Nhanbkvn 2024
Chào Mừng Các Bạn Tham Gia Và Chia Sẽ Tại Diễn Đàn Nhanbkvn
Nhanbkvn 2024
Chào Mừng Các Bạn Tham Gia Và Chia Sẽ Tại Diễn Đàn Nhanbkvn
Nhanbkvn 2024
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

Nhanbkvn 2024

Chia Sẽ Không Giới Hạn
 
Trang ChínhTrang Chính  Sự kiệnSự kiện  Latest imagesLatest images  PublicationsPublications  Tìm kiếmTìm kiếm  Đăng kýĐăng ký  Đăng NhậpĐăng Nhập  

 

 Vượt Đêm Dài - Loại Hoa Xanh

Go down 
Tác giảThông điệp
Admin
Admin
Admin


Tổng số bài gửi : 17784
Points : 24761
Reputation : 0
Join date : 16/10/2016

Vượt Đêm Dài - Loại Hoa Xanh Empty
Bài gửiTiêu đề: Vượt Đêm Dài - Loại Hoa Xanh   Vượt Đêm Dài - Loại Hoa Xanh Icon_minitimeSat Jun 03, 2017 6:29 pm

Vượt Đêm Dài - Loại Hoa Xanh Vuot_d10

Chương 1

Nếu quả thật có Trời và Ngài có mắt như người ta thường nói thì hẳn là Ngài phải biết rằng Tâm ao ước được đi học đến ngần nào !

Song điều làm Tâm khổ sở nhất không phải ở chỗ nó không được đi học mà chính là ở chỗ cha mẹ Tâm không bao giờ chịu hiểu cho rằng con mình không được đi học là một điều khổ sở, thiệt thòi cho nó, rằng nếu nó được đi học thì đó là một chuyện rất tự nhiên, hợp lý, không có gì là quá đáng. Trái lại, cha mẹ Tâm cứ coi điều ao ước của con mình là một chuyện “trèo cao”, một sự “vói lên” rất vô lý, vô lý y như nó đòi đi xe hơi nhà vậy !

Đó là điều mà mỗi lần nhớ tới thằng bé lại tức lên anh ách, tức không thể tự chủ nổi mà không biết thổ lộ cùng ai cho hả lòng.

Vốn biết cha mẹ không bao giờ quan tâm đến điều mình muốn, song Tâm lại ưa gạ gẫm hoài về những câu chuyện có dính dáng đến học đường. Thật ra, thằng bé cũng biết thừa đi rằng chẳng đi đến đâu, nhưng cứ nói, hình như nói những chuyện ấy nó cảm thấy mình gần gũi nhà trườngvà… đỡ thèm đi học được đôi phần.

Chẳng hạn :

- Mẹ ! Cái trường gì ở góc đường Phan đình Phùng đó mẹ, bữa nay đông nghẹt… mà tụi học trò gì lộn xộn ghê, có đứa nhỏ hơn con nữa đó, mẹ ơi !

Hoặc :

- Mẹ ơi ! Học trò gì mà chửi lộn quá trời ! Con thấy bắt ngán…

Hay là :

- Mẹ ơi ! Trường nhà nước là sao, mẹ ?

Dĩ nhiên, chỉ mình Tâm nói, mẹ nó vẫn lờ đi như không nghe, không biết cả câu hỏi nữa, cho đến khi Tâm dại dột nói một câu thế này :

- Mẹ ơi ! Trời mưa mà tụi học trò cũng đông chớ, con tưởng…

Thằng bé chưa dứt câu, mẹ nó đã mắng át tiếng con :

- Chớ bộ mày tưởng ai cũng làm biếng như mày hết, chắc ? Hễ trời mưa thì cái mặt nhăn như…

Trời ơi ! Mẹ Tâm lại nỡ đem so sánh chuyện đổ rác với chuyện học hành ! Hai chuyện khác nhau quá, so sánh chi mà kỳ cục và bất công đến vậy kìa ? Tâm nghĩ thầm một cách phẫn uất nhưng không dám cãi. Hừ ! Nếu mà mình được đi học coi -- Tâm nghĩ tiếp -- lụt mình cũng đi chớ sá kể gì cái thứ mưa. Đằng này phải đi đổ rác mà! Đi đổ rác thì vui thú chỗ nào kia, kia chớ ?

Cái xóm mẹ Tâm đổ rác là một xóm nghèo, hay nói cho đúng : phần đông là nhà nghèo, ở tận cùng trong hẻm sâu. Tâm thường băn khăn tự hỏi tại sao mẹ nó lại chọn chi cái nghề theo nó thì là một nghề tệ nhất trong các nghề nó biết.

Tuy bà thường nói với nó rằng nghề nào cũng không xấu, miễn là một nghề lương thiện, đổ mồ hôi… Đổ rác thì hôi hám thật, nhưng rồi về nhà tắm rửa đi là sạch sẽ ngay, chê bai nỗi gì ?

- Bộ mày tưởng tao không muốn lựa một nghề dễ chịu hơn hay sao ? -- giọng mẹ Tâm dịu lại một chút – Mà muốn làm gì cũng phải có vốn, mẹ mày đâu có vốn liếng gì ? May là nghề đổ rác này người ta chê nên…

Mẹ Tâm còn nói nhiều nữa song Tâm chán, gạt tuốt ra ngoài tai, Tâm hết muốn nghe rồi. Mẹ Tâm ưa bắt nó nghe những lời phân trần dai dẳng, dài ngoằng, những lời không phải để rót vào tai đứa trẻ chưa lên mười như nó; trong lúc đó lại không chịu cho nó đi học, một việc mà Tâm cho là rất nên, rất phải. Hoặc ít nhất cũng nên nói những câu từa tựa thế này :

- Đáng lẽ con phải đi học, con có ưng đi học không ?

Hay là :

- Rán lên con, thế nào mẹ cũng cố cho con đi học…

Nếu mà nghe được những câu như vậy, chắc Tâm thấy công việc nhẹ nhàng bớt, Tâm sẽ vui vẻ giúp mẹ, dù cho cái ngày tươi đẹp còn lâu, lâu lắm chưa biết đến bao giờ.

Hằng đêm, Tâm theo sau mẹ, vừa làm việc, vừa nghĩ ngợi vẩn vơ. Trong mỗi thùng rác không phải chỉ chứa rác không thôi. Rác, theo thằng bé định nghĩa là chỉ gồm có lá khô, bã mía, giấy vụn, chớ rác gì lại có cả một trăm thứ thừa thãi khác : hôi hám nặc nồng mà cũng dồn vào đó. Nào vỏ tôm ươn, đầu cá thối sình lên, thức ăn thiu đã đành, mà có khi lẫn cả phân người trong đó.

Tâm đã lớn lao gì cho cam, Tâm bê thùng rác thật khó nhọc, vất vả. Dạo trước mẹ còn đỡ cho được một tay, bây giờ thì không : bà vướng cái bụng gần sinh, phần thì bà còn phải lo kéo cái xe có hai càng, hai bánh lăn còng cọc, còng cọc đằng xa kia, chưa bắt kịp Tâm. Gần đến bên nó, mẹ nó tháo cái dây – Tâm gọi là cái ách – quàng ngang cổ ra và buông càng xe xuống kêu đánh “huỵch” một cái, đoạn rướn người lên thở dồn dập, mồ hôi tuôn nhễ nhại.

“ Y như cái xe nó muốn đè mẹ xuống vậy !” Thằng bé bật cười, nghĩ. Song tới chừng mẹ nó đợi con đổ rác vào thùng xe phía sau, rồi bà cúi xuống nhấc càng xe lên, quàng dây lên cổ, hai bên dây quặt ra sau vai, gập người lại, gò lưng kéo thì Tâm không cười được nữa. Tội nghiệp ! Hai vai mẹ nhô lên, đầu bà rụt lại trông giông giống con rùa… Mẹ Tâm bước chầm chậm, chầm chậm, miệng lầu bầu gì đó, nó nghe không rõ. Thốt nhiên, thằng bé se lòng lại, thoáng nghĩ rằng mẹ nó làm việc cực nhọc hơn cả còn bò nhà nó hồi ở nhà quê ! Vì con bò tuy cũng cực nhọc như mẹ nó bây giờ, có điều con bò không phải chịu đựng cái mùi hôi hám khó thở đến như vậy.

Vừa xách thùng không trả về chỗ cũ, Tâm vừa xót xa thương mẹ, lại vừa hối hận vì đã ví mẹ với một con bò.

Sau những lần nhận xét như thế, dù bị mẹ đánh oan, rầy dữ Tâm cũng không giận mẹ như khi nhớ tới chuyện mình không được cắp sách đến trường.

Thật ra, Tâm cũng phạm khá nhiều lầm lỗi nặng làm phiền lòng mẹ, những lầm lỗi mà bây giờ nhớ tới, nó còn thấy run sợ vì sự táo gan, liều lĩnh của mình.

Một lần, mẹ nó đau không đi chợ được, bà giao cho con trai năm đồng bạc, tỉ mỉ dặn rằng :

- Ở nhà có rau rồi, con chạy u ra chợ mua tương với cà muối, nhớ không ? Đó, tương với cà muối, nhớ không ? Biểu họ bán rồi xin thêm vô, chớ không phải họ bán bao nhiêu lấy bấy nhiêu đâu, nhớ không ? Phải cho khôn khôn một chút, nói tử tế với người ta. Nhớ không, ở nhà có rau rồi. Coi chừng mất tiền đa. Nhớ…

- Con biết mà, bữa trước con mua rồi, mất sao được ?

- Ờ, vậy thì giỏi, mau đi, mua xong về liền chớ đừng có rà rà ngoài chợ nghe không ?

Tâm “dạ” một tiếng, giọng vùng vằng, bực tức, cắm đầu chạy một mạch ra tới chợ, tay không ngừng xóc xóc mấy đồng bạc chì trong túi áo để biết là nó không nhảy ra ngoài, như mẹ lo xa.

Tới đầu hàng tương, cu cậu ngừng lại thở, tay vẫn khua rộn mấy đồng bạc trong túi áo một cách oai vệ như một nhà giàu khoa của.

Bỗng mắt Tâm sáng lên, vì nó vừa liếc thấy một người đàn ông tre trẻ ngồi xổm giữa đống sách loè loẹt đủ màu. A ! Tâm kêu lên thích thú : “Sách !” Anh này bán sách, chắc anh ta biết nhiều chữ lắm. Đẹp quá ! Tâm nhìn mê, đứng chôn chân tại đó, quên cả mấy đồng bạc, cả chuyện mẹ sai đi. Ôi chao ! Mà cái anh hàng sách này ăn nói mới có duyên làm sao chứ ! Chốc chốc, anh lại ngừng nói, đón tiền trên tay mấy chị đàn bà, con gái, trao sách cho họ, điệu bộ rất dẽ dàng, vui vẻ. Anh này đàng hoàng quá đi thôi ! Tâm khen thầm. Tâm chưa từng thấy ai mà dễ thương, dễ mến như vậy bao giờ ! Thấy chị nào mặc áo cổ tra ren nhíu nhíu, quần Gò-vấp đen bóng, trơn tuột như đầu cá trê anh lại cười duyên, phô cả mấy chiếc răng vàng chói lọi ! Rồi thình lình, anh cất giọng ngọt ngào, ca :

- Em Lan ơi ! Tội tình chi mà em phải đoạ đày cho khổ sở cái kiếp hồng nhan ? Bớ ớ… ớ (giọng anh ngân dài ra, dẻo quẹo) này em Lan… Nay anh tìm đến đây anh tạ tội…

Trời ơi ! Tạ tội ? Tâm náo nức hết sức, song bất thần, anh ta ngưng lại ngang đó để… bán sách, không chịu ca nốt để Tâm biết câu chuyện diễn tiến đến đâu, tại sao tạ tội ? Tội gì ? Tạ tội cách nào ? Phải chi biết chữ như người ta, Tâm không ngần ngại gì, Tâm cũng làm như họ : sà vào hàng sách lật lật hết cuốn nọ đến cuốn kia. Không, không phải mua, tiền đâu hòng mua, đây là lật coi chơi cho thích, giả vờ lựa chọn như sắp mua vậy, sợ gì ? Phải, lật coi cho biết thôi, Tâm đã quan sát từ nãy giờ thấy có nhiều người làm như vậy lắm, có sao đâu ?

- Tạ tội mốc xì ! Tự thằng chả làm người ta không tu hành được, cắt đứt dây chuông.

Một chị đàn bà vênh mặt lên, nghiêm giọng, rành rẽ nói. Tâm chẳng hiểu ra làm sao cả, lại càng tò mò thêm. Chuyện này chắc hay lắm, lạ lắm, chớ không phải như những chuyện đời xưa mà nó từng nghe kể đi kể lại đến nhàm ở nhà quê !

Tâm sững sờ, miên man nghĩ ngợi. Chợt anh hàng sách lên tiếng :

- A ! Cưng ! Cưng mua cuốn nào ? Anh bán rẻ cho cưng ! (Anh toét miệng cười thân mật) anh bán phân nửa tiền thôi, lựa đi cưng!

Tâm đỏ rần mặt, vừa thích thú vừa ngượng nghịu vì lối xưng hô của anh ta. Cưng ! Đó là lối xưng hô của nhà giàu, của người thành phố. Mẹ nó chưa bao giờ gọi nó bằng tiếng cưng ngọt ngào cả tiếng lẫn nghĩa như vậy. Cưng…

- Cưng có mấy đồng ?

Tiếng anh hàng sách lại giục giã bên tai. Tâm như bị anh chàng thôi miên, trả lời không cần suy tính :

- Năm !

- Ối, dư sức mà ! Dư sức ! Cuốn “Hoa rơi cửa Phật” này có ba đồng chớ bao nhiêu…

- Mà… mà em không biết đọc, anh ơi !

Tâm rụt rè nói mau. Anh hàng sách vỗ vỗ vào trán ra chiều ngẫm nghĩ một giây, miệng lẩm bẩm “Không biết đọc hả ? Không biết đọc hả ?” Như chỉ cốt nói cho mình nghe thôi, đoạn anh ngẩng lên, giọng êm như một lời ru :

- Anh bày em nghe không ? Em mua thêm cuốn vần này về học đi !

Tâm há miệng toan hỏi nhưng anh chàng khoát tay ngăn lại, tiếp luôn :

- Không khó khiết gì đâu. Chừng vài bữa là biết liền. Hai cuốn sáu đồng (làm bộ do dự) ủa, anh quên em có năm đồng, mà thôi (lại tặc lưỡi một cái) không sao, anh bán rẻ cho em một đồng cũng được.

Tâm sửng sốt : người đâu mà tử tế quá chứng chừng ! Cái đề nghị hấp dẫn và quá dễ dãi của anh hàng sách làm Tâm quên phắt đi rằng nếu nó làm theo thì ngày nay cả nhà mình sẽ phải ăn cơm thiếu hai món cà, tương. Tâm vội vàng cho tay vào túi áo. Song khi mấy đồng bạc nằm gọn trong tay Tâm vụt nhớ ra : tiền này không phải của mình. Nếu mình có số tiền lớn hơn mình cũng không tiếc đâu. Mình bằng lòng ăn cơm với muối một bữa, hai bữa, cho dù ba, bốn, năm bữa cũng không sao, miễn là mình biết chữ biết nghĩa như người ta… Mình sẽ biết anh chàng kia tạ tội thế nào, người nào cắt đứt dây chuông ? Hai bên có bà con xa gần ra sao… Nhưng mà… đây là tiền của mẹ, Tâm không dám.

Tiếc thầm trong bụng, Tâm quay vội đi vì sợ đứng thêm chút nữa nó sẽ khó mà chống trả với ý muốn liều lĩnh, dại dột của mình. Nhưng nó vừa dợm bước đi thì một bàn tay đặt lên vai giữ lại và tiếp liền sau đó là cái giọng trầm bỗng của anh hàng sách cất lên, đầy mê hoặc :

- Đi đâu lật đật vậy, em cưng ? Sao em không mua ? Anh đã nói anh bán rẻ mà ?

Tâm lắc đầu quầy quậy. Anh hàng sách đổi giọng liền, dáng chừng giận dỗi :

- Em dại quá ! Anh chỉ bán đây một lần thôi. Mai anh đi rồi, chừng đó em muốn mua cũng không có nữa, đừng tiếc, nghe không ?

Tâm hoảng hốt, luống cuống hỏi :

- Anh đi đâu ?

Anh hàng sách không trả lời mà lại hát. Anh hát rằng :

- Kiếp giang hồ đây đó, biết đâu là bến bờ… bến xưa còn hay lời ước phai mờ…

Rồi anh ta ngưng bặt lại, nhìn Tâm bằng dáng bộ buồn rầu :

- Anh đi giang hồ mà em, cưng ! Biết đi đâu mà nói trước…

- Anh có về không ? Chừng nào anh về ?

- Về làm chi, em ? Anh đã nói “kiếp giang hồ đây đó” mà em !

Nghe anh ta nói, Tâm xao xuyến trong lòng, tưởng như mình sắp cách biệt một người thân nào vậy. Thằng bé quyết định chớp nhoáng, không mảy may do dự. Hết sức thì bị mẹ đánh cho vài roi là cùng… dịp may… biết bao giờ anh ta trở lại ?



***



Đúng như nó đoán, Tâm chỉ bị mẹ quất cho mấy roi thôi. Tâm không hối hận chi về hành động mình, lại càng không oán hờn chi mẹ. Tuy mẹ nó đã, trong lúc giận dữ giật phăng cuốn Hoa rơi cửa Phật xé toang ra. (Tuy chưa biết chữ, Tâm cũng đoán được cuốn mẹ xé là cuốn Hoa rơi cửa Phật, vì theo nhận xét của nó thì cái hình anh chàng chải đầu bóng nhoáng, mặt trắng, môi hồng ở trước bìa sách là anh kép hát tạ tội, còn cuốn có hình con bé cắp sách thì đúng là cuốn vần, không sai chệch đi đâu). Thật ra thì ban đầu Tâm cũng hơi ấm ức : nó đã đền tội bằng mấy roi song rồi, mẹ nó còn xé sách của nó là nghĩa lý gì ? Như vậy hoá ra nó không được gì hết, liều chi cho uổng ? Rồi đây, khi biết chữ biết nghĩa đàng hoàng, Tâm làm sao biết được cái duyên cớ khiến anh kép hát tạ tội ? Làm sao đây ? Nhưng rồi nhìn cuốn vần một lát, Tâm lại yên lòng : không lo gì, biết chữ xong rồi sẽ liệu.

Bấy giờ, mối bận tâm thứ nhất của nó là đợi cho mẹ nó nguôi giận rồi sẽ tìm cách học. Kỳ quái một điều : trước nay mẹ nó rất dễ nguôi giận, còn kỳ này thì bà giận dai quá đỗi, năm sáu ngày qua bà vẫn cứ lầm lì, không thèm nói với con một tiếng nào. Tâm bực lắm, thà mẹ nó quất thêm cho nó vài roi nữa còn hơn.

Một đêm, trong khi đổ rác, Tâm ngẩng lên thình lình, nó bắt gặp cái nhìn âu yếm hiền lành của mẹ, một cái nhìn từ lâu lắm Tâm không nhận được, kể từ lúc rời quê. Cái nhìn đó bỗng làm Tâm nhẹ cả người vì biết rằng mẹ đã hết giận mình. Không chỉ thế, cái nhìn đó còn như xúi ngầm Tâm để nó có can đảm gợi chuyện cùng mẹ nữa. Tiếc thay, câu chuyện vẫn thuộc về loại chuyện học hành :

- Mẹ ! Con thấy thằng Lưu nó trốn học, mẹ ơi !

Tức thì, ánh mắt bà mẹ hết dịu dàng, giọng bà gắt gỏng :

- Kệ xác nó, sao mày cứ ưa nói bậy hoài vậy, hả Tâm ?

Đến lượt thằng bé đổ quạu lên, nó cãi :

- Bậy gì đâu ? Con thấy nó trốn học rõ ràng mà…

- Ừ, thì nó trốn học đó, có can gì đến mày không ?

- Không can gì hết – Tâm dõng dạc – mà con nghĩ tức.

- Tức cái gì ? Nó ăn hết gì của mày không ?

- Nó không ăn gì, mà con tức. Đó mẹ coi : được đi học sướng gần chết lại không lo học. Con mà được đi học thử…

Tâm ngưng bặt lại vì mẹ nó cất cao giọng lên, không hằn học như mọi lần mà nghẹn ngào tựa sắp khóc :

- Lại phân bì, con với cái tệ vậy đó, trời ơi !

Thật ra, Tâm lỡ lời chớ không hề mong lay chuyển mẹ. Thốt nhiên, mẹ nó nhìn đăm đăm vào mặt con, se sẽ gọi:

- Tâm !

- Dạ.

- Con đừng làm mẹ khổ nữa, nghe không ?

Giọng mẹ Tâm thấp xuống, nhỏ và ấm bất ngờ. Tâm ngơ ngác, chưa kịp hiểu lời mẹ nói, nào nó có làm gì khổ mẹ đâu ? Nhưng mẹ nó đã tiếp :

- Bộ con tưởng mẹ ưng để con dốt nát sao ? Tại vì…

Mẹ Tâm không nói hết, song Tâm đã hiểu mẹ muốn nói gì. Nó tự hứa từ nay không buồn, tức nữa. Nhất định không bao giờp đem chuyện nhà trường, chuyện học trò ra kể với mẹ nữa, mặc dù là có Trời biết đó : Tâm ham học biết chừng nào !


***


Tuy đã hứa thầm như vậy, khốn nỗi dân vùng này ham học quá đi thôi: nhỏ học đã đành, lớn cũng học; học ban ngày lại còn học cả ban đêm. Trông cảnh tượng đó, Tâm lại đâm sốt ruột.

Nói chi xa, ngay đến cô giáo mà cũng đi học thì thật là quá sức tưởng tượng của Tâm, chẳng còn biết trời đất đâu mà lần ! Cô giáo thì có biết bao nhiêu là chữ trong bụng cô rồi kia chứ ? Sao còn tham lam đến vậy kìa ? (Lần thứ nhất Tâm nghĩ xấu cho cô giáo) Tâm biết chuyện cô đi học thêm là nhờ hôm kia, khi cô trả tiền đổ rác cho mẹ, cô ngỏ ý nhờ mẹ hỏi giúp coi có ai thì thuê hộ một người, vì “dạo này tôi phải học thêm nên nhà… “

Nội vùng này Tâm có cảm tình với cô giáo nhất. Cô hiền lành và không nhìn mẹ con Tâm bằng con mắt lạnh lùng khinh khỉnh như mấy người kia. Cô luôn luôn vồn vã với mẹ con Tâm dù đôi khi Tâm chưa kịp thấy cô. Cũng nhiều lần cô âu yếm nhìn tâm và nói với mẹ Tâm :

- Coi cho em nó đi học đi ! Chị Hai !

- Nghèo quá ! Cô !

- Nghèo thì nghèo, rán một chút coi, cũng không tốn kém bao nhiêu đâu…

Tâm hồi hộp mong cô giáo làm xiêu lòng mẹ. Lần nào cũng như lần nào, lời đối thoại giữa hai người có thay đổi chút ít, khi thì mẹ Tâm viện cớ bây giờ nhà có thêm em nhỏ không ai coi sóc trong lúc bà gánh nước đi chợ; khi thì rằng Tâm phải đi đổ rác giúp mình… Rồi sau cùng bà đem tiếng nghèo ra ngăn sự tấn công của cô giáo. Nghèo là bức tường kiên cố cô không thể nào xâm phạm tới, vượt qua, xô ngã được. Nhưng cô không thất vọng: mỗi lần gặp mẹ con Tâm cô lại đem hai tiếng rán lên thuyết phục mẹ Tâm. Một lần kia, mẹ Tâm chưa kịp đem bức tường nghèo ra ngăn cô giáo thì chồng cô đã cười, nói :

- Thôi đi em, em đừng có méo mó nghề nghiệp chớ !

Nói xong, gã ta giục cô giáo lên xe rồi rồ máy lao vút đi như mũi tên.

Trời ơi ! Sao mà Tâm ghét cái nhà gã đàn ông đó quá : cái mặt lúc nào cũng vênh vênh lên. Nghe gã nói, Tâm chẳng hiểu ngô khoai gì tất nhưng mà càng ghét. Ý chừng gã sợ cô giáo sẽ dạy Tâm ? Và như vậy chữ của cô hao hụt đi hay sao mà kiếm cách ngăn cản vợ ! Hừ, méo mó nghề nghiệp ? Nó là cái quái quỉ gì kìa ?

Từ hôm đó trở đi, Tâm thù ghét chồng cô giáo thêm lên và ghét lây cả cô giáo nữa.


***


Một hôm trời mưa lớn. Trận mưa kéo dài cho đến tối mà chỉ hơi bơn bớt chứ không chịu dứt hạt cho. Đi đổ rác, một công việc bình thường Tâm vốn ghét, bây giờ càng thấy khó nhọc, bực bội thêm. Lối đi ngập bùn, đất dưới chân trơn tuột đi, thỉnh thoảng thằng bé bổ chúi một cái không gượng được, áo quần bê bết ướt, rác ngấm nước càng nặng thêm. Một chốc sau, trời tạnh hẳn, trăng cũng vừa lên, trăng sáng rỡ. Trời thật đẹp ! Trời đẹp vậy mà mình phải đi đổ rác ! Tâm tưởng tượng giờ này mà nó cắp sách đi dưới trăng… phải biết ! Nghĩ đến đó, nó bỗng nhớ lại nhiều chuyện cũ, nhớ lời tự hứa thầm của mình: không bao giờ thèm đả động đến chuyện học hành làm phiền lòng mẹ. Tâm lầu bầu bằng một giọng hờn dỗi, buồn rầu : “Không thèm nữa, không thèm… “

Từ góc tối mẹ nó nhô ra, đầu đội nón, vai khoác áo mưa rách tả tơi, vừa húng hắng ho vừa nặng nhọc kéo lê chiếc xe không; người và xe như được dội trong màu xanh biêng biếc của ánh trăng. Như thường lệ, Tâm lẽo đẽo theo sau và cũng như thường lệ, thằng bé bắt đầu suy nghĩ vẩn vơ hay quan sát sinh hoạt hai dãy phố. Có thế nó đỡ buồn đôi chút, có thế mùi rác bớt hôi đi, mùi phân cũng bớt.

Bỗng thằng bé nhớ ra rằng dạo này nó ít khi gặp cô giáo. Nỗi buồn gợn lên. Gặp cô cũng chẳng được cô cho bánh kẹo gì, song Tâm thích được cô nhìn bằng đôi mắt bao dung, âu yếm, được nghe giọng cô dịu dàng khi cô hỏi chuyện, được chào cô. Chẳng đi đến đâu, nó biết vậy, nhưng thằng bé mang cái tâm trạng của một kẻ rỗng túi ưa dán mũi vào mấy cửa kính của các hiệu buôn cho đỡ thèm đôi chút. Nhiều lúc nó ngông cho đến nỗi : cất tiếng chào cô xong thì tưởng như mình đã là học trò thực thụ rồi. Trong tâm trạng đó, nó quên khuấy cái lý do cô vắng mặt, nên quay hỏi mẹ :

- Mẹ ơi ! Sao không thấy cô giáo, mẹ ?

- Ủa, mày quên sao ? Cô giáo đi học thêm mà.

- Học thêm ! Học thêm…

Tâm gằn giọng lập lại hai tiếng ấy và thốt nhiên thằng bé cảm thấy giận sôi lên. Nghe giọng con, bà mẹ ngạc nhiên :

- Sao vậy Tâm ? Cô giáo học thêm sao mày…

- Đâu có sao…

Tâm chối phắt. Tâm xấu hổ vì thấy mình ganh tị và vô lý. Cô giáo đáng yêu chứ có đáng ghét đâu ? Cô có lỗi gì trong việc nó không được đi học mà nó đem lòng oán hận ?

- Không có sao, không có sao mà cái mặt nặng y như cái thúng !

Mẹ Tâm cau mày, gắt. Tâm cúi gầm mặt xuống, nước mắt mọng lên mi. Hai mẹ con cắm cúi làm việc, lầm lì không nói gì với nhau nữa. Thình lình có tiếng thình thịch càng lúc càng gần, Tâm gạt nước mắt ngẩng lên nghe ngóng, từ chỗ góc phố một đứa nhỏ hơn Tâm đâm bổ ra hẻm lớn, phía sau một người con trai đuổi theo sát gót. Tâm lo cho thằng bé đến nỗi nó ráo hoảnh mắt, hồi hộp nhìn theo, lòng thấp thỏm mong thằng bé thoát được, song chỉ một nhoáng là anh kia tóm thằng bé trong tay. Nó vùng vẫy kêu khóc. Anh kia nói :

- Tại sao mày cứ… bộ hết chỗ rồi sao ? Tại sao cứ đến trước nhà người ta…

- Con lỡ…

- Hừ, lỡ… lỡ hoài, ăn ở dơ dáy…

Anh kia chưa dứt lời, có tiếng đàn bà hét dựng lên :

- Làm gì dữ vậy ? Không được đánh con tôi. Có chuyện gì…

- Tôi không đánh con bà ! (anh con trai ôn tồn buông tay đứa trẻ, nói) tôi chỉ giữ nó lại hỏi thôi. Bà coi… ai lại… còn gì vệ sinh chung ?

Tâm ngơ ngác không hiểu gì cả. Người đàn bà hét tướng lên :

- Xí, đừng có nói dóc đi ! Vệ sinh vệ tử cóc khô, ỷ nhà giàu nói dóc hoài.

- Tôi ỷ giàu chỗ nào đâu ?

- Không ỷ giàu, hừ ! Cứ như tụi này coi : ở trong cái chòi chui ra chui vô còn đụng đầu, lấy đâu hòng nói chuyện vệ sinh ?

Cãi nhau vài câu nữa, anh kia chịu thua, anh đuối lý trước chị đàn bà quá quắt đó.

- Ỉa thì hốt, không chịu kiện đâu kiện, đây đi hầu. Cóc sợ.

Giọng chị ta thách thức. Nói xong, chị ta vênh váo đi vào bóng tối. Anh nọ rút lui luôn. Anh có vẻ là một mặt mới, rất mới ở đây.

Đi ngang mẹ con Tâm, anh không buồn ngẩng mặt lên, nhưng Tâm nghe anh ta lẩm bẩm một mình :

- Trời ! Cầu tiêu mà cũng là một xa xí phẩm nữa sao, trời ?

Tâm giật mình đánh thót một cái : ui chao ! Sao nhiều chữ quá; xa xí phẩm là cái gì ? Mới hôm kia đây chồng cô giáo nói “méo mó nghề nghiệp” Tâm chưa hiểu nổi, bây giờ anh này lại nói đến “xa xí phẩm”. Như vậy, chừng đi học Tâm sẽ phải học đến chừng nào mới biết hết đây ? Tâm đâm lo, buồn cười cái là nó không lo chuyện chừng nào được đi học mà lại lo không biết mình sẽ phải học đến bao lâu. Thì ra, trong lòng Tâm chuyện Đi Học vẫn là chuyện Tâm nuôi nhiều hy vọng.


***


Lại một đêm khác, Tâm theo phụ mẹ đổ rác. Không biết đây là lần thứ mấy trăm Tâm băng qua cái hẻm này, hẻm tối, sâu hun hút, nhà cửa thì cứ y như là muốn lấn ra, chồm tới, bít cả lối đi.

Trông thấy xe rác của mẹ con Tâm, mọi người đều bịt mũi lại. Tâm hết sức khó chịu, song dù khó chịu hay dễ chịu Tâm cũng không thể trách trút công việc đó cho ai : cha Tâm say sưa suốt ngày, còn em bé thì quá bé.

Mỗi lần cúi xuống thùng rác nhà ai để bưng đổ vào xe, nghe mùi tanh, nồng, thối hắc lên, xông ập vào hai mũi – dù Tâm đã cố tránh mặt đi phía khác – làm Tâm gần ngạt thở; Tâm đều liếc về phía mẹ, mong tìm một sự đồng minh ngầm để có thể an ủi mình đôi chút. Lạ lùng thay : mẹ nó vẫn thản nhiên, nét mặt không chút cau có, làm như không hề ngửi thấy mùi hôi, tanh, thối của những thùng rác ấy ! Tâm hết sức thất vọng về thái độ chai lỳ của mẹ, tuy vậy, nó không thể nào ngăn mình được, nó bật kêu lên :

- Trời ơi ! Hôi quá !

Và Tâm chun mũi lại để mẹ biết rằng rác hôi thật, hôi quá thật, chứ Tâm không có giả vờ, lười biếng tránh việc như mẹ tưởng. Bà mẹ điềm nhiên át lời con :

- Muốn không hôi hả ? Muốn không hôi thì úp nồi xuống đất, treo mỏ mày lên, khó khiết gì ?

Tâm nghẹn ngào muốn khóc lên cho hả. Song rồi, khi nhìn vào mặt mẹ, thằng bé thấy không có vẻ giận hờn gì, Tâm biết rằng mẹ nó quen nói những lời đay nghiến như thế chứ không ghét bỏ chi mình, nó lại nguôi nguôi. “Khóc làm gì ? Khóc có được gì đâu ? Khóc có bỏ vô nồi nấu được không mà khóc ?” Đó là những câu mẹ nó thường thốt ra mỗi khi thấy mắt thằng bé rơm rớm nước. Có khi còn tệ hơn vì bà bực tức gì đó, thường thường là những bực tức do cha Tâm gây ra, mẹ Tâm quát lên :

- Câm họng đi thằng quỉ kia ! Con trai gì mà nước mắt nhiều hơn nước đái !

Những lời đó làm cho Tâm tủi cực thêm, ấm ức thêm. Thấy con không nín, người mẹ dịu giọng một chút :

- Mày có biết thương tao không ? Mày khóc làm chi vậy ? Đáng lẽ tao khóc đây ! Ừ, đáng lẽ con mẹ mày khóc đây…

Đó là tất cả những lời dịu dàng mà người mẹ khốn khổ có thể tặng con mình. Nghe mẹ nói, Tâm ráo hoảnh mắt ngay. Nó cho là mình chẳng nhỏ nhít chi nữa, nó đã lên mười rồi. Con nhà nghèo sớm khôn. Tâm không cần đợi mẹ vuốt ve âu yếm mới biết mẹ cũng thương mình như tất cả bà mẹ khác trên thế gian này. Cũng như thịt cá không hề xuất hiện trên mâm cơm nhà nó, những lời tử tế, những cử chỉ âu yếm, dịu dàng cũng khan hiếm vô cùng. Đó là những xa xí phẩm mà đứa trẻ lên mười không bao giờ với tới, xa tầm tay nó quá !

Ngay cả em bé mà còn không hưởng được sự nâng niu, chìu chuộng nữa là thứ lớn đầu như nó. Mỗi lần ngồi ghé xuống bên chiếc giường ọp ẹp vạch áo cho em nó bú, mẹ nó luôn luôn tỏ ý sốt ruột.

Đôi khi, Tâm men lại gần thấy em bé vừa nhay vú mẹ, vừa nhịp nhịp hai chân, thỉnh thoảng nó ngừng nút, lấy lưỡi ẩy vú mẹ ra rồi nhoẻn cười làm Tâm hết sức thích thú, cười theo. Tức thì, bà mẹ cầu nhầu :

- Thôi, ngồi đó mà trửng giỡn, bú lẹ cho người ta làm việc khác.

Và người mẹ ấn đầu con vào ngực mình, lấy tay kẹp núm vú nhét vào miệng đứa bé. Chừng như muốn phản đối thái độ phũ phàng của mẹ, em bé nhất định lấy lưỡi đẩy vú mẹ ra, không thèm bú nữa, mếu máo khóc.

- Được rồi ! Lát nữa đói thấy mẹ mày, rán chịu nghe không ?

Người mẹ nói và buông con xuống, thò tay dưới gầm giường lôi chiếc nón mê, đội lên đầu rồi tất tả đi ra. Tâm gọi giật mẹ lại :

- Mẹ ! Mẹ đi đâu đó ?

- Đi đâu ? Đi kiếm gạo đổ vô nồi chớ đi đâu ? Coi em đàng hoàng nghe không ? Liệu bỏ nó nhảy ra đường chơi, tao đánh thấy mẹ mày đó, nghe chưa ?

Đáng lẽ thì Tâm đã “dạ” lên một tiếng rồi. Một tiếng dạ khó khăn gì cho cam ? Nhưng nó tức mình vì những lời dấm dẳng của mẹ nên không thèm dạ. Đã không dạ, nó còn “xùy” lên một tiếng ngầm phản đối. Hừ ! Tâm hằn học nghĩ thầm -- chuyện gì đòi đánh người ta ? Hở chút dọa đánh, hở chút chửi, tức mình ta có ngày ta bỏ đi giang hồ cho biết mặt !

Trời đất ! Sao mà mẹ Tâm khó chịu quá ? Sao trời không cho Tâm một bà mẹ y như mẹ con Cúc ! Không ! Chỉ cần như mẹ con Cúc là quí rồi, không bao giờ Tâm ao ước được làm con nhà giàu cả.

Mẹ con Cúc bán xôi vò ngoài chợ. Vậy mà nó cũng được đi học đàng hoàng lắm. Sáng nào Cúc cũng có nắm xôi ăn trước khi đi học. Trưa về nó nấu cơm, rồi mẹ nó ngoài chợ về đem cá rau về, hai mẹ con xúm lại làm cá, nấu canh, dọn ăn xong, mẹ nó giành rửa chén. Còn Cúc ? Lên võng nằm đưa kẽo kẹt ung dung quá đỗi ! Mỗi lần trong trí Tâm vẽ lại hình ảnh đó thì Tâm lại thở mạnh một cái, lầm bầm :

- Đồ con bất hiếu !

Tâm không ưa Cúc. Sao nó không chịu rửa chén cho mẹ ? Để mẹ nó được nghỉ một chút, vì bà ta còn lo nồi chè để bán canh chiều nữa, kia mà. Thứ đồ con gái… Tâm nghĩ tiếp -- nếu như Tâm, Tâm đã giúp mẹ sau bữa ăn chớ không có nằm ườn xác ra, mặc mẹ mình loay hoay dưới bếp vậy đâu, trời ạ !

Cúc được mẹ nó nuôi, không chỉ bằng cơm cá mà còn bằng rất nhiều xôi vò, chè đậu. Chắc thế ! Nếu không sao nó tròn như một cái hạt mít trong lúc Tâm ngày càng gầy ốm trơ xương ? Trời ơi ! Xương của thằng Tâm… lúc nào cũng như muốn đội da lên, nhô lên, hằn ra rõ qua lần áo nó mặc, dù là mỏng hay dày.

Không như ngày còn nhỏ ở quê nhà, Tâm luôn được mẹ thay giặt, tắm táp, chăm sóc áo quần tử tế, bây giờ bà như bỏ liều con bẩn thỉu, hôi hám, luộm thuộm. Có lẽ bà nghĩ rằng sạch sẽ làm chi vô ích vì tối nào không phải mó vào của bẩn ? Hay là bởi nước ở đô thành khó khăn, khan hiếm mà mẹ Tâm đổi tính thêm ?

Kể cũng tội nghiệp bà : tối thì thức khuya đổ rác mà sáng tinh sương đã phải lò dò dậy sớm ra gánh nước ở chỗ chiếc vòi công cộng ngoài đường lớn. Phải đi sớm thế, chớ chờ tang tảng sáng thì đã có hàng chục đôi thùng sắp hàng chen nhau chờ đến phiên.

Gánh vội gánh vàng cho nhà mình vài đôi rồi mẹ Tâm lo gánh thuê cho nhà con Cúc. Ngày trước, mẹ Tâm còn gánh cho nhà cô giáo nữa kia, song ít lâu nay thì ông chồng cô ấy chê là mẹ Tâm bẩn, không chịu thuê. Mẹ Tâm phải gánh cho những nhà xa hơn. Một dạo, nghe phong phanh xóm mẹ con mình ở sắp có nước máy tận mỗi nhà, mẹ Tâm cuống lên, lo đến mất ngủ, song rồi đâu vẫn hoàn đấy, không gì thay đổi : nước máy cũng như cầu tiêu là những thứ xa xí ở trong cái xóm nghèo này.

Lại lần kia, thấy mẹ vui vui, Tâm làm gan đề nghị :

- Mẹ ! Sao mẹ không bán xôi chè như mẹ con Cúc ? Bán xôi chè…

Tâm toan nói “bán xôi chè thơm tho, sạch sẽ mà có nhiều tiền hơn… “ song Tâm chưa dứt câu, mẹ nó ngắt ngay:

- Bán xôi chè để cho mày dộng thả cửa phải không ? Thứ quân gì mà cứ chong mòng, chóc mỏi có một chuyện ăn. Giống y như thằng cha mày… thiệt là con nhà công giống cả lông cả cánh !

Tâm uất nghẹn. Quả tình là Tâm cũng có nghĩ đến chuyện mình được ăn chè xôi, nhưng mà nó nghĩ đến chuyện mẹ mình được thong thả, sạch sẽ, thơm tho, ngọt ngào nhiều hơn. Nó cũng sẽ được nhàn hơn đôi chút và biết đâu… ừ, biết chừng đâu lại được đi học như con Cúc ?

Tại làm sao mà lúc nào mẹ nó cũng nghĩ xấu, nghĩ oan ức cho nó như vậy chớ ? Nó giống cha chỗ nào đâu ? Cha nó thì ưa uống rượu, chửi bới, áo quần không bao giờ thay, ngồi lại mâm không có món nhắm là chửi váng lên, cho nên dù tiện tặn, không dám mua cho con chút thịt cá mà bà vẫn phải bấm bụng mua cho ông dĩa lòng heo hay con mực khô, cùng lắm cũng có dĩa kiệu chua thì mẹ con mới ngồi nuốt trôi được bữa cơm.

Còn Tâm : chịu khó giúp mẹ đủ việc, mẹ ăn gì con ăn nấy, không vòi vĩnh, mè nheo, đòi hỏi; thích tắm giặt hoài hoài cho sạch sẽ và hết mùi hôi. Niềm ao ước tha thiết và sâu xa của nó là được mẹ đối xử tử tế, ăn nói dịu dàng, nhất là được đi học, có thế thôi. Đơn giản như thế đó, song không bao giờ nó được hưởng những ao ước tầm thường này cả.

Về Đầu Trang Go down
https://nhanbkvn-2022.forumvi.com
Admin
Admin
Admin


Tổng số bài gửi : 17784
Points : 24761
Reputation : 0
Join date : 16/10/2016

Vượt Đêm Dài - Loại Hoa Xanh Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Vượt Đêm Dài - Loại Hoa Xanh   Vượt Đêm Dài - Loại Hoa Xanh Icon_minitimeSat Jun 03, 2017 6:29 pm

Chương 2

Mấy năm trước cha mẹ Tâm cũng không đến nỗi nào. Gì chớ thứ xôi thì nó ăn phát ngấy lên tận cổ, vào ngày mùa. Đôi khi nó còn được ăn bún, ăn bánh nữa kia. Mùa gặt tới, cha mẹ nó đi gặt suốt ngày ngoài đồng. Tâm qua nhà dì Tư ăn cơm nhờ. Chiều về mẹ nó mang một rá to đầy nhóc bún mà bà đổi lúa ngoài đồng lúc xế.

Khoai lang bò lổm ngổm dưới gậm giường và cánh phản. Tâm thù thứ phó sản này lắm vì Tâm chê là ăn bứ. Bún Tâm ưa hơn, con bún mềm mại, dài và trắng muốt, mỗi lần và qua cổ cứ trôi tuồn tuột đi, mát ơi là mát !

Thình lình, người ta nhộn nhịp lên vì chuyện đánh nhau sao đó. Một đôi người vội vã bỏ làng thiên cư lên Sài Gòn, vì theo họ đất này dễ sống, dễ làm ăn, hái ra vàng. Đó là những người giàu có nhất.

Cha mẹ Tâm không đi và nhiều người nữa cũng không. Họ bám vào đất đai, ruộng vườn khăng khít tưởng như không bao giờ rời bỏ được, trừ cái chết.

Nhưng mà từ đó nhiều đêm Tâm bị đánh thức lôi cổ xuống hầm trú ẩn vì những tiếng súng nổ dữ dội sát bên hè. Lâu dần, súng không chỉ nổ ban đêm mà còn nổ ngay giữa ban ngày. Có người bị lạc đạn chết ngoài ruộng khi đang gieo mạ hay đang cuốc đất trong vườn. Trường làng đóng cửa. Ban đêm, nghe một tiếng chó sủa đầu xóm là mọi người toát mồ hôi vì kinh hãi. Cái chết đến bất ngờ, dễ dàng đáng kinh sợ thật. Cho đến sau cùng thì một số người gan lì nhất cũng phải bỏ làng. Cha mẹ Tâm thuộc trong số đó.

Tâm còn nhỏ quá nên không thấy quyến luyến buồn rầu gì. Nó tưởng đó cũng là một chuyến đi chơi xa như lên thăm bà ngoại ngày trước khi bà còn, vậy thôi. Tâm không ngờ rằng gia đình mình đi vào ngã rẽ. Cha Tâm vốn là nhà nông chuyên nghiệp, sểnh lưỡi cày, cán cuốc, thúng mạ, bó rơm ông ta ngơ ngác, lúng túng tựa cá rời mặt nước, chỉ thoi thóp thở, chờ ngày…

Phải công bình mà nhận rằng ông không phải hạng đàn ông say sưa, hung tợn hay ăn bơ làm biếng. Ông ta đã cố sức tranh sống, chấp nhận hoàn cảnh mới, xoay sở đủ cách, song có thể ví ông ta như con rùa bị lật ngửa, ông ta không thể nào tự mình lật sấp trở lại hay thoát khỏi cái mai lịch kịch nặng nề kia.

Rời quê hương với một sản nghiệp gồm có ít quần áo, chăn mền, nồi niêu và mấy tờ giấy bạc mỏng tanh tanh, gia đình ông ta nào có gì làm vốn ? Ở làng, cha Tâm không phải hạng nghèo mạt, không có tấc đất cắm dùi, song khi ra đi thì đất đai ở lại, tình trạng ông ta chẳng khác chi những cùng đinh khác. Đất đai từ nay mặc nắng lửa mưa dầu, cỏ hoang tha hồ hút hết phân phóng mà cha Tâm từng đổ mồ hôi chăm bón. Cha Tâm gục đầu vào hai bàn tay khóc tựa như đứa trẻ và tiếng khóc lớn dần cho đến lúc tiếng động cơ của chiếc xe đò ọp ẹp nổi lên. Tiếng động cơ làm cho ông cảm thấy kinh sợ, hãi hùng. Và rồi, sự lo lắng, kinh sợ lấn át nỗi đau đớn sắp phải lìa quê, ông ráo hoảnh mắt, lắng tai nghe những người tỏ ra thành thạo, từng sinh nhai tại đô thị kể lại những khó khăn, vất vả mà họ trải qua.

Cũng trên chiếc xe đò ọp ẹp đó, ông ta lại nghe người khác khuyên cứ bình tĩnh, đô thành khối việc chờ mình. Trông vẻ băn khoăn của cha Tâm, người kia trấn an :

- Ông bạn đừng lo, vạn nhất không tìm ra việc thì đã có cơ quan từ thiện nuôi cơm…

- Ô, không ! (Cha Tâm đỏ mặt lên) tôi đâu có định đi xin ? Tôi mạnh khoẻ, chỉ muốn hỏi cho biết công chuyện làm ăn…

- Đừng ngại, bồ ! Cứ tin tôi, bồ ! Đã nói rồi, khối việc mà.

Gã đàn ông thân mật một cách bất ngờ, vỗ vai cha Tâm,nói. Dù không mấy tin tưởng lời hắn, cha Tâm nào biết tựa vào đâu cho vững lòng ? Hắn là tấm ván mục trôi trên sóng nước mà cha Tâm thì quả đuối sức rồi ! Tuy càng ngắm kỹ hắn, người nông dân chất phác kia càng thấy rõ hắn là một tên vô lại, là thứ người chưa từng sống bằng cách đổ mồ hôi, cha Tâm vẫn cứ lắng tai nghe hắn huênh hoang, hy vọng hiểu biết gì đôi chút về cái thành phố mình sắp trôi giạt đến.


***


Quả thật, nhờ những lời chỉ dẫn của gã nọ, cha Tâm tìm ra được một chỗ trọ tạm thời trong hẻm Bàn Cờ và mướn được chiếc xích lô đạp. Đó là cái nghề bất đắc dĩ mà cha Tâm có thể làm được nếu không muốn ăn xin hay… chết đói.

Trông người ta làm thì dễ, nhưng đến khi mình mang xe ra khỏi đó rồi cha Tâm mới cảm thấy tất cả khó khăn đang đợi, đón mình. Mồ hôi vã ra như tắm cha Tâm mới đạp xe về đến chỗ trọ. Sử dụng được chiếc xe mất hết nửa ngày ròng. Phải cẩn thận thế, cha Tâm không dám liều lĩnh rước khách ngay, phần thì chưa biết luật giao thông, phần nom thấy xe cộ nườm nượp ông tưởng như mình sắp bị lôi đi, bị chà nát, cuốn trôi, bị nhận chìm trong làn sóng xe và người ngoài công lộ.

Ông tưởng như cả trăm cặp mắt đều đuổi mãi theo sau lưng mình mà mỉa mai, bàn tán, xì xào về chuyện ông bỏ làng, bỏ đất lên Sài-gòn làm cái nghề kỳ quái !

Mẹ Tâm hớn hở ra mặt khi thấy chồng về, còn Tâm, nó vỗ tay nhiệt liệt, và một hai nằng nặc đòi cha chở đi thử một vòng cho đến lúc mẹ nó quắc mắt lên, doạ phết vào đít, nó mới thôi.

Phải mất hai ngày trời cha Tâm mới dám đón khách. Và chỉ dám chạy những đường thẳng, những quãng gần. Cuốc đầu tiên được mười đồng bạc, cha Tâm mừng cuống. Ở nhà quê ông ít khi nắm giữ tiền bạc trong tay. Mười đồng không phải nhỏ đối với người nông dân ngờ nghệch đó, ông ta mừng lắm.

Nửa ngày ròng rã, đếm lại thấy trả tiền thuê xe xong, mình còn có hai mươi đồng bạc, người đàn ông bỗng rời rã, kinh hoàng.

Cố trấn tĩnh, cha Tâm định thuê chạy cả buổi chiều luôn, song suy nghĩ một lát, cha Tâm biết rằng không thể được. Tuy quen làm việc nặng, nhưng công việc cày cuốc gieo vãi khác xa việc đạp xe. Nó kỳ cục làm sao chứ ! Lại còn phải lanh miệng mời mọc, nếu không kẻ khác tranh mất mối đi, cha Tâm không quen… Nguyên một việc không thạo đường cũng bất lợi rồi. Cha Tâm sợ nhất là phải gặp người làng. Cũng may, chưa bao giờ ông lâm vào trường hợp đó, Sài-gòn rộng lớn quá.

Mỗi chiều về, ông mệt phờ, đêm nằm kêu rên không ngớt. Mẹ Tâm mua dầu nóng xoa bóp cho chồng.

Nhiều bữa trưa, gặp mối bất ngờ cha Tâm không về nhà ăn cơm được, ăn ngoài thì đắt, thành ra ăn uống thất thường. Dần dần, quen bè, quen bạn, cha Tâm vào quán làm cốc rượu cho giãn xương theo lời khuyên của vài đồng nghiệp mới !

Ông dần dà đổi tính : càng ngày càng thô lỗ, cục cằn. Ông thấy vợ và con bỗng trở thành gánh nặng -- một điều trước nay ở quê nhà ông không hề để ý -- Những buổi trưa nắng lửa của Sài-gòn, phải gò lưng đạp một cuốc xe, mồ hôi tuôn ra, ướt đẫm cả áo, chảy từ trán xuống, qua khỏi lông mày, chui vào cả mắt chát ngăn ngắt và sức lực ông ta hình như cũng tiêu tán theo những giọt mồ hôi ấy ! Đó lại cũng là một sự khác biệt mà hồi ở nhà quê ông không hề cảm thấy. Ở nhà quê ấy ư : những giọt mồ hôi làm ông ta phấn khởi khoan khoái thêm lên và mỗi chiều ngồi vào mâm nhai cơm lức một cách ngon lành. Bây giờ đây, gạo đô thành trắng quá, nhạt thếch, phải dùng rượu để cho bớt chán.

Đã thôi đâu, hai tiếng báo động : hết gạo luôn luôn được thúc giục, nhắc nhở bên tai người đàn ông. Hết gạo ? Đó đâu phải là phần việc của ông ? Hồi ở nhà quê, có bao giờ ông phải quan tâm đến điều nhỏ nhặt đó ? Lúa trong bồ, cứ việc xúc ra xay, giã, dần, sàng rồi đổ vào khạp đậy kỹ, ăn dần. Hết gạo là chuyện của bọn đàn bà, con nít chứ ! Đàn ông, người ta chỉ lo việc đồng áng, việc gieo vãi, cày bừa, gặt đập. Có bao giờ ông ta phải đong gạo bữa như bây giờ đâu ? Đong gạo bữa ! Nghe mới tủi cực làm sao ! Mỗi lần nhớ tới điều này, người đàn ông thấy nghẹn ở cổ như khi vội vàng nuốt trộng một búng cơm to. Nhưng chưa, đó chưa phải là điều làm ông ta tủi cực nhất. Điều làm ông thấy mình thấp thỏi, cực nhục nhất là chứng kiến cảnh đồng nghiệp tranh mối của nhau, và tệ hơn nữa là thấy mình cũng nhiễm họ tự hồi nào không kịp biết !

Càng ngày, số tiền ông giao cho vợ càng ít dần, trong lúc gạo, củi, mắm, rau cứ đều đặng tăng, tăng không ngớt.

Gã đàn ông gặp trên chuyến xe đò lần đầu, gã đàn ông mà thoạt gặp cha tâm đã biết ngay rằng không phải thuộc hạng người kiếm sống bằng cách đổ mồ hôi đó, tuy trong lòng không có cảm tình nhưng ông luôn luôn nhớ cái ơn trời bể của hắn ta : đã chỉ vẽ đường đi nước bước, đã tìm giúp chốn ở nơi ăn, đã bày cách cho ông mướn xe kiếm gạo. Hắn thường nham nhở bòn sạch cả đồng bạc cuối cùng trong cái ví bằng bẹ chuối -- kỷ vật mang tự quê lên được chủ nhân nâng niu giữ kỹ -- vốn luôn luôn lép kẹp của cha Tâm. Hắn tự cho mình có quyền làm thế, mà buồn cười thay, cha Tâm cũng thấy mình có bổn phận phải đối xử như thế. Chỉ tốn nước bọt thôi, gã ta sống rất nhàn, làm cho đôi khi người đàn ông quê mùa thoáng thấy thèm khát cuộc sống đó, may thay, chỉ một thoáng cha Tâm nóng bừng mặt lên vì xấu hổ, gạt ngang cái ý nghĩ này ngay.

- Ê ! Bồ ! Ngừng xe lại, vô quán làm xị đế coi. Tội gì mà cứ hành xác chớ ?

Cha Tâm ghé xe sát lề tay phải, theo chân gã đàn ông, tuy trong lòng rất muốn phản đối.

Ngày tháng trôi qua, lòng biết ơn của cha Tâm đã, không chỉ làm ông hao hụt những đồng bạc kiếm một cách khó nhọc mà còn làm cho ông mang tật nghiện rượu càng ngày càng nặng. Rượu hầu như thay thế bữa ăn của ông. Cha Tâm uống tràn mỗi khi cảm thấy cái hy vọng trở về quê, được nhỏ giọt mồ hôi trên thửa đất của ông như trước ngày càng mỏng manh, mờ nhạt.

Đạp xe ra khỏi hẻm thì hít phải khói, bụi, xăng. Sợ nhất là phải chạy sau xích lô máy, mà ông cứ phải chạy… sau xích lô máy. Khi mệt nhoài, trở về chòi thì ngẩng lên không thấy trời đâu, cúi xuống chẳng thấy đất đâu. Mặt đất đầy rác rưởi, ruồi nhặng, luôn luôn ngửi thấy mùi tanh nồng của cống rãnh không thoát nước. Nghe mãi tiếng nheo nhéo cãi cọ của bọn đàn bà, chí choé của lũ trẻ con hàng xóm. Ông ta nhớ màu xanh của ruộng đồng cây cỏ. Nhớ không nguôi. Lúng ta lúng túng, bực tức giận dữ, không trút vào đâu được, cha Tâm uống rượu và trút vào vợ, con mình.

Rồi đến một hôm kia trong cơn say, ông ta lính quính vì tránh một chiếc xe nhà binh, lại trút luôn khách hàng xuống đường. May mắn làm sao : người kia chỉ văng vào lề, còn ông thì bị chiếc xe đổ ập đè nghiến ngang bàn tay – tay phải !

Hết cầm cày ! Người nông dân khốn khổ rên lên khi tỉnh rượu. Băng bó thuốc men mất mấy tháng trời, nhưng không thể nào trở lại nghề xích lô đạp khi lành được nữa.

Phải đổi nghề. Hằng ngay, theo lời gã đàn ông ân nhân, cha Tâm tha thẩn mấy khu chợ, bến xe, làm phu khuân vác, song đó lại cũng là một nghề không dễ kiếm ăn như ông tưởng. Bàn tay gãy ngăn trở thêm lên : mỗi khi ngoặc hai tay ra sau giữ vật nặng trên vai, bỗng nghe đau nhéo một cái, tưởng như nó sắp gãy lại. Tức thì, cha Tâm kinh hoàng buông xuống, dù đó là giỏ rau cải, bao gạo hay một cái thùng niêm kín mà người thuê không ngớt kêu : “coi chừng bể, coi chừng bể” bên tai.


***


Bây giờ thì cha Tâm không đi làm nữa. Sinh kế do mẹ Tâm đảm nhận. Không làm gì nữa nhưng vẫn tiếp tục uống rượu, chửi bới vợ con.

Đôi khi chợt tỉnh, cha Tâm hối hận, xấu hổ, cương quyết gạt bỏ thói nghiện ngập và những đêm ấy, người ta thấy theo phụ với người đàn bà đổ rác không phải là đứa trẻ lên mười mà là một gã đàn ông. Nhưng chỉ được vài hôm, cha Tâm đã lại giở chứng cũ : trong khi người vợ gò lưng kéo chiếc xe rác đi trước thì ông ta đi sau, lúc bưng rác, lúc đi không, miệng không ngớt lầu bầu chửi rủa bằng những lời thô lỗ, tục tằn.

Thường thường, không ai bảo ai, cứ khi kéo xe ngang nhà bà Ngọc thì mẹ Tâm buông càng xe ra, kéo vạt áo lau mồ hôi và ngồi phệch xuống thở dốc một hồi. Cửa sổ phòng ngủ của bà Ngọc ngay đó, dưới tàng cây trứng cá. Bà này lại ưa mở cửa sổ ban đêm để hưởng chút gió mát. Chỗ đó tương đối thoáng hơn hết trong con hẻm, nên mẹ Tâm ngồi rốn, thấy mát cũng chần chờ không vội đứng lên. Bà Ngọc vốn tỉnh ngủ, mùi hôi từ xe rác theo ngọn gió hiu hiu ập vào phòng ngủ của bà làm bà vô cùng bực tức. Bà Ngọc đứng lên, giơ tay toan đóng hai cánh cửa sổ đang mở rộng, vừa vặn đúng lúc cha Tâm chửi vợ :

- Mồ tổ cha mày ! Mồ tổ mẹ mày ! Con mọi kia ! Hà cớ gì mày hành hạ thân tao ? Hả ? Tao ăn uống gì đâu ? Vài đồng bạc rượu… Mồ tổ cha mày… Tao gãy tay cũng vì mẹ con mày. Đồ chó đẻ ! Đồ…

- Tôi lạy ông ! (giọng mẹ Tâm nhỏ nhẹ, vừa nói, người đàn bà vừa liếc vào khung cửa sổ) ông có làm giúp thì làm, không thì mai tôi biểu thằng Tâm, la chửi ó lên người ta nghe bây giờ…

- Ông cứ chửi ! Ông cứ chửi ! Mày làm gì ông ? Ông không phải là hạng đi làm cái nghề con chó đẻ này. Ông có ruộng đất… Bữa này là bữa chót nghe không ? Đừng hòng hành xác thân tao. Mồ cha mày !

- Được rồi ! Ngày mai ông đừng đi, cực khổ như thế này mà còn… ngày càng tệ… rượu chè say sưa (giọng người đàn bà nghẹn lại). Sao mà thân tôi khổ vậy, hả trời ?

Bà Ngọc đứng sửng, quên cả việc đóng cửa ngăn mùi hôi đang ập vô mũi mình. Bà thấy xót xa cho người đàn bà và giận người chồng quá đỗi.

Trong khi người vợ sùi sụt khóc, lão ta lại hét dựng lên :

- Tao không có làm mọi đổ rác cho mẹ con mày. Đồ chó ! Tao ăn uống gì đâu ? Một mình tao, tao uống xị đế là đủ. Vì mẹ con mày, chỉ vì mẹ con mày…

Quá ! Quá sức rồi. Bà Ngọc nghĩ. Muốn chửi nhau thì về nhà mà chửi chứ, nửa đêm kéo nhau đến ngay bên tai mình mà chửi, lại để xe rác ngay trước mũi mình… Bà thò tay kéo hai cánh cửa đóng sầm một cái. Người đàn bà giật mình vội đứng lên gò lưng kéo…


***


- Này, chị Hai ! (Bà Ngọc nói trong khi trả tiền rác cho mẹ Tâm) tại sao vợ chồng chị cứ đi ngang phòng ngủ của tôi là ngừng lại chửi lộn hoài như vậy ? Đêm hôm khuya khoắt làm ồn không sợ làm buồn lòng hàng xóm hay sao ? Phần thì xe rác…

Ý bà Ngọc định nói “xe rác hôi nồng bay vô phòng chịu không nổi” song bà thoáng nghĩ rằng nói trắng như vậy làm người ta tủi thân, tội nghiệp ! Cũng là người cả, mà mình chỉ vài phút kêu không chịu nổi, còn người ta thì ngày nào cũng hốt, bưng, đổ, kéo kè kè sau lưng… ngày nào cũng phải hít cái mùi khó chịu đó hàng hai ba giờ đồng hồ thì sao ? Bà Ngọc ngừng lại nửa chừng. Mẹ Tâm ấp úng :

- Dạ, đâu có làm ồn ? Tại ổng… ngồi nghỉ một chút thôi… tại ổng… nói bà thương… khổ quá…

- Khổ quá ! Khổ quá ! Rồi cãi nhau như vậy có bớt khổ chút nào không ?

Nhớ lại mùi hôi của xe rác đêm nào, bà Ngọc không dằn được, gằn giọng hỏi. Song nói xong câu đó bà lại hối vì mình nặng lời. Người đàn bà càng lúng túng :

- Dạ, nghèo khổ quá, chớ đâu có muốn, thưa bà… khổ quá !

Vì mới gặp bà Ngọc và bị bà phiền trách lúc chiều cho nên đêm nay mẹ Tâm tự dặn mình dù chồng chửi mắng gì mặc kệ, cứ nhịn cho yên.

Từ bóng tối người đàn bà kéo xe rác ra, ông chồng đi phía sau lè nhè nhiếc nhóng. Không như mấy đêm trước, lần này ông ta chỉ đi sau, đi không thôi, không phụ bưng rác, cũng chẳng đổ giúp vào xe. Người vợ lẳng lặng hạ càng xe xuống, đứng đợi. Khi thấy chồng bắt kịp mà không lại giúp, bà ta lầm lũi bưng rác đổ vào xe, trả thùng về chỗ cũ, đoạn kéo xe tới một khúc rồi lại hạ càng xe, bưng, đổ…

Đột nhiên, mẹ Tâm buông càng xe xuống, đưa hai tay ôm bụng xuýt xoa khe khẽ :

- Chết cha rồi… lại lên cơn chắc…

Sau lưng, tiếng ông chồng vẫn bay tới sặc nồng mùi rượu làm người vợ quên cả ý tứ giữ gìn, phần thì bị cơn đau hành hạ, nên cũng hét toáng lên :

- Câm họng bớt đi ! Sao ông ác vậy hả ? Tôi đau như thế này mà ông không giúp một tay, cứ chửi người ta hoài…

- Biểu ai câm, con mọi ? Đau ốm kệ mẹ mày chớ. Tao về tao ngủ đây. Tao đâu có ngu ? Bộ hết nghề sao mà bắt tao làm cái nghề con chó đẻ này ?

Cuộc cãi vã lần này lại diễn ra ngay chỗ cũ. Mùi rác và tiếng nheo nhéo của đôi vợ chồng nhà đổ rác cùng ập vào phòng bà Ngọc một loạt, làm bà tỉnh phắt dậy.

- Nói ai chó đẻ ? Ông đừng có hồ đồ quá vậy. Mẹ cha tôi làm sao mà ông chửi ? Từ ngày lên đây bắt chước say sưa, đổ thói côn đồ, từ nay mà tôi còn thấy thằng cha khốn đó mò tới nhà thì ông biết tay tôi, tôi đuổi nó ra khỏi nhà liền. Vì nó mà ông đổ tật hư…

- Hả ? Sao ? Ai cho phép mày động đến người ân nhân của tao ? Đồ chó đẻ ! Liệu hồn mày đó, tao đánh chết cha mày, cha mày ăn gì…

Lão hùng hỗ xông đến bên vợ, nom dáng bộ lão, bà Ngọc cuống lên, tưởng lão sắp đánh người đàn bà đáng thương kia. Nhưng không ! Lão không đánh, lão chỉ dí tay vào trán vợ, nhiếc :

- Con mọi kia ! Vì mẹ con mày mà tao phải bỏ xứ, bỏ làng, bỏ đất đai lên đây. Tại mẹ con mày mà tao ra thân lưu lạc. Từ nay đừng hòng tao làm cái nghề con chó đẻ này. Tao về tao ngủ đây.

- Tội nghiệp tôi ! Tôi đau quá ! Ông giúp tôi một bữa nữa mà. Mai nhất định tôi kêu thằng Tâm…

Người đàn bà ôm bụng rên vừa bật lên rưng rưng khóc. Bà Ngọc lặng người, xao xuyến trong lòng. Song ông chồng khăng khăng nói :

- Mày đừng phỉnh tao. Tao có ngu đâu ? Tao ăn cái chó gì ? Một cút rượu là xong. Tao về tao ngủ, hôi hám lắm, đừng có hành hạ thân tao. Từ nay đừng hòng…

Nói sao làm vậy, người đàn ông khật khưỡng bước vào bóng tối, miệng lầu nhầu cho đến khi mất hút, mặc vợ và xe rác dở dang.

Bà Ngọc về giường nằm xuống, song bà không sao chợp mắt đươc, lại đứng lên, mở cửa sổ, mùi rác lại ập vào. Bà ôn tồn hỏi :

- Chị làm sao vậy, chị Hai ?

- Dạ, ngồi nhờ một chút, xin bà… ổng bỏ về rồi…

Vừa nén tiếng rên, mẹ Tâm vừa trả lời bà Ngọc. Giọng bà Ngọc nóng nảy :

- Biết rồi. Tôi biết ổng bỏ về rồi, tôi hỏi chị đau gì kia ?

- Dạ, đau bụng. Tôi có tật đau bụng bão, chút xíu thì bớt, không sao.

- Chị xức dầu không ?

- Dạ, xức… mà…

- Đây này, (bà Ngọc tung lọ dầu nóng ra cửa sổ) xức lên một chút coi có đỡ không ?

Lọ dầu lao vút ra ngoài, lấp lánh cái nắp dưới ánh điện đường rồi rơi xuống đất, gần chỗ mẹ Tâm ngồi. Người đàn bà nhặt lên, mở nắp xoa dầu vào bụng.


***


Sau đêm đó, không bao giờ cha Tâm theo phụ với vợ nữa. Dù mẹ Tâm hết sức nài nỉ, ông ta vẫn nói rằng :

- Quân tử nhứt ngôn. Tao đã nói không làm cái nghề chó đẻ là không làm. Đừng có nói điếc tai tao. Đừng hành hạ tao. Tao ăn gì…

Thằng con phải làm giúp mẹ. Một đêm hai đêm, một tháng hai tháng, một năm hai năm… Mẹ nó dường như quen dần, song nó thì không, không bao giờ quen được với công việc đổ rác hết.

Bấy giờ vào mùa mưa, nên phải lo đổ rác sớm chứ không đợi khuya nữa. Nhiều nhà còn thức, hễ trông thấy là bịt mũi liền làm Tâm càng khó chịu hơn. Xe rác cao, Tâm vói không tới, mẹ nó sai nó bưng thùng rác đổ vào trong cái giỏ to, năm ba thùng một lượt rồi hai mẹ con khiêng lại gần xe, đổ vô xe cho tiện và mau. Cơn bệnh của mẹ nó hay trở lại bất thường, những bữa như vậy nó phải è ạch lôi giỏ rác đầy ắp lại bên xe, vương vãi khắp sau hẻm nhà bà Ngọc. Bà Ngọc tức giận lắm, cho là mẹ Tâm làm ăn cẩu thả nên quyết định chộp một bữa. Và… bữa đó tới : trời nhá nhem Tâm kè kè cái giỏ không vòng ra sau hè, xóm nhà bà Ngọc, nó cúi xuống đỏ bừng mặt bưng từng thùng, từng thùng rác đổ vô giỏ rồi ì ạch lôi cái giỏ cao nghệu những rác chạy băng băng. Phía sau rác tung khắp lối, nó càng lôi khoẻ. Bà Ngọc mở cửa sau, phóng theo kêu lên. Khi bắt kịp thì hoá ra không phải ông chồng, không phải người vợ mà là một đứa bé xanh xao, gầy yếu bên cạnh giỏ rác to kềnh ! Mẹ nó cũng vừa trờ tới. Bà Ngọc nhìn hai mẹ con, cơn giận lắng xuống, bà nói :

- Chồng chị đâu mà hành thằng bé…

- Trời ơi ! Khổ quá ! Từ đêm đó tới giờ ổng có chịu giúp nữa đâu. Đành phải nhờ con chớ đâu muốn hành con, thưa bà !

- Nhưng mà chị nhìn coi, cái giỏ bao nhiêu ? Sức nó…

- Đó là tại con chớ không phải tại mẹ con.

Tâm nhanh nhẩu đỡ lời cho mẹ. Tự nhiên bà Ngọc thấy có cảm tình với thằng bé, bà xoa lên đầu Tâm, dịu dàng hỏi :

- Con mấy tuổi ?

- Dạ, con mười một.

- Mười một tuổi ? Trời đất ơi !...

Bà Ngọc lại một lần nữa, kìm giữ ý nghĩ của mình. Quả thật lên 11 mà nó muốn nhỏ hơn đứa con thứ ba của bà, con bé vừa lên chín ! Đột nhiên bà Ngọc hỏi một câu và vừa hỏi xong bà thấy hối :

- Con có đi học không ?

- Dạ, không !

- Sao không cho nó đi học ? (Bà Ngọc lại lỡ lời lần nữa).

- Dạ, nghèo quá, thưa bà, nghèo quá, chớ đâu có muốn…

Mẹ Tâm trả lời gọn, thằng con lo lui cui xách thùng rác từ xa, nghe tiếng được tiếng mất, lại ngỡ rằng mẹ nói với bà Ngọc mình đâu muốn học nên nó tức đỏ mặt lên, thả cái thùng không xuống, quay lại cải chình liền :

- Dạ, con muốn học chớ, mà tại…

Nó ngừng lại bất ngờ, trí khôn của nó không cho phép nó nói toạc ý nghĩ nó ra, nó không thể nói tại cha, tại mẹ, lại càng không thể nói tại nghèo. Nghèo ? Vậy chớ mẹ con Cúc đó, bà ta giàu có gì đâu ? Mà lại không có chồng, vậy mà còn rán cho con đi học nữa là.

Mỗi lần nghe ai đả động đến chuyện học hành Tâm lại đỏ rần mặt vì xấu hổ và tức tối.

“Kiếp giang hồ đây đó” thốt nhiên trong tiềm thức thằng bé vọng lại tiếng hát ngọt ngào đầy cám dỗ của anh hàng sách ngày nào, nhớ lại trận đòn, nhớ cả cuốn vần nằm yên dưới mí chiếu ở nhà. Được rồi ! Rồi đây mẹ nó sẽ khóc vì nó ! Nghĩ đến đó Tâm thấy hả hê trong lòng một chút.

Rồi nó vụt nhớ, không phải một chuyện mà rất nhiều điều xảy ra trong đời nó, đời một đứa trẻ đồng quê vì giặc giã nên trôi giạt tận Sài-gòn. Nhưng rất nhanh, mọi chuyện chỉ thoáng qua một chút là mất dạng trong trí nó. Chỉ riêng cuốn vần với những trang, những hàng chữ chi chít là in đậm trong trí nó không nhoà nhạt.

A ! Những chữ đó, nó đã biết nhẵn hết còn gì. Từ lâu, Tâm coi cuốn vần, không, những chữ trong cuốn vần đó y như những con người, những người bạn câm của nó chứ không phải là những ký hiệu vô tri.

Ban đầu, Tâm lật qua rồi xếp lại. Sau, nó nhìn kỹ từng chữ, những hàng chữ cách khoảng nhau đều đặn không khác chi đám mạ ngoài ruộng mẹ nó cấy thẳng hàng. Nó bỗng thấy vui vui lật tiếp. Những trang sau nó bắt gặp hai chữ đứng sát nhau, rồi càng lật thì những chữ đó như có vẻ khắng khít hơn : có khi ba, bốn, có khi năm, sáu chữ dính chùm nhau chứ không rời rạc từng chữ một như mấy trang đầu nữa, ra tuồng thân mật dữ !

Thật ra, theo nhận xét của Tâm thì cũng không nhiều chữ lắm đâu. Tâm biết được vậy là nhờ những bận đi ngang trường tiểu học tư thục T. -- trường này là một trường nghèo, học trò phần đông y như Tâm – Tâm đứng nép vào một góc sân, chỗ cổng trường, nhìn thấy tấm bảng to tướng bằng giấy bìa đen, trên đó từng chữ một (đứng rời như trang đầu trong cuốn vần của nó) mầu trắng rất rõ ràng.

Về nhà, Tâm coi lại trong vần thấy chẳng khác chi, ngoài có cái là thu nhỏ lại bỏ gọn lên trang giấy ! Có chữ đứng thẳng như cái sào, nhưng cái sào thì đầu to đầu nhỏ còn chữ này thì không, mà lại có hòn bi đứng trên đầu. Đó là chữ Tâm nhận ra trước tiên (chữ i) dù Tâm không biết đọc ra sao. Thứ đến, Tâm ưa mấy chữ tròn, vừa tròn vừa dài cho nên ban đầu nó định cho đó là chữ mặt trăng, nhưng sau Tâm biết là không đúng, những chữ đó giống cái trứng vịt hơn. Kỳ một cái : đôi khi cái trứng vịt lại đội thêm cái nón mê như mẹ nó, khi lại vứt nón đâu mất, nối lên đầu phía tay mặt một cái lưỡi câu tí xíu trông vui mắt và không bao giờ Tâm quên được (o, ô, ơ).

Có nhiều chữ có sọc, khi thì sọc đôi, khi sọc ba, khi dính liền trên, hở dưới, khi lại dính dưới hở trên (n, m, u, ư).

Có anh phềnh bụng bên phải (b). Đùng một cái, Tâm thấy tiếp hai anh phềnh bụng bên trái đi liền nhau, hai anh giống nhau như đúc một khuôn, chỉ khác cái là anh đi sau vác thêm chiếc đòn gánh lên ngang vai (d, đ).

Lại có mấy con nhỏ mặc áo eo thắt chặt cứng, y như siết ngang bụng lại, coi kỳ quá sức (k, x). Trời ơi ! Con nít mà bắt chước mấy cô ! Quá sức… đồ con gái mới tí xíu đã học đòi làm tốt ! Tâm chê thầm trong bụng.

Vì những người bạn câm này, theo tưởng tượng của Tâm thì cũng bằng trang tuổi nó, trai có, gái có, có đứa nó ưa, có đứa nó ghét; ưa thì Tâm cho đó là con trai như thằng Tí, thằng Tèo ở nhà quê mà bây giờ nó phải xa, ghét thì nó nghĩ ngay đến con Cúc, đứa con gái không có cha, nghèo sát đất như nhà nó mà được mẹ cho đi học đàng hoàng. Con nhỏ sao dễ ghét quá đi thôi, lúc nào thấy Tâm là vênh mặt lên, lại còn tặc lưỡi kêu :

- Trời ơi ! Thằng Tâm dơ quá, ưa không nổi !

Coi bộ mấy thằng con trai cũng khá lộn xộn, nếu không, sao lúc anh kia cong đầu, cong đuôi mà vẫn đều đặn (s) thì có vài tướng lại vói lên cao (h) hay trụt xuống thấp (q, y) là nghĩa lý gì ?

Tâm đặc biệt mê những trang chữ viết, nó không hiểu tại sao những anh nhỏ này lại thương nhau đến mực : hễ đứng xa thì thôi mà đứng gần là nắm tay nhau chặt cứng không rời, và lúc nào cũng như chồm tới đằng trước, sắp chạy (vì chữ viết dính liền nhau, và in nghiêng) lại ưa đá móc lên hoài. Anh thì nhón chân, anh thì giang tay, anh thì xoạc cẳng, rõ là một lũ trẻ lấc cấc rất dễ mến, dễ yêu !

Trong đêm khuya, những chữ đó bỗng rời sách, vụt lớn lên, xúm lại bên Tâm, lôi Tâm ra sân, ra ruộng, nắm tay nhau vây thằng bé vào chính giữa, ca hát vang lừng ! Rồi chợt tiếng gà cất lên ó o từ đằng cuối xóm là tất cả cuống quít tự thu nhỏ mình lại trong một chớp mắt, chui vào sách y như cũ. Mặc Tâm một mình đứng ngẩn ngơ, luyến tiếc. Giật mình dậy, mồ hôi ướt đẫm, thằng bé vừa ngạc nhiên, vừa thích thú, vừa sờ sợ trong lòng.

Không nén được tò mò, Tâm lật mí chiếu lên : vẫn những trang giấy chi chít chữ, Tâm hết sức yên Tâm. “Cứ tưởng tụi mày bỏ tao đi luôn chứ” Tâm nâng cuốn vần lên thì thào nói.

Suốt ngày hôm đó, Tâm tủm tỉm cười hoài làm mẹ nó ngạc nhiên, nhưng bà không thèm hỏi han chi hết. Thằng bé cố ôn lại giấc mơ kỳ thú : nó được giẫm chân lên lối cũ ở quê nhà, dưới bóng trăng đêm xanh biếc cùng những người bạn chữ vốn câm kia, bỗng cất lên tiếng hát trầm bổng ngọt ngào !

Buồn cười cho thằng bé hiếu học và cũng đáng thương cho nó ! Mỗi lần khám phá ra một điều mới lạ nó lại náo nức trong lòng mà không biết chia xẻ cùng ai.

Chẳng hạn, ít lâu nay, nó nhận ra điều này : những anh phềnh bụng phía trái (d, đ) và những đứa con gái mặc áo thắt ngang eo như mấy cô lớn (k, x) cũng như anh hiền hiền, cao cao, ôm ốm (l) và cả anh phềnh bụng phía phải (b) đều đi tiên phong, đi trước, đứng đầu. Đặc biệt hơn nữa không khi nào chịu đội trên đầu một cái lưỡi mác hay con lăng quăng cả, dù cho là lưỡi mác đó nằm xuôi (dấu sắc) hay nằm ngược (dấu huyền) dù cho con lăng quăng đứng thẳng (dấu hỏi) hay nằm ngang (dấu ngã) cũng vậy. Các anh này cũng không bao giờ chịu đứng trên đầu một hòn bi con cả (dấu nặng). Tâm ưa mấy anh này lắm.

Nếu có ai hỏi vì sao Tâm cũng đến chịu không trả lời xuôi, nhưng Tâm phải thú nhận rằng mình ghét cay, ghét đắng, ghét đến muốn đào lỗ chôn quách hai chữ g và r (thật ra bởi hai chữ này khó nhớ song Tâm không chịu nhận như thế, mà chỉ cho rằng đó là hai đứa kiêu kỳ, làm dóc nhất đời, nên chẳng thể ưa, Tâm ghét g và r hơn x với k nhiều lắm).

Về chuyện đi đầu, đi cuối hay đi giữa, Tâm đã nhiều phen mệt muốn đứt hơi và đôi khi gần tuyệt vọng, vì mới hôm trước đinh ninh thế này là đúng, hôm sau coi lại thì biết ngay mình nhận xét sai. Ví dụ như có lần Tâm nhất định cho rằng mấy chữ t, h, c luôn luôn đi đầu như mấy chữ d, đ, l, b, và mấy con bé k, x vậy mà rồi Tâm bỗng bắt gặp mấy tướng này tụt ra sau (chốc, lát, khách, tách) làm Tâm toát mồ hôi ! Nó thấy mệt chẳng khác chi khi đi theo mẹ đổ rác !

Lại lần khác, Tâm biết thêm mấy anh sọc đôi, sọc ba (n, m) mà Tâm cũng ngỡ rằng đứng trước, lại không chịu dẫn đầu như thường lệ mà tuột ra sau một con bé mặc áo eo (xin, xum). Rồi mấy ông tướng mà nó quả quyết rằng cả đời chuyên đứng sau đuôi thiên hạ như u, ư, (tu, tư) lại đùng đùng nhẩy tọt ra đằng trước, dẫn đầu (ung, ưa, ưng). Đó là chưa kể một lũ tồi tệ, vô liêm, tráo trở như c, a, e, (và còn vô số đứa nữa không đếm xiết) bọn khốn này khi đứng đầu : ca, an, em, khi đứng chót : ác, oa, ke, rồi đột nhiên lại chui vào chính giữa : bích, ran, ken, thật chẳng còn biết đằng nào mà dò, mà đoán. Tâm tưởng mình muốn điên lên mất thôi, nếu không quẳng sách vào một xó. Tâm không thèm mó tới cuốn vần một dạo khá lâu.

Nó không nói ra, mà cũng chẳng biết nói với ai, song cái ý nghĩ mấy anh d, đ, l, mấy con bé k, x rồi cũng có thể phản lại nó một ngày nào đó, không chừng. Ừ, có ai bắt buộc được tụi nó đứng luôn một vị trí đâu ?

Nhiều ngày trôi qua, Tâm thấy nhơ nhớ cuốn vần, như nhớ những thằng bạn cũ, không cầm lòng được nên giở ra, xem lại. Tâm run run, hồi hộp… song lần này không những nó tin chắc rằng mình nhận xét đúng mà còn khám phá thêm : cái anh nhọn đít, xoè đầu (v), cái anh cong trên, cong dưới (s) và cả anh mà nó vẫn ghét cay (r) lại là những tay anh hùng tí hon, không bao giờ bọn này thèm đứng sau lưng một đứa nào, dù cho là những đứa to lớn như h, hay cao ngất nghểu như l đi nữa, Tâm thở phào một cái, lòng tràn hy vọng. Tâm biết thêm g là đứa hai lòng : khi đứng sau, khi đứng trước, chứ không có thái độ dứt khoát, cương quyết như r, v, s. Con bé x coi xoàng vậy mà là đứa khá : luôn luôn tỏ ra mình cũng quân tử như ai, làm Tâm có hơi nê nể, hết dám khinh thường con gái.

Từ bấy giờ, mỗi bận mẹ sai đi đâu, Tâm cũng rẽ ngang trường nghe lỏm. Trời ơi ! Nó nghe nhiều tiếng hết sức lạ tai : u, ư, a, ă, rồi thì nào dê, đê, ca, hát… nghe mê quá là mê ! Tâm men lại, kiểng chân lên để nhìn cho kỹ những chữ cô giáo viết lên bảng, những chữ nó đã nhẵn mặt trong cuốn vần, nhưng có vẻ ít hơn một số chữ kia – và to hơn, dĩ nhiên – thì bất ngờ, gã gác cổng trường dậm cái cẳng gỗ của lão xuống nền xi măng nghe còng cọc, còng cọc một cách rất là phá đám, mồm la lên quang quác :

- Nhãi con ! Lò dò lại chi ? Xéo mau ! Chực ăn cắp hả ?

Tức thì, cả bọn học trò quay lại, ác thay : trong đám này có cả con bé lẻo mép là con Cúc nữa, con bé tai ác quai mồm lên, phổ biến ngay nguồn tin mà nó cho là quan trọng :

- Thằng Tâm, con nhà đổ rác đó, tụi bay ơi !

Tụi nhãi con cười ầm như chợ vỡ. Tâm xấu hổ chỉ những mong đào đất chui ngay xuống trốn biến cho xong. Nhưng rồi nó vẫn đứng yên, hét to lên :

- Ai thèm ăn cắp ? Lão què ! Cha lão què ! Nói láo. Cha què nói láo ! Gà mổ mắt cho coi.

Câu nói của đứa trẻ quả tình không ác ý, nó tức vì bị sỉ nhục vô lý, giữa lúc đó nó lại chú ý đến cái cẳng què của kẻ làm nhục nó nên nói bừa cho hả, thế thôi. Nhưng gã gác cổng giận đến sùi bọt mép, vì một đứa trẻ con nhà hốt rác dám đả động, dám khơi dậy đến chỗ tàn tật, đau đớn của gã (dù chỗ đó đã lành rồi) làm gã đau nhói như bị ong vò vẽ đốt. Gã run rẩy, gào to :

- Mẹ con nhà hốt rác, bố con nhà hốt rác, ông mà vớ được mày thì ông xé làm đôi !

Và gã làm như lao ra cửa tóm thằng bé. Tâm chuồn ngay tắp lự qua bên kia đường đoạn đứng lại vừa thở, vừa lè lưỡi ra trêu tức gã ta, vì nó biết mình đã đến phần đất an toàn. Tâm nói :

- Ra đây mà bắt tao này, lão què nói láo kia ! Tao thách lão đó ! Giỏi ra đây !

Lão què nhìn ngược nhìn xuôi, lượng sức mình nên đành chỉ đứng yên, chửi với :

- Bố mẹ con nhà hốt rác, tao mà tóm được mày… Liệu hồn, từ nay bán xới đường này, nhá ? Mày mà còn léo hánh đến đây thì ông bảo !

Cơn giận nguôi rồi, Tâm hối hận quá. Không phải hối vì đã trót hỗn với người tàn tật (ai dạy nó đâu mà nó biết điều đó ?) song hối vì từ nay còn hòng gì men lại gần trường để nghe dạy học được, thế thôi.

Đang làm việc, nghĩ ngợi lan man, Tâm bỗng nhớ ra chữ a, chữ mà Tâm thấy nhiều lần song không hề để ý vì hình dáng cầu kỳ của nó. Phải, chữ a ! Tâm nhớ rồi. Còn bao nhiêu chữ kia : d, đ, k, h, Tâm đều quên tuốt tuột sau cơn giận và trận chửi nhau.

A ! Tâm vừa nhấc thùng rác, rướn thân hình nhỏ xíu của mình lên, đổ vào thùng xe, vừa bật lên thành tiếng, trong lúc khuôn mặt đỏ gay, bóng nhoáng như có tẩm dầu và chiếc cẳng gỗ nện mạnh xuống sàn nhà nghe còng cọc của lão gác cổng hiện lên rành rành trong trí nhớ. Vốn không thù dai, nhưng nó cũng buột miệng kêu lên :

- Thứ đồ ác, hèn chi què là phải ! Đáng lắm !

Bỗng Tâm giật mình, buông rơi thùng rác vì một giọng nói đột ngột cất lên sau lưng :

- Nhỏ ! Em ưng học lắm phải không ?

Thằng bé quay lại, nhận ra ngay đó là anh “mặt mới”, cái anh đã có lần làm nó thắc mắc vì mấy tiếng lạ tai. Tuy chỉ gặp có một lần mà Tâm không bao giờ quên anh, có lẽ vì cái dáng bộ hiền lành của anh ấy cũng nên ? Tâm nhoẻn cười, mắt sáng rỡ, ấp úng trả lời :

- Dạ, ưng lắm chớ !

- Nếu em muốn học anh sẽ dạy cho em. Không dạy thường được, nhưng mà buổi tối rảnh…

- Dạ, tối em mắc đi đổ rác.

- Ờ, anh quên. Thì buổi chiều, được không ?

- Dạ, buổi chiều… (Tâm định nói “buổi chiều nó mắc coi em” song nó lại thôi, liếc sang mẹ cầu cứu) dạ…

- Ít nhất, mỗi ngày em cũng có được một chút thì giờ rảnh chớ ? Anh nghe bà Ngọc nói…

Giọng anh mặt mới trang nghiêm, dò hỏi. Tâm cuống quít :

- Dạ, dạ… hễ anh dạy giờ nào thì em học giờ nấy, em rảnh giờ nấy.

Mẹ Tâm vẫn lẳng lặng nhìn hai người không góp một lời, làm Tâm càng lúng túng. Anh mặt mới cười :

- Thôi, để đó, không gấp gì. Sáng mai (anh nhìn Tâm thật kỹ) sáng mai em có ở nhà không ? Rảnh không ?

- Dạ, không rảnh mà em có ở nhà.

- Được ! Sáng mai anh tới. Em biết mặt chữ chưa ?

- Dạ biết, dạ biết. Em biết.

- Tốt lắm. Vậy thì dễ. Mai nghe em ?

Nói xong anh quày quã vô nhà liền, lúc bấy giờ Tâm mới thấy cây bút chì trên tay anh. Tâm nhìn theo cho đến khi anh khuất vào nhà mới thôi.

Và từ phút ấy, thằng bé bước chệnh choạng như chân nó không chạm tới đất vậy. Nỗi vui đến bất ngờ quá, đến nỗi nó cứ giật mình thon thót, cứ nơm nớp sợ câu chuyện vừa xảy ra chỉ là cơn mơ.

Tâm liếc trộm mẹ một cái. Lạ thay : mẹ nó vẫn lầm lỳ không có ý kiến chi.

Về Đầu Trang Go down
https://nhanbkvn-2022.forumvi.com
Admin
Admin
Admin


Tổng số bài gửi : 17784
Points : 24761
Reputation : 0
Join date : 16/10/2016

Vượt Đêm Dài - Loại Hoa Xanh Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Vượt Đêm Dài - Loại Hoa Xanh   Vượt Đêm Dài - Loại Hoa Xanh Icon_minitimeSat Jun 03, 2017 6:30 pm

Chương 3

Tâm thao thức gần trọn đêm. Mãi đến gần sáng nó mới chợp ngủ được. Tâm mơ thấy mình học ngu quá đỗi làm anh mặt mới nổi nóng lên, đánh nó và sau cùng anh giận, bỏ về không thèm dạy nữa. Những người bạn từng thoát ra khỏi cuốn vần của nó, lớn vụt lên như một phép mầu, thân mật với nó ngày nào cũng trở thành lầm lỳ một cách quái ác, khó chịu. Tâm bật lên, rưng rức khóc và… tỉnh lại.

Tuy còn sớm, nhưng Tâm không ngủ nán nữa. Nó muốn làm cho xong những công việc mẹ giao để lát nữa đây, khi anh mặt mới sang thì nó rảnh được mà ngồi học. Mẹ nó đã nói hồi đêm rồi :

- Muốn học hành gì đó thì học, tao không cấm. Miễn mày lo xong công chuyện đừng để em khóc thì thôi.

Tâm thường khó chịu vì những lời lẽ chua chát của mẹ, song nghe câu này Tâm thấy mát ruột lắm, không khó chịu chút nào. Tâm quá quen với mấy tiếng “mày, tao”. Từ lâu lắm mẹ Tâm bỏ quên mất tiếng “con” êm dịu, ngọt ngào. Nhiều lần Tâm ngạc nhiên, tự hỏi nếu kêu mình bằng “con”, xưng “mẹ” một cách âu yếm như hồi còn ở nhà quê thì mất mát, hao hụt gì mà mẹ tiếc ?

Ngừng lại một chút, nhìn con rồi mẹ Tâm tiếp ; giọng bà lần này trầm hẳn lại :

- Coi chừng ! Nói năng phải có phép tắc, nghe không ? Kẻo người ta chửi đó. Người ta thương…

- Dạ !

- Thôi, ngủ đi !

- Còn mẹ ?

- Tao phải dọn ba cái đồ cho gọn mắt một chút. Nhà cửa lộn xộn quá.

Đã lâu lắm, Tâm mới lại được bọc trong êm ái của tình thương, tuy mẹ nó vẫn giữ cái bề ngoài lạnh lùng, xa cách, không một chút êm nhẹ, dịu dàng. Mẹ vẫn thương mình ! Mẹ vẫn thương mình, chắc tại… Tâm xoay người vào trong, cười với bóng tối, nghĩ thầm.

Thật ra, người đàn bà vẫn thương con như nó nghĩ, song quá chật vật, khốn đốn vì sinh kế mà còn phải luôn luôn bị chồng chửi mắng, nhiếc nhóng một cách vô lý nên trở thành khó tính.

Ban đầu bà ta còn tự an ủi rằng : “thôi, gắng gỏi chịu ít lâu, tại ở đây bực bội tù túng ổng sanh tật. Hồi trước ổng đâu có kỳ cục như vậy. Chừng yên ổn trở về xứ sở thì ồng hết liền. Hơi đâu bận lòng cho mệt”.

Song trái với hy vọng của người đàn bà, càng ngày ông chồng càng say sưa nhiều, chửi bới tợn. Thỉnh thoảng ông ta hét toáng lên :

- Đồ ngu ! Ở đó mà chực yên ổn hòng trở về ! Còn lâu ! Tết Ma-rốc, tết Công-gô mới yên, con mọi ơi !

Thoạt tiên, mẹ Tâm ngơ ngác tưởng chồng nói ai, đến chừng hiểu ra, bà tức run lên. “Người đâu có người… bắt chước cái giọng côn đồ, nói nghe ứa máu lộn gan”. Bà lầm bầm vừa đủ mình nghe. Và, nếu chồng trút phiền, bực vào đầu bà thì bà lại trút vào đầu lũ con cho hả bớt, nhưng thằng sau quá bé, vậy hãy cứ trút vào đầu thằng lớn, không thương hại. Người mẹ lý luận thế này đây : “Vậy chớ thằng cha nó chửi bới mình hoài, có ai thương hại mình đâu ?”. Rồi bà yên tâm, tiếp tục…

Vả lại, ông ta còn mượn rượu giải khuây, chớ bà thì không, vì lẽ đó bà càng có cớ để cay cú với con hơn.

Một đôi lần, người mẹ cũng đau lòng vì xót thương, hối hận. Đôi khi bà lại rớm nước mắt. Song nguồn tình cảm đó vụt khô cạn ngay tức khắc khi bà nghĩ đến ngày mai.

Hừ ! Khóc làm cóc khô gì ? Khóc có đổ vô nồi được đâu mà khóc ? Vậy là mẹ Tâm lại rắn đanh như thường, như chưa từng biết xót thương và hối hận là gì.



***



Cha Tâm đã mặc áo đi chơi rồi. Ông kêu ở nhà nóng quá, đi tầm phơ một lát. Ấy, một lát đối với ông có nghĩa là đến xế trưa, có khi đến tối không chừng. Mẹ nó thì lo gánh nước như thường lệ. Em bé đã biết đi chập chững mà cũng dễ chịu, không hay khóc, Tâm chịu khó rửa mặt em cho sạch sẽ, kẻo lỡ anh mặt mới chê là mình ở dơ.

Nhưng Tâm đợi mãi mà không thấy anh ấy đến. Tâm bắt đầu nóng nảy… rồi thấy sốt ruột như cào. Có lý nào anh ấy phỉnh mình ? Nếu anh không ưng dạy thì thôi, ai ép mà phỉnh mình chớ ? Có lý nào ? Tâm bắt đầu nghi ngờ và tiếc công mình, nó nhớ ban nãy thấy cha không chịu đi sớm như thói quen, nó đâm bực, đâm lo… Lỡ anh ấy tới mà ông chửi lên thì khốn. Cho nên khi ông mặc áo, Tâm tươi hẳn mặt lên, nhẹ trong lòng như vừa trút được một thùng rác đầy nhóc vào xe rồi vậy.

Chưa bao giờ Tâm thấy tủi thân thấm thía đến như hôm nay. Nó không ngớt ngóng ra cửa, tim đập mạnh mỗi lần thấy bóng ai thấp thoáng trước nhà. Một lúc, Tâm thấy mỏi, tiêu tan hết hy vọng và biết đã khá trưa, vội vàng lo vo gạo nấu cơm kẻo mẹ về rầy.

Ngồi nhìn ngọn lửa cháy bùng, liếm quanh nồi, Tâm thấy lòng mình cũng bừng bừng lửa giận, nó nấc lên, nước mắt chan hoà.

Tâm như kẻ sắp chết đuối, chợt thấy có người đưa cho chiếc phao nhưng lại chơi ác, không đưa tận tay nó mà vứt đằng xa, làm nó hụt hơi không với tới. Tâm thù oán người đó, thù oán hơn bất cứ ai trên đời : con Cúc, mấy người bịt mũi khi thấy nó và mẹ nó đẩy xe rác đi ngang, lão gác què…

- Em đợi lâu quá phải không ? Đừng giận anh, tại sáng nay anh có hai giờ học mà quên nói cho em biết.

Anh mặt mới lừng lững bước vô nhà, tươi cười nói với Tâm. Tâm sững sờ -- vì nó đã hết trông chờ -- tròn miệng nhìn anh không nói được tiếng nào. Mấy vệt nước mắt còn loang loáng trên má thằng bé làm anh xúc động :

- Giận anh lắm phải không ?

Tâm nghẹn ngào, song cố nén, trả lời :

- Dạ, không, em đâu có giận.

- Thôi, đem vần ra đây, em !

Tâm dạ một tiếng to, chạy vụt vào và với tất cả phấn khởi, đem cuốn vần ra, anh mặt mới đón lấy cuốn vần, coi qua một loạt, trong lúc Tâm đứng yên, hồi hộp trong lòng. Thình lình, anh ngẩng lên ra hiệu cho Tâm ngồi xuống mép giường, bên cạnh anh và hỏi :

- Em biết mặt chữ hết rồi phải không ? (Không đợi Tâm trả lời, anh tiếp luôn) dầu vậy, cũng nên đọc lại anh dò coi thử em biết tới đâu cái đã… (chỉ tay vào một chữ ở trang đầu, hỏi) chữ gì đây ?

- Dạ… dạ… em biết mặt chữ chớ đâu có biết đọc ?

- Biết làm sao đâu, nói anh nghe, em đừng sợ.

Anh mặt mới ôn tồn phủ dụ, song Tâm hãi quá, đứng lặng thinh. Anh lại chỉ vào chữ khác :

- Em cứ nói đi ! Sai thì anh sửa, trúng thì anh chỉ chữ khác, sợ gì ? Mau coi nào !

Tâm vẫn đứng lặng, anh có vẻ phật ý :

- Thôi, em không muốn học thì anh về, nghe…

Tâm hốt hoảng :

- Dạ, để em nói… mà… anh đừng cười…

- Được. Sao lại cười ? (Anh đặt tay lên đầu Tâm) cứ nói, đâu ? Em biết mặt chữ ra sao ?

Tâm rụt rè trình bày sự hiểu biết của mình bằng cách lấy tay chỉ vào mấy chữ l, d, đ, k, x, s, r. Chỉ xong, nó nghếch mặt nhìn anh chờ đợi. Anh ngạc nhiên, hỏi :

- Em biết mấy chữ đó thôi sao ? Ai đã dạy em ? Em phải…

- Em biết mấy chữ đó khi nào cũng đi đầu…

- Giỏi lắm ! Cứ nói tiếp đi !

Được khuyến khích, Tâm vững bụng, tiếp :

- … Chớ không khi nào đi giữa hay đi sau, với lại không có đội nón, không có…

Anh mặt mới cố nén cười :

- Đúng, nhưng nó tên chữ gì ?

- Em biết có chừng đó thôi, em biết mặt nó mà không biết tên. Đâu có ai dạy em.

- Còn chữ nào đứng trước như vậy nữa không ?

Tâm cúi mặt dò chữ rồi chỉ thêm chữ b. Anh lại cười :

- Chắc không ?

- Dạ, chắc, em coi đi coi lại nhiều rồi, kỹ rồi.

- Em vậy là giỏi lắm. Còn mấy chữ kia ?

- Dạ, chữ nào em cũng nhớ hết.

- Tốt, bây giờ em nghe anh nói đây : học không khó khăn gì, có điều em phải chú ý… và phải tập viết nữa…

Tâm nhăn nhó :

- Em không biết viết.

- Không lo gì, rồi em sẽ biết. Bây giờ bắt đầu học, nghe không ? Học đàng hoàng có thứ tự, từ đầu chứ không như lối của em đâu.

Nói xong, anh chỉ vào chữ i đọc lên và bắt Tâm đọc theo. Thế là lớp học bắt đầu.



***



Một hôm, Tâm khoe với Tú – Tú là tên anh mặt mới -- rằng nó vừa tìm được thêm một chữ lúc nào cũng đi đầu: chữ q. Tú cười, xoa đầu nó, khen nó thông minh, song lại dặn :

- Từ nay em đừng có lò dò lối đó, phải học như anh chỉ, kẻo lại quên tên đó nghe chưa ?

Tâm cúi đầu coi bộ như buồn lắm, làm Tú phải thêm rằng :

- Không phải anh cấm em, nhưng tới chừng em biết đọc hết rồi thì không cần nhớ chữ theo lối đi đầu, đi cuối như vậy nữa, hiểu không ?

Tâm học rất mau, phần nhờ Tú khuyến khích nó, phần nữa, nó vốn biết mặt chữ từ lâu. Nó thường tỏ ra sốt ruột, hỏi Tú :

- Làm sao mà biết hết cả trăm ngàn chữ trong cuốn vần, hả anh ?

Tú giảng rằng :

- Em thuộc hết, biết hết các phụ âm, nguyên âm, các dấu rồi tập đánh vần ít lâu là biết tất, sách nào cũng đọc được, chứ không phải chỉ cuốn vần mỏng tanh đó mà thôi. Mà đâu có trăm ngàn chữ, chỉ có hai mươi mấy mẫu tự mà thôi, và chỉ với ngần ấy mẫu tự, người ta ghép lại…

Dần dần, Tâm thấy thú vị khi tự mình biết ghép một chữ này lại gần một chữ kia và đọc lên thành một cái tên mà nó yêu quí nhất : tên anh Tú ! Thứ đó là tên nó.

Nhìn tên mình nằm chễm chệ trên mặt giấy, Tâm cảm động, sung sướng đến ứa nước mắt, còn hơn cả khi nó được mặc áo mới, hơn nhiều. Vì áo thì ít lâu sau là hết mừng, còn chuyện mình biết chữ, viết lên được tên mình thì mỗi lần nghĩ tới là Tâm náo nức, thấy mình nhẹ tênh như mọc cánh, phơi phới trong lòng…

Tú rất ít khi rảnh, song anh cố ngồi rốn lại với Tâm làm cho tụi con bà Ngọc có ý ganh tị với Tâm. Tâm đã biết thân, nó rất sợ bà Ngọc giận, cấm Tú qua dạy nó, nên hễ thấy bóng lũ này qua kêu anh Tú, là Tâm giục :

- Thôi, anh về cho rồi, kẻo bà Ngọc la, em sợ lắm.

Tâm trở thành lễ phép, mềm mỏng và rộng lượng (!) Nó tưởng như bây giờ lão gác què có chửi nó nó cũng vui lòng tha thứ, nó không giận nữa. Vì ông ta bị què chân, ông ta khổ sở lắm, mình sướng hơn ông ta, mình phải thương ông. Mình lành lặn này, mình biết chữ này…

Một lần nó kể chuyện chửi lộn với lão gác què cho Tú nghe, Tú cười ngất. Đã không quở trách gì, Tú lại nói :

- Em không có lỗi (rồi vội chữa) em có lỗi sơ sơ, lão già đáng tội hơn.

Nếu lúc Tâm học chữ và tập đánh vần xuôi -- cả vần ngược dê dễ nữa – suông sẻ, mau chóng bao nhiêu thì đến chừng học những vần ngược dài ngoằng, tréo ngoèo, lộn xộn, Tâm càng thấy khó nhớ bấy nhiêu. Thật chẳng khác gì đang đi giữa con đường thẳng tắp mà vụt chốc đến những khúc ngoằng ngoèo, khúc khuỷu hay lên dốc vậy. Tâm đã uốn lưỡi, cong môi, túm miệng lại, gãi đầu, bứt tóc ; thậm chí có khi toát mồ hôi, chóng mặt vì những chữ tai ác đó.

Thế nhưng mà… rồi đoạn đường chông gai khúc khuỷu đó cũng qua, qua một cách chậm chạp và không mấy thích thú. Tâm coi như những chữ đó có gai xung quanh vậy.

Ý nghĩ này có lần Tâm nói ra cho anh Tú nghe và anh cười, nói :

- Đừng tưởng một mình em thấy thế, cái hồi anh đi học anh cũng như em; mà tất cả học trò hiện nay đều vất vả vì những cái gai nhọn ấy.

Tâm thì Tâm có cảm tưởng rằng mình khác hẳn đi, đặc biệt hơn lên, nghiêm trọng lên sau khi vượt qua vần ngược. Ấy thế mà, kỳ quái làm sao : cha mẹ nó không nhận thấy điều đó, cứ y như cũ, không biết rằng con mình đã cố gắng phi thường.

Ra đường, Tâm nhìn chăm chắm vào mặt bọn học trò trường T., động thấy đứa nào mặt mày cau có, đầu cúi xuống đất, không nô giỡn, đuổi bắt nhau là Tâm nói thầm :

- Đích thị là cu cậu bị gai của vần ngược chích rồi.

Và Tâm thở phào một cái, vừa tự hào rằng mình đã vượt qua… vừa thương hại đứa trẻ kia quá đỗi !



***



Bây giờ nỗi khó nhọc đối với Tâm là viết, không ! Phải nói là mối bận tâm đúng hơn. Cả tháng nay Tâm không dám viết xuống mặt đất nữa. Tâm thường phàn nàn một mình : sở dĩ chữ Tâm to quá, viết mau chật trang giấy một phần lớn là do lỗi anh Tú ; anh cứ bảo Tâm nên tập viết bất cứ ở đâu, lúc nào, không cần đợi có giấy bút.

Ấy, vậy là Tâm viết lên mặt đất, lên tro bếp, lên vách tôn, bệ cửa, bằng hòn than, cái que, bằng cả đầu ngón tay nhúng nước !

Tâm tròn mắt, há miệng thán phục anh Tú, đời thuở nhà ai một trang giấy nhỏ mà anh đặt viết xuống, chỉ một nhoáng là anh có thể nhốt trong cái khuôn nhỏ hẹp đó không biết cơ man nào là chữ đặc nghịt, chữ nào cũng nhỏ li ti, nhỏ hơn cả con muỗi đói. Còn Tâm ấy ư ? Tâm chỉ ao ước chữ nó bằng con ruồi thôi, không cần nhỏ hơn nữa, mà mất bao nhiêu là ngày giờ, vẫn chưa đạt được ý muốn.

Đôi khi, Tâm thấy mình quả có tham lam. Hồi nào không biết một chữ đó thì sao ? Kỳ diệu nhất đối với Tâm là điều này : chỉ với hai mươi mấy chữ cái mà ghép lại được không biết bao nhiêu là lời, là ý !

Dạo này Tâm theo lời Tú, tập viết những bài dài dài. Tuy chữ nó vẫn còn lớn hơn con ruồi và e còn lâu lắm mới bắt kịp những con muỗi đói của anh Tú, nhưng Tú vẫn tỏ vẻ hài lòng vì sự tiến bộ của học trò mình. Anh vẫn nói :

- Em mà được đi học đàng hoàng thì em giỏi hơn tụi con bà Ngọc nhiều lắm.

Tâm nghe mát rợi cả lồng ngực. Khi nào có gì buồn -- bị mẹ la, cha mắng hay gặp chữ khó -- chỉ một cái nhìn của anh là nó cảm thấy đủ nguôi quên và sáng suốt ra.

Tốt bụng và khéo léo, Tú chọn cho Tâm những bài tập đọc, tập viết khác hẳn các bài ở nhà trường. Tú luôn luôn tránh những bài có những đề tựa như : tình mẫu tử, buổi chiều trong nhà, gia đình sum họp v.v… Bởi thấy thằng bé dễ cảm, Tú sợ nó tủi thân khi đọc những đoạn tả cảnh êm ấm, tình yêu thương mà nó không hề được hưởng. Dĩ nhiên, sớm muộn gì rồi nó cũng biết, nhưng Tú nghĩ rằng cứ để chầm chậm, tốt hơn.

Quả thế, chữ nghĩa vừa làm Tâm sung sướng, vừa làm Tâm thêm khổ nhục : mỗi lần xách chai đi mua rượu cho cha, Tâm mỗi lần khóc thầm vì thái độ khinh bạc, mỉa mai của người bán quán.

Biết chữ, Tâm phải chống chọi lại với những thói xấu mà vô tình nó nhiễm từ khi trôi dạt về đây. Nó rửa rau sạch chứ không rửa cho có lệ như hồi trước, khi nào không rửa sạch, Tâm hối hận thầm rất lâu. Nó phải cố gắng để bỏ thói ganh tị -- như đối với con Cúc – và cố nhiều hơn để đừng hả hê khi thấy kẻ đã xử ác với mình khổ sở hơn mình. Trường hợp lão gác què chẳng hạn.

Duy chỉ có một điều làm Tâm khổ sở nhất là nó đã trở nên khác, cố trở nên tốt hơn trong lúc cha mẹ nó vẫn chẳng khác gì. Tuy vậy, Tâm cũng đủ khôn ngoan để biết rằng mẹ nó vẫn như xưa, hay nói cho đúng, chỉ khác có bề ngoài thôi, cha nó mới là đáng ngại.

Từ một nông dân cần cù vui tính ông trở thành một lão thị dân say sưa, biếng nhác, cau có và hung tợn. Càng ngày nết xấu càng tăng : hễ trong mâm không có món nhắm là sinh sự chửi liền ; mắng vợ, đánh con… ngay cả Thánh Thần, Trời Đất ông ta chẳng nể một ai, ông ta nguyền rủa tuốt !

Mỗi lần ông khoác áo đi đâu, Tâm thầm mong cho ông đi biệt luôn, đừng trở về nữa, rồi Tâm thoáng gờn gợn sợ, sợ chứ không phải là hối hận, về cái ý muốn của mình, Tâm cho rằng ước muốn đó là một tội lỗi. Và thằng bé cố xua đuổi ý muốn đó đi, nhưng nó vẫn vương vấn không thôi.

Về Đầu Trang Go down
https://nhanbkvn-2022.forumvi.com
Admin
Admin
Admin


Tổng số bài gửi : 17784
Points : 24761
Reputation : 0
Join date : 16/10/2016

Vượt Đêm Dài - Loại Hoa Xanh Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Vượt Đêm Dài - Loại Hoa Xanh   Vượt Đêm Dài - Loại Hoa Xanh Icon_minitimeSat Jun 03, 2017 6:30 pm

Chương 4

Một hôm vào quãng chín giờ sáng, mẹ đi gánh nước, Tâm xách chai đi mua rượu cho cha. Vừa đi, Tâm vừa lẩm bẩm :

- Tại sao chữ rượu lại có ơ kìa ? Sao không viết là rựu được ? Lạ quá chớ, viết sao thì cũng đọc là rượu được hết mà. Chậc ! Mai anh Tú qua phải hỏi lại coi.

Nghĩ đến anh Tú, Tâm thấy vui vẻ trong lòng, vui cho đến nỗi nó quên phắc nỗi tức tối vừa bị cha rầy oan lúc nãy, chỉ còn chút ngạc nhiên : tại sao cha nó lại tỏ vẻ quý con gà đến thế ? Thật chẳng còn hiểu ra làm sao nữa, người lớn đến là khó chịu, nhất là thứ người lớn như cha nó : ông thay đổi ý kiến liền liền không biết thế nào mà lường, mà đoán ý, chìu lòng.

Thì cũng là con gà đó, mà hôm kia trông thấy nó chui dưới gậm giường, Tâm chưa kịp đuổi ra ông đã chửi Tâm váng lên, nào là để nó bươi phá, ỉa bậy, nào là nó kêu chíp chíp điếc tai ông. Vậy mà hôm nay trông thấy nó đủng đỉnh ngay chỗ chạn bát, Tâm cầm cái chổi, dợm đuổi ra thì lại bị cha trừng mắt một cái, mắng :

- Kệ xác nó, nó đứng đó can phạm gì con mẹ mày mà mày đuổi nó ?

Tâm ngơ ngác buông chổi, cha Tâm lại hét :

- Mày đứng làm gì như trời trồng đó ? Đi mua rượu cho tao, coi ?

Tâm vội vàng tìm chai trong lúc ông mò lại thùng gạo, hốt một nắm vãi ra mặt đất, miệng túc túc một cách thân mật y như là lúc ở quê ông vãi lúa trước sân cho gà ăn vậy. Tâm thích chí, đứng nhìn sửng. Đó là một chú gà giò trắng, lốm đốm nâu, loại gà có cái tên hay ho là gà nổ (hồi trước Tâm có một con gà mái và một đàn con như vậy).

Ban đầu còn rụt rè, sau trông dáng bộ thân thiện của cha Tâm, chú gà nghếch mỏ lên, liêng liếc cha Tâm, mắt chơm chớp liền mấy cái, kêu lên cót cót ra dáng chào hỏi chủ nhân rồi cúi xuống mổ lia lịa những hạt gạo vung vãi dưới nền nhà. Gạo trắng và trơn, thỉnh thoảng chú gà giò ta mổ chệch đi làm vài hạt văng tuốt vào khe cửa. Tâm quên cả mua rượu cho cha. Gà ai vậy kìa ? Ước gì mình có một con như vậy nuôi chơi. Tâm nuốt ực nước bọt nghĩ thầm. Ước gì…

Cha Tâm nhìn chăm chăm con gà không chớp mắt. Ông tặc lưỡi và cũng nuốt ực nước bọt một cái làm cho cục bi trước cổ ông cũng trôi tuột xuống… rồi lại bò lên như cũ, mà lại muốn to hơn là khác. Chắc ông đang thèm rượu ? Tâm bật cười lên làm ông giật mình, quay lại, giục :

- Thằng quỉ sống ! Đứng làm chi đó ? Sao không…

Ông chưa dứt lời, thằng bé đã vụt chạy băng ra cửa. Khi nó xách chai rượu về thì em nó vẫn còn ngủ say và một cảnh tượng làm nó chùn chân lại : con gà giò kêu lên cót cót một cách nghèn nghẹn, cố vùng vẫy để thoát khỏi nhưng vô ích. Cha Tâm một tay và một chân kìm chặt con gà dưới đất, tay kia nắm ngang cổ con vật mà vặn chéo ba, bốn vòng liên tiếp. Tâm hoa mắt lên khi thấy những giọt máu chảy ròng ròng xuống nền nhà, dính nhoè nhoẹt trên tay cha.

- Đứng làm chi đó ? Thằng ngu ? Vô nhóm lửa lên cho tao. Mau !

Chợt, cha nó ngẩng lên, không nhìn thẳng vào mặt con, rít răng ra lệnh.

Tâm riu ríu đem chai rượu cất và đi xin lửa về nhóm bếp cho cha. Một nỗi sợ hãi, một chút bất bình, khinh bỉ chen lẫn một sự giận dữ loé lên trong lòng thằng bé và cứ lớn dần như ngọn lửa mà nó vừa mới nhóm lên. Tâm không thể phân tách được tại sao mình lại ghét, giận, khinh cha, nó chỉ mang máng cảm thấy rằng cha nó đã làm một điều xấu xa, nhơ nhuốc, một tội lỗi mà trước nay cả gia đình nó chưa ai nhúng tay vào.

Trong lúc đầu óc quay cuồng, bối rối như thế, Tâm vẫn còn sáng suốt, tỉnh táo để mừng một điều này : sáng nay anh Tú không qua dạy nó. Hú vía. Thường thường, anh dạy Tâm trong lúc dạy lũ con bà Ngọc. Anh nói cho Tâm biết rằng anh ra bài, ra toán cho tụi nó xong thì sang dạy Tâm, một chút lại trở về, chấm toán, chấm bài. Bà Ngọc tốt bụng không nói gì – chính bà cho phép anh – nhưng gặp ngày ông chồng ở nhà thì… hơi khó. Ông đâu có thuê gia sư để ăn bớt giờ của con ông mà đi dạy người khác ? Bà Ngọc can thiệp, viện cớ rằng Tú chỉ dạy giúp không lấy tiền. Bà ngỡ là nói thế ông dịu bớt, ai ngờ ông càng cáu thêm :

- Chà ! Tôi không ngờ cậu hào hiệp tới mức đó ! Nhưng mà, cậu làm vậy là sái lắm cậu biết không ? Nguyên tắc của tôi là…

Tú ngồi lặng, nghẹn thở vì uất. Bà Ngọc đỡ lời :

- Thôi ! Đủ rồi ! Tôi xin ông. Lúc nào ông cũng nguyên tắc với kỷ luật ! Đối xử cũng nên dễ dãi, có một chút độ lượng, cảm tình…

- À ! Bà lại phải dạy tôi à ? Tôi không cần ai dạy tôi đâu. Tôi không muốn ai qua mặt tôi mà không bóp kèn như vậy, hiểu không ? Tôi không muốn…

Tâm biết được rành rọt như vậy là do Tú. Bữa đó Tú có vẻ không vui, khác với ngày thường. Anh không xoa đầu Tâm, không trò chuyện gì hết. Khi đứng lên, anh nói với Tâm, giọng buồn buồn :

- Cố học nghe không ? Biết chừng… anh thôi dạy nhà bà Ngọc…

Tâm tưởng như đất vừa sụt dưới chân mình, như trời vừa tối sầm lại, nó lạc giọng hỏi :

- Anh đi đâu ?

Giọng Tú bùi ngùi :

- Anh chưa biết đi đâu, anh cũng chẳng tiếc gì, nhưng anh còn do dự là vì em. Phải chi em biết khá một chút, anh đi yên tâm hơn.

Tâm vụt oà khóc. Tú ái ngại, cắn môi suy nghĩ một giây rồi nói :

- Không sao, không sao, bề gì cũng đợi tới cuối tháng. Anh chưa đi đâu, Tâm !

Nói xong, anh cúi đầu đi ra. Dáng bộ anh dầu dầu, khổ sở như cái đêm anh nói : “Trời ! Cầu tiêu cũng là xa xí phẩm sao trời” hết sức. Tâm xót xa quá ! Tâm muốn chịu đựng nỗi khổ tâm thay anh Tú quá. Khi người ta thương yêu ai, người ta muốn chịu thay nỗi khổ sở cho kẻ ấy. Tâm cũng vậy. Nhưng Tâm không biết làm sao chịu thay được. Lại còn mối lo canh cánh : Tú đi ! Anh Tú đi thì sống làm sao nổi hả trời ! Thà cha cứ đánh, mẹ cứ mắng, cứ phải đi đổ rác… miễn có anh Tú bên cạnh… gì Tâm cũng chịu được miễn là có anh Tú bên cạnh…

Vậy mà rồi, Tú không đi. Tuyệt chưa ! Sau hôm đó, anh lại vui vẻ như cũ. Anh kể lại câu chuyện cho Tâm nghe tại sao anh ở lại và thêm :

- Thôi, ông ấy thế nhưng bà thì tốt. Bà bảo anh cứ qua dạy em, chỉ cần để ý ngày nào ông ở nhà thì đừng qua, vậy là yên. Anh cũng gần đến ngày thi, đi đâu phiền ra.

Coi lớn vậy chớ anh Tú vẫn trẻ con ghê : anh giả giọng ồm ồm của ông chủ, giả điệu bộ hách dịch của ông chủ, khuỳnh tay lại, ưỡn ngực lên, cao giọng lặp lại lời ông rồi hai anh em cười lăn ra, cười tuôn cả nước mắt, nước mũi. Đó là những phút Tâm vui sướng nhất, tuy là rất hiếm hoi.

Sau vụ bị ông chủ làm khó, Tú dẹp phắc câu chuyện Tâm sang học chung với con ông bà lại một bên, không bao giờ đá động tới nữa. Trước, anh thường bảo Tâm nên qua bên ấy trong giờ lũ con ông học mà học chung cho tiện, nhất là học toán. Toán, theo anh cũng cần thiết. Tâm gân cổ cãi “Em không thèm học toán”. Nhưng giờ thì chuyện đó không được nhắc tới nữa. Tâm mừng lắm. Trong đầu óc thằng bé, toán là môn vô ích. Ai có nhiều tiền mới phải học toán, đặng dễ tính tiền. Còn nó học làm gì ? Mẹ đưa cho 10$ thì mua 5$ tương, 3$ rau, 2$ cà là hết nhẵn, tính toán làm chi ?

Mãi nghiền ngẫm chuyện anh Tú còn ở lại, triền miên trong niềm vui đó, nhất là sáng nay anh không qua dạy (chắc có ông chủ ở nhà ?) Tâm cầm quai ấm nước sôi chế hoài một chỗ trên mình con gà làm cha nó rầy :

- Thằng ngu kia ! Mày định luộc chín hả ? Xối sơ sơ, trụng cho dễ nhổ lông thôi chớ. Lát nữa mà tróc da nó thì tao lột da mày luôn, nghe chưa ? Nói cho biết.

Quả nhiên : đến lúc cha nó vặt lông gà, chỗ Tâm xối nước nhiều tróc tuốt cả lớp da bày thịt trắng ngần, ông có vẻ xót xa lắm, nhưng không chửi to như mọi bận, giọng nhỏ, thấp, đay nghiến :

- Nhứt bì, nhì cốt mà mày hại tao. Mày hại cha mày ! Thằng kia ! Mày hại cha mày ! Tao ưng lột da mày quá !

Giọng ông sặc nồng mùi rượu, tay run run, mắt ngầu đỏ. Ông khó nhọc với con gà khá lâu. Tâm lầm bầm một mình : “May quá, anh Tú mà thấy… “ Tâm không dám nghĩ tiếp nữa, xấu hổ quá đi thôi !

Thình lình, Tâm cảm thấy như có ai vừa bước vô nhà, nó hốt hoảng, đâu có lý là anh Tú ? Trời ơi ! Chết mất… nhưng nó chưa kịp quay lại thì một giọng khàn khàn, giọng của bà Tư bán quán cất lên :

- Nè, cha thằng Tâm ! Trưa nay mẹ nó về biểu đem tiền qua trả cho tao, nghe không ? Uống hoài, uống như hũ chìm…

Tâm nóng ran mặt, nhìn cha cầu cứu nhưng cha nó vẫn cặm cụi với con gà, không để ý đến sự có mặt của bà Tư. Vừa lúc đó bà Tư thấy việc làm của cha Tâm. Bà gằn giọng :

- Chà, sang thiệt ! Ăn gà nữa chớ ! Vậy mà kêu không tiền. Không tiền mà ăn thịt gà ! Nội nhựt trưa nay mà không trả tiền cho tao thì liệu. Hừ ! Ăn thịt gà ! Ông Hoàng dữ !

Nói xong bà Tư hậm hực đi ra. Tâm đứng lặng vì kinh hãi, cha nó vẫn loay hoay với con gà, miệng không ngớt lặp đi lặp lại : “Nhứt bì, nhì cốt”



***



Câu chuyện ghê gớm rồi cũng qua đi. Cha Tâm nằm liệt. “Nhậu, nhậu cho sướng miệng rồi hành hạ vợ con” Bà Tư mỉa mai mỗi lần thấy mẹ Tâm tất tả, chạy lui, chạy tới. Phải ! Mẹ Tâm câm như cá! Bà chỉ há miệng để thở dốc khi nào quá mệt. Tuyệt nhiên bà không nói một lời trách móc, phàn nàn.

Còn Tâm : nó oán giận cùng cực, oán hận cho tới nỗi, nếu có ai rủ nó một tiếng là nó đi ngay tức khắc, không do dự. Được ! Nó đi ngay, đâu cũng được, làm gì cũng được, nó ngán quá rồi, tởm quá rồi, không muốn ở trong cái nhà tệ hại cực khổ mọi bề, nhất là phải chịu đựng một ông cha như cha nó.

Có lẽ suốt đời nó, nó không bao giờ quên được câu chuyện khủng khiếp mà nó phải trải qua. Không ! Đâu phải là cơn ác mộng ? Giá là cơn ác mộng thì kể làm gì ? Đó là sự thật, một sự thật rành rành, dù nó cố ru mình bằng cái ý nghĩ ấy để đỡ nhục nhã, đau đớn. Trời ơi ! Cha ơi ! Mẹ ơi ! Em ơi ! Anh Tú ơi ! Không ! Tâm không muốn nhìn mặt ai nữa. Nó muốn đi xa, xa tít và quên phắc câu chuyện đó đi. Vậy mà nó không đi đâu được, khổ một nỗi nữa là lúc nào những cái nhìn xoi bói cũng như không buông tha nó, như dán theo sau lưng nó làm nhột nhạt cả người. Mà nào nó có nhúng tay vào tội đó cho cam.

Bất cứ lúc nào, ngồi, đứng đâu, làm gì, Tâm cũng mường tượng lại câu chuyện xảy ra buổi sáng đó, từ lúc cha nó luộc xong con gà và sai nó giã cho ông một cối muối ớt. Tâm lặng lẽ làm theo lời cha, vừa khinh, vừa giận, lại vừa thèm (con gà bốc mùi thơm lừng lựng). Cha Tâm vớt con gà ra dĩa rồi ra lệnh :

- Gói kỹ mớ lông gà lại, đem bỏ vô thùng rác, nghe không ?

Tâm dạ nhỏ, lúi húi lục dưới gầm giường, tìm giấy. Sục sạo mãi vẫn không tìm ra mẩu giấy nào. Thằng bé lúng túng, lấm lét đưa mắt lại phía cha trong lúc ông lườm nó một cái, hét dựng :

- Làm cái gì lâu lắc vậy ?

- Dạ, dạ không có giấy.

- Không có giấy ? Hừ ! Không có giấy, vậy chớ giấy gì kia ?

Ông chỉ tay vào cuốn vần của con, hỏi gặng. Nó cuống quít :

- Dạ không, đó là cuốn vần của con mà. Để con học chớ.

Cha nó lại liếc ra ngoài một cái, hầm hầm nét mặt :

- Học ! Học cái mả mẹ mày ! Giấy để đắp mặt mẹ mày mà tao biểu cũng phải đưa ra nữa là thứ vần vẹo, học hành. Khéo bày đặt…

Đột nhiên, ông đổi giọng, nóng nảy, nôn nả như có ai quạt lửa giận vào mình, ông chỉ tay về phía con gà đang bốc khói :

- Mày có muốn tao vặn cổ mày như vặn cổ nó vậy không ? Ranh con ?

Vặn cổ mày như nó ? Dễ sợ không ? Tâm toát mồ hôi nhớ lại cảnh tượng vừa qua : đầu con gà bị chúc ngược đung đưa dưới tay cha nó, máu từ mỏ tuôn giọt giọt xuống nền nhà. Thằng bé rụng rời, lính quính làm ông càng cáu kỉnh thêm :

- Mày có làm liền không, hay là đợi tao xán cái cối lên đầu mày , hả ?

Người cha chồm tới, tay lăm lẵm cối muối ớt như thể sắp sửa xán lên đầu con thật. Tâm nuốt ực nước mắt cùng với nỗi uất ức dâng lên nghẹn cổ, run rẩy vớ cuốn vần -- cuốn vần mà nó yêu quí, thiết tha như một người thân – xé toạc ra. Nó chợt có cảm giác đau đớn như ai xé da nó vậy. Tâm đau nhói, đau lặng người đi ! Giã từ ! Giã từ hết ! Những người bạn câm thân yêu của nó ! Những người mà từ lúc chưa biết tên nó đã quen nhẵn mặt, những người thường vẫn – như một phép mầu -- từ trong trang giấy nhảy ra, lớn phổng lên trong những đêm trăng sáng, nắm tay nó, vây quanh nó ca hát vang lừng ! Tâm mím môi lại, nước mắt ròng ròng, cố hết sức vẫn không tóm gọn được mớ lông, phân, ruột của con gà giò trong giấy.

Như có một tiếng nói đâu đó vang lên trong tai nó. Thôi tiếc làm chi ? Mình đã biết hết rồi mà. Và Tâm cãi lại : “Thì thuộc hết, biết hết mà thương tụi nó lắm, bỏ đi, xé đi sao được ?” Nhất là bỏ đi một cách đành đoạn, tàn nhẫn, độc ác thế kia ? Chắc từ nay chẳng bao giờ tụi nó thèm trở về thăm mình, chơi với mình như trước nữa. Tâm sẽ cô đơn, thui thủi một mình, không ai là bạn hết. Một mình sao được, còn anh Tú chi ? Ờ ! Ờ ! Còn anh Tú ! Tâm vụt thấy bình tĩnh, yên ổn trong lòng khi nhớ rằng mình còn có anh Tú.

Sau cùng, Tâm cũng gói xong cái phần bỏ đi của con vật. Nó cầm trong tay, lúng ta lúng túng không biết tính sao, dù tai nó vẫn văng vẳng giọng cục cằn của cha : “Bỏ vô thùng rác”. Thùng rác nào ? Nhà nó làm gì sắm nổi thùng rác ? Thằng bé bất giác muốn cười quá sức mà cố nín, tuy thật tình thì nó không vui vẻ chút nào. Vui gì mà cười kia chứ ? Nhưng chuyện thật đáng cười : mẹ con nó quanh năm suốt tháng đều nhìn thấy, sờ mó đến tùng rác, nhiều không đếm xuể, vậy mà chính nhà mình lại không có cái thùng rác, làm cho nó phải bối rối trong công việc cha sai !

Bỏ đâu đây ? Tâm dợm hỏi cha, thì ông đã lại trừng mắt, quát :

- Đi ! Còn đứng chi như trời trồng đó ? Hả ? Tao xán cho…

Tâm vụt chạy ra cửa để tránh cơn giận vô lý của cha. Tuy thường ông chỉ doạ, nhưng trong cơn say, làm sao biết được ?

Tay khư khư cái gói của nợ, Tâm lo lắng nhìn quanh coi có thùng rác nhà ai thuận tiện. Bỏ vô thùng rác người ta như vậy không tốt gì, nhưng còn khá hơn là vứt bừa ra giữa đường. Với lại, đây là thứ rác đặc biệt, phải kín đáo kẻo người ta phát giác ra thì… mệt lắm. Tâm nghĩ chẳng chỗ nào kín đáo hơn thùng rác, vì kẻ phát giác chỉ có mẹ con nó mà thôi. Thật là chỗ an toàn ! Trước khi vứt tọt gói giấy vô thùng, nó còn cẩn thận nhìn quanh một loạt, để biết chắc chắn không ai theo dõi hành động lén lút của mình. Xong việc, Tâm thở phào nhẹ nhõm, xoa tay khoan khoái trở về. Bỗng một thoáng áy náy dậy lên : Tâm hối sao không bươi rác lên, chôn nó xuống dưới, phải kín đáo hơn không ? Song Tâm không dám quay lại, đi luôn một mạch về nhà. Chợt, Tâm nghe có tiếng chân ai đi lại gần mình, tiếng chân càng gần, Tâm càng hãi, tim nó đổ dồn, như sắp nhảy vọt ra khỏi lồng ngực. Chân quíu lại, nó tưởng như mình sắp bị bắt quả tang, nó sắp ngã khuỵu xuống, song bước chân xa dần làm nó tỉnh lại. Không ! Chẳng ai đuổi theo nó cả, mấy người xóm trong đi chợ về.

Tâm nhớ hôm qua, cũng ngang chỗ này, nó gặp anh Tú. Trông dáng anh không vui. Anh nói :

- Chắc mai anh bận không qua dạy em được.

- Anh bận gì ?

- Thôi, đi về đi kẻo nắng. Hỏi làm chi ?

Nom anh lơ là, không vồn vã thân mật như thường lệ, chẳng xoa đầu Tâm mà cũng không cười. Chắc anh có điều lo nghĩ ? Hay ông chủ làm khó ? Hay anh sắp đi ? Tâm lạnh toát mỗi lần nghĩ đến chuyện Tú đi! Tâm thất thểu bước, tai ù lại.

Trên chiếc giường ọp ẹp, rung rinh như con thuyền trên sóng vừa làm bàn ăn, vừa làm chỗ ngủ và cũng là chỗ tiếp khách đó (nói cho ra vẻ một tí chớ nhà Tâm thì cũng chẳng có ai là khách, trừ mấy người đòi nợ) cha Tâm đang thưởng thức món gà luộc ngon lành. Thoạt tiên trông thấy con trai, lão hất hàm ra hiệu cho nó đưa mình chai rượu rồi lại tiếp tục ăn, không nói năng gì. Em bé ngồi cạnh cha, chăm chú nhai cái mề gà nghe sào sạo. Tâm cảm thấy gan ruột cồn cào dữ tợn. Nó quay đi, nuốt ực nước dãi đang chực ứa ra. Chao ơi ! Đói và thèm !

Một lát, cha nó ngừng ăn, tặc lưỡi nghe đánh “tróc” một cái, tợp ngụm rượu, hít hà như tuồng cay lắm rồi hất hàm, hỏi :

- Mày ăn không ? Ăn đi !

Lạ kỳ : mới trước đây một giây, Tâm ấm ức vì cha ngồi ăn mà như không thấy nó, không gọi nó cùng ăn, vậy mà giờ đây cha nó mời nó thì nó lại không muốn ăn nữa, dù thật ra nó vừa đói, vừa thèm. Nó lờ đi, làm như không nghe lời cha, sấp lưng quay xuống bếp. Thái độ đó làm cha nó tức giận, ông quát to :

- Thằng quỉ sống ! Mày có ăn không ? Mày câm hử ?

- Dạ, cha ăn đi, con mắc nấu cơm !

- Để cơm đó, lên tao biểu, mau coi !

Tâm ngừng tay vo gạo, chạy lên. Coi bộ cha nó giận dữ hơn bao giờ hết. Rượu đốt nóng từ đường gân, mạch máu ông ta, đôi mắt long sòng sọc, tròng trắng như muốn nhảy bung ra ngoài nếu không có những đường gân đo đỏ chằng chịt bao quanh, giữ lại. Ông ta thở mạnh, hai cánh mũi phập phồng, răng nghiến kèn kẹt, mặt hầm hầm, giọng khản đặc :

- Mày chê phải không ? Hả ? Chê hả ? Nói đi ! Nói đi coi !

Tâm se sẽ đáp :

- Dạ, con không chê… mà con không ăn.

- À, nói láo ! Bây lớn mà biết láo khoét. Thứ đồ đổ rác mà liêm sỉ dữ chớ, rặc con mẹ mày. Đồ nòi con bất hiếu. Bây lớn mà đã…

Ông ngừng nói, giơ tay toan tát Tâm, song nghĩ sao lại thôi, chỉ gằn giọng tiếp :

- Thôi ! Đi đi ! Đi khuất mắt tao, theo mẹ mày đi, đứng đó ngứa mắt tao, tao phang một cái chết cha mày đó !

Tâm cút liền xuống bếp. Nó giận cha hết sức nhưng cũng mừng vừa khỏi chịu trận lôi đình vô cớ. Vừa nấu cơm, Tâm vừa nghĩ đến mấy câu cách ngôn đã tập viết hôm nọ : “Nhân phi nghĩa bất giao, vật phi nghĩa bất thủ”. À, anh Tú đã giảng giải rõ ràng rồi, Tâm hiểu lắm : người phi nghĩa thì không giao thiệp, của phi nghĩa thì không cất giữ. Nhưng còn nếu cha mình phi nghĩa thì làm sao ? Không giao thiệp với ông hả ? Ông đánh cho mềm xương đi chớ nói chuyện giao với bất giao ! Sách vở coi vậy mà cũng tồi, nhiều chỗ thiếu sót lắm. Anh Tú đã lấy sách của con bà Ngọc cho Tâm mượn nhiều lần rồi, đọc nhiều rồi, không có cuốn nào bày cách cư xử với một ông cha… ăn trộm, ăn cắp cả -- nghĩa là ông cha phi nghĩa chớ gì nữa ? – Hay là… không ! Tâm không thể hỏi anh Tú chuyện này được, dù rằng Tâm coi anh Tú gần như mẹ mình vậy. Tâm phải ngậm đắng nuốt cay một mình thôi. Tâm muốn khóc quá ! Khóc được chắc nhẹ bớt, vơi bớt khổ sở, nhất là khóc mà có anh Tú dỗ dành… Anh Tú ơi ! Em khổ lắm, em sắp khóc đây… anh có thương em không ? Hả anh ? Anh có biết không…



***



- Bà con đừng nghĩ quấy cho tôi, nghèo thì nghèo, nhà tôi xưa nay không có làm chuyện bậy bạ như vậy. Chuyện đâu còn có đó…

Giọng mẹ Tâm lanh lảnh trước nhà. Tâm lặng người, quên cả chuyện muốn khóc, quên cả kêu thầm anh Tú. Nó buông đôi đũa bếp chạy vút ra.

Trước nhà nó đông đủ cả lân bang hàng xóm : con Cúc này, bà Tư bán quán này, chị bếp bên bà Ngọc này, thằng Vĩnh, con trai bà Ngọc này và… trời ơi ! Tâm suýt ngất đi : có cả bà Ngọc nữa. Tuy nhiên, Tâm còn đủ bình tĩnh để sung sướng về điều này : không có anh Tú !

Thôi ! Thế là hết, ai cũng biết tỏng ra rồi. Lạy trời ! Miễn anh Tú đừng biết, đừng nghi cho Tâm, Tâm chỉ còn mong có thế.

Vừa thấy mặt con, mẹ nó hầm hầm :

- Tâm ! Lại đây !

Tâm toan chạy nhưng nó ríu cả hai chân. Mẹ nó chỉ cần vói tới một chút là chộp được con. Mẹ nó điểm một ngón tay lên trán nó, gằn từng tiếng :

- Tâm, mày có bắt trộm con gà của cậu Vĩnh không ? Phải nói cho ngay, cho thiệt…

Tâm không trả lời được, lưỡi nó như có keo dán chặt. Mặt nó tái xanh. Bà Tư cười khẩy :

- Tra hỏi làm cóc gì. Chính mắt tôi thấy mà… rõ ràng mà…

- Bà thấy cái gì ?

Mẹ Tâm sừng sộ, bà Tư cũng không kém :

- Thấy cái gì thì nhà chị hẳn về hỏi chồng con chị, cần gì hỏi con già này. Thứ quân lưu manh, vừa đánh trống, vừa ăn cướp.

Bà nhổ toẹt xuống đất ra tuồng khinh bỉ, không thèm đôi co nữa, ngoặc ra sau, về nhà. Mẹ Tâm run bần bật. Thế này là nghĩa lý gì ? Tâm đã làm chuyện bỉ ổi đó thật sao ? Và nếu nó đã làm thì nó phải chịu, chớ bà không chịu nhục nhã như vậy được, bà phải tỏ ra không đồng lõa hay là dung túng đâu. Ừ, nghèo, đi đồ rác ! Mà không có ăn cắp, không bao giờ. Người mẹ xoắn lấy áo con, phát vào mông, đấm đá túi bụi vào đầu, vào mình thằng bé. Tâm oằn cong người lại như con tôm luộc, đỡ đòn. Nó kêu lên từng chặp : “Mẹ ơi ! Mẹ ơi !” Nó khóc không ra tiếng.

Con Cúc ban đầu có vẻ thích thú lắm, nhưng sau Cúc ta cũng hãi, cung cúc chạy bay về nhà. Chị bếp nói bâng quơ, vô thưởng vô phạt : “chuyện gì đâu”. Vĩnh mím môi lại, mặt lạnh ngắt, chẳng ai hiểu thằng bé nghĩ gì : hả hê hay là thương xót ?

Chỉ mình bà Ngọc sững sờ rồi cuống quít vì câu chuyện (Phải ! Ban đầu bà không tin lời con, thằng Vĩnh chúa là hay kết tội kẻ khác, chị bếp cũng vậy). Vả lại, bà vẫn nghe Tú kể về Tâm, bà không tin rằng nó ăn cắp con gà của con bà. Con Cúc thì ưa chõ vào chuyện người khác. Cúc mách với chị bếp rằng chính mắt nó thấy Tâm đem vứt gói lông gà trong thùng rác nhà chị. Chị bếp hỏi làm sao nó thấy thì nó hơi lúng túng một chút rồi đáp gọn :

- Tại em thấy con chó húc ngã thùng rác, lôi cái gói ra, em lại coi thử.

- Như vậy mày đâu có thấy, nói láo !

- Chắc mà, em không thấy cũng như thấy, vì khi em lại gần thì thấy tờ giấy gói là của thằng Tâm. Thiệt mà. Cuốn vần của nó. Nó hay khoe cuốn vần với em lắm.

(Thật ra thế này : Cúc ưa lục trong thùng rác bà Ngọc, tìm đồ chơi trong đó, khi thì cái hộp không, cái lọ không, khi thì miếng hàng vụn hay cuộn chỉ nên bắt gặp. Đáng lẽ nói thế, song xấu hổ chết, phải giữ danh giá chớ ? Vả lại, nó vốn ghét sẵn thằng Tâm : thứ con nhà đổ rác dơ dáy mà cũng học hành, mà lại học giỏi hơn nó nữa, chịu sao được ? Lại còn làm bộ ký tên lên cuốn vần y như cô giáo. Phải cho nó biết thân mới được).

Vậy là đủ, chị bếp tin cho Vĩnh hay liền, chị hãnh diện về tài điều tra của mình. Còn Vĩnh, nó hả hê lắm khi biết chuyện này. Con gà ấy ư ? Nghĩa lý gì, nó không tiếc chi, nó sẽ có tiền mua một con khác, nhưng nó thích có dịp bày tỏ cho mọi người (nên hiểu ngầm mọi người đây chỉ là mẹ nó và ông gia sư của nó) biết rằng người ta vẫn bênh chầm chập thằng Tâm bấy lâu nay là một sự lầm lỗi lớn. Ha ! Từ nay mẹ sẽ không có dịp đem thằng Tâm ra làm gương cho Vĩnh soi nữa. Anh Tú chả dám bênh Tâm nữa. Mẹ Vĩnh thường nói thế này chứ :

- Con nhác học lắm. Con không biết xấu hổ ư ? Trông thằng Tâm kia, nó thèm học bao nhiêu…

Còn anh Tú :

- Vĩnh ! Em phải chăm chăm lên một tị, thằng Tâm nó học sau em đấy mà nó tấn tới lắm kia. Nó mà được như em thì phải biết…

Khi câu chuyện đến tai bà Ngọc, bà mắng át con đi :

- Vĩnh, mẹ không muốn con học thói ngồi lê đôi mách của chị bếp. Đừng có thói “có bụng nào quào bụng ấy”. Thôi, mất thì mẹ cho tiền mua gà khác, đừng bới chuyện.

Vĩnh ức quá, chị bếp cũng ức quá. Chị mà lầm à ? Không đâu, chị nói hai là hai, một là một, trúng phong phóc ấy chứ. Chị phải làm cho ra lẽ mới được. Chị vừa lầm bầm trong bếp một mình vừa sực nhớ lúc nãy đi chợ quên mua tỏi, chị gọi quáng quàng lên :

- Vĩnh ơi ! Em cho chị nhờ một tí tẹo đi !

Vĩnh vẫn cho chị bếp nhờ một tí tẹo luôn đấy, nhưng hôm nay Vĩnh đang cáu, Vĩnh gắt :

- Tôi không phải là đày tớ chị, đừng có sai tôi.

Vậy là chị bếp đành phải tự nhờ mình vậy. Chị chạy bay ra quán bà Tư. Gặp mặt nhau, đôi bên vẫn trò chuyện vớ vẩn. Nhưng hôm nay, mỗi bên đều mang nặng nỗi lòng, nên không chuyện trò chi. Chợt, trong lúc thối tiền, bà Tư nhìn thấy nét mặt cau có của chị bếp, liền hỏi nguyên do. Chị bếp kể lại và thêm :

- Đó, vậy mà bà chủ bả nói với con bả là đừng có học thói ngồi lê đôi mách của tôi…

Bà Tư nhổm lên như cái lò so :

- Đúng quá rồi, đúng quá rồi, ngồi lê cái gì…

Câu chuyện tức thì bung ra, cả hai đều hướng mắt về nhà mẹ Tâm, đe :

- Phải làm cho ra lẽ. Người lương thiện không ở chung với quân gian giảo được.

Về đến nhà chị hô hoán lên. Thế là con Cúc, bà Tư, chị bếp, Vĩnh kéo nhau qua nhà mẹ Tâm. Bà Ngọc không kịp ngăn cản chi cả. Thế rồi bà đành theo họ, cốt để can thiệp cho thằng bé, bà không tin…

Vậy mà, bà chẳng can thiệp gì được. Mọi người tranh nhau nói và mẹ thằng Tâm thì thẳng tay đánh con. Đó là cách duy nhất để minh oan của người mẹ. Rồi bà Ngọc sực tỉnh, bà xông đến dằng co với mẹ Tâm, kéo thằng bé ra khỏi tay mẹ nó.

Bà không muốn biết sự thật. Trước mắt bà là đứa bé ốm đói, gầy còm, nhỏ hơn tuổi thật đang quằn quại dưới tay mẹ nó. Bà là mẹ, bà biết tâm trạng người mẹ lắm, chị ta cũng đau không khác gì con. Hai tay che lấy mặt, mẹ Tâm oà khóc, chừng như không dám nhìn ai. Và người mẹ bỏ đi vào nhà. Ông chồng lặng lẽ ngồi như pho tượng, đầu gục vào gối, hai tay khoanh lại.

Bà Ngọc dịu dàng ôm Tâm vào lòng, vuốt tóc Tâm, giọng bà âu yếm, xót xa :

- Khổ thân thằng bé !

Tâm đã định không thèm nói gì, nói với ai hết, nhưng cử chỉ và lời nói dịu dàng đó như có sức mạnh phi thường làm nó cảm thấy bớt đau đớn và nhục nhã phần nào.

Nó nói phụt ra :

- Dạ, không phải con… cha con… cha con…

Bà Ngọc lặng đi một giây, bà ngập ngừng hỏi nhỏ :

- Vậy là… có, hử Tâm ?

Tâm vụt hối hận, nó chữa lại :

- Dạ, tại cha con say nên ổng… cha con hồi giờ không…

Bà Ngọc bùi ngùi :

- Con ngoan lắm, con tốt lắm ! Thôi nín đi ! Vô nhà rửa mặt đi, Tâm ! Nói với mẹ lát nữa qua nhà tôi, tôi nói chuyện chút nghe không ?

- Dạ !

Dạ, nhưng nó không nhúc nhích, cứ đứng nguyên. Bà ái ngại dỗ dành :

- Không sao đâu. Để ta nói giúp cho con…

Tâm ngần ngừ một chút, lấy tay áo quẹt nước mắt nhưng nước mắt cứ chảy, chảy không ngừng :

- Dạ, không phải… con không sợ bị đánh nữa mà con sợ… sợ…

- Con sợ gì ? (bà Ngọc sốt sắng) cứ nói đi, có ta đây, ta…

- Dạ, thưa bà (Tâm nói mau) con sợ anh Tú biết, xin bà đừng cho anh Tú hay…

Nói xong, Tâm thấy nhẹ cả người. Nó ngước cái mặt còn ướt đẫm lên, nhìn thẳng vào bà Ngọc, chờ đợi câu trả lời. “Được rồi ! Ta không cho cậu ấy biết đâu. Ta sẽ cấm cả chị bếp, thằng Vĩnh nữa, con đừng lo, ta sẽ giúp con”. Phải ! Bà tốt bụng, bà tiếc gì một chút đó với Tâm ? Tâm run run, hồi hộp đợi. Có thể câu trả lời khác đi một chút, nhưng vẫn có nghĩa như thế. Kìa, môi bà Ngọc mấp máy rồi bỗng dưng bà đổi sắc mặt, bà không trả lời Tâm mà lại quay ra trước. Tâm nhìn theo, có gì làm bà chú ý đâu. Thôi rồi, chắc Tâm đã làm bà phật ý ? Tại sao vậy kìa ? Tâm có nói gì đâu ? Tâm khổ sở, lo lắng, nóng nảy quá. Chợt bà quay lại, hai má bà loang loáng ướt, giọng bà trầm hẳn lại :

- Cậu ấy đi rồi, không biết đâu, con đừng lo.

Tâm kinh hoàng, hỏi dồn :

- Đi đâu ? Anh Tú đi đâu ?

- Cậu ấy đi lính.

- Ảnh có nói với con là ảnh đi lính đâu ? Ảnh có ưng đi…

- Phải ! Cậu ấy không tự đi, tới tuổi người ta gọi đó.

Tâm tối tăm mặt mũi như vừa bị một bàn tay hộ pháp nào tát mạnh vào mặt, rồi lửa tung toé ra chung quanh. Đi lính ? Anh Tú đi lính ? Trời ơi ! Sao anh lại bỏ Tâm giữa lúc này ? Trời ? Mặt đất như rung rinh. Mắt hoa lên, Tâm thấy bà Ngọc, nhà cửa, cây cối đều xoay tít…


Về Đầu Trang Go down
https://nhanbkvn-2022.forumvi.com
Admin
Admin
Admin


Tổng số bài gửi : 17784
Points : 24761
Reputation : 0
Join date : 16/10/2016

Vượt Đêm Dài - Loại Hoa Xanh Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Vượt Đêm Dài - Loại Hoa Xanh   Vượt Đêm Dài - Loại Hoa Xanh Icon_minitimeSat Jun 03, 2017 6:30 pm

Chương 5

Hơn tháng nay, cha Tâm không uống rượu nữa. Nằm một chỗ, không đi đâu. Ban đầu ông còn ăn vài bát cơm, dần dần chỉ ăn cháo và mấy ngày gần đây, ông từ chối cả nước. Nằm, không nói năng, không ăn uống, không quát nạt, mắng nhiếc, không kêu đòi bất cứ một thứ gì. Khác hẳn thói quen thường ngày. Ông chỉ thở dài não nuột. Khi nào sâu rượu nó hành quá (ấy là theo lời bà Tư) thì ông lăn lộn thấy mà ghê. Nhưng qua cơn rồi ông hiền khô như hồi ở nhà quê vậy.

Người đàn ông nằm bằn bặt trên chiếc giường ọp ẹp rung rinh như chiếc thuyền con trên sóng.

- Hay là ông uống vài đồng bạc rượu thử coi ?

Mẹ Tâm năn nỉ. Cha Tâm lắc đầu. Bà lại dỗ dành :

- Hay là tôi đưa ông đi nhà thương thử coi ?

Cha Tâm lại lắc đầu.

- Ông bịnh gì thì cũng phải nói cho tôi lo chạy chữa, chớ ?

Ông vẫn lắc đầu. Mẹ Tâm oà khóc :

- Làm sao mà ông cứ nằm hoài vậy ? Có chuyện gì thì ông nói ra chớ ? Xứ lạ quê người, ông không thương mẹ con tôi sao ?

Lần này không trả lời vợ bằng cái lắc đầu nữa, cha Tâm trả lời bằng một tiếng thở dài. Tiếng thở dài hàm chứa biết bao xót xa, ai oán. Nghĩa rằng ông ta vẫn thương vợ quý con lắm. Nghĩa rằng ông không muốn nằm ỳ ra như vậy đâu. Nghĩa rằng ông muốn nói, nói rất nhiều cho vợ con hiểu nỗi lòng nung nấu của mình nhưng không mở miệng ra lời được. Có cái gì chẹn cứng ở cổ họng ông. Trời ơi ! Sao khi mở miệng chửi bới, mắng nhiếc, thốt ra những lời thô lỗ cục cằn thì dễ dàng đến thế ?

Còn bây giờ thì… Người đàn ông nhắm mắt lại để khỏi thấy bộ dạng tiều tụy của vợ mình. Tại sao mình lại thấy chậm vậy ? Tại sao ? Phải ! Quá chậm rồi, lão chẳng làm gì cho vợ con được nữa. Lão chờ đợi cái chết đến sơm sớm.

Nhịn đói, nằm yên, lại không uống rượu từ lâu cho nên lão sáng suốt hơn bao giờ hết. lão nhớ, nhớ từ chi tiết nhỏ những việc tuần tự xảy ra trong đời mình, nhớ một cách bình tĩnh như nhớ một chuyện của ai đâu mà lão chỉ là người bàng quan chứng kiến.

Con trâu, đám ruộng, thúng mạ, bó rơm… Cái cuốc mà chiếc cán lão cầm lâu ngày bóng nhẵn, ngôi nhà mà lão tự tay xây lấy với vợ con. Đụn rơm lúc nào cũng lùm lùm bên mé ao. Mấy bụi chuối lúc nào cũng tươi mát, xanh rì dù mưa đông hay nắng hạ. Này ! Có phải chính lão không… cái hình ảnh của một chàng trai lấc cấc đi theo cha trong ngày coi mắt vợ ? Và có phải chính lão đây không : gã đàn ông trung niên lúc nào cũng vui vẻ, xởi lởi, tốt bụng lúc phải chia bớt căn nhà cho những thị dân từ thành phố tản cư về ? Những ngày đó, lúc đầu gã đàn ông cứ phải đánh cái quần dài ngứa ngáy, bực bội làm sao. Quần dài là thứ sang trọng, xa xỉ mà gã chỉ phải đụng tới trong ngày tư ngày tết, ngày kỵ giỗ ông bà. Quên, phải kể cả những ngày có khách lạ nữa. Mỗi lần có khách từ thành phố ghé lại chơi nhà, gã lật đật xỏ hai chân vào cái quần dài rồi mới ra chào. Trong lúc vợ làm cơm dưới bếp, gã lo lui cui xách chai đi mua nước ngọt hay bia đãi khách. Ra đến ngoài, ngó trước ngó sau chẳng thấy ai, gã lại tuột phăng ra, vắt lên vai đi đến tận cái quán đầu phố chợ. Chẳng phải anh chàng hà tiện sợ rách quần, nhưng mà nó không quen, vướng víu làm sao ấy. Nói dại -- vừa đi anh chàng vừa nghĩ thầm -- lỡ có giặc mà phải mặc quần dài chắc là không chạy được.

Trên đường về gã vẫn vắt nguyên quần dài trên vai cho đến khi qua khỏi hàng dâm bụt làm rào trước sân, đặt mấy thức mua đãi khách xuống, mặc vào rồi mới vô nhà.

Chuyện xảy ra lâu, lâu lắm, vợ gã vẫn nhắc tới làm một trò vui, về sau này, khi chồng đã quen với quần dài.

Có phải gã không : hình ảnh người nông dân quáng quàng cuống quít thu dọn cửa nhà, đùm túm vợ con đi tránh giặc ? Trời ơi ! Lúc nào người nông dân chất phác đó cũng ngỡ rằng “chẳng ai người ta ghét bỏ chi hạng như mình, mình cả đời có giết nổi con vật gì đâu, ngoài con muỗi với lại con đỉa đói ? Mà cũng chẳng phải mình cố tìm giết nữa, nó cứ ập lại hút máu mình trong khi cày ruộng, hay khi ngủ, nghe ngưa ngứa… “

Làm sao mà người ta lại đánh giặc với bọn quê mùa, hiền lành, vô tội như bọn mình kìa ? Cha Tâm sợ đờ cả người. Chạy ! Chạy ! Ôi trời ơi ! Mình đây à ? Chính mình à ?

Cái hồi ở nhà có giỗ, một lần mẹ Tâm đau tay nhờ chồng cắt cổ giúp con gà, cha Tâm nằng nặc từ chối, sau cùng bà phải sang nhờ hàng xóm cắt giùm. Thế mà chạy loạn ít lâu chính tay ông đã nắm cổ con gà vặn chéo mấy vòng liên tiếp và trông thấy máu chảy ròng ròng, ông cứ tỉnh như không. Quá ! Quá rồi ! Quỉ ám mình rồi !

Say sưa, biếng nhác, hung bạo, gian giảo… thật là đủ nết… Nhưng cái điều làm cha Tâm đau ngấm, đau ngầm, đau ghê gớm nhất là vì mình mà con phải hứng chịu trận đòn phủ phàng tàn nhẫn của mẹ nó ; đau lòng hơn nữa là mình đã đê tiện cho đến nỗi không dám nhận tội mình.

Từ bữa bị trận đòn, Tâm không nhìn mặt cha nhưng cha nó thì len lén nhìn nó luôn. Ông ta bắt gặp ánh mắt con trai đầy oán hờn trong câm lặng. Phải chi lão nói ra được, lão sẽ nói thế này :

- Con ơi ! Tâm ơi ! Cha hối lỗi lắm ! Cha thương con lắm ! Con tha tội cho cha !

Nhưng lão không nói được. Làm sao mà ra nông nổi này ? Tại ai ? Tại mình ? Tại người ân nhân ? Tại rượu ? Tại giặc giã ? Tại nghèo đói, thèm khát quá ? Không ! Không, chẳng tại ai, tại gì cả. Chỉ tại mình, mình sống không ra con người nữa, trách móc cái gì ? Trách ai ?

Nước mắt trào ra, rưng rưng, rưng rưng… “Chết !” Lão buột miệng kêu thành tiếng làm vợ lão giật mình hốt hoảng :

- Hả, ông nói sao ? Ông nói gì ?

- Chết ! Tôi muốn chết ! Hết thiết rồi…

- Ông làm sao kỳ vậy ? Ông có tỉnh không ? Tâm ơi, cha mày…

Nghe mẹ kêu thất thanh, Tâm chạy lại nhìn kỹ cha – đây là lần đầu từ khi câu chuyện xảy ra, nó nhìn kỹ cha nó – Tâm vụt thấy nỗi oán hận chồng chất trong lòng tan biến mất. Nom ông gầy gò, xương nhô lên lần áo, trông thật thảm. Hai con mắt lờ đờ, mệt mỏi khác xa ngày trước, thụt sâu chứ không có vẻ muốn nhảy bung ra ngoài dù những sợi gân đo đỏ vẫn chằng chịt bao quanh.

Còn đợi gì nữa ? Đây há không là dịp thuận tiện để lão xin lỗi con lão đó ư ? Phải ! Lão đã hành hạ vợ con biết bao nhiêu ? Lão đã… Người đàn ông thở hổn hển, ngập ngừng nói :

- Mẹ nó với thằng Tâm còn giận tao không ? Tâm ? Cha…

Nhưng người đàn bà ngăn lại :

- Ông đừng nói gì hết. Đừng nghĩ gì hết. Lưu lạc, cực khổ, tai nạn làm cho ông thay đổi… đừng nói gì hết, miễn ông thương mẹ con tôi là đủ, quên đi ! Đừng nhớ gì hết. Cầu ơn trời… yên ổn rồi…

- Để tôi nói ! Để yên tôi nói… không thì tôi chết không nhắm mắt được đâu, bà ơi !

Tâm chịu không nổi nữa. Nó nức lên khóc và vụt chạy ra ngoài…



***



Đang ngủ say, bỗng tiếng hét thất thanh của mẹ nó làm nó choàng dậy. Thằng bé chưa hoàn hồn, dụi mắt ngồi lên thì thấy mẹ đang gục bên giường cha, nức nở khóc. Tâm linh cảm một điều ghê gớm xảy ra, nó lao tới.

Cha nó nằm thẳng trên giường, mình khô đét, hai mắt vẫn mở trừng trừng trông thật khiếp. Mẹ nó lạc giọng, nói:

- Tâm, chạy qua kêu bà Tư, mau !

Không kịp dạ, Tâm cắm đầu chạy biến. Bà Tư đang ngủ, ban đầu bà gắt :

- Mua bán gì chừng này, để ta ngủ. Mai mua.

Tâm vừa thở vừa nói to :

- Không phải mua đồ đâu bà Tư, cha con…

Bà Tư chợt hiểu, bà ngồi phắt lên, sờ soạng tìm guốc, vặn đèn, mở cửa rồi lập cập, hối hả theo chân Tâm. Bà hỏi :

- Cha mày làm sao ?

- Con không biết. Con đang ngủ, nghe mẹ con la lên rồi biểu qua kêu bà.

- Tao ghét thằng cha mày lắm. Cả đời cứ hành hạ vợ con.

Tâm lặng thinh. Nó hết ghét cha rồi. Có một sợi dây vô hình ràng buộc nó, kéo nó lại gần cha từ bữa mẹ nó kêu nó lại gần ông và khi ông cất tiếng gọi Tâm. Không, dù cha nó không nói ra hết, Tâm đã hiểu rồi, nó không hờn oán cha nó nữa. Nó nhận ra điều này : cha nó khổ sở nhiều lắm, đau đớn ghê lắm, có lẽ còn hơn nó nữa. Và ông vẫn thương nó, vẫn hiền lành, vẫn không khác xưa chút nào. Đành rằng ông có say sưa, hung bạo, tội lỗi nhưng mà cha nó không muốn như vậy, tại cái gì xui khiến, chắc tại ông gãy tay ? Chắc tại không đi làm được nên ông sinh buồn, sinh hư. Với lại tại rượu ? Dù bây giờ con mắt ông trợn trừng, Tâm không dám nhìn, nhưng nó không bao giờ quên đôi mắt ông, quên cái nhìn ông bữa đó, cái nhìn đầy van vỉ, thiết tha, đau đớn biết chừng nào ! Rồi Tâm lại nhớ cái lần ông đạp chiếc xích lô về lần đầu. Mặc dù bị mẹ Tâm ngăn cản, ông vẫn lén vợ chở Tâm đi một vòng. Đôi mắt ông sáng ngời lên khi bắt gặp cái cười hả hê, thích thú của Tâm. rồi Tâm lại nhớ kỳ tết năm đó, khi cha chưa gãy tay, mẹ với Tâm đi chợ sắm tết, ông tới hãng lãnh xe ra, đón đợi chở mẹ con về, nhưng mẹ Tâm nhất định không đi, bà nói :

- Kỳ quá ! Ông có chở nó với đồ đạc về thì chở. Tôi đi bộ. Ai lại ngồi lên xe để ông… kỳ lắm !

Nói hoài mẹ Tâm vẫn không nghe, sau cùng cha Tâm đành phải chở mình Tâm. Dọc đường, Tâm thích chí cười toét miệng. Một lần Tâm quay lại, cha nó hỏi :

- Con ưng đi xe, hử ?

Tâm gật đầu. Ông lại hỏi ;

- Nữa cha chở con đi học, chịu không ?

Tâm lại cười tít mắt, gật đầu. Đó : đó mới là hình ảnh của cha nó. Đó mới chính là cha nó. Còn bây giờ…

Chưa vô tới cửa, mẹ Tâm đã chạy xổ lại bên bà Tư, nắm tay bà lôi đến bên cha Tâm, giọng hớt hãi :

- Bà Tư, làm sao ? Làm sao đây bà Tư ?

- Cái gì mà rộn quá vậy ? Để coi…

Giọng bà tỉnh táo, bà đến sát bên cha Tâm, cúi xuống. Bà đặt tay lên ngực cha Tâm, bà lại đặt tay sát mũi cha Tâm, rồi bà nắn nắn cánh tay cha Tâm. Trông cảnh tượng đó, Tâm có cảm tưởng như câu bà vừa nói : “Tao ghét thằng cha mày lắm” không phải do miệng bà thốt ra mà do người khác. Bỗng bà thở dài một cái, quay lại nói nhỏ với mẹ Tâm :

- Thôi, cha nó đi rồi, mẹ thằng Tâm à.

- Hả ? Bà nói cái gì kỳ cục vậy ? Đi sao được ? Ổng đau ốm gì đâu ? Bà Tư ? Bà nói…

Mẹ Tâm túm áo bà y như bà làm cho chồng mình chết vậy. Bà Tư điềm đạm nói một câu không ăn nhập gì đến câu mẹ Tâm hỏi :

- Coi vuốt mắt cho cha nó. Lấy tro rắc dưới bốn chưn giường. Đừng cuống lên làm chi. Sớm mai tao biểu thằng Lâu qua… nhà đơn chiếc quá.

Người đàn bà gãy gập xuống như một thân cây chuối bị lưỡi mác sắc phạt ngang.

Ổng đi rồi ? Sao dễ dàng, mau lẹ quá ? Sao bất ngờ quá vậy, vô lý vậy ? Ừ ! Thì ổng cứ say sưa, biếng nhác, hành hạ, chửi bới mẹ con bà. Ổng cứ nằm đó để mẹ con bà tần tảo chạy tới, chạy lui, bà đâu có kêu ca, trách móc chi ? Ổng đi rồi ? Khoảng trống đó làm sao lấp ? Chỗ vắng đó lấy gì bù ? Không ! Ông không cần phải làm gì hết, đợi yên xong rồi sẽ trở về quê… Làm sao mà ông lại bỏ đi nửa đường, nửa đoạn vậy, hở trời? Bà có để ông thiếu rượu, thiếu cơm đâu ? Ông giận dỗi ai ? Từ bao giờ ? Vì cái gì ? Cho đến nỗi vì say sưa ông đã làm điều xằng bậy mà rồi biết được, mình cũng không nặng nhẹ lấy nửa tiếng, lấy một lời. Ông đau ốm làm sao mà không chịu nói ? Sao ông vẫn sáng suốt, bình tĩnh cho tận đến lúc thân thể cứng đờ ? Ai bắt ông phải nhịn cơm, nhịn rượu ? Trời ơi ! Trời ơi ! Trời !

Trông dáng bộ mẹ, Tâm chết sững. Sao mà Tâm phải chịu nhiều thống khổ đến thế này, kìa ? Nó bối rối quá đỗi, không biết phải làm gì để giúp mẹ mình, Tâm biết rằng mẹ mình đáng thương hơn bất cứ lúc nào. Bà Tư dìu thằng bé lại bên mẹ nó, cất giọng buồn rầu :

- Mẹ thằng Tâm ! Phải nghĩ tới lũ nhỏ. Người chết đã yên thân. Mày không làm gì quấy. Liệu chừng, mày mà đau ốm thì khổ cho trẻ…

Mẹ Tâm khóc rấm rức, khóc tức tưởi, khóc thảm thê. Tâm chưa bao giờ thấy mẹ nó xúc cảm tới mức đó. Bao nhiêu đau đớn như có dịp tuôn trào, như mạch suối vừa mới khai thông… Bà ôm chặt con, nức nở ;

- Con ơi ! Ổng bỏ mẹ con mình, ổng đi rồi, con ơi !

- Thôi, tao biểu vuốt mắt cho nó, nói không nghe tao bỏ, tao về giờ.

Giọng bà Tư hờn dỗi. Mẹ Tâm lau nước mắt, bước lại gần xác cha Tâm. Tâm nhìn cha không chớp mắt. Sao bây giờ ông dài quá ? Lúc sống ông có cao lắm đâu ? Tâm thương cha nhưng mà để bụng chớ không dám lại gần. Hình như cái xác kia không còn liên lạc gì với nó nữa, hết rồi. Vậy mà lạ thay : khi mẹ nó đưa bàn tay xương xẩu, xanh xao, chằng chịt những sợi gân nổi phồng lên như những con giun vuốt lên mặt cha nó một cái, từ trán xuống, thì đôi mắt mở trừng trừng liền khép kín y như khi cha nó ngủ vậy. Tâm thấy bàn tay mẹ run bây bẩy… Tâm đau nhói tận tim. Nó hét lên :

- Cha ơi !

Và quên cả sợ hãi, thằng bé lao lại ôm cha, nhưng khi chạm phải bàn tay lạnh ngắt của xác chết, nó rụng rời lùi lại.

Từ phút đó, Tâm và mẹ nó y như hai cái máy, đặt dưới quyền điều động của bà Tư.

- Mẹ thằng Tâm, coi soạn áo quần của cha nó ra, cắt hết nút đi, nhà còn rượu không ?

- Dạ hết lâu rồi.

- Được, chút nữa qua bên tao lấy. (Bà quay qua Tâm) Còn con, coi ẵm em qua bên bà mà ngủ. Sáng mai ở luôn bển, nghe không ? Cấm không được về đa. Mai thím Lâu nấu cơm cho ăn, để bên này sửa soạn cha mày. Cấm không được về, chừng kêu…

Tâm không dạ liền, nó nhìn mẹ ngầm hỏi ý, mẹ nói :

- Con nghe lời bà Tư đi, con Tâm !

Tâm riu ríu vâng lời mẹ. Nó lại võng bồng em ra, vác thằng bé lên vai, qua nhà bà Tư “Con nghe lời bà Tư đi, con Tâm !”. “Con ơi ! Ổng bỏ mẹ con mình ổng đi rồi, con ơi !” Giọng mẹ nó sao tràn ắp những mến yêu tha thiết ? Thương ơi ! Nghe được tiếng CON mà nó mong ước đó, Tâm đã mất cha rồi ! Nó chớp mau mắt, những giọt nước thi nhau rụng… Ôm chặt em trong tay, thật chặt, nó như muốn chuyền hết hơi ấm trong người cho em. “Mình phải thương nó, thương mẹ, thương nhiều nhiều… “

Tâm vừa khóc, vừa đi, vừa nhủ thầm mình.

Cùng một lúc cái ý định bỏ nhà đi giang hồ tan biến trong lòng thằng bé.

Về Đầu Trang Go down
https://nhanbkvn-2022.forumvi.com
Admin
Admin
Admin


Tổng số bài gửi : 17784
Points : 24761
Reputation : 0
Join date : 16/10/2016

Vượt Đêm Dài - Loại Hoa Xanh Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Vượt Đêm Dài - Loại Hoa Xanh   Vượt Đêm Dài - Loại Hoa Xanh Icon_minitimeSat Jun 03, 2017 6:31 pm

Chương 6 (hết)

“Sài-gòn, ngày… tháng… năm…

Anh Tú ơi !

Hôm qua em gặp thằng Vĩnh, nó đưa thơ anh cho em. Em mừng hết sức là mừng. Anh ơi ! Em cứ tưởng anh đã quên em rồi chớ ! Dạ, phải, cha em chết rồi. Tội nghiệp quá phải không anh ? Dạ, em thương ổng lắm, hết giận ổng rồi. Trước nay cha em không có làm gì bậy bạ, ổng chỉ chửi mắng mẹ em với em thôi. Chắc là tại rượu đó, anh Tú. Em thù rượu lắm.

Em còn nhớ có lần anh cho em mượn cuốn sách, trong đó có chuyện một vị hung thần kia nói với người con trai rằng : “Mày phải chọn trong ba điều này : uống rượu, giết mẹ hay là đánh chị mày”. Anh nọ đâu có muốn đánh chị, giết mẹ ? Cho nên chọn ngay cách uống rượu. Ai ngờ uống rượu xong anh ta liền giết mẹ và đánh chị mình… Em thương cha em lắm. Tội ông phải không anh ? Anh Tú ơi ! Chuyện… “

(Tâm toan kể những nỗi phiền muộn khổ sở do hành động cha gây cho nó, song sực nhớ là anh Tú không biết, nên ngưng lại, bụng bảo dạ : “Thôi, kể ra làm chi, tội cha mình, đã qua rồi, đừng nhắc”. Và nó bỏ chữ chuyện đi, viết tiếp :

“Cha em chết chắc là bà Ngọc hay thằng Vĩnh cho anh biết tin ? Dạ, bữa đó ai cũng có qua thăm, con Cúc, mẹ nó, chị bếp, còn bà Tư thì ở luôn cả ngày bên nhà em. Ai cũng khóc hết, bà Ngọc với thằng Vĩnh đi Cấp, chừng chôn cha em hai ba ngày sau đó mới về. Bà có qua thăm mẹ con em. Thằng Vĩnh cũng có đi qua nhà em. Coi bộ nó không làm dóc với em nữa, anh ơi !

Mấy bữa rày, ai cũng tử tế với em, không ác với em nữa, mà em không vui được. Bây giờ, mỗi lần em đi xin lửa, ai cũng vui vẻ gấp cho chớ không hất hủi như trước. Bà Tư không đòi tiền mẹ em nữa, tiền rượu ba em thiếu đó mà. Bà nói :

“Thôi, xí xoá, tao có đòi tao cũng không giàu. Để nó phò hộ cho tao, còn người còn của” Nghĩa là bà nói để cha em phò hộ đó anh hiểu chưa ?

Anh Tú, thằng Vĩnh nó muốn chơi với em, anh ơi ! Anh biểu nó phải không ? Nó nói với em là anh giỏi lắm, biết nhiều thứ tiếng lắm ? Vậy sao cũng phải đi lính ? Anh biểu em kể chuyện dài dài cho anh biết mà em đâu biết chuyện gì nhiều ? Còn anh hỏi em ưng gì, muốn gì thì em xin nói ra liền đây : em ưng ở gần anh. Em ưng được đi học thêm nhiều nhiều một chút nữa. Em ưng có một cái bóng đèn điện trong nhà, đặng tối tối đọc sách chơi. Chưa hết đâu anh ơi ! Em còn ưng có một cái hộp diêm trong nhà để khỏi mỗi bữa mỗi xách mặt tới nhà này nhà kia xin lửa, kỳ lắm.

Thơ của anh đọc hay ghê lắm. Anh viết như trong sách vậy. Em gần thuộc lòng đó anh. Anh Tú à ! Anh biết em thương cái gì không ? Em thương cái thơ anh, em muốn treo lên vách hay là lồng trong kiếng như là ở mấy tiệm hình họ lồng hình mấy cô đẹp đẹp vậy, mà bực quá, em không có kiếng, với lại anh tính coi nếu em lồng thơ anh vô kiếng thì em phải lồng mặt nào ? Mặt nào cũng có chữ hết mà, thấy bên này, mất bên kia, em không chịu, không ưng như vậy. Khó nghĩ chớ, anh ? Em tính vầy đây : từ nay anh viết thơ em thì viết hai trang, trang nào cũng viết một mặt giấy thôi. Em ưng như vậy, không phải em tính lồng kiếng đâu, mà điều em ưng trải thơ anh ra, đọc tuốt hết trang này tới trang kia, không phải lật, em muốn thấy hết một lần tất cả những chữ anh viết cho em, như vậy thích lắm. Anh hiểu chưa ?

Thôi, em phải đi nấu cơm. Bữa rày mẹ em thương em rồi. Chắc tại cha em chết ? Em thăm anh nhiều nhiều. Em trông thơ anh lắm, mà em không ưng anh gởi nơi thằng Vĩnh, lỡ nó <em>chơi xấu</em> không đưa em thì sao? Em không tin nó đâu.

Quên chớ, anh thấy có lỗi chánh tả thì nói cho em hay, nghe anh ! Em là Tâm, ký tên dưới đây.”



***





“ Saigon , ngày… tháng… năm…

Thưa anh Tú.

Được thơ anh, em mừng kinh quá. Em đâu có cãi lời anh ? Em lo học chớ ? Mà em biết học cái gì đây. Anh nói, (quên, em xin lỗi anh, em viết lộn) anh viết rằng “Em đừng buồn, em còn có cả một đời trước mặt, tha hồ học”. Thì em cũng nghe vậy chớ không tin. Thì em còn một đời chớ sao ! Mà làm sao học ? Hồi còn anh ở đây, anh dạy chớ bây giờ ai dạy em ? Đợi anh về hả ? Chừng nào ? Chắc lâu lắm ?

Mẹ em đã xin rồi, không được, em quá tuổi rồi, không vô trường công được. Còn trường tư thì mắc tiền, tiền đâu ? Mẹ em nói : “Để coi” rồi bà lơ luôn. Em biết mà ! Em biết mẹ em mà ! Mẹ em đâu phải là em mà ưng chuyện học hành ?

À, bây giờ em đọc thông suốt lắm. Em đọc như xối nước trên tàu lá môn, như xối mỡ trên tàu lá chuối vậy đó, anh coi ngon lành không ? Nghĩa là em không có ngúc ngắc trù trừ gì hết, em đọc mau ghê gớm ! Em vô phước lắm phải không anh Tú ? Thì anh coi : cha em chỉ hiền lành, chỉ biết thương em khi ông gần chết. Mẹ em cũng chỉ muốn cho em đi học khi em quá tuổi. Em, em chỉ giỏi khi anh xa em tít mù khơi, làm sao anh thấy được ? Có ai rủi ro hơn em không ? Anh Tú ?

Anh Tú ơi ! Có một chuyện tức cười hết sức : ông y tá xóm mình đó, anh nhớ không, cái ông mà diện như bác sĩ đó mà. Nhớ chưa ? Bữa nay ổng treo tấm bảng có hàng chữ như vầy trước ngõ : “Ở đây có chít thuốc theo toa bát sĩ”. Anh thấy chưa ? Thấy dốt chưa ? Em không ngờ chớ. Phải chi ổng nhờ em, chắc em viết còn ngon lành hơn. Vậy mà con Cúc nó học trước em anh nhớ không ? Mà nó không nhận ra chuyện đó. Anh nghĩ sao về chuyện này ? Tại nó dốt hay là cô giáo nó dốt, cổ dở hơn anh ? Khi em hỏi nó, không, khi em đố nó : “Cúc, mày thấy ông y tá dốt chỗ nào không ? Tao thấy đó” thì nó chu mỏ lên, nghẽo đầu lại, nheo nheo mắt nhìn tấm bảng thiệt kỹ, rồi nói : “Hừ ! Dóc tổ mẹ ! Cái mặt mày mà hơn ổng sao ? Người ta viết vậy còn chê nỗi gì ? Đồ ngu !”

Anh thấy không ? Con gái hỗn vậy đó, mình ngu mà cứ nói người ta ngu ! Em không ưa nó được.

Anh hỏi thằng Vĩnh hả ? Nó tử tế với em lắm, mà em thấy… Không, em có nghĩ xấu cho nó đâu ? Là em phòng xa mà. Với lại em muốn anh gởi thơ thẳng cho em không muốn qua tay nó, mà em lại ngu không nghĩ tới cái chuyện em không có một địa chỉ đàng hoàng để anh gởi thơ ! Phải, anh giỏi quá ! Cái gì cũng biết hết. Thôi, phải chịu vậy, chớ em đâu dám kêu ca gì ? Để rồi chừng yên xong đâu đó, nghĩa là hết giặc giã, em về quê thì có địa chỉ đàng hoàng. Nghĩ cũng kỳ : nhà ở thành phố thì phải có số mà nhà em chẳng có số gì hết.

Quên, chuyện ông y tá chưa hết, để em kể tiếp : chữ viết thì tệ vậy đó mà mỗi lần ổng đi đâu thì ôi thôi ! Em cũng mê luôn. Áo quần sang quá là sang, nhứt là áo ổng : trắng lôm lốp, cổ cao bằng cổ áo dài mấy cô, bên ngực có một cái chữ thập (như dấu cộng) màu đỏ choé, nút thì gài xéo một bên chớ không gài chính giữa đâu. Hồi giờ em chưa thấy ai mặc áo kiểu gài nút một bên hết, anh thấy chưa ? Đi đâu, ổng cũng xách cặp kè kè coi oai lắm. Mà làm bộ ghê chớ : ổng không bao giờ ngó ai hết. Em ghét ổng chớ không thương mà sao hễ thấy ổng là em nhớ anh liền, chắc chắn là ổng dốt hơn anh, mà làm bộ nỗi gì ? Cô giáo Mai cũng dễ thương, cổ cũng không dốt mà không làm bộ đâu. Cổ đi đâu rồi. Anh biết không ?

Còn một chuyện nữa, anh Tín em chị bếp đó, anh biết không ? Đi đâu mất tiêu rồ. Chị bếp khóc dữ.

Chừng nào anh về ? Hay là anh đi luôn ? Chữ em còn xấu lắm hả anh ? Em tập viết luôn đó chớ đâu có làm biếng ? Kỳ này em có nhiều giấy lắm, bà Ngọc cho, thằng Vĩnh cho.

Em chưa viết tập lần nào mà dài như viết cho anh. vậy mà phải chịu khó viết chữ nhỏ, chớ không thì họ phạt, thằng Vĩnh biểu vậy. Em tính xin tiền mẹ đưa nó mua giùm tem để gởi thơ anh mà nó cho em bì thơ, lại có cả tem nữa. Em cảm ơn nó lắm, chắc bà Ngọc biểu đó. Mà em không vui, em nghèo quá, cho tới nỗi không có tiền mua tem viết thơ anh, cái gì cũng nhờ, cũng xin… Em buồn quá, anh Tú à !

Thôi, em thăm anh mạnh giỏi. Em nhớ anh lắm. Em là Tâm, xin ký tên đây !”



***



“Sài-gòn, ngày… tháng… năm…

Thưa anh,

Bữa nay, bà Ngọc đưa thơ anh cho em chớ không phải là thằng Vĩnh nữa. Lần nào cũng vậy, em mừng quá, xé toạc cái thơ ra, em không ngờ anh có bỏ tem trong đó gởi cho em. Vì vậy nên mấy con tem rơi ra gió thổi bay tuốt (lúc đó em vừa ở bên nhà bà Ngọc cầm thơ anh chạy về, mà chưa đến nhà đã nóng ruột xé liền giữa đường, lại đang có gió mới là ác chớ ! Em rượt theo mấy con tem gần hụt hơi. Rồi em cũng tóm được cổ tụi nó xách về. Tụi nó hơi dơ một chút, mà không hại gì, em lau phủi sạch sẽ, cất dành để viết thơ cho anh). Em cảm ơn anh nhiều lắm, về chuyện cái hình anh gởi cho em chớ không phải chuyện tem, vì tem thì anh không gởi, em cũng cố làm sao cho có mà gởi thơ anh, còn hình thì quý hơn : thấy hình cũng như thấy anh, đỡ nhớ lắm. Anh không khác gì hết, à có : khác cái đầu tóc cụt ngủn ! Với lại hơi ốm. Chắc anh tập tành cực lắm ? Mẹ em nói vậy.

Em nói vậy chớ nếu anh không gởi tem thì em cũng mệt lắm, xin mẹ em thì cũng được mà chắc hơi lâu. Không lẽ em hỏi xin thằng Vĩnh ? Chưa gì nó đã nói phải đến tận nhà bưu điện dưới Sài-gòn mới mua được. Em hỏi bưu điện chỗ nào gần không, thì nó nhún vai một cái, không trả lời em, mà lại nói : “Tướng mày mà xuống bưu điện được thì tao kêu mày bằng anh hai !” Khinh mình quá, anh thấy không ? Em tính gây lại mà nghĩ mình còn phải nhờ nó chuyện thơ nên phải nhịn cho yên.

Em tính chiều nay, khi nó qua lấy thơ em để gởi, em sẽ nói vầy : “Thôi, cảm ơn, tao gởi một mình được” Quên, anh đừng tưởng nó tốt bụng lo giùm gì đâu, đó là bà Ngọc dặn vậy. Bà biểu nó chiều nay qua lấy thơ em về bà sẽ gởi giùm, bà cho bao thơ, tem và gởi nữa. Em sẽ làm cho nó ngán em, không coi thường em nữa mới được. Anh nghĩ có nên không ?

Anh nói là nhà văn họ chỉ viết một trang, quên, một mặt giấy thôi hả anh ? Tại sao vậy ? Họ ưng xài sang chắc ? Anh quen với họ hả ? Anh cắt nghĩa cho em biết, nghe không ?

Có chuyện này hay lắm, chuyện anh Tín (em chị bếp đó mà) anh biết ảnh đi đâu không ? Đi lính. Nghĩa là không giống anh đâu, cái này là tình nguyện mà. Ghê không ? Làm chị bếp khóc sưng cả hai con mắt. Bữa kia chị tìm em, nhờ em đọc thơ giùm. Chỉ không dám nhờ thằng Vĩnh, nhờ thì nó cũng đọc, mà chỉ đang giận nó cái gì đó, (Không biết chữ khổ thiệt, anh thấy không ?) Thơ vầy chớ :

“Trước lúc chia tay biết nói gì ?

Cười ư, chua chát lệ dân mi

Người ơi, hãy lắng niềm cay đắn

Cho khỏi bậng lòng kẻ bước đi”.

“Nếu chị bắt được thơ này thì em đả đi xa rồi. Chị Nghĩa ơi ! Em không muống đi đâu mà em nghỉ ở nhà thì cũng vậy thôi, tài trai ngang dọc hải hồ, phỉ chí nam nhi chớ cứ lo lui cui may đồ cho họ bậng, em buồn lắm. Chị à, em không muống làm thợ may đâu, em ưng làm chiến sỉ! À, còn số tiền em mượng của chị, chị đừng buồn em, để nửa lãnh lương em gởi về cho chị nghe.

Em sẽ khoác chiến y trong khi trở lại. Chị đừn buồng em. Trong thời dan em đi lâu nhứt là bốn (4) tháng là em về thăm chị. Em Tín của chị.”

Đó anh đọc coi vui không ? Lại có bốn câu thơ nữa chớ. Không phải em học thuộc lòng đâu, em làm gì giỏi dữ vậy, như vầy nè : em đọc thơ xong, chị bếp khóc ròng. Em cũng khóc theo. Em với chị bếp đều thương người ra đi hết, anh thấy chưa ? Mà điều chỉ thì thương em chỉ, em thì thương anh. Em chỉ ưng làm chiến sĩ mà đi, còn anh thì không có ưng, bị bắt buộc. Thấy em khóc, chỉ tưởng em thương chỉ, chỉ ôm em mà hỏi : “Em thương chị lắm phải không ?”

Đáng lẽ em trả lời là em không có thương chỉ, em thương anh, mà em không nói được, nghẹn quá, đang khóc mà, nên em gật đại. Chỉ càng khóc to thêm, làm em càng tủi, càng nhớ đến anh, lại cũng khóc to thêm.

Mấy bữa nay, chị bếp thương em lắm (chắc vì chuyện em khóc bữa đọc thơ) Em không muốn phỉnh chỉ mà em cũng không biết làm cách nào cho chỉ biết sự thật, nên im luôn. Sáng nay, chỉ qua nhà em, đưa cái thơ anh Tín, biểu vầy đây :

“Tâm ơi ! Em viết giùm chị cái thơ cho thằng Tín, chị biết em thương chị nên chị mượn, chớ chị không thèm nhờ thằng Vĩnh”.

“Sao chị không mượn thằng Vĩnh ?” Em hỏi lại như vậy. Chỉ thú thật với em là thằng Vĩnh với anh Tín hay gây lộn, nó hay chê anh Tín nhà quê, nên chỉ không muốn cho nó biết việc nhà, việc cửa của chỉ. Em nhận viết giúp liền. Đó cũng như là viết tập chớ gì, phải không anh ? Mà em buộc chị bếp phải để thơ anh Tín lại cho em coi đặng em dễ trả lời. Anh biết tại sao không ? Nghĩa là em muốn lấy thơ đó, coi mà chép gởi cho anh, để anh thấy rằng anh Tín nói dóc với em. Em không ưa đứa nói dóc. Hồi còn ở nhà ảnh nói vầy chớ “Tao đậu tiểu học rồi đó, mày” Đó, bây giờ anh đọc cái thơ coi, anh biết liền. Em cam đoan với anh là em không có thêm hay bớt một chữ, một cái dấu cũng không. Đặng anh thấy mà biết em tiến bộ ra sao, em không có tiểu học, không có đến trường ngày nào, em chỉ nhờ anh dạy mà thôi.

Quên chớ, chị bếp cho em hai chục đồng (chắc là trả công viết thơ mà không nói ra). Em tính không lấy rồi nghĩ có lấy cũng được. Em cần có tiền để rồi đây hết mấy con tem thì mua gởi cho anh. Em lấy tiền chỉ mà không viết thơ cho chỉ trước, em viết thơ anh trước, ngon lành không ?

Còn một chuyện nữa : bà Ngọc nói bà thấy em sáng ý nên muốn xin giúp cho em vô làm trong nhà in. Hay không ? Mới nghe em mừng muốn xỉu, bây giờ viết thơ anh, em tỉnh táo lại, không dám tin nhiều. Nhà in ? Đâu phải chuyện chơi ? Em có bao nhiêu chữ nghĩa mà dám hý hửng chớ ? Em không có tiểu học, chưa vô cửa nhà trường lấy một ngày, ai thèm nhận em ? Chắc em phải cam phận hốt rác cả đời quá, anh Tú ơi ! Em muốn khóc quá, anh ơi !

Bây giờ, em xin ngừng nơi đây, vì em phải viết thơ chị bếp. Anh nhớ trả lời cho em mừng thử em viết có tệ hơn anh Tín không, em có nhiều lỗi không, và chữ em có thua anh Tín không ? Em trông thơ anh lắm đó. Em Tâm xin ký tên”.



***



“Sài-gòn, ngày… tháng… năm…

Thưa anh Tú,

Bữa kia em gởi thơ anh rồi, đọc lại mấy tờ giấy nháp, thì thấy em bậy quá. Em chỉ chép lại cái thơ anh Tín chớ có gởi nguyên cái thơ cho anh đọc đâu mà biểu là anh so sánh chữ ảnh với chữ em ? (so sánh lỗi thì được). Vì vậy em sợ anh la nên phải viết tiếp thơ này, xin anh đừng giận.

Với lại, tuy có ba ngày mà em có thêm nhiều chuyện quá, cần phải nói với anh, để trong bụng chịu không nổi. Trước hết là chuyện anh Tín. Anh biết sao không ? Ảnh có tiểu học thiệt chớ không có nói dóc đâu. Chị bếp có đưa em coi cái bằng tiểu học của ảnh. Bằng đẹp thiệt là đẹp. Em mà có bằng như vậy thì em lồng kiếng treo liền! Em bàn với chị bếp là mua kiếng về lồng cái bằng treo lên cho bớt nhớ (có hình trong đó mà) thì chỉ khóc (chỉ hay khóc lắm) mà nói : “Thôi em ơi ! Treo làm chi ? Với lại nhà cửa của người ta, chớ phải nhà mình sao mà treo lên ?” Chỉ nói sơ sơ vậy là em hiểu liền, chỉ sợ thằng Vĩnh thấy, nó cười chỉ đó mà.

Rồi em còn biết thêm chuyện động trời này nữa, là bà Ngọc đã xin giúp cho anh Tín vô nhà in học việc (sướng ghê không ?) vậy mà vô đâu được hơn một tháng thì chê, không thèm học nữa, nói là “đau lưng quá, chịu không nổi”. Đau lưng, con trai gì mà nói nghe như ông già !

Rồi sao, anh biết không ? Đòi đi học thợ may. Học đâu hai tháng, may được sơ sịa chi đó, lại kêu chán lắm, không chịu nổi. Rồi trốn chị bếp, xin vô lính. Trời ơi ! Có 16 tuổi chớ bao nhiêu. Em nghe phát tức giùm. Phải chi em là anh Tín, có người chị thương yêu như chị bếp, có bằng tiểu học… ảnh có nhiều thứ em ao ước mà em không có, anh thấy chưa ? Vậy mà lại ưa chuyện gì đâu không.

Còn cái thơ em viết giùm chị bếp mới là tức nữa. Viết xong, đọc cho chỉ nghe chỉ không chịu, biểu em bỏ đi, viết lại. Anh biết tại sao không ? Vì trong đó em xưng chị, kêu anh Tín bằng em tử tế, ngọt ngào lắm, cũng không nhắc gì đến chuyện tiền bạc hết. Em viết rằng “Chị nhớ em lắm, chị không buồn em đâu”. Nghe em đọc tới khúc này, chị bếp có bộ giận dữ, chỉ nói :

- Không được, không được, em nói văn chương vậy không được, thằng dịch này phải nói sao cho nó đọc, nó bể hai cái đầu ra kìa!

Em tức quá, một cái thơ, đổ mồ hôi chớ dễ dàng mà viết cho lẹ đâu ? Em mới cằn nhằn chỉ :

- Sao chị không nói trước ? Mất công người ta quá.

Chị bếp nói :

- Thôi, chị xin lỗi, vuốt giận em. Bây giờ chị nói sao em viết vậy là được, dễ lắm, chịu không ?

Thấy em ngần ngừ, chỉ tưởng em có ý làm khó, lại dỗ dành và hứa cho thêm tiền. Em đâu có xấu vậy ? Em nói vậy rồi lấy giấy viết ra. Chỉ đọc một hơi vầy chớ :

“Tín ơi, mày là thằng quỉ. Mày không biết thương con chị mày. Tao để dành bao nhiêu tiền mày ăn cắp hết rồi giờ còn viết thơ về nói là để lãnh lương gởi về cho tao. Tao có xin xỏ mày bao giờ chưa ? Thằng quỉ ? Thôi, tao thí cho mày đó. Đừng có thơ từ gì hết, tao từ mày luôn. Đừng chị đừng em gì nữa hết. Tao chết tao chịu, mày chết mày chịu, tao nói cho… “

Em hoảng quá la lên :

- Trời ơi ! Khoan khoan, để cho người ta đề ngày chớ, chị đọc kiểu đó chết cha người ta, làm sao người ta viết kịp ?

Chị cười xẻn lẻn :

- Thôi, xin lỗi, xin lỗi em ! Ủa, mà phải đề ngày nữa hả, chi vậy, em Tâm ? Đừng đề được không ? Trưa rồi, chị sợ trễ cơm bên nhà quá…

Em nổi tức lên, em nói :

- Trưa thì thôi, đừng viết. Viết thơ thì phải đề ngày chớ đề chi, hỏi vậy em làm sao trả lời được ? Anh Tú dạy vậy đó…

- Thôi được, em đề ngày đi, chị đợi.

Em đề ngày xong, kêu chỉ, biểu đọc lên. Chỉ đọc chậm chậm, em viết theo lời chỉ cho vừa bụng chỉ. Còn bụng em thì không, viết thơ gì mà mắng mỏ nặng nề quá ! Mà thôi, chỉ viết chớ phải em viết đâu mà lo, phải không anh ?

Đang viết ngon lành, tới chỗ “tao từ mày luôn” thì bỗng nhiên đợi hoài không nghe đọc nữa, em quay lại, thì trời đất ơi ! Chỉ ngồi gục như đang ngủ. Rồi thình lình, chỉ nức lên một tiếng, khóc ồ, ồ, ồ… vậy là cái thơ lở dở! Phiền ghê chưa ?

Nói thiệt với anh, đàn bà con gái hay khóc quá, mỗi chút mỗi khóc, vậy mà mẹ em cứ nói em mau nước mắt. Em hay khóc thiệt mà khóc chuyện đáng, chớ có mít ướt như vậy bao giờ ?

Chừng nào anh được hai thơ tiếp này thì cũng trả lời dài dài cho em, nghe chưa ? Em mới chịu, kẻo em buồn lắm. Chừng nào câu chuyện em vô học nhà in được thì em sẽ tin anh hay liền. Mà không em cũng tin nữa. Em của anh đây, em là Tâm đây”.



***



“Sài-gòn, ngày… tháng… năm…

Anh Tú ơi,

Trời ơi, em đợi thơ anh hết sức. Hồi giờ em chưa có trông đợi ai như đợi thơ anh. À, có một lần, cái lần anh hẹn qua dạy em đó, mà anh qua trễ đó, anh nhớ không ?

Đáng lẽ thì em viết thơ anh rồi, mà vì em giận, em buồn nên không viết. Tới sáng nay được lá thơ mỏng tanh, ngắn ngủn của anh em mừng quá, em đọc một nháy con mắt là xong rồi em đọc lại. Bấy giờ em mới nhớ là anh viết ít quá. Mà thôi, vậy cũng đủ rồi. Anh mắc học tập không có thì giờ, miễn anh viết cho em là sung sướng rồi, em đâu dám trách móc chi anh ?

Anh Tú ! Em đã tới nhà in rồi. Em đi với bà Ngọc, sướng không ? Trời ơi ! Thấy muốn chóng mặt luôn vậy, anh ơi ! Vui quá đi ! Nhà in to ghê ! Hồi đầu, em với bà Ngọc vô thì ông chủ nhà in còn ở trên lầu, chưa xuống. Bà Ngọc ngồi đợi trên ghế, chỗ cái bàn giấy của ông, em đứng sau lưng bà hồi hộp hết sức mà cũng để ý nhìn xung quanh. Mấy người thợ ở trần, bận có cái áo lá, lăng quăng chạy tới, chạy lui coi bộ bận rộn dữ !

Máy in chạy phầm phập, phầm phập, máy xén cắt xoèn xoẹt, xoèn xoẹt. Ông thơ ký của ông chủ nhà in thì đánh máy chữ nghe còng cọc, còng cọc tít đằng xa.

Mấy chị con gái thì ngồi tụm lại xếp giấy, đóng sách, tay làm còn miệng thì nói chuyện rào rào. Tiếng giấy chạm nhau nghe lách xách, tiếng kim đóng vô giấy kêu sần sật (Anh biết tại sao em biết phân biệt máy xén, máy in, máy đánh chữ không ? Đó là nhờ bà Ngọc giảng cho em hiểu đó). Em nhìn mê.

Bà còn chỉ cho em mấy người đứng phía trong xa, người nào cũng đang chăm chỉ cúi xuống những cái hộc vuông vuông, tay họ bốc lia lịa, có khi thì họ nhón từng cái một, cái một, rồi đặt xuống một bên. Bà giảng cho em biết thêm đó là toán thợ sắp chữ. Hay quá, hả anh Tú ?

Thình lình, một người trong bọn đó tách ra chạy đâm sầm tới cái máy in (máy in này chưa chạy) nhảy lên ngồi xổm trên máy, săm soi cẩn thận. tay anh ta cầm một cái nhíp, như cái nhíp nhổ râu của cha em mà cái này hơi dài hơn. Cứ một chút lại gắp cái gì đó, rồi bỏ vô trong cái hộp nhỏ xíu mà ảnh cầm theo trên tay, rồi thay vô cái khác có khi không thay, bỏ luôn. Cứ làm một chút, anh ta lại nhìn vô trang giấy to chi chít chữ trải rộng trên máy, ngay trước mặt, rồi lại gắp, bỏ, thay… Hồi đầu, bà Ngọc chưa giảng em tức cười quá đi, tưởng anh ta tìm gắp sâu trong máy chớ. Giờ thì em hiểu rồi : ảnh chữa lại bản vỗ lần cuối trước khi in. Những vật nho nhỏ ảnh gắp, bỏ xuống là những chữ đó.

Em ức lắm, muốn chui tọt vô coi cho rõ mà thấy có cái bảng đề : “vô phận sự cấm vào” nên không dám (biết chữ sướng thiệt, anh thấy chưa ? Đứng ngoài liếc vô, em thấy rất nhiều hộc vuông, hộc nào cũng lổn nhổn những chữ là chữ, sắp thẳng hàng ngay trước mặt mấy người thợ. Bên ngoài, giấy đội tận mái nhà thành ra trong đó tối mò mò, họ phải vặn đèn điện lên để thấy mà gắp chữ.

Lúc này, ông chủ nhà in cũng vừa xuống. Em phải đứng ngay ngắn, vòng tay sau lưng bà Ngọc, không dám nhìn liếc gì nữa. Sợ ông chê là em tò mò, vô phép, anh hiểu chưa ? Em cúi đầu chào ổng, ổng gật một cái mà như không thèm để ý gì đến em, đi thẳng lại chỗ mấy cái máy đang chạy. Máy đặt phía trong sâu quá, em cố nhón chân lên mà chỉ thấy loáng thoáng thôi. Anh mà thấy, em dám chắc anh cũng phải mê luôn : cái máy cứ chao chao như cái sàng, sàng gạo ở quê em ; chừng một nháy là nhả ra một tờ giấy to bằng tờ báo đầy nghẹt chữ, có hình nữa. In mau quá, anh Tú thấy không ?

Đứng chỗ em chẳng nhìn rõ gì, chỉ nghe một tiếng “soạt” một tiếng “cách” nữa rồi thì “phập” luôn một tiếng là mấy cái que đâu trong máy trồi lên, nâng cao tờ giấy in xong quật qua bên kia, anh thợ tức thì đón lấy, đều đều.

Này anh, em cho anh biết một chuyện này hay lắm, mà anh đừng có cười em nghe không ? Nghĩa là vầy : giấy trắng không thơm ! Em đứng gần mấy chồng giấy cao ngất phía trước, không nghe mùi gì hết. Vậy mà khi em đứng gần đống giấy mới in xong (không phải em dám lại gần, người ta đem lại chất gần em) thì em ngửi thấy thơm ghê quá, lạ không ? Một mùi thơm hăng hắc, nồng nồng, ngây ngấy, kỳ lắm làm em thích quá cứ phổng mũi hít hoài, không ngán. Em mê thiệt là mê ! Chưa khi nào em mê cái gì như cái mùi giấy in có mực trong đó, với lại cái máy in nữa. Trời ơi ! Em mà được ở đây chắc em đọc, em ngửi cũng đủ no, cần gì ăn, anh Tú ?

Sao mà em như ghiền cái mùi giấy mực in quá ! Mùi giấy mực, mùi nhà in, cái gì ở đây cũng làm em thèm, em thèm được đứng cặm cụi sắp chữ, em thèm được đứng điều khiển cái máy in, em thèm được dính đầy dầu mỡ, đầy mực in lem luốc trên áo, trên quần như mấy người thợ ở đây quá. Em không thèm ngồi tụm lại đóng sách với lại xếp giấy, giấy chạm nhau nghe lách xách, kim đóng nghe sần sật, nó gì đâu, nó không ngon lành gì hết. Mà lại ngồi với đàn bà con gái, nghe họ trò chuyện thóc mách, ngán chết ! Em là con trai mà, anh Tú !

Anh Tú này, sao anh không làm chủ nhà in ? Anh mà làm ông chủ nhà in thì em sướng biết mấy ?

Thỉnh thoảng, vài người thợ nhà in lại ngừng việc, ngó ra thấy em, có người cười như chào hỏi, có người hầm hầm cái mặt như thể em phá rầy gì họ. Mấy cô con gái xầm xì, xầm xì nho nhỏ. Lại có một thằng lớn hơn em chút thôi, đi ngang em cất giọng anh chị dữ, nó nói vầy đây : “Ê nhỏ, xê mày”. À ! Làm bộ cho người ta biết là mình làm việc mà ! Em không ưa làm bộ, mà anh biết nó làm gì không ? Phải chi nó làm việc gì ghê gớm thì em cũng phục nó, đằng này nó chỉ chực ôm giấy tới cho người ta in mà làm bộ nỗi gì chớ ?

Em không hay ông chủ lại nói chuyện với bà Ngọc hồi nào, vì em mắc nhìn ngắm mà cũng không biết bà Ngọc nói gì với ông. Thỉnh thoảng ông lại liếc sang em một cái. Coi bộ ông hiền lắm, không có vẻ dữ như chồng bà Ngọc. Ông mập mập lùn lùn, lại đeo kính trắng y như cái ông gì trong sách (cuốn sách hồi anh cho em mượn đó, hồi em mới biết đọc sơ sơ đó). Em nghi là ông này giỏi lắm, kính mang dày quá. Đọc sách nhiều quá cho nên cận thị nặng. Phải không anh ?

Thình lình, bà Ngọc gọi em, em nóng bừng mặt, dạ không ra tiếng, lập tức vòng tay chào ông lại lần nữa. Ông nói vầy :

- Trông nó cũng ngoan nhỉ ?

Giọng ông hiền lành, nhỏ nhẹ làm sao ! Trời ơi ! Mà người ông thì to lớn ghê !

Lạ không, anh ? Nghe êm tai quá đỗi. Nhỉ ? Tiếng nói sao giống như người ở trong sách quá vậy hở anh ? Nhỉ ? Tiếng đó hay ghê phải không anh ? Biết chừng nào em cũng nói được như vậy ? Mắc cỡ quá… nhỉ, nhỉ, nhỉ !

Bà Ngọc lễ phép nói :

- Thưa ông, nó ngoan lắm, lại siêng học, chỉ phải cái tội là con nhà nghèo. Được ông vui lòng nhận cho nó học việc ở nhà in, tôi mừng lắm… Xin cảm ơn ông, ông tốt quá ! Tôi cứ sợ ông chê nó còn nhỏ…

- Không sao, bà đừng ngại, tôi rất vui lòng giúp đỡ những đứa trẻ hiếu học. Công việc ở đây cũng không phải nặng nhọc gì mấy, nhất là việc sắp chữ, chỉ cần siêng năng, tinh mắt và tận tâm. Thợ giỏi của tôi nhập ngũ hết rồi. Ê kíp này tồi lắm, thưa bà (ông nhìn kỹ em hơn một chút như ước lượng sức em). Cháu còn nhỏ, chưa biết gì, tôi sẽ cho nó phụ với anh em học dần…

Em lắng nghe vừa hồi hộp vừa sung sướng. Được vậy là quí rồi, em đâu dám mong mỏi gì hơn ? Mặc dù trong bụng em có chút bất bình bà Ngọc về chỗ bà nói : “phải cái tội nghèo”. Nghèo là có tội sao, anh ? Nhưng dầu gì đi nữa, em cũng mang ơn bà Ngọc lắm.

Ông chủ nhà in lại nói :

- Nhà in chúng tôi in khá có tiếng, những sách in ở đây được cái là không bao giờ phải đính chính, các nhà văn có tác phẩm in ở đây đều bằng lòng, nhưng bây giờ hơi bết, tôi đang lo…

Đính chính, tác phẩm là cái gì, anh ? Nghe hay quá ! Phải có anh ở đây, anh đã cắt nghĩa liền cho em. Nhưng rồi em sẽ hiểu, phải không anh ? Cũng như bây giờ, em đã hiểu tiếng xa xí phẩm, tiếng méo mó nghề nghiệp rồi vậy.

Câu chuyện giữa ông chủ nhà in và bà Ngọc vẫn tiếp tục, nhưng em không để ý nữa. Một phần vì có nhiều tiếng lạ, khó hiểu, một phần là bởi em sung sướng quá, mải ngẫm nghĩ đến nỗi sung sướng đó, không còn muốn quan tâm đến điều gì khác.

Anh Tú ! Anh tính chừng nào thì em có thể trở thành thợ nhà in ? Em sẽ có tiền nuôi mẹ, nuôi em bé ? Em sẽ giỏi vì được đọc cả ngày ? (Làm việc ở nhà in mà không giỏi sao được ?) Em sẽ có một cái nhà có số để anh viết thơ về ! Em sẽ ăn mặc đàng hoàng khi ra đường ! Đố con Cúc dám coi thường em !

Biết chừng đâu em sẽ quen với các nhà văn nữa ? Hơ ! Không ! Chắc họ không thèm quen với em, nhưng mà em ao ước khi họ tới lấy sách, họ nói lên để em nghe họ nói thử ra sao ? Có nhỉ như người trong sách không ? Họ hiền lành hay hung dữ ? Họ có làm bộ hay không ? Vậy cũng sướng rồi. Biết chừng đâu, thợ bị đi lính hết, em lớn lên, em thay vào đó, họ tới, họ phải nói chuyện với em, khi ông chủ đi vắng ? Em sẽ nói với thằng Vĩnh vầy chớ :

- Hồi mai tao gặp ông Văn Sĩ ở nhà in, ông có nói chuyện với tao, ông hiền lắm, ông tử tế lắm.

Mà thôi, nói chi nhiều, nguyên một chuyện em được chạy qua, chạy lại lăng xăng trong nhà in, ngửi mùi giấy mực, áo quần đầy dầu mỡ, nhem nhuốc mực in cũng đủ quí rồi !

Quên, anh nói nhà văn họ viết một mặt giấy phải không ? Để em coi thử có đúng không, nghe anh Tú ?

Từ khi ở nhà in về, bên tai em lúc nào cũng vẳng tiếng phầm phập, xoèn xoẹt, lách xách, sần sật. Những hộp chữ cứ lổn nhổn trong đầu em. Máy in cứ sàng sàng chao chao trong đầu em hoài, ngay cả khi em ngủ.

Bộ dạng hiền lành, hoà nhã của ông chủ cứ hiện ra trước mắt em, em phát no ăn không được. Mẹ em nói :

“Coi lo ăn đi, sớn sác chừng đi làm rồi mới biết thân”.

Anh thấy chưa ? Mẹ em không biết gì hết, làm nhà in mà cực nỗi gì ? Cực mấy em cũng chịu được. Miễn em được gần giấy mực, giấy mực thơm quá, anh Tú ơi !

Chắc từ ngày mốt trở đi, em không được rảnh nữa. ban ngày thì đi học việc, tối về còn lo đi đổ rác, phụ với mẹ em. Không sao đâu, anh à, trong lúc đổ rác, kể từ nay em không phiền bực nữa, vì em nghĩ đến ngày mai lại được tới nhà in. Em sẽ làm cái công việc mà em thù ghét này cho tới chừng nào em trở thành thợ nhà in giỏi. Em sẽ có tiền giúp mẹ, nuôi em. Nếu ngày nào thình lình anh về, thì anh sẽ thấy em lớn lên, đàng hoàng lắm.

Chắc em sẽ chậm viết thơ anh, nhưng anh đừng giận em, vì khuya lắm em mới được về nhà. Em còn phải ngủ đặng sớm mai tới nhà in sớm. Mà thế nào rồi em cũng viết thơ anh, có điều lâu.

Hồi giờ em gặp toàn chuyện buồn, chuyện khổ không. Có hai chuyện mà em cho là sung sướng nhứt, đó là chuyện gặp anh, được anh dạy học và bây giờ là em sắp được đến nhà in làm bạn với giấy, với mực, với chữ, với máy in !

Anh có mừng cho em không ? Anh Tú, em thương anh, nhớ anh, biết ơn anh biết bao nhiêu anh biết không ?

Ờ ! Còn chuyện này nữa mới là hồi hộp. Chẳng là vầy, khi gần về, ông chủ hỏi :

- Cháu học lớp mấy ?

Em cứng miệng, bối rối không biết trả lời ra sao cả. May sao, bà Ngọc trả lời thay em như vầy :

- Thưa ông, cháu học ở nhà quê, rồi chạy loạn lên đây, thành thử không học nữa, song nó sáng dạ lắm. Chắc học nghề này được. Nó không giống thằng Tín đâu.

Ông chủ nhà in gật gù ra dáng bằng lòng, không cật vấn gì nữa. Em mừng run. Giờ viết thơ anh nhớ lại, em còn sợ. Bà Ngọc thật tốt bụng phải không anh ? Vì muốn giúp em mà bà phạm tội nói dối, anh thấy không ? Anh hiểu tại sao không ?

Vầy nè : bà sợ nói thật là em chưa bước chân tới nhà trường thì ông chủ nhà in sẽ không nhận, không cho em học việc.

Anh tính một cái nhà in to lớn đầy chữ nghĩa máy móc như vậy, ai lại sơ ý cho một đứa như em vô học ? Bà Ngọc cẩn thận vậy là phải lắm. Như vậy chắc bà nhẹ tội ? Có khi bề trên tha tội cũng nên ? Phải không anh ?

Thôi nghe anh, em phải ngừng lại ở đây. Em nhớ anh lắm đó. Cái hình anh, em cứ giở ra, giở vô hoài đến nỗi nó cũ đi ! Thơ em dài quá phải không ? Em nói cho anh biết, không phải em viết xong liền trong một ngày đâu. Tới ba ngày lận đó.

Anh phải trả lời cho em biết, anh có mừng về chuyện em được vô học việc trong nhà in không ? Anh thử đoán coi em có thể trở thành thợ nhà in không ? Công chuyện có khó không ? Sức em có làm nổi không ? Mà dầu cho khó đến mấy, anh biểu em là em cố làm được liền.

Em Tâm ký tên đây. Nhớ biên thơ cho em, kẻo em trông lắm. Tâm”.

Trung Thu năm Mậu-thân 1968
MINH QUÂN
Về Đầu Trang Go down
https://nhanbkvn-2022.forumvi.com
Sponsored content





Vượt Đêm Dài - Loại Hoa Xanh Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Vượt Đêm Dài - Loại Hoa Xanh   Vượt Đêm Dài - Loại Hoa Xanh Icon_minitime

Về Đầu Trang Go down
 
Vượt Đêm Dài - Loại Hoa Xanh
Về Đầu Trang 
Trang 1 trong tổng số 1 trang

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
Nhanbkvn 2024 :: THƯ VIỆN SÁCH TUỔI HOA :: Tủ Sách Hoa Xanh-
Chuyển đến