    Tương Tư - Loại Hoa Tím Icon_minitime

Về Đầu Trang Go down
 
Tương Tư - Loại Hoa Tím
Về Đầu Trang 
Trang 1 trong tổng số 1 trang

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
Nhanbkvn 2024 :: THƯ VIỆN SÁCH TUỔI HOA :: Tủ Sách Hoa Tím-
Chuyển đến