Nhanbkvn 2024
Chào Mừng Các Bạn Tham Gia Và Chia Sẽ Tại Diễn Đàn Nhanbkvn
Nhanbkvn 2024
Chào Mừng Các Bạn Tham Gia Và Chia Sẽ Tại Diễn Đàn Nhanbkvn
Nhanbkvn 2024
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

Nhanbkvn 2024

Chia Sẽ Không Giới Hạn
 
Trang ChínhTrang Chính  Sự kiệnSự kiện  Latest imagesLatest images  PublicationsPublications  Tìm kiếmTìm kiếm  Đăng kýĐăng ký  Đăng NhậpĐăng Nhập  

 

 Vòng Tay Mẹ - Loại Hoa Xanh

Go down 
Tác giảThông điệp
Admin
Admin
Admin


Tổng số bài gửi : 17784
Points : 24761
Reputation : 0
Join date : 16/10/2016

Vòng Tay Mẹ - Loại Hoa Xanh Empty
Bài gửiTiêu đề: Vòng Tay Mẹ - Loại Hoa Xanh   Vòng Tay Mẹ - Loại Hoa Xanh Icon_minitimeSat Jun 03, 2017 5:54 pm

Vòng Tay Mẹ - Loại Hoa Xanh Vong_t10

Chương 01

Vừa mới ôm cặp bước vào nhà, Ngôn đã nghe tiếng cô Tam khóc thút thít, tiếng mẹ la hét và tiếng bà nội đay nghiến chửi rủa. Ngôn đứng sựng lại, rồi bước trở ra, ngồi phịch dưới gốc cây mận. Mặt Ngôn buồn thiu.

Ngôn hình dung ra được nhân dáng của cô Tam lúc này. Có lẽ cô đang co ro lau nhà, tóc cô rối nùi, mắt cô lem nhem nước, môi cô thì mím chặt lại... Tội nghiệp cô Tam quá. Không hiểu sao nội với mẹ ghét cô Tam dữ thần vậy? Ngôn thấy cô Tam tối ngày quần quật làm công chuyện nhà, Ngôn đủ thương rồi. Hơn nữa cô Tam hiền lành lắm, lễ phép lắm. Nói chuyện với nội cũng như với mẹ một thưa, hai cũng thưa. Nhiều khi Ngôn muốn binh cô Tam, muốn nói cái gì đó cho nội, cho mẹ đừng ăn hiếp cô Tam nữa. Hai người mà xúm lại gấu ó một người với Ngôn, đúng là ăn hiếp. Ở trường thầy giáo dạy, mọi người nên thương yêu lẫn nhau. Chắc tại nội không có đi học, mẹ nữa. Nên cô Tam bị ghét bỏ, hắt hủi. Có một mình Ngôn là thương cô Tam thôi. Ngôn thương cô Tam nhiều lắm, nhưng không biết có đủ làm cô Tam quên buồn không?

Ngôn đưa mắt nhìn vào nhà, Ngôn thấy nội bước ra, tay nội đang xỉa thuốc trong miệng, gương mặt nội chưa tan hết nét giận dữ. Ngôn cúi đầu xuống, bâng quơ nhặt mấy chiếc lá héo, xé nhỏ, Ngôn biết thế nào nội cũng gọi Ngôn cho xem. Nội cấm Ngôn ngồi dưới gốc mận, nhất là đi học về mà không vào trình cho nội hay, nội rầy nhiều lần rồi nhưng Ngôn vẫn không sợ. Nội với mẹ thương Ngôn lắm, không khi nào đánh đòn Ngôn cả.

- Ngôn, đi học về rồi đó à?

Tiếng nội oai nghiêm vọng vào tai, Ngôn không thèm đứng dậy, cũng không thèm ngó nội nữa. Nó ngồi xé dần những chiếc lá chung quanh. Nội trố mắt nhìn Ngôn rồi lê dép xẹp xẹp ra sân. Nội đến vuốt tóc Ngôn, dịu dàng:

- Sao con không vào nhà mà ngồi đây? Đi vô, để nắng nôi rồi lại bịnh hoạn, đa !

Ngôn lắc đầu. Nội cúi xuống xách cặp Ngôn lên, kéo tay Ngôn đứng dậy:

- Thôi con vô nhà, sao mà bữa nay lại kỳ cục nè? Vô nhà đi, có gì nói nội nghe. Bộ bị thầy giáo đánh hả? Ờ, mai nội ghé ngoài làng nội nói cho, không sao hết con.

Ngôn nắm tay nội:

- Con không muốn vô, cô Tam đang khóc.

- Ối xời, kệ nó, can gì con? Nó hư thì mẹ con la, nội dạy. Hơi đâu con để ý.

- Con thương cô Tam nội à.

Ngôn nhìn thẳng vào mặt nội, nói liên miên:

- Sao nội hay đánh cô Tam quá. Mỗi lần vậy, con tự nhiên thấy buồn buồn. Cô Tam khóc, tội nghiệp ghê nội. Con đâu có thấy cô Tam làm biếng gì đâu. Gà gáy là cô Tam đã gánh đầy hai lu nước sông, lóng sạch để lát đi chợ về nấu ăn, trưa cô Tam chẻ củi, cô Tam còn lau nhà, còn giặt giũ quần áo nữa. Nội không thấy cô Tam cực khổ sao? Cô Tam bà con với mình mà. Cô Tam đâu phải là người ở như anh Cu bên nhà bà Cả, nội à, nội đừng đánh cô Tam nữa nha nội.

Nội cười, cục thuốc xỉa làm nụ cười của nội méo mó, mà Ngôn thương. Mỗi lần nội cười với Ngôn, Ngôn thấy nội hiền queo chứ đâu có vẻ dữ dằn như những lần nội nhìn cô Tam. Ngôn theo nội vào nhà...

- Nội cười là nội chịu rồi, héng?

Nội khẻ đánh lên đầu Ngôn:

- Mồ tổ mầy, sao mầy hay bắt bí bà nội quá. Con Tam nó làm lỗi thì nội phải đánh chớ.

- Đâu được, nội. Cô Tam lớn rồi. Sao mẹ đó, có lần mẹ làm nội sùng lên, nội đâu có đánh mẹ. Nội à, nội rầy cô Tam thôi.

Nội im lặng. Ngôn cũng hết biết nói gì nữa để mà binh cô Tam. Phải chi riêng một mình nội rầy la đánh đập cô Tam thì Ngôn cũng không nói làm gì. Tại có mẹ nữa. Mẹ với cô Tam cỡ tuổi nhau, chắc vậy, mẹ dữ ghê nơi. Nội vỗ vai Ngôn:

- Con thay quần áo, xuống sông tắm đi Ngôn. Cho mát mẻ rồi lên ăn cơm với nội.

- Dạ! Để con vô thưa mẹ đã.

Ngôn chạy vụt ra sau, mẹ đang phì phò thổi lửa. Ngôn khoanh tay lại:

- Thưa mẹ con đi học mới về.

Mẹ quay lại, vuốt mồ hôi trán.

- Ngôn đó hả? Ờ, đi tắm đi con.

- Cô Tam đâu mẹ há?

- Ngoài chuồng heo.

- Chắc cô Tam đang cho heo ăn. Con ra ngoài chút nha.

Mẹ nhíu mày:

- Chi vậy?

Ngôn ngạc nhiên nhìn mẹ.

- Xời ơi, thì mọi lần con đi học về con phải thưa cả nhà. Mẹ dạy con vậy mà con chưa thưa cô Tam.

- Thôi khỏi, con. Lần sau con khỏi thưa nữa. Mẹ cho phép.

Ngôn lững thững bước ra sau hè, mai mốt đi học về khỏi thưa cô Tam nữa, sao? Kỳ cục vậy. Lúc trước, mỗi lần Ngôn khoanh tay “thưa cô Tam, Ngôn đi học” hay là “thưa cô Tam, Ngôn mới về” là Ngôn được cô Tam thưởng cho một cái hôn vào má.

Cô Tam nói Ngôn lễ phép, ngoan ngoãn vậy, cô Tam rất bằng lòng, đi thưa, về phải trình là điều mà đứa học trò nào cũng không được quyền quên.

Mẹ cũng nói như với Ngôn như cô Tam đã nói. Vậy mà...

- Ngôn, con đi đâu đó? Con không nghe mẹ hả?

Ngôn đứng lại.

- Con kiếm cô Tam.

- Mẹ biểu con khỏi thưa con mọi đó. Con nghe chưa?

- Sao mẹ kêu cô Tam là con mọi?

Mẹ trừng mắt lên:

- Im đi, lo mà tắm rửa cho rồi. Ở đó mà dần lân, mẹ bạt tai cái chết bây giờ.

- Dạ, mà mẹ cho con kiếm cô Tam chút.

- Chuyện gì nữa đó?

- Cái cần câu của con gẫy rồi. Con nhờ cô Tam làm cái khác. Chủ nhật này con đi câu với con Bông.

- Ờ, lẹ đi.

Ngôn bước nhanh. Sau nhà lúc nào cũng im lặng, bóng tre, bóng trúc làm dịu mát ánh nắng chói chang buổi trưa. Ngôn ngóng mắt về phía chuồng heo, mấy con ột đang bao quanh thau cám, cô Tam đứng nhìn chúng mỉm cười, trời ơi cô Tam hiền như một bà tiên. Ngôn rón rén bước vòng ra sau để hù cô Tam chơi. Cô Tam vén tóc mai vào vành tai, mặt cô Tam không có vẻ gì là buồn khổ cả. Lúc nào cô Tam cũng mau quên. Ngôn thấy rõ như vậy. Khi bị mẹ hay nội la rầy, cô Tam im lặng nghe. Khi bị đánh đau, cô Tam khóc. Rồi thôi. Qua lúc đó, cô Tam lại bình thường, Ngôn đến sát mé chuồng, nhón chân lên, lừa lúc cô Tam khom xuống bưng thau cám. Ngôn la to lên:

- Hù!

Cô Tam giật mình buông thau ra, ngó dáo dác, Ngôn thụp người trốn. Nhưng cô Tam đã cười:

- Cô biết là Ngôn chứ chẳng ai vô đây. Ngôn mới đi học về đó hả?

Ngôn định hù cô Tam hai ba lần như vậy, dè đâu bị cô Tam biết ngay lần đầu. Ngôn bước đến trước mặt cô Tam ngoan ngoãn:

- Thưa cô Tam, Ngôn đi học mới về.

- Ừ, Ngôn dễ thương lắm. Mà sao bữa nay lại bày đặt hù cô nữa? Rủi cô hết hồn cô ngã ra chết thì sao?

Ngôn cười:

- Tại Ngôn thấy cô ngó mấy con ột chăm chăm hà.

Chợt Ngôn xịu mặt xuống, quay đi chỗ khác. Cô Tam ngạc nhiên:

- Ủa, sao vậy Ngôn?

- Cô Tam quên...

- Quên cái gì đâu nà?

Ngôn chìa má ra nhõng nhẽo:

- Ngôn thưa rồi mà cô Tam chẳng mi Ngôn gì hết hà.

Cô Tam hun thật kêu lên má Ngôn:

- Rồi đó, chịu chưa?

Ngôn gật đầu. Cô Tam bảo:

- Ngôn đi tắm chưa hả?

- Chưa, cô ơi! Bữa nay Ngôn muốn cô tắm cho Ngôn nè.

- Cô đang bận đây.

- Thì chừng nào cô làm rồi, cô tắm cho Ngôn. Ngôn đoán chắc cũng sắp xong. Mấy con ột bỏ đi rồi kìa. Cô Tam.

Cô Tam kêu ột! ột! vài tiếng, heo vẫn tảng lờ đi tản mác khắp chuồng. Con nào con nấy ục ịch hết sức. Bọn nó ăn no rồi. Cô Tam đưa tay quẹt mồ hôi trán đang rịn đầy, cô Tam ngó Ngôn:

- Ừ, thôi Ngôn đợi cô há. Cô dọn dẹp rồi cô dẫn xuống sông tắm. Cô cũng nực nội quá chừng.

Cô Tam tẩn mẩn hốt những vụn cám mà bầy heo làm rơi vãi ra ngoài, quăng vào thau. Cô xối nước rửa chuồng heo sạch, sau mỗi bữa ăn của heo, cô Tam chắc mệt lắm. Ngôn dành xách giúp cô mấy gầu nước mà cô không cho. Nhìn cô thoăn thoắt quét dọn, Ngôn phục cô ghê luôn. Cô làm việc chẳng khác anh Cu bên nhà bà Cả. Đáng lẽ cô Tam phải sung sướng, hay ít ra cũng được thảnh thơi phần nào. Ngôn nhớ ba dặn: “Cô Tam cũng là bà con của mình, con đừng đầy đọa cô Tam mà có gì cũng phải quý mến, bênh vực cô Tam nghe chưa”. Có lẽ ba sợ Ngôn giống tính mẹ, giống tính bà nội hay làm khó dễ cô Tam; mà hình như ba thương cô Tam lắm. Anh Cu đi ở đợ cho nhà bà Cả, anh Cu làm công chuyện bù đầu là đúng. Còn cô Tam, cô Tam là bà con chớ bộ. Lát nữa Ngôn phải hỏi cô Tam mới được. Ngôn hối thúc cô:

- Lẹ đi cô, còn ăn cơm nữa, không thôi nội la chết.

- Ờ, xong rồi.

Cô Tam nắm tay Ngôn dẫn thoăn thoắt xuống bờ sông, bàn tay cô Tam chai sạn và cằn cỗi, tại cô Tam làm lụng nhiều. Nhưng mà Ngôn không ghét đâu. So với tay mẹ thì không bằng, tay mẹ thon dài mà mềm mại. Mẹ hay gãi da đầu Ngôn nhè nhẹ khiến Ngôn buồn ngủ mỗi tối. Mẹ cũng hay nâng mặt Ngôn lên nhìn thật lâu, rồi thở dài.

Không hiểu tại sao, có lúc mẹ tỏ ra thương xót cô Tam, hối hận vì nặng lời với cô Tam. Lại có lúc mẹ vô cùng tàn nhẫn. Bàn tay mẹ trở nên thô bạo, cộc cằn.

- Coi kìa, Ngôn! Té bây giờ.

Tiếng cô Tam làm Ngôn giật mình. Nó ngước lên nhìn cô Tam cười, nó gặp tia mắt thật thương yêu của cô Tam đang gắn vào nó. Mắt cô Tam như muốn khóc. Cô Tam ấn Ngôn ngồi xuống đầu cầu:

- Cô mà tắm cho Ngôn thì cô không cho Ngôn nhảy xuống sông bơi đâu.

Ngôn nheo mắt:

- Ngôn cứ nhảy.

- Làm sao Ngôn dám cãi lời cô? Ngôn vẫn ngoan ngoãn mà.

- Thiệt tình thì Ngôn không muốn bơi cô Tam ơi.

Cô Tam múc nước sông dội lên người Ngôn, cô bắt đầu kỳ cọ. Bữa nay Ngôn vào trường chơi giỡn cũng khá nhiều, nên thân thể dơ dáy sao đâu. Ngón tay cô Tam cọ vào đâu là chỗ đó có đất nổi lên đen kẹt. Cô Tam lắc đầu:

- Ngôn chơi dơ ghê! Mẹ mà tắm cho Ngôn chắc mẹ đánh đòn.

Ngôn cãi lại:

- Cô Tam nói! Mẹ thương Ngôn nhất đời. Có khi nào cô Tam thấy mẹ đánh đòn Ngôn đâu. Mẹ thương Ngôn lắm.

- Vì vậy nên cô mới vui, và cô muốn Ngôn phải ngoan ngoãn nghe lời mẹ. Mẹ Ngôn thương Ngôn hơn cô tưởng...

Cô Tam chớp chớp đôi mắt:

- Nhiều khi Ngôn làm lỗi, cô sợ Ngôn bị đòn đau mà mẹ Ngôn chỉ la rầy, phạt Ngôn quỳ gối thôi. Cô mừng hết sức.

Ngôn bỡ ngỡ nhìn cô Tam:

- Bộ cô Tam không muốn cho Ngôn bị đòn?

- Ừ bị đòn đau lắm Ngôn. Ngôn nhỏ như vầy.

Cô không nói nữa, cô quay mặt chỗ khác dụi mắt. Ngôn nhìn ra giữa sông. Nắng làm giòng sông lấp lánh chiếu ngời. Nước sông đục ngầu, lềnh bềnh mấy đám lục bình có hoa tim tím. Ngôn hỏi cô Tam một câu ngớ ngẩn:

- Cô Tam à, mấy cụm lục bình đó trôi đi đâu hả cô?

Cô Tam ngó theo:

- Chắc nó tìm chỗ nào vui vẻ hơn đó Ngôn.

- Sao cô biết?

- Thì cô đoán vậy.

Cô Tam xối lượt nước cuối cùng lên đầu Ngôn, thân thể thằng bé đỏ ửng lên vì bị kỳ cọ quá nhiều, Ngôn vuốt nước trên mặt. Tự nhiên sao cô Tam buồn quá vậy, mắt cô chĩu xuống thật đen. Ngôn nhớ tới hồi nãy. Nghe tiếng cô Tam khóc Ngôn nắm cánh tay cô Tam:

- Bộ hồi trưa mẹ với nội rầy cô Tam hả?

Cô Tam giật mình:

- Ai nói với Ngôn?

- Không có ai nói hết, tại lúc đó Ngôn đi học về, Ngôn nghe tiếng cô khóc thút thít.

Cô Tam cười nữa miệng:

- Tại cô hay khóc.

- Mà mẹ với nội có đánh cô không?

- Không có đâu.

- Ngôn thương cô Tam lắm.

Rồi Ngôn chậm chạp kể lại cho cô Tam nghe chuyện lúc trưa. Cô Tam vừa mặc lại quần áo cho Ngôn, hai cánh tay cô run run, chắc là cô Tam cảm động. Ngôn thấy môi cô Tam mấy máy, mắt cô Tam chớp chớp nữa. Cô Tam hôn lên tóc ướt của Ngôn một cái hôn dài, cô dựa má cô vào Ngôn. Cô thì thầm:

- Cô cũng thương Ngôn lắm! Ngôn biết không?

Khuôn mặt cô Tam ướt nước, mắt cô cũng vậy. Không biết tại cô hay khóc hay là tại đầu tóc Ngôn ướt rồi cô dựa vào. Chỉ biết rằng, nhìn cô Tam lúc này, Ngôn thương cô biết chừng nào nói. Ngôn giữ cô Tam ngồi trên cầu một lát. Ngôn chưa muốn vào nhà bây giờ. Ngôn ôm cánh tay cô Tam:

- Sao mà cô Tam lại thương Ngôn vậy?

- Ngôn không biết hả? Thì tại vì Ngôn ngoan ngoãn. Chứ tại sao Ngôn thương cô Tam? Ngôn nói nghe coi.

Ngôn vuốt vuốt lên tóc mai của cô Tam:

- Thầy giáo dạy Ngôn mọi người đều phải thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau. Ngôn nghe lời thầy. Với lại Ngôn cùng cô ở chung nhà, cô là cô của Ngôn, Ngôn phải thương cô chớ.

Cô Tam gát tay lên vai Ngôn, cằm cô tựa lên đầu Ngôn. Cô buông ra một điệu hò ơi ngọt ngào:

-Hò... ơ... Công cha như núi Thái-Sơn. Nghĩa mẹ như nước...ờ... Hò... ơ... nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.

Ngôn nghe tiếng tim cô Tam đập mạnh trong lồng ngực từng nhịp một. Ngôn muốn nói với cô Tam rằng lòng thương của Ngôn đối với cô Tam đầy như nước sông trưa nay lóng lánh ánh nắng mặt trời. Cô Tam hiền lành vậy mà sao mẹ với nội lại ghét cô Tam, hành hạ cô Tam?

Ngôn lại muốn nói chuyện bá láp tàm xàm với cô Tam, để cô Tam ngồi im, làm như thể cô Tam có nhiều điều suy nghĩ. Chuyện gì bắt người ta phải suy nghĩ thì chắc ít vui nhiều buồn. Ngôn khều khều cô Tam:

- Cô Tam à, cô Tam thích màu gì nhất hả?

Cô Tam chỉ một đóa hoa lục bình:

- Cô thích màu tím đó đó với màu tím mồng tơi.

- Ngôn cũng thích màu tím nữa. Con Bông đó cô Tam, nó có cái áo bà ba tím đẹp ghê nơi. Mỗi lần nó bận áo này nha, sao Ngôn thấy nó dễ thương hết sức cô Tam ơi.

- Màu tím là màu buồn, Ngôn mà cũng thích màu tím thì lạ thật.

- Có gì mà lạ đâu cô. Mà cô Tâm nè tuốt muốt bên kia bờ sông có gì vui hả cô? Bữa nào cô chèo ghe chở Ngôn đi chơi nghe.

Cô Tam gật đầu:

- Thôi, đi lên nhà, kẻo nội với mẹ trông. Mai mốt rảnh cô chở Ngôn đi. Bên kia bờ không biết có gì vui nữa Ngôn ạ!

Hai cô cháu nắm tay nhau leo dốc cầu để lên bờ. Bà nội đã đứng đó từ lúc nào, cặp kính lão trễ xuống lưng mũi, cho thấy đôi mắt nội đang mở trừng thật to, nội chống nạnh, hỏi gằn:

- Bây làm gì dưới đó mà lâu vậy hả?

Cô Tam lấm lét:

- Thưa bác... con...

- Con con cái khỉ khô gì. Bây lôi nó xuống sông, xuống nước mà bây để hàng tiếng đồng hồ. Bây không sợ ông bà nào dưới đó quở nó sao hả?

Cô Tam cuối đầu:

- Dạ, tại...

Nội xấn tới chỉ ngón tay trỏ vào trán cô Tam một cái thật mạnh làm cô Tam ngã ra sau:

- Bây còn lẻo mép nữa hả. Tao thấy rõ ràng mà. Tao nuôi nó cho bây, nó là cháu tao rồi, tao cưng nó như thế nào thì bây thấy mà. Bây dẫn nó xuống cầu ngồi, bây chỉ này chỉ nọ, bây nói gì chớ? Bây muốn tao đuổi bây đi phải không nà?

Thấy nội làm dữ, Ngôn ôm tay nội năn nỉ:

- Nội à, tại con mà nội. Con muốn ngồi một lát mới lên nhà.

Nội giận quá, giơ tay cú đầu Ngôn một cái mạnh:

- Tại con hả? Tại con nè! Sao con khờ khạo vậy. Nội nói con tắm rồi con lên ăn cơm mà. Con cãi nội hả? Nội chờ con, mẹ con cũng chờ con nữa kìa. Con đi vô nhà lẹ lên.

Ngôn bị cú đầu đau điếng nhưng nó không khóc, nó nhìn cô Tam rồi nhìn nội. Ngôn khoanh tay lại:

- Nội, nội tha lỗi cho con, con xin chừa, từ rày sắp tới con không dám vậy nữa.

Nội gầm nhỏ:

- Ừ, đi vô nhà đi. Nội tha cho đó.

- Mà nội đừng la cô Tam nữa. Tại con đó, cô Tam chiều con...

Nội quát lên:

- Đi vô.

Ngôn liu ríu nghe lời. Vừa bước đi, vừa nhìn lại cô Tam phía sau. Cô Tam cũng khẽ liếc nhìn theo Ngôn như ngầm bảo: "Ngôn vô nhà đi. Nội không la cô đâu!", Ngôn tự nhiên muốn khóc. Nó đưa tay quẹt mắt, tại nó tất cả. Tội nghiệp cô Tam. Có chút xíu vậy cũng bị nội hằn học. Vào tới cổng nhà, Ngôn còn nghe tiếng nội la lớn: "Tao đập bây chết bây giờ, đồ mọi!" Ngôn quay lại, nhưng không thấy bóng cô Tam, bóng nội ở đâu hết, hàng rào tre um tùm ngoài ngõ ngăn không cho Ngôn thấy! Cô Tam đang ôm mặt khóc nức nở và nội đang giơ tay đánh thẳng vào lưng cô Tam mấy cái bình! bình!



***



Từ hôm đó trở đi Ngôn ít gặp cô Tam. Có khi vừa thấy cô định gọi thì cô đã vội bước khuất. Đi học về, cô Tam không hôn lên má Ngôn nữa, cũng chẳng có dịp nào để Ngôn ngồi nói chuyện lâu lâu trong tay cô. Hễ mà Ngôn giữ cô lại được để hỏi han thì cô Tam viện lẽ nhiều việc phải lo. Ngôn buồn quá.

- Ngôn à, sao trò buồn thiu vậy?

Ngôn giật mình. Nãy giờ vác cần câu đi cạnh mấy đứa bạn mà Ngôn quên bẵng cứ nghĩ ngợi gì đâu không. Tiếng thằng Thạnh kéo Ngôn về thực tại. Ngôn lính quýnh trả lời:

- Có gì buồn đâu. Tại tui nghĩ không biết lát nữa câu có được nhiều cá không đó chớ?

Rồi Ngôn vừa cười hì hì. Các bạn Ngôn cười theo. Con Bông đánh nhẹ lên vai Ngôn:

- Nói trò đừng buồn nghen. Coi bộ độ rày trò giống... ông già Ba-Tri ghê nơi. Trò làm sao ấy!

- Trò Bông nói kỳ.

Ngôn chống chế yếu xịu, mà thiệt, Ngôn giống điên, giống khùng gì đâu á. Thằng Thạnh, thằng Khôi tiến nhanh lên trước, đường đất vào rạch rất hẹp chỉ vừa hai đứa đi thôi. Khôi quay lại nheo mũi với Bông:

- Trò coi chừng thằng Ngôn lọt nghe, Ngôn nó mở mắt vậy chứ nó hổng thấy đường đâu.

Cả bọn lại cười. Ngôn đánh Khôi một cái thật đau. Cà rịch cà tang vậy mà cũng tới địa điểm câu, bốn đứa dừng lại dưới gốc dừa to, có thân nghiêng ra ngoài nước. Thạnh lên tiếng:

- Ê ! Thi câu nhe, ai câu nhiều nhất thì bận về khỏi đi.

Bông chu môi:

- Giỡn hoài trò ! Bận về khỏi đi, chớ không lẽ ngồi đây cả buổi à?

- Không phải, trò chưa hiểu ý tui. Như vầy nè, ai câu được nhiều nhất thì sẽ được mấy người câu ít thay phiên nhau cõng về tới nhà. Hổng ấy làm kiệu khiêng cũng được.

- À thì ra là vậy. Được đó.

Ngôn với Khôi phì cười vì lời đề nghị lạ lùng mà thích thú của Thạnh. Ngôn đặt cần câu xuống, hình như nó đã không còn nhớ tới cô Tam nữa rồi. Trò chơi lôi kéo trí óc của nó trở về với trạng thái vui vẻ hồn nhiên một cách mau chóng, mắt Ngôn sáng, mặt Ngôn tươi và mười ngón tay nhanh nhẹn mắc mồi vào lưỡi câu chứ không buồn rầu xuôi lơ hay bâng khuâng chống vào hai bên má. Khôi kề tai Ngôn nói nhỏ cái gì đó. Ngôn cười gật đầu. Ngôn gọi các bạn lại, rồi bàn:

- Tui muốn các trò chia phe. Chịu hôn. Phe nào ăn thì được phe kia cõng.

Thạnh nói:

- Vậy cũng được. Mà ai bắt bồ với ai đây?

Khôi dơ tay lên:

- "Tay trắng, tay đen" đi, ai ra trước người đó bắt, héng.

Cả bọn bằng lòng:

- Tay trắng tay đen chè đậu đen nấu đường cát trắng. Một ! Hai, ba !

Vì là bốn đứa, nên cứ huề nhau hoài. Sai hai ba lần "tay trắng, tay đen" như vậy kẻ ra đầu tiên là Ngôn. Ngôn nhìn mặt tụi bạn để lựa. Đứa nào cũng muốn bồ với Ngôn hết. Thật tâm thì Ngôn thích bắt bồ với con Bông hà. Con Bông dễ thương. Nhưng Ngôn sợ thằng Thạnh, thằng Khôi trộ Ngôn là khoái con gái. Ngôn ngập ngừng mãi mới chỉ vào Khôi:

- Tui xí trò Khôi.

Khôi hí hửng ôm lấy vai Ngôn cười toe toét, Bông thì bí xị. Bông cũng thích bồ với Ngôn hơn. Phải chi Bông ra trước, Bông sẽ được quyền bắt bồ, Bông sẽ xí Ngôn cho xem.

Đàng này, Ngôn ra trước, mà chắc Ngôn không thích chơi chung với Bông đâu. Nghĩ vậy, Bông tự nhiên muốn bỏ về. Bông vác cần câu quay nhìn chỗ khác, không muốn thấy mặt đứa nào hết. Còn Thạnh thì gãi đầu, nhăn nhó. Thạnh đâu có cầu mong mình cùng phe với con Bông. Kỳ cục thấy bà. Khi không lại bị bồ với con gái. Thạnh phản đối:

- Tui không chịu đâu. Tui không... không.

Thạnh muốn nói tui không thèm bồ với trò Bông nhưng nó vừa bắt gặp dáng điệu giận hờn của Bông, nó sợ nói ra Bông... buồn. Thấy Thạnh cứ nhắc lại chữ không, không hoài Khôi cười hì hì:

- Sao tự nhiên cà lăm vậy? Bộ khớp hả? Trò Bông đâu có ăn hiếp trò đâu nà?

Thạnh vẫn không thôi gãi đầu:

- Nhưng mà ... mắc cở quá ơi.

- Gì mà mắc cở? Làm quá ...

- Thôi, tui không chịu đâu, "tay trắng, tay đen" lại.

Ngôn bây giờ mới tủm tỉm:

- Nếu trò Thạnh không chịu thì đổi trò Khôi, tui bồ với trò Thạnh cho.

Bông đứng ở tư thế cũ không thèm nói tiếng nào. Dù rằng nó đã thấy tức cành hông. Làm như thể, nó là ma quỷ hổng bằng, chẳng đứa nào chịu bắt bồ cả. Khôi cũng không chịu luôn, Khôi chỉ qua Ngôn, Ngôn lắc đầu, Bông dậm chân, phụng phịu:

- Mấy trò chơi gì kỳ cục, tui về!

Nói rồi Bông bỏ đi một nước. Ba thằng con trai nhìn nhau. Câu chưa được con cá nào đã sinh ra lôi thôi, tại thằng Khôi hết, bày đặt chia phe, chia đảng. Vậy mà Ngôn cũng nghe theo. Ngôn gọi:

- Bông ơi! Bông!

Bông vẫn đi. Ngôn nhìn Thạnh:

- Ở đây nha, tui chạy theo kêu trở lại để trở về tội nghiệp lắm.

Khôi e ngại:

- Thôi kệ đi. Kêu trò Bông lại rồi ai bồ với trò?

Thạnh cũng biểu đồng tình:

- Ừa, đúng rồi đó! Đừng thèm kêu, ai biểu ham giận chi, về đâu về phức cho rồi.

Ngôn lắc đầu:

- Đâu được nà! Mấy trò để tui kêu lại chuyện kia tính sau. Đứng đây chờ nha. Chút thôi.

Nhìn bóng dáng Bông nhỏ nhắn vừa mất hút sau lùm cây đằng kia, Ngôn hấp tấp chạy theo. Bộ bà ba đen đồng ruộng của nó nhảy lúp xúp trên con đường quanh co trông ngộ nghĩnh hết sức, như con cá lóc mắc cạn. Thạnh, Khôi cười bâng quơ rồi cùng nhau ngồi xuống gốc dừa, móc mồi để sẵn. Chưa gì mà gần hết buổi chiều. Nhỏ Bông lại rộn chuyện, giận với hờn làm tốn thêm thì giờ năn nỉ. Thạnh thắc mắc. Sao con gái hay giận ghê! Con Thu em nó cũng vậy đó, hễ mà có cái gì không vừa ý là bỏ đi ra chuồng nghé ngồi một mình, mặt chù ụ. Còn con trai, chẳng khi nào. Chuyên môn bị giận, bị năn nỉ, bị bắt bí... lung tung hết. Như Thạnh thì bị Bông giận, Ngôn bị đi năn nỉ, còn Khôi bị bắt bí. Khổ ác.

Chắc ông trời cũng khổ với bà Trời lắm nên bắt tụi con trai chia xẻ. Nhưng mà Thạnh không ngán con gái đâu. Chắc Khôn cũng vậy. Chỉ có mình Ngôn là yếu thôi. Bông nó giận hả? Ừ, cho giận đã đời luôn. Tội gì...

Thạnh ngẩng đầu lên nhìn mấy lá dừa lao chao trong gió, nó nói một mình:

- Có điều, con gái coi... ngộ hơn con trai.

Khôi ngồi cạnh bên, trố mắt:

- Trò nói gì vậy. Thạnh?

Thạnh cười. Lúc đó Ngôn với Bông cũng vừa xuất hiện xa xa.

Thạnh chỉ:

- Tui nói Ngôn với Bông về kìa. Bộ mắt trò nhắm rồi hả?

- Tưởng trò nói gì chớ cái đó... tui thấy rồi. Trò Bông vậy mà hay chớ.

Ngôn với Bông đi dần về phía hai đứa tụi nó, Ngôn thì quơ tay quơ chân như phân bua, bày tỏ cái gì, còn Bông lẳng lặng bước đi, mắt chỉ chúi nhìn xuống đất. Đợi bọn Ngôn tới nơi. Thạnh mới cất tiếng thật oai:

- Sao? Bây giờ thì câu cá hôn? Hay đi về?

Ngôn chỉ con Bông:

- Hổng ai về phe trò Bông hết, thì tui "hy sinh" vậy. Nếu bằng lòng thì bắt đầu cuộc thi.

Khôi xoa tay:

- Chịu gấp! Tui với trò Thạnh xí luôn gốc dừa này. Hai trò kiếm chỗ ngồi đi; dụm một chỗ khó câu lắm.

Ngôn lấy cần câu và giỏ mồi của mình rồi vịn vai Bông đi lại gốc dừa khác. Không quên nói lại với bọn Thạnh một câu chúc lành:

- Hai trò ráng câu được nhiều cá nhen!

Bọn Thạnh nheo mắt:

- Tụi tui cũng mong hai trò câu được nhiều cá để khỏi bị cõng.

Không khí ở đây bắt đầu im lặng, chỉ còn tiếng lá dừa lao xao, như bầu không khí của bao cuộc thi khác, cũng đượm vẻ quan trọng cũng chứa đầy sự cố gắng. Ngôn ngồi cạnh Bông gắn mồi vào cần câu thả xuống làn nước chảy lười biếng lững lờ. Bông đã buông câu tự nãy giờ, nó mở to mắt nhìn đăm đăm vào cái phao lềnh bềnh trên mặt nước, khuôn mặt xương xương của Bông làm Ngôn để ý mãi.

Tóc con Bông dài chấm vai thật đen, được vén vào mép tai gọn gàng. Ngôn thấy con Bông giống giống cô Tam, nhất là mớ tóc mai vuốt ve hai bên má. Mỗi lần cô Tam làm việc mệt như sau khi chẻ củi chẳng hạn thì tóc mai lấm tấm mồ hôi, đẹp sao đâu. Mẹ cũng vậy nữa. Ngôn bỗng nhớ lại tiếng hò dịu ngọt buồn thiu của cô Tam một đêm nào đó:

Hò ơ... Tóc mai sợi vắn sợi dài,

Lấy nhau không được... ờ...

Hò ơ... Lấy nhau không được thương hoài ngàn năm.

Làm sao Ngôn có thể nói hay đọc câu ấy lên cho con Bông nghe? Ngôn nghĩ rằng câu ca dao đó người lớn lắm, dù nó chưa hiểu. Chợt cái phao của Ngôn động đậy, Ngôn giật lên thật mạnh, một con cá bóng dừa mắc câu. Ngôn mừng rỡ tháo ra bỏ vào cái rổ tròn đeo bên hông. Nó hí hửng móc mồi khác và buông câu chờ đợi. Con Bông nãy giờ trông chừng mà cá chẳng đớp mồi, thấy Ngôn có được con bóng dừa mập ú, nó cũng mừng, nhưng Ngôn không thèm kêu nó để khoe cho nó được mừng chung. Bông liếc thằng Ngôn dài ngoằng rồi quay đầu chỗ khác, không để ý đến cần câu của mình nữa muốn ra sao thì ra. Có gì thì thằng Ngôn bị cõng chứ Bông thì chắc chắn là không rồi. Bông ngồi bó gối, gác cần lên vòng tay đặt hờ hững, mắt thả bâng quơ những tia nhìn trên gợn nước lăn tăn. Nãy giờ Bông cũng chưa nghe tiếng phe bên kia reo mừng, vái trời cho phe kia ăn, để Ngôn ì ạch cõng cho đáng cái đời... làm le hổng thèm nói chuyện với Bông.

- Bông ơi Bông!

Dữ hôn, đến bây giờ mới chịu gọi, nhưng Bông không nhúc nhích. Tự nhiên nó muốn làm mặt giận thiệt lâu. Ngôn lại gọi nữa. Và Bông lại làm thinh. Bông hất hất mái tóc ra sau tỉnh bơ nhặt mấy cục đất nhỏ liệng xuống rạch. Nó không cố tình, nó quên rằng làm như vậy cá chẳng con nào dám đến cắn mồi nữa. Ngôn biết Bông đang giận dỗi. Mà sao nhỏ này bữa nay hay giận ghê! Sanh tật rồi chắc! Ngôn nhìn Bông cứ lâu lâu thảy vài cục đất xuống rạch, nó tức thấy mồ.

Ngôn la lên:

- Mèn ơi, sao trò ngu vậy, trò liệng đất xuống, nước động sao có cá được. Bộ trò muốn cõng lắm hả?

- .........

- Cái thân ốm nhom ốm nhách của trò đó, cở trò Thạnh hay trò Khôi mà cởi lên, có môn sụm bà chè, trò biết hôn?

Bông vẫn làm thinh. Phao của Ngôn lại động đậy. Ngôn giật cần câu lên, à thêm một con nữa. Ngôn khoái chí gỡ cá ra bỏ vô rổ rồi đếm:

- Một con, hai con... Cũng đặng chớ.

Ngẩng lên Ngôn thấy Bông cứ lì lì ra đó hoài. Ngôn cáu:

- Nãy giờ được hai con hà, trò được con nào chưa?

Bông cũng không thèm nói, Ngôn sùng trong bụng. Sao dễ ghét quá. Phải chi Ngôn nghe lời Thạnh và Khôi bỏ cho Bông về mất đất cho rồi. Ngôn ngó Bông chăm bẳm. Con nhỏ ngồi ngộ ghê ta, Ngôn cười cười vì văng vẳng bên tai Ngôn, giọng cô giáo vui vui đọc bài học thuộc lòng Thu-Điếu. Ngôn có cách làm cho Bông phải quay lại rồi. Ngôn lầm thầm xin phép ông Nguyễn-Khuyến cho Ngôn sửa lại mấy chữ trong bài thơ, để hợp tình, hợp cảnh hơn, Ngôn để cần câu xuống đất, lấy chân đạp lên cần để giữ, tay vuốt cần. Ngôn tằng hắng mấy cái để gây sự chú ý của đối phương, con Bông vẫn không thèm tỏ vẻ gì là quan tâm cả. Ngôn cao giọng đọc to lên, cố ý cho Thạnh và Khôi nghe cùng:

Rạch thu lạnh lẽo nước trong veo

Một nhỏ ngồi câu bé tẻo teo.

Ngôn thấy mắt nhỏ Bông chớp chớp. À, Bông đã nghe rõ rồi đó. Ngôn đọc tiếp:

Sóng biếc theo làn hơi gợn tí

Lá vàng trước gió sẽ đưa vèo.

Bên kia, tiếng thằng Thạnh, thằng Khôi hòa nhau nối tiếp của hai câu bài học thuộc lòng

Rừng mây lơ lửng trời xanh ngắt

Ngõ trúc quanh co khách vắng teo.

Con Bông ngẩng lên quay sang thằng Ngôn nhíu mày, khẽ nói:

- Tui không có giỡn nghe trò! Tui đang... sùng đừng chọc à!

Ngôn mỉm cười, chỉ vào cái vòng tay ôm lấy đôi chân của Bông!

Tựa gối ôm cần lâu chẳng được.

Cá đâu đớp động dưới chân bèo.

Con Bông phì cười, và cái phao của nó cũng nhúc nhích thật, nghĩa là có cá cắn câu. Bông kéo lên:

- Được một con rồi...

Ngôn vỗ tay:

- Khoái quá, héng!

Bông vừa gỡ cá ra vừa hằn học:

- Khoái cái gì?

- Mình được ba con cá, thì khoái chớ gì còn hỏi.

- Xí!

Bông bĩu môi, rồi móc mồi câu lần khác, không nói nữa. Con cá nó chẳng bỏ chung với Ngôn, nó bỏ vào lon của nó.

Hai đứa chơi riêng. Bông nghĩ vậy. Ngôn lại tưởng Bông hòa với mình nên gọi:

- Bông à! Trò Bông nè!

Con Bông không quay lại. Lúc này cá đớp mồi của con Bông cũng lia lịa, chẳng mấy chốc mà lon cá cũng được bốn năm con gì đó. Thêm Ngôn nữa, gần mười con.

Chiều đã sẫm xuống. Ngôn lên tiếng chấm dứt cuộc thi, nó cuốn nhợ, vác cần câu đứng lên, gió thổi mát rượi, Ngôn không muốn con Bông giận nó nữa, nó đã cố gắng làm hòa mà con Bông cứ ngoảnh mặt mãi. Ước gì cơn giận của con Bông lăn tăn gợn tí thôi, rồi yên lặng và sự làm hòa của Ngôn có giá trị như một làn gió mát làm dịu nỗi gắt gay của nắng chiều. Nhưng không được. Ngôn nhìn Bông ngồi lì dưói đất, không chịu đứng lên, không chịu hưởng ứng lời nói kết thúc của Ngôn, lòng Ngôn dâng lên nỗi tự ái. Ngôn bỏ đi về phía bọn thằng Thạnh, hai đứa đang chờ Ngôn tới để đếm cá. Thạnh cười:

- Sao lâu vậy trò? Bông đâu?

Ngôn bực bội:

- Thôi đếm cá đi, hai trò coi như phe tui là có một mình tui thôi. Đếm đi.

- Sao kỳ vậy?

- Không có kỳ, vảy gì hết, cá tui được tám con đó.

Thạnh với Khôi đổ cá ra đất, những con cá bóng dừa cá chèn nhảy soi sói, tất cả mười con. Đáng lý ra, bọn Thạnh bị cõng. Tại con Bông hết. Từ rày về sau đừng hòng nói chuyện với Ngôn. Ngôn xụi lơ:

- Vậy là tui bị cõng rồi. Nhưng có tới hai đứa lận...

Khôi hỏi lại:

- Trò Bông đâu?

Ngôn không nói, lặng lẽ hốt phần cá của bọn Thạnh bỏ vào lon của tụi nó, rồi trả lời:

- Trò Bông không có phe bên tui. Bây giờ tui cõng một người còn một người nắm lỗ tai tui trừ, từ đây về đến nhà. Chịu không?

Thạnh lắc đầu:

- Thôi, nếu không có đủ thì bỏ. Tụi mình về, trời cũng tối rồi.

Khôi cũng nói:

- Bỏ đi trò. Tụi mình về, trò Bông muốn ở lại mặc trò. Lát nữa thế nào trò cũng bỏ theo cho coi, con gái sợ ma dàn trời mà.

Ngôn sực nhớ ra điều mà Khôi vừa nói, con Bông sợ ma lắm. Phải rồi, bây giờ hùa nhau chạy, rồi la "ma, ma" con nhỏ chắc chắn phải cong giò. Ngôn nói cho các bạn biết ý mình luôn thể kể chuyện làm reo của con Bông nữa.

Thạnh và Khôi tức lây. Tụi nó vác cần câu, xách giỏ cá, cặp kè nhau đi. Khôi cười:

- Cho trò thấy. Con gái đáng ghét lắm chứ phải chơi. Làm như là... bà nội mình không hà.

Thạnh nheo mắt:

- Vậy mà có đứa thích chơi mới độc chứ.

Ngôn biết Thạnh nói mình, nên im lìm chịu trận. Hai thằng bạn cười to nắc nẻ. Đột nhiên Thạnh la lên:

- Ma! Bớ người ta, ma!

Cả bọn lôi nhau chạy sầm sập. Ngôn vừa chạy vừa ngoái đầu lại phía sau, nó thấy con Bông bỏ cả cần câu bỏ cả giỏ cá chạy hớt ha hớt hải như là tên Thoát Hoan bỏ cả ấn tín sất bất sang bang chạy tuốt về Tàu, sợ quân ta như sợ ma đuổi vậy. Con Bông la cầu cứu:

- Cứu tui với, ma! Mấy trò ơi đợi tui với!

Ngôn còn nghe nó khóc hu hu nữa. Ngôn thích chí lẫn thương hại. Ai biểu chọc sùng Ngôn làm chi. Ngôn muốn đứng lại để đợi Bông, trấn an Bông, nhưng nếu Ngôn mà vậy thì Ngôn bị mang tiếng "đứa thích chơi với con gái" như thằng Thạnh nói hồi nãy. Ngôn bặm môi chạy mau hơn, Khôi bồi thêm mấy tiếng la, ma, ma nữa, con Bông chắc sợ điếng hồn, Ngôn bắt đầu chạy chậm lại, hơi thở đứt quãng; Ngôn nhớ con Bông có làn tóc mai giống cô Tam, hình bóng cô Tam lúc này nở to dần, bao trùm lấy đầu óc nó...


Về Đầu Trang Go down
https://nhanbkvn-2022.forumvi.com
Admin
Admin
Admin


Tổng số bài gửi : 17784
Points : 24761
Reputation : 0
Join date : 16/10/2016

Vòng Tay Mẹ - Loại Hoa Xanh Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Vòng Tay Mẹ - Loại Hoa Xanh   Vòng Tay Mẹ - Loại Hoa Xanh Icon_minitimeSat Jun 03, 2017 5:55 pm

Chương 02

Mấy lúc gần đây, đánh lộn dữ quá. Ngôn không được ra đồng thả diều hoặc vô miệt trong rạch câu cá nữa. Ngôn chỉ còn theo xe lôi ra quận học, rồi theo xe lôi trở về nhà. Mới được thư ba hôm trước, bà nội trả lời rằng dưới này yên tĩnh không sao, ba cứ lo làm ăn... Bà nội sợ ba buồn...

Ngôn thì nghĩ rằng ba chẳng lo lắng gì đến bà nội, đến mẹ, đến cô Tam và luôn Ngôn nữa.

Bởi vì nếu ba biết thương biết lo thì ngoài việc gởi tiền về, ba cũng phải ghé về thăm ít ra một năm một lần, đằng này ba đi hoài, đi hoài có khi hai ba năm ba mới về. Mỗi lần ba về ba thêm đen, thêm dắn rỏi... Mẹ bảo ba đi buôn bán xa. Còn đâu xa hơn đất Saigon? Không biết ba có hay ở quê nội bây giờ súng nổ lốp bốp, người đi cày lúc nào cũng nơm nớp lo sợ hay không?

Mẹ thôi đi lúa dài hạn nữa. Lúc trước mỗi chuyến mẹ đi có khi một tuần, hai tuần, không chừng. Rồi mẹ nghỉ ở nhà vài bữa.

Mấy bữa như vậy, cô Tam không ngớt bị rầy la chưởi mắng lại bị đòn thật đau. Thời buổi này, lộn xộn riết, mẹ chỉ dám đi lúa gần gần. Nhiều lắm là ba bữa, rồi mẹ ở nhà cả đôi ba tuần. Cô Tam bị hành hạ nhiều hơn. Ngôn thấy mẹ quá đáng mà chẳng dám nói, chỉ mong ngày nào ba về Ngôn kể lại ba nghe. Ngôn tin ba đủ sức khuyên can mẹ hơn ai hết.

Bữa nay mẹ nói người hay bần thần khó chịu, mẹ không đi góp lúa được. Mẹ sai cô Tam đi dùm, cô Tam phải lo công việc trong ngoài cho xong xuôi hoặc giả là cũng xong đi phân nửa, để khi về làm đỡ mệt. Mỗi lần đi góp lúa, tốn cả ngày, Ngôn xin mẹ cho Ngôn đi theo cô Tam chơi mà mẹ không cho. Ngôn buồn quá bước lẩn thẩn quanh vườn nhà. Chủ nhật nghỉ học trống trải quá mà không biết làm gì. Ngôn nằm trên chiếc võng của Nội đu đưa. Nội ngồi têm trầu ở bộ ván. Nội nhìn Ngôn thật thương yêu, cho miếng trầu vào miệng nhai tỏm tẻm nội lại võng đỡ Ngôn dậy. Nội ngồi cạnh Ngôn, vuốt tóc Ngôn han hỏi:

- Sao mà "cậu hai" buồn dữ vậy ha?

Ngôn ngã đầu lên vai nội, muốn khóc:

- Con muốn theo cô Tam đi góp lúa, mà mẹ không cho.

- Ờ, con theo nó làm gì? Có phải nó đi chơi đâu nà, con liu ríu bên cạnh nó làm nó chộn rộn thêm.

- Nói cho nội nghe vậy đó chớ. Con có được đi đâu mà chộn rộn.

Ngôn nhảy xuống đất, lôi đôi chân một cách nặng nề:

- Con ghét nội lắm, con ghét mẹ lắm, con không thèm chơi với ai hết...

Nội cười méo xẹo:

- Coi, coi, Ngôn! Con giận nội hả?

Ngôn gật đầu:

- Con giận nội đó. Ai biểu nội...

- Nội sao?

Ngôn không nói nữa, nó ngồi xuống đất khóc ngon lành. Nó không nhõng nhẽo đâu, mà vì buồn bực quá... Tự nhiên Ngôn muốn bỏ đi thật xa, ở nhà không ai làm Ngôn thấy vui, thấy thích cả. Nội và mẹ có thương chiều Ngôn thật, mà Ngôn chưa bằng lòng. Ngôn muốn một điều gì khác, dường như chỉ có ở cô Tam, ở bạn bè. Ngôn không biết phải gọi tên cái điều khác lạ như thế nào. Thấy Ngôn bật khóc. Nội đến bên dỗ dành, Ngôn làm dạ khóc to hơn lớn hơn. Nội lau nước mắt cho Ngôn:

- Nín đi, mẹ con khó chịu nó đang nằm nghỉ trong buồng.

Ngôn không chịu nín. Chắc nó lây tánh lì của con Bông hôm đi câu cá rồi. Ngôn cứ hù hụ, hù hụ om sòm. Cái khăn sọc vắt vai của nội cứ kéo xuống, rồi vắt lên, nội cũng phải tức mình vì Ngôn cho xem. Đang khóc ngon, Ngôn bỗng gặp mẹ cầm cây chổi lông gà đứng ở cửa buồng trừng mắt nhìn Ngôn. Đầu tóc mẹ rũ rượi, mẹ bịnh. Ngôn nín thinh hết dám nó hé gì nữa. Nhưng giọng mẹ sắc lạnh làm Ngôn nổi da gà:

- Ngôn, lên bộ ván cúi xuống!

Lần đầu tiên mẹ đánh Ngôn bằng chổi lông gà, nó cúi xuống sát rạt, bàng hoàng và nghiêm trọng. Ngôn khổ sở leo lên, nằm mẹp xuống, không dám nhìn mẹ chút nào. Mẹ nhịp nhịp ngọn roi lên mông Ngôn, nó tưởng mình là tên tử tội đến giờ lên máy chém. Nó rùng mình nhắm khít mắt thêm nữa, tai nghe tiếng mẹ kết tội rõ mồn một:

- Độ rày con hư lắm nghe Ngôn, con cãi lời mẹ, cãi lời nội nhiều lần rồi. Mẹ tha cho. Nhưng lần này thì không được, con quá lắm. Mẹ đã nói từ sáng, mẹ khó chịu trong mình, mẹ cần nằm nghỉ, đến nỗi chuyện góp lúa để đem bán là chuyện của mẹ mà còn giao cho con Tam nữa kìa. Mẹ mệt quá, con có thương mẹ đâu?

Ngôn lí nhí:

- Con thương mẹ chớ sao không!

Mẹ dằn roi đánh bốp xuống bộ ván, tim Ngôn đập thình thịch:

- Ai cho phép con trả lời? Mẹ đã cấm con không được nói chuyện với con Tam. Con cãi lời, mà mẹ cũng bỏ, vì con còn sợ, con nói lét lút, nói ít... Rồi bữa nay, xin theo nó, mèn ơi, sao mẹ cho được? Mẹ không cho rồi con nhõng nhẽo với nội, khóc lóc với nội, phải hôn? Con la rùm lên cho hả dạ, phải hôn?

Mẹ lại nhịp roi:

- Ngôn!

- Dạ.

- Tội con rành rành ra đó, con thấy chưa? Mẹ không thể tha thứ cho con được, con muốn mấy roi? Nói mau.

Ngôn đâu muốn bị đòn mà mẹ hỏi Ngôn muốn mấy roi? Ngôn sợ quá, khóc thút thít nội còn đứng ở đây không, sao nội không can dùm mẹ Ngôn.

- Nói đi chớ! Lì lợm hả?

Ngôn run giọng:

- Con muốn... hai roi.

Mẹ không bằng lòng:

- Sao có hai roi hà? Đâu được, phải năm roi, mà năm roi cũng chưa vừa tội con nữa, biết chưa. Con hư lắm. Nằm ngay ngắn lại, mau!

Ngôn sửa điệu bộ lại, nằm thẳng cẳng, chẳng dám nhúc nhích cục cựa gì hết, sợ mẹ giận, mẹ lại thêm mấy roi nữa thì chết. Mẹ trở đầu roi lại, cán roi đầy lông gà mẹ để đánh, còn đuôi roi là cọng mây trụi lủi, mẹ cầm:

- Lần này mẹ đánh, chừa tới già nghe chưa? Không được lộng hành như vậy nữa nghe chưa?

- Dạ!

Vừa dạ dứt tiếng, năm cán chổi phết vào mông Ngôn, đau quắn đít, dù là cán chổi đầy lông gà. Ngôn khóc to, hai bàn tay xoa lấy mông, mẹ bảo:

- Cho con ngồi dậy.

Ngôn khoanh tay lại, xin lỗi mẹ. Mẹ vào buồng không nói thêm lời nào nữa. Ngôn quẹt mắt. Nội đang nằm trên võng tỉnh bơ. Nội cũng muốn cho Ngôn bị đòn mà. Ngôn rời bộ ván, lủi thủi bước ra ngoài sân. Chung quanh bóng cây, rồi bóng nắng, chập chờn lung linh. Ngôn chỉ có một mình. Thốt nhiên Ngôn tưởng Ngôn bị ghét bỏ như cô Tam. Ngôn bước lần ra ngõ tre, bờ đất vàng màu sét, hàng dừa cao lá ngọn cong cong, dòng sông nước đục chảy lững lờ đập vào mắt Ngôn. Ngôn thèm ngồi trên cầu như lần nào ngồi tắm có cô Tam. Bên kia bờ sông có hàng cây rậm rạp, cũng có nắng, nhưng không biết có gì vui? Ngôn ngồi xuống, thòng chân quơ nước lõm bõm, nước sông mát mẻ không làm Ngôn quên vụ bị đòn, không làm Ngôn quên vẻ mặt nghiêm nghị chẳng chút thương xót của mẹ, lại càng không làm cho Ngôn quên cái lạnh lùng dửng dưng bỏ mặc Ngôn bị đòn của nội, chẳng còn ai yêu chiều Ngôn nữa, Ngôn không là gì cả trong ngôi nhà này. Ngôn ước mình là dòng sông êm xuôi, chảy hoài, không bao giờ bị đòn, không bao giờ biết buồn bã, cứ trôi đi, trôi đi qua bao nhiêu là làng mạc, xóm thôn.

Hay là Ngôn biến thành đám lục bình kia, bềnh bồng theo nước rong chơi như lời cô Tam đã nói. Chắc những cụm lục bình đó trôi đi để tìm một nơi nào vui vẻ hơn? "Không biết lục bình đã tìm ra nơi nào vừa ý chưa nữa?". Tại sao Ngôn không bắt chước lục bình đi tìm một nơi nào vui vẻ? Ngôn phải đi. Ừ, Ngôn phải đi. Đâu còn ai thương Ngôn nữa đâu mà luyến tiếc? Mẹ đòi đánh Ngôn năm roi, Ngôn xin hai roi thôi, nếu thương Ngôn, mẹ phải biết Ngôn sợ đau, mẹ phải bớt lại cho Ngôn nhờ chớ. Mẹ vẫn nhất định là năm roi. Còn nội nữa, nếu thương Ngôn, nội phải xin can cho Ngôn. Nội chỉ nói một tiếng thôi là mẹ không đánh Ngôn nữa. Vậy đó mà nội lặng yên, để Ngôn bị đòn. Cô Tam còn không muốn thấy Ngôn bị đánh đau, huống chi là nội, Ngôn là cháu của nội, nội không thương sao?

Ngôn đưa mắt nhìn quanh, nước sông lấp lánh dịu hiền và thoải mái thảnh thơi. Ngôn bắt gặp chiếc xuồng lá của anh Cu hay bơi ra ruộng, đang cột hờ hững dưới dạ cầu. Ngôn muốn làm một cuộc phiêu lưu rong ruổi như đám lục bình, như dòng sông quê nội đến nơi nào vui vẻ. Nhưng Ngôn chợt nhớ đến những tiếng súng nổ, tiếng máy bay quần thảo trên đầu. Ngôn chùng lòng ngần ngại, nó quay đầu nhìn vào nhà, lũy tre vàng xanh dầy cộm, dường như muốn ngăn nó, muốn giữ nó lại. Những tiếng lá tre vẫy vẫy như bảo Ngôn đừng đi. Không, Ngôn không thể nào ở lại được. Súng nổ thì kệ súng, Ngôn cứ đi. Nó đứng lên, rón rén chuyền sang cầu tre nhà bà Cả, nó đưa tay mở dây, bước xuống xuồng, dù sao Ngôn cũng không tránh khỏi nỗi xúc động. Ngôn chớp mắt lia lịa nhìn lần cuối ngôi nhà có nội, có mẹ có cô Tam trước khi... lên đường.

Tay cầm cây dầm, Ngôn bặm môi khua nước. Xuồng lướt đi êm êm. Ngôn thì thầm "con giận nội lắm, con giận mẹ lắm!". Nó ngước mắt lên cao, ngọn dừa này tiếp nối ngọn dừa khác thụt lùi ra sau. Nó biết mình đã thực sự rời bỏ tất cả rồi. Ngôn thấy lớn ra, gan cùng mình. Từ giây phút này Ngôn tự lo lấy mọi việc, xuồng cứ trôi, Ngôn cứ chèo. Nắng quái nghiêng nghiêng nhuộm vàng dòng nước, làm sáng cỏ cây. Ngôn không biết đã có gì vui mà lòng Ngôn hân hoan thơ thới. Những đám lục bình bềnh bồng cạnh mạn xuồng, Ngôn buông dầm, đưa tay ngắt cánh hoa màu tím, nó ngửi nhưng chẳng thấy mùi thơm. Ngôn để mặc xuồng trôi, nó cứ vớt hết đám lục bình này đến đám lục bình khác, hoa tím rải rác trong lòng xuồng. Phải chi có cô Tam, Ngôn sẽ kết lại thành sợi dài giắt lên cài búi tóc của cô Tam, chắc là cô Tam thích lắm.

Xuồng cứ đi hoài mang Ngôn theo, càng lúc càng xa, lòng sông mở rộng trước mắt. Sao Ngôn mê dòng nước đục chảy lười biếng này quá chừng. Mới đó mà đã chiều và mới đó đã ra tới sông cái. Bây giờ Ngôn mới bắt đầu lo sợ. Nước sông mênh mông, cảnh vật trống trải.

Ngôn nhớ đến mẹ, đến nội. Chắc giờ này mẹ với nội đang quýnh quáng kiếm Ngôn. Nội sẽ kêu réo Ngôn ơi, Ngôn hỡi, mẹ sẽ hối hận vì đã đánh Ngôn đau cho Ngôn bỏ nhà đi. Còn cô Tam. Không biết cô Tam đã về chưa? Nếu cô về rồi, thì chắc cô cũng không khỏi nhôn nháo. Ngôn đói bụng và mệt. Làm sao đây? Ngôn không thể tự cho mình được. Vái trời cho có xuồng hay ghe của ai đi ngược lại gặp Ngôn để họ về méc với nội, lập tức Ngôn sẽ được dẫn về nhà. Nhưng mà chẳng ai quen, dù ghe xuồng vẫn có. Họ nhìn Ngôn lạ lùng, thằng bé con nhà ai mà dám bơi xuồng lá đi trên sông cái một mình. Mây tím bảng lảng, gần tới rồi. Ngôn càng thêm lo; nó trách mình sao kỳ cục. Có tiếng súng nổ xa xa, tim gan phèo phổi của nó lộn lên lộn xuống. Nó sợ điếng hồn, phải mà nó đừng thèm… phiêu lưu thì giờ này đâu phải run rẩy như vầy. Ngôn bỗng bủn rủn tay chân, nó ngã xuống, nằm co ro trong lòng xuồng. Và chiếc xuồng bé tẻo teo như mảnh lá khô vẩn vô tình trôi xuôi theo dòng nước, bấp bênh, bấp bênh…

Thuyền tắp vào một hoang đảo, thật thần tiên và xinh đẹp. Ngôn nhìn tần ngần quanh, không biết đây là đâu, nhưng chắc xa nhà lắm. Ngôn thấy nước mênh mông, xa xa có vài ba cù lao nhỏ nổi lên màu đen, màu xám Ngôn không ngờ mình lại lạc đến đây, vùng đất thật lạ lùng.

Ngôn bước chậm chạp, quan sát từng chút, để tìm ra một vài đặc điểm nào thân quen cho đỡ sợ. Nhưng hoàn toàn không thấy gì ! Trước mặt Ngôn, một tòa lâu đài rộng lớn, màu cẩm thạch. Không khí yên tĩnh, làm Ngôn buồn buồn. Tòa nhà cô đơn giữa một rừng cây xanh ngát, yểu điệu lung lay nhè nhẹ. Ngôn không biết là cây gì nữa. Đường dẫn vào cửa chính có lót đá trứng màu ngà, mỗi bước chân của Ngôn, vì vậy, kêu lạo xạo rôn rã. Xen lẫn trong rừng cây ấy là những khóm hoa màu sắc thật tươi mà chẳng giống bất cứ cái hoa nào Ngôn đã gặp hết. Hoa lạ lùng mà cũng đẹp lạ lùng. Hương thơm từ đó tỏa ra ngào ngạt, Ngôn hít mạnh mấy cái cho đã cái mũi. Nó đưa tay định ngắt lấy một đóa để dành tặng cô Tam thì có tiếng nói thanh thanh sau lưng nó :

- Ồ, cậu bé, đừng hái hoa chớ!

Ngôn giật mình quay lại, một cô gái xinh xắn đang tươi cười nhìn Ngôn. Cô ta mặc cái áo đầm dài chấm gót, màu hồng cài nơ trắng, tóc cô dài và đen óng ả, hai bàn tay cô đan lại với nhau mũm mĩm như mười búp huệ trắng nuốt. Ngôn mở to mắt nhìn cô gái hoài không chớp. Cô gái nắm lấy vai Ngôn thân mật :

- Cậu bé vào nhà chơi, cậu bé từ đâu tới ?

Ngôn sửng sờ mấp máy đôi môi mà chẳng ra lời.

Nó ngạc nhiên quá. Người đâu mà dịu dàng hết sức, Ngôn bước theo cô, tiến dần về phía tòa lâu đài. Ngôn nhìn rõ tấm bảng gắn hàng chữ bạc lấp lánh trước cửa. Ngôn lẩm nhẩm đọc: “ Ngôi Nhà Lương-Tâm ”. Tên tòa lâu đài cũng đẹp ác. Cô gái đưa tay đẩy nhẹ, cánh cửa mở rộng, cho Ngôn thấy một sự lộng lẫy huy hoàng. Ngôn không nói được, không diễn tả được. Chỉ biết ngẩn ngơ nhìn. Toàn những màu sắc rực rỡ chứ không có màu tím, màu xám nào cả. Ngôi nhà mát mẻ và sang trọng làm Ngôn khớp khớp. Nhà nó nền đất, mái lá, phên tranh, hàng rào tre, chứ có đâu toàn bằng cẩm thạch, một loài đá quí, như vầy. Cô gái vẫn cười :

- Cậu bé ngồi đây nha, để chị gọi tụi em chị ra chơi !

Cô gái chỉ vào chiếc ghế bọc nhung đỏ. Ngôn nhìn lại đôi chân dính bùn, quần áo đen đúa của mình, nó ngần ngịa quá đỗi, Ngôn đứng xớ rớ, cô gái ấn Ngôn ngồi xuống :

- Tự nhiên đi em !

Rồi cô gái cao giọng :

- Các bé ơi, có khách đến thăm nha ! Ra đây nào !

Vừa dứt tiếng thì ở các phòng nhỏ, những đứa con gái, con trai cỡ bằng Ngôn chạy ùa ra, đứa nào cũng toát ra một sức thu hút ngộ nghĩnh. Y phục vẫn một màu xanh mát. Ngôn nhìn chăm chăm. Có cả thảy năm đứa : hai gái và ba trai. Chúng đứng bao quanh Ngôn, reo vui :

- Chào người bạn mới.

Ngôn ngượng ngịu cười đáp lễ. Nó tưởng chừng nụ cười đó méo mó hơn nụ cười của nội khi xỉa thuốc. Cô gái vuốt tóc Ngôn thật trìu mếm ;

- Chị tên Đoan Trang, còn em tên gì, cho biết được không ?

Ngôn đáp ;

- Tui tên Ngôn.

Những đứa trẻ thi nhau nói ;

- Chào anh Ngôn, chào anh Ngôn !

Chị Đoan Trang mỉm cười hài lòng:

- Giỏi lắm, các bé nói tên mình cho Ngôn biết đi, còn chị đi lấy bánh và nước đãi Ngôn nha !

Chị Đoan Trang bão khẽ với Ngôn :

- Đừng sợ gì hết, Ngôn há !

Chị bước đi tha thướt, Ngôn quay nhìn theo định gọi chị lại, nhưng Ngôn bị bọn trẻ khều tay bắt phải chú ý đến chúng. Một đứa con gái đứng lên, nhỏ nhẹ :

- Em tên Ngoan Ngoãn.

Đứa khác tiếp :

- Em tên Hiền Lành.

Cứ như vậy tiếp tục cho tới đứa thứ năm, do đó Ngôn được biết những đứa bạn mới dễ thương của Ngôn có tên thật ngộ : Ngoan Ngoãn, Hiền Lành, Nhường Nhịn, Can Đảm, Nhân Ái.

Con Bông hay thằng Thạnh, thằng Khôi mà biết được, thế nào tụi nó cũng lè lưỡi kinh ngạc cho xem. Ngôn buột miệng :

- Tên các trò đẹp quá chừng. Tên tui xấu ỉn hà.

Nhân Ái cười :

- Xấu đẹp đâu ăn nhằm gì, tên mà.

Hiền Lành cũng nói :

- Ăn thua là cái lòng của Ngôn đó chớ.

Ngôn gật đầu, nó hỏi :

- Tại sao trò này tên Ngoan Ngoãn, trò này tên Can Đảm mà không tên Bông hay tên Thạnh hay một cái tên nào khác ?

Ngoan Ngoãn dịu dàng trả lời :

- Ngoan tên Ngoan Ngoãn vì lúc nào Ngoan cũng vâng lời ba má, chị Đoan Trang, không dám bướng bỉnh, lì lợm hay là nhõng nhẽo làm ba má bực bội.

Can Đảm nói tiếp :

- Vì Đảm không sợ nguy hiểm, khó khăn, quyết lòng đi thẳng tới điểm muốn tới thí dụ như học bài Đảm muốn học cho thuộc mà bị con Buồn Ngủ chọc phá Đảm vẫn kiên tâm cố gắng, khi làm toán Đảm muốn làm cho ra đáp số mà bị con bí lù cản đường, Đảm cũng không nản. Hoặc là cứu một kẻ đang bị hiểm nguy đe dọa. Ba mới đặt tên cho Đảm là Can Đảm.

Chị Đoan Trang bước ra đúng lúc đó, nên chị thêm vào :

- Mỗi một cái tên của các bé ở đây là một đức tính quý, cần có trong một đứa trẻ, để khi lớn lên thành một con người tốt… Ngôn hiểu không ?

Ngôn nhìn chị Đoan-Trang cười :

- Ngôn hiểu rồi, cũng như tên chị là tính nết của con gái, phải hôn chị ?

- Ừ, đúng rồi. Ngôn thông minh lắm. Đây chị thưởng cho Ngôn một ly nước Vui Tươi và miếng bánh Tự Tin nha. Ăn đi, xem có ngon không ?

Ngôn đưa tay đón lấy. Không quên nói tiếng cám ơn. Có điều Ngôn lấy làm lạ, bánh Tự Tin giống như bánh bông lan mà mẹ hay làm, nước Vui Tươi như ly nước cam hiệu con Cọp vậy. Nhưng ngon hơn, thơm hơn… Chị Đoan-Trang cười hoài, cái cười của chị tươi tắn sao đâu. Ngôn thấy chị nheo mắt ra dấu gì đó mà mấy đứa bạn gục gặc đầu.

Ngoan Ngoãn đứng lên :

- Bây giờ mời Ngôn thăm phòng của Ngoan ngộ lắm.

Ngôn đi theo các bạn đến một căn phòng nhỏ màu trắng đục, trước cửa phòng có một bảng nhỏ ghi hai chữ Ngoan Ngoãn thật đẹp. Ngoan-Ngoãn mở cửa ra, hương thơm thoang thoảng phất vào mũi Ngôn, dễ chịu; phòng gọn gàng ngăn nắp với một kệ sách phẳng phiu. Ngôn thấy có quyển Quốc ngữ toàn thư giống y của Ngôn được bao lại kỹ lưỡng, lại có cuốn “ Vệ sinh thường thức” nữa.

Ngoan Ngoãn học bằng lớp Ngôn chắc. Ngoan Ngoãn chỉ cho Ngôn xem bể nước bằng đá trắng, nhỏ thó, trong đó đựng một thứ nước xanh phẳng lì như gương Ngoan Ngoãn vừa quơ tay qua lại trên mặt nước vừa nói :

- Ngôn hãy nhìn vào đây, Ngôn sẽ biết mình có ngoan ngoãn không ?

Ngôn chăm chú nhìn, mặt nước chao động và lờ mờ hiện ra khung cảnh nhà Ngôn, bà Nội ôm Ngôn vào lòng kể chuyện đời xưa “ Con Tấm Con Cám ”, bà nội cất giọng đều đều trong khi Ngôn say mê nghe chuyện, nửa chừng, nội mệt, sai Ngôn rót cho nội ly nước trà, Ngôn vùng vằng không chịu. Ngôn bắt nội phải kể hết chuyện mới được uống nước. Ngôn mếu máo dậm chân. Lúc bấy giờ sao Ngôn dễ ghét quá vậy. Ngôn cúi đầu giấu niềm xấu hổ đang hiện dần lên mặt, khi ấy hình ảnh lao xao biến mất. Ngoan Ngoãn nhìn Ngôn với một cặp mắt lạ lùng không thân thiện như lúc nãy. Rời phòng Ngoan Ngoãn. Ngôn được sang phòng kế tiếp. Ở đâu, Ngôn cũng thấy mình không tốt đẹp. Chỉ được cái là Ngôn hiền lành thôi. Bạn bè chẳng tiếp xúc vồn vã với Ngôn nữa. Chúng lặng thinh kì cục. Ngôn mắc cỡ muốn chết. Nhất là nội cái chuyện thù vặt con Bông, đứa con gái cùng làng, Ngôn đã nhát ma để hả giận. Rồi đến chuyện giận mẹ, giận nội, vì tự ái đi không đúng chổ. Bây giờ Ngôn mới nhìn thấy lỗi mình.

Chị Đoan Trang ngồi ở chiếc ghế nhung đỏ, mặt chị trang nghiêm lạ thường. Ngôn lo sợ. Các bạn bao quanh chị Đoan Trang tíu tít kể lại những những chuyện đã xảy ra, mắt chị thay đổi theo từng đoạn: khi vui, khi giận. Ngôn muốn khóc. Đột nhiên có tiếng nói rổn rảng :

- Thôi đuổi nó về đi. Ba không bằng lòng cho các con quen với một thằng bé có tính xấu như vậy.

Ngôn mím môi lại, nhìn chị Đoan Trang một cách khổ sở. Chị Đoan Trang đứng lên nắm lấy tay Ngôn dẫn ra ngoài rồi ập cửa lại. Ngôn kêu lên :

- Chị Đoan Trang !

Cửa đóng im lìm, mấy chữ “Ngôi Nhà Lương Tâm ” nhạt mờ sau làn nước mắt. Ngôn khóc. Nó lủi thủi bước đi, tiếng sỏi nặng nề thổn thức, hàng cây xanh thẳm lại buồn thiu. Chiếc xuồng nằm im trên bờ cát chờ đợi Ngôn quay về. Ngôn tần ngần tiếc rẻ chưa kịp xuống xuồng thì một bàn tay khổng lồ nào dán chặt vào lưng Ngôn nhấc bổng Ngôn lên và quăng ùm Ngôn xuống nước, Ngôn sợ quá rú lên :

- Á ! Á… á… á…

- Ngôn ! Ngôn ! Tỉnh lại con, Ngôn !

Ngôn lăn qua lăn lại ú ớ, làm xuồng tròng trành.

Nội nhắc cô Tam đang cầm dầm :

- Khéo nghe Tam, coi chừng đa !

Cô Tam bệu bạo, y như là cô đang sắp khóc :

- Dạ, bác đừng lo.

Nội lay lay Ngôn, giựt tóc mai Ngôn cho Ngôn tỉnh lại, Ngôn từ từ mở mắt ra, nó vẫn chưa thấy gì, một lúc sau nó mới nghe tiếng nội :

- Ngôn à, nội nè con. Con tỉnh lại đi, nội nè.

Ngôn cũng nghe cả tiếng cô Tam nữa :

- Nội với cô Tam đi kiếm đưa Ngôn về nhà, Ngôn nghe không ?

Trời ơi, Ngôn mừng quá, Ngôn chưa chết chìm. Nội ngồi đây, cô Tam đang ngồi kia, Ngôn ngủ mơ. Ủa, sao mình Ngôn ướt nhẹp, còn quấn khăn, áo lạnh tùm lum vậy, Trời nhá nhem tối, sao đã mọc lưa thưa. Ngôn thấy lạnh lạnh Ngôn chống tay ngồi dậy, lúc này nó mới tỉnh táo hẳn, nó ôm nội khóc mùi. Nội với cô Tam cũng khóc theo tấm tức.

Nội lau nước mắt cho Ngôn :

- Sao con khờ dại vậy chớ ? May mà cô Tam về kịp, cô Tam tức tốc chèo xuồng chở nội đi, không thì…

Ngôn sờ tay lên đôi má nhăn nheo của nội, nước mắt nội ướt ướt trong tay.

- Nội, nội tha tội cho con, nội ơi…

Ngôn nằm vùi trong lòng nội, nó không biết đằng đầu xuồng, cô Tam gác dầm, đưa tay áo lên quẹt đôi mắt ướt mem, đôi môi cô Tam nhoẻn một nụ cười . Cô Tam mừng quýnh đi được, Ngôn tỉnh lại rồi. Nhớ lúc nãy mà cô Tam vẫn còn điếng hồn. Chèo xuồng ra gần tới sông cái mà tăm dạng Ngôn đâu không thấy, cô Tam chèo hết muốn nổi, tay run lập cập, tim nhảy thiếu điều lọt ra ngoài. Nội cũng vậy, miệng không ngớt “ Nam mô Quan Thế Âm Bồ Tát, cứu khổ, cứu nạn ” nhiều lúc đọc chẳng ra tiếng nữa.

Đến sông cái, cô Tam không biết phải chèo đi miệt nào miệt trên hay miệt dưới. Bà Nội biểu bây giờ cứ theo dòng nước đi, đừng ngược lên chi cho mệt, Ngôn chắc không đời nào chèo xuồng ngược nước được đâu. Sông cái mà, nước chảy mạnh hơn trong làng. Cô Tam nghe theo, bơi riết, chèo riết, đến lúc thấy trước mặt thấp thoáng bóng xuồng trôi lêu bêu. Cô Tam với nội mừng quá, chèo mau tới, nhưng trên xuồng không có ai, mà xuồng thì đúng là xuồng của bà Cả. Nội khóc mếu máo, cô Tam cũng khóc, vái trời cho đừng có chuyện gì xảy ra.

Kế đó, xuồng bỗng chao mạnh. Cô Tam ráng chèo lẹ tới, vừa lúc Ngôn cong người lăn làm xuồng nghiêng và Ngôn rơi tỏm xuống nước sông. Ngôn la to hốt hoảng. Cô Tam quăng cây dầm nhảy theo chụp Ngôn lại, nội chèo gần hơn rồi kéo Ngôn lên, sẵn có khăn đội đầu của cô Tam và áo lạnh của nội, nội mới lấy đó lau sơ sơ mình mẩy Ngôn, quấn lại cho Ngôn, Ngôn vẫn mê man. Còn cô Tam phải lội một khúc nữa để kéo lại chiếc xuồng mà Ngôn đã lấy trộm, xuồng lật úp sắp chìm, cố ráng sức lật ngửa lại, để nhìn thấy những đóa hoa lục bình màu tím tím trồi lên hụp xuống theo sóng nước. Bất giác cô mỉm cười buồn thiu. Cô leo lên xuồng, tát nước ra, rồi chèo lại gần xuồng nội. May sao trong xuồng lại có dây, cô Tam cột nối đuôi nọ với chiếc kia và ngồi chung xuồng lo chèo về nhà, để nội rảnh rang mà coi chừng Ngôn. Ngôn ú ớ liền miệng rồi trăn trở, cô Tam thở mạnh trút cả nổi buồn lo. Cô Tam nhìn nội cúi xuống hôn lên trán Ngôn mà nghe vui trong dạ. Cô Tam gọi nhỏ:

- Ngôn của cô ơi !

Tiếng gọi yếu ớt mong manh nhưng chứa đầy thương mến làm Ngôn quay ra. Ngôn nhìn thấy cô Tam đều tay chèo, đầu tóc gần xổ ra, quần áo thì ướt sũng. Ngôn lật đật hỏi :

- Cô Tam, sao nãy giờ cô Tam không nói gì với Ngôn hết vậy ? Mình cô Tam sao mà ướt hết vậy ? Cô Tam ơi, cô đừng giận Ngôn nghe cô Tam, Ngôn có lỗi…

Cô Tam hiền hòa lắc đầu :

- Cô Tam không giận gì Ngôn cả. Cô rất…

Ngôn chẳng hiểu “ cô rất ” cái gì, vì giọng cô bất thần nghẹn lại, và cô khóc, nước mắt long lanh chảy xuống má. Ngôn muốn lau cho cô, mà Ngôn không cử động được, nội ôm Ngôn trong lòng. Ngôn hỏi nội :

- Sao vậy nội ? Cô Tam sao vậy ?

Giọng nội cũng run run :

- Cô Tam cứu con đó. Cô Tam thương con như một… người mẹ.

Ngôn thấy mắt cô Tam sáng lên một niềm vui nào đó rạng rỡ lắm và giọng nói của nội bữa nay trầm ấm lạ lùng.

- Bà Hai à, đợi tụi tui với coi. Cô Tam ơi !

Tiềng anh Cu la ơi ới đàng sau. Cô Tam chèo chậm lại, xuồng của anh Cu lướt đến cặp kè, anh Cu nhìn nội thở dốc :

- Trời ơi, tui bương bã chèo theo quá mạng. Lúc ra sông cái, thấy cô Tam chèo theo dòng, tui mới thả ngược lên kiếm, không có dấu tích gì hết. Bận về gặp bà, mừng thấy mồ tổ.

Rồi anh Cu quay sang Ngôn nói một hơi :

- Sao cậu, cậu du lịch, du lãm gì đã chưa, nhè xuồng tui cậu lấy, làm tui bị la quá trời, tưởng ai, má cậu khóc tưng bừng ở nhà đó. Thiệt tui phục cậu sát đất. Bi lớn vậy mà gan hết nói nổi.

Trên xuồng anh Cu, còn có anh Tèo, anh Ngự nữa. Hai anh ấy nhìn tôi cười ruồi, Ngôn mắc cỡ giấu mặt vào cánh tay nội. Lại có tiếng súng nổ, anh Cu hối chèo mau về nhà, cô Tam qua xuồng anh Cu ngồi, anh Tèo nhảy đổi chổ để thay cô Tam. Nhánh sông vào làng bấp bênh lục bình, ngắn dần, Ngôn thấy nhà mình xa xa, mừng sao đâu, bà nội niệm Phật.

- Nam Mô A Di Đà Phật, may phước biết chừng nào nói. Đi xuồng đêm thời buổi này, ngán thấy mụ nội, về tới nhà mới biết là mình còn nguyên.

Tiếng súng “ cắc ! bùm ! ” như hối thúc mọi người, màn đêm buông xuống với ánh trăng xanh, với ngàn sao bạc lấp lánh trên đầu, Ngôn co ro bên nội, mơ màng nhớ đến giấc chiêm bao thú vị mà cũng rất hãi hùng trên giòng sông đục nước.


Về Đầu Trang Go down
https://nhanbkvn-2022.forumvi.com
Admin
Admin
Admin


Tổng số bài gửi : 17784
Points : 24761
Reputation : 0
Join date : 16/10/2016

Vòng Tay Mẹ - Loại Hoa Xanh Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Vòng Tay Mẹ - Loại Hoa Xanh   Vòng Tay Mẹ - Loại Hoa Xanh Icon_minitimeSat Jun 03, 2017 5:55 pm

Chương 03

Từ cuộc “ phiêu lưu ” bỏ nhà định đi “ giang hồ ” mà thất bại ấy, Ngôn thay đổi và Ngôn thấy nội với mẹ cũng thay đổi nữa, không phải nội mỗi lần bắt gặp Ngôn bị đòn nội mau mắn ra xin can, không phải mẹ mỗi lần Ngôn có lỗi là chẳng đánh Ngôn tới năm roi, chỉ đánh hai roi thôi, không phải vậy. Thay đổi ở đây là thay đổi cách đối xử với cô Tam.

Nội hết còn hằn học, rầy la cô Tam hoài như lúc trước, nội đâm ra dễ chịu, nói gì với cô Tam nội cũng nói bằng một giọng thân tình. Mẹ thì trái lại, càng lúc lại càng ghét cô Tam hơn, nhất là khi thấy nội trở nên thương mến cô Tam. Mẹ không cho Ngôn nói chuyện lâu với cô Tam, mẹ cấm ngặt.

Ngôn chẳng dám cãi lại nữa, bởi vì giấc mơ lần nào hãy còn ám ảnh Ngôn cho tới nay. Ngôn phải ngoan ngoãn nghe theo lời chỉ bảo của mẹ, để khỏi làm cho mẹ buồn và cũng tránh cho cô Tam sự khó khăn. Ngôn phải hiền lành, phải can đảm… Ngôn nhất định vậy.

Bây giờ, Ngôn cố hết sức làm cho ít gặp mặt cô Tam, và nếu có lỡ có gặp, Ngôn cũng ráng nói cho qua loa mấy câu ngắn ngủn. Điều đó Ngôn cốt để làm vui lòng mẹ, nên dù Ngôn có thấy cô Tam hiện rõ nổi buồn, Ngôn cũng vẫn làm ngơ.

Tối ngày, cô Tam luẩn quẩn sau hè, hay ở bồ lúa chỉ khi nào phải đi gánh nước sông hoặc lấy bình trà châm thêm trà mới, cô Tam mới có mặt ở trước sân, hay là nhà trên, Ngôn buổi sáng đi học, buổi chiều ở nhà ôn bài rồi rúc trong buồng mẹ, ít ra ngoài. Vì vậy hai bên đỡ giáp mặt nhau. Bữa nay mẹ hứa sẽ cho Ngôn theo ghe mẹ đi lúa ba hôm Ngôn xin phép nội rồi, nội bằng lòng một cách miễn cưỡng. Nội không muốn xa Ngôn dù một ngày. Nhưng vì nể lời năn nỉ. Nội chịu. Cô Tam đã ra chợ quận ghé trường xin cho Ngôn nghỉ, để khỏi bị đuổi. Ngôn nao nức chờ đợi mẹ, mẹ bảo mẹ đi xóm chút mẹ về. Vậy mà chờ hoài muốn chết. Ngôn ở đầu cầu ngóng mắt nhìn xa thật xa. Mỗi lần thấy dạng một chiếc ghe là Ngôn mừng thấy mồ, nhưng có khi ghe tắp vào nhà ai đó, đậu luôn, nhìn họ căm sào buộc ghe, Ngôn thót ruột: Không phải ghe của mẹ. Lại có khi, ghe tiến tới gần, Ngôn nhìn đăm đăm, biết là không đúng, mà sao lúc ghe nặng nề trôi ngang qua trước mặt Ngôn, Ngôn cứ tưởng mẹ bỏ Ngôn mà đi, không thèm thương Ngôn nữa.

Ngôn chống tay vào má, dáng điệu buồn rầu. Mẹ đi đâu mà lâu thấu trời. Ngôn lại nhìn bâng quơ, cô Tam chèo xuồng về kia rồi. Cô Tam nhìn Ngôn cười tươi. Ngôn không cười lại được. Xuồng cô Tam đậu sát bên bên cầu, cô Tam leo lên, hỏi Ngôn với giọng trìu mến :

- Mẹ Ngôn chưa về hả, Ngôn ?

Ngôn gật đầu, cô Tam nắm tay Ngôn kéo Ngôn đứng dậy :

- Lát nữa thì thế nào mẹ cũng về, Ngôn vô nhà đợi, đừng ngồi đây nữa.

Ngôn vẫn không nói: chỉ lắc đầu tỏ ý không bằng lòng. Cô mở khăn đội đầu vắt lên vai, cô Tam ngồi xuống với Ngôn :

- Cô xin phép cho Ngôn rồi thầy giáo nói không có sao. Mà Ngôn cho cô ngồi đây chơi với Ngôn nha. Đợi mẹ Ngôn về luôn thể.

Ngôn nói thật nhỏ :

- Thôi, cô !

- Sao vậy, Ngôn ?

- Không có sao hết.

Cô Tam cười buồn :

- Cô biết Ngôn hết thương cô rồi, phải không ?

Ngôn nói lảng sang chuyện khác :

- Nội ở trong nhà có một mình hà, cô lên đi, coi nội có nhờ gì đó, tiếp nội, cô nhớ nói là Ngôn còn ngồi đây, mẹ chưa về.

Cô Tam vuốt tóc Ngôn :

- Ừ, nếu Ngôn không muốn cô ngồi đây với Ngôn thì cô lên nhà, Ngôn cho cô hôn một cái được không ?

Ngôn bằng lòng. Cô Tam hôn lên trán Ngôn rồi bước nhanh đi, bỏ lại trên trán Ngôn một giọt nước ấm ấm. Ngôn biết, cô Tam khóc, như lần nào cô Tam nói Ngôn “ cô hay khóc ”. Cô Tam thương Ngôn như một người mẹ, nội nói như vậy, mà Ngôn cũng thấy đúng. Sự chăm lo của cô Tam đối với Ngôn nhiều khi còn hơn của mẹ. Không hiểu tại sao mẹ lại ghét cô Tam. Đáng lý ra cô Tam phải được mẹ thương nhiều. Mỗi lần thư ba gửi về, có lời thăm hỏi cô Tam thì mẹ ít vui. Dường như mẹ muốn rằng ai cũng phải như mẹ. Nghĩa là phải ghét cô Tam. Ngôn không ghét cô Tam, mà không muốn nói chuyện với cô Tam, Ngôn sợ mẹ buồn. Thật ra, khi nói chuyện, Ngôn thấy thích cô Tam ghê lắm. Cô Tam nói như ru, giọng êm êm và có cái gì lạ lạ khiến Ngôn say mê. Có nhiều người nói mắt Ngôn giống hệt mắt cô Tam Ngôn không mấy thích. Tại sao mẹ sinh Ngôn ra, Ngôn lại không giống mẹ mà lại giống người khác ? Tại sao Ngôn cũng chẳng giống ba ? Ngôn thắc mắc một mình, không hỏi ai và nó cũng tự giải đáp một mình. Con Bông nó giống dì nó như khuôn đúc, dù là dì nó đâu phải là người sinh ra nó, cũng như có một lần ba về, nội nói giống in chú tư của ba, lẽ ra ba phải giống ông nội hay bà nội chớ. Vậy mà điều Ngôn tự hỏi và cảm thấy không thích đó, chẳng là cóc khô gì hết, chỉ là chuyện thông thường. Rồi Ngôn quên đi. Cho đến bây giờ, Ngôn mới nhớ lại, vì giọt nước mắt bỏ quên của cô Tam. Cô Tam khóc, chắc tại Ngôn không nói chuyện với cô Tam như ngày xưa vậy. Cô Tam buồn, lòng Ngôn cũng chẳng vui. Mà mẹ buồn thì Ngôn không muốn. Ngôn bối rối bẻ mấy ngón tay kêu rôm rốp.

Nó đứng lên uốn mình mấy cái, định bỏ vào nhà, nhưng vừa nhìn thấy chú Hai Ban ngoắc nó lia lịa. Chú Hai Ban nói lớn :

- Chờ chú tới chút coi !

Ngôn khựng lại cười. Chú Hai Ban gác chèo lên cầu, dẫn tay Ngôn vào nhà :

- Có bà nội ở trỏng hôn ?

- Có, chú !

- Mẹ mày nhắn tao lại đây nè. Bà đi lúa luôn rồi, mai mốt gì bà mới về.

Ngôn Trợn mắt :

- Ủa sao kỳ vậy chú ? Mẹ con dặn con đợi rồi về chở con theo mà ?

Chú ngúc ngoắc đầu :

- Ờ thì tin giờ chót mà mậy !

Ngôn buông tay chú Ban, chạy vụt vào nhà báo tin nội hay có khách. Nội đang ngoáy trầu, vội vã bước ra, che tay lên trán nheo nheo mắt nhìn ra sân :

- Ai in chú Hai Ban hả Ngôn ?

Ngôn dạ, còn chú Hai thì chấp tay chào nội :

- Chào bà Hai.

Nội cười giả lả :

- Ủa chú ! Chú tới chơi hả ? Vô nhà dùng miếng nước đã…

Chú Hai Ban khoát tay :

- Dạ thôi ! Tui còn đi thăm đồng, nhân tiện ghé qua đây để nói lại với bà, mẹ thằng Ngôn đi lúa luôn, chiều mai hay mốt gì mới về.

Nội ngạc nhiên :

- Mẹ thằng Ngôn nói lại với chú hả ?

- Dạ, thì tui cũng ở nhà máy Bảy Lượng về nè, tui gặp mẹ thằng Ngôn trên đó, dì nhắn như vậy. Tui tới cho hay.

Rồi chú được thể nói luôn :

- Ta nói, thời buổi này khó khăn lắm. Bà, hổng biết yên tĩnh hay lộn xộn ngày giờ nào. Mẹ thằng Ngôn tính về dời ngày lại rồi đa, nhưng thấy mấy ông lính trên Cai Lậy về họ nói cũng êm đó. Vậy nên mới đi, chờ nếu hoãn lại, biết ngày nào, ghe của mẹ thằng Ngôn cũng gần trăm giạ lúa chứ ít ỏi gì, lỡ ra thì khổ a Bà.

Nội lấy mép khăn chùi miệng :

- Thì vậy, tui cũng lo cho mẹ nó, đường sông bây giờ thiệt gian nan quá mà đường bộ cũng không an mấy…

- Ba thằng Ngôn lâu ghê chưa về hả bà Hai ?

- Tui đâu có cho về. Xe cộ bị giật mìn hoài, chú không nghe sao ?

- Dà, thôi tui xin phép bà Hai, tui ra đồng, chút !

Nội đưa chú Ban tới ngoài cầu, Ngôn nắm áo nội đi theo.

Nội đon đả :

- Tui cám ơn chú nghe, chú Ban, mắc công chú quá chừng…

Chú Ban chèo xuồng đi, còn nói với lại :

- Dạ hổng có gì đâu bà Hai. Tui đi !

Vậy là Ngôn hết mong. Tối nay lại ngủ một mình trong giường mẹ. Ngôn tưởng đâu mẹ sẽ về chở Ngôn, Ngôn sẽ được đi ghe hai ba ngày. Đêm ngủ ngoài trời, chong mắt ngó sao, ngó nước, mỗi lần mẹ kể lại Ngôn mê thấy mồ. Mà cũng trông đợi đến khi được nằm trên ghe, gió thổi khoan khoái, nhìn cảnh trời đêm mới thấy mê.

Tự nhiên Ngôn yêu dòng sông này như đã yêu nội, yêu mẹ, yêu ba… Ngôn mê nhìn nó mỗi lúc tối trời, từ khi mới biết bơi võ vẽ. Ngôn không biết tả làm sao hết cái mức đẹp đẽ mà Ngôn bắt gặp… Nhất là vào những đêm rằm, trăng tròn sang tỏ, nước sông long lánh sáng in hệt mấy sợi kim tuyến mà ba đem về treo trên cây dạo trước. Ngôn có biết hai câu ca dao, thầy giáo đọc trong bài chính tả “ Về Làng ” hai câu đó cũng hay cũng ngộ không thua gì dòng sông đêm trăng tỏ :

Hỡi cô tát nước bên đàng

Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi

Dễ thương ghê nơi. Ngôn có nói lại cho mẹ nghe ý nghĩ của Ngôn, thì mẹ nựng cằm Ngôn thủ thỉ :

- Con giống ba con ở chổ đó. Thích thiên nhiên với lại có tâm hồn lãng mạn.

Không biết lãng mạn là sao, mà cũng lâu lắm rồi mẹ chưa nói cho Ngôn nghe lại hai tiếng đó. Dường như Ngôn chỉ nghe được có một lần duy nhất mà thôi. Tối nay, Ngôn sẽ rủ cô Tam ra bờ sông ngồi hóng gió. Xem cô Tam có thích sông không ?



***





Nằm gối đầu trên đùi cô Tam, Ngôn mở mắt nhìn lên cao, trời lấm tấm sao, hàng cây dừa cũng đen, lung lay đám lá. Ngôn bỗng thấy mình bé nhỏ vô cùng. Ngôn nắm mấy ngón tay cô Tam :

- Con nhớ mẹ quá !

Cô Tam nhéo mũi Ngôn :

- Bày đặt hoài, lớn rồi nha cậu !

Ngôn ngó thẳng vào mắt cô Tam, sao cái nhìn của cô Tam nồng nàn, trìu mến quá, làm tim Ngôn nao nao, Ngôn chợt hỏi cô Tam :

- Cô à, cô thấy Ngôn giống cô không ?

- Không ! Làm sao Ngôn giống cô được. Ngôn phải giống ba, giống mẹ Ngôn chứ, Ngôn giống ba ở cái miệng nè. Ngôn giống ba ở cái sóng mũi nữa nè.

Ngôn ngồi dậy, tựa vào vai cô Tam :

- Ờ, cô Tam ơi, ba Ngôn lâu về ghê há cô, Ngôn ghét ba quá.

Cô Tam đánh nhẹ lên đầu Ngôn :

- Bậy này, mà nói ghét cha, ghét mẹ là tội lắm đó. Với lại đâu phải ba Ngôn ở nhà với Ngôn hoài được, ba Ngôn bận công chuyện làm ăn trên Saigon chừng nào ba rảnh, ba mới về thăm nhà được chứ. Ba phải làm việc cho có nhiều tiền.

- Để chi hả, cô Tam ?

Cô luồn năm ngón tay vào tóc Ngôn :

- Thì để nuôi dưỡng nội báo hiếu, nội già rồi Ngôn không thấy sao ? Lại còn nuôi Ngôn ăn học cho thành tài nữa.

Ngôn chỉ cô Tam mấy ngôi sao tuốt ngoài xa :

- Ngôn tưởng như ba là ngôi sao vậy đó, ba không gần Ngôn như cô Tam, như mẹ, như nội… mà sao ba phải đi làm ăn xa, ba chèo ghe bán lúa như mẹ vậy không được hả cô ?

Cô lắc đầu :

- Cô cũng không biết nữa.

- Chắc ba cũng giống như mấy đám lục bình, trôi hoài trên sông…

Cô Tam cú đầu Ngôn :

- Ngôn mà biết gì !

Phải, Ngôn làm sao mà biết được nỗi cô đơn của cô Tam, nỗi cô đơn thật êm đềm, và làm sao Ngôn biết được những chuyện xa xôi khác . Cô Tam than thở dài nói một mình :

- Nếu cuộc đời cứ trôi hoài không nghỉ ngơi mà trôi một cách êm ái như dòng sông thì chẳng có bây giờ.

Ngôn thương cô Tam quá. Lúc này Ngôn mới biết, cô Tam sau những lần bị mẹ hay nội rầy, ráng làm mặt tươi tỉnh là để che dấu những buồn bã trong lòng. Chắc cô Tam nhiều chuyện buồn lắm, nếu không có chẳng khi nào thở dài. Thở dài là có điều buồn. Mẹ nói với Ngôn như vậy, khi mẹ thở dài bị Ngôn bắt gặp và hỏi tại sao. Ngôn thấy mắt cô như muốn khóc, Ngôn vòng tay ôm lấy cổ và hôn lên má cô Tam.

- Ngôn thương cô Tam nhiều lắm, cô Tam đừng thở dài, cũng đừng thèm khóc nghe cô!

Cô Tam vuốt nhẹ lưng Ngôn không nói gì. Ngôn quẹt mắt cô Tam phá vỡ bể nước sông sánh ắp đầy trong đôi đồng tử. Cô Tam nhoẻn miệng cười. Ngôn cười theo, nụ cười thật an nhiên hồn hậu. Rồi Ngôn thì thầm với cô:

- Cô à, mẹ biểu Ngôn ráng học cho giỏi, để mai mốt lớn Ngôn làm bác sĩ, như ông thầy Tuấn ở chợ quận đó cô. Mẹ nói làm nghề bác sĩ giàu sang sung sướng.

- Mà Ngôn có thích hôn ?

Ngôn lắc đầu :

- Ngôn không thích, chừng mà Ngôn lớn, Ngôn sẽ đi bán lúa. Cô Tam ơi.

- Ủa sao vậy ? Cực lắm à Ngôn, đang nắng dầm mưa, đi xa xôi, lặn lội đủ bề.

Ngôn tròn mắt ngấy thơ bày tỏ ý mình :

- Cô không biết chớ, Ngôn thích đi xa, thích đi trên sông biển như lục bình. Ngôn đi khắp nơi hà cô. Chắc là vui lắm. Biển ra làm sao hả cô ?

Gương mặt của Ngôn trở nên mơ màng, chắc là Ngôn đang nghĩ tới cái ngày tự mình đứng ra chèo lái một con thuyền lớn đi đây đi đó. Cô Tam muốn nói với Ngôn là khuya rồi vào ngủ nhưng cô Tam không đành lòng phá tan giây phút mộng tưởng tuyệt vời của Ngôn. Cô để yên cho Ngôn tự do thả ý nghĩ đi lang thang, cho trí óc vẽ vời muôn hình ảnh đẹp, phóng khoáng kiêu hùng. Của một đứa con trai yêu sống hồ biển cả.

- Sao cô Tam ngó Ngôn dữ thần vậy ?

Cô Tam giựt mình, bối rối :

- Ờ… ờ… cô Tam không muốn Ngôn… đi bán lúa.

- Vậy chớ Ngôn thích cô Tam làm gì ?

Cô Tam chỉ vào trán Ngôn :

- Cái mặt này lớn lên phải làm thầy giáo mới hợp. Lúc chưa sinh Ngôn ra, ba Ngôn là thầy giáo đó.

Ngôn thắc mắc :

- Ủa cô biết hả ?

Cô Tam gật đầu :

- Chớ sao, cô Tam là… là bà con bên ba mà. Ngôn thích làm nghề của ba không ?

Ngôn lim dim mắt :

- Làm ông thầy dạy học Ngôn cũng hơi thích thích, nhưng mà…

- Nhưng mà… sao ?

Ngôn xìu giọng :

- Ngôn sợ tới chừng Ngôn làm thầy giáo. Ai cũng già, ai cũng chết queo, tại Ngôn học ngu lắm.

Cô Tam cười giòn :

- Thiệt hết nói… Học ngu thì ráng học. Mà cô đâu thấy Ngôn học ngu.

- Tại cô ở nhà chứ. Cô học chung với Ngôn cô thấy liền.

Cô Tam ôm Ngôn vào lòng :

- Ví dầu Ngôn có học ngu, ba mẹ, bà nội với cô nữa, sống hoài chờ cho Ngôn làm thầy giáo, báo hiếu rồi mới chết hén.

Ngôn cười. Cô Tam nói tiếp :

- Với lại có con làm thầy giáo thì ba mẹ nở mặt nở mày hơn là… đi bán lúa. Thường quá.

- Vậy thì Ngôn ráng học.

Cô Tam đứng lên kéo Ngôn theo :

- Thôi vô ngủ, ngồi nói ba láp hoài nội la chết.

Ngôn miễn cưỡng bước theo chân cô vào nhà. Thật ra, những tối nào mẹ đi lúa, bỏ Ngôn ngủ một mình, chẳng khi nào Ngôn ngủ ngay, ngủ sớm được. Ngôn đã quen nằm ôm lấy mẹ. Mẹ là máy điều hòa không khí thật tốt của Ngôn. Trời lạnh, mẹ là máy nóng, mẹ sưởi ấm cho Ngôn bằng hơi thở bằng vòng tay. Ngôn chui vào nách mẹ ngủ mê man. Trời nực, mẹ là máy lạnh, mẹ quạt không hở tay. Cứ phành phạch, cứ phành phạch rồi có cả cái khăn ẩm nước để lau mồ hôi cho Ngôn nữa. Vả lại, đêm nằm ngủ có mẹ bên cạnh Ngôn yên tâm, vì cảm thấy mình được che chở, bảo vệ hết lòng. Không phải Ngôn sợ ma. Nhưng mà Ngôn cũng… hơi ngán ngán cái bóng tối cùng ánh đèn dầu leo lét trên đầu tủ.

Nội ngồi nhai trầu tỏm tẻm trên bộ ván ngó Ngôn đi vào với cô Tam, mắt nội nheo lại :

- Chà, hai cô cháu bây giống nhau dữ đa, giờ tao mới thấy, y như hai mẹ con hà.

Cô Tam sửng sốt :

- Kìa bác…

Nội cười :

- Không tao nói chơi cho thằng Ngôn nghe vui vậy mà. Thôi mày xuống dưới đi, để Ngôn ở đây ngủ với tao.

Ngôn buông tay cô, chạy lại ngồi sát bên nội, cô Tam lửng thửng đi trở ra sau nhà. Mặt cô buồn so. Ngôn hỏi nội :

- Chừng nào mẹ về hả nội ?

- Thì cũng như mọi lần, chắc hai ba hôm gì đó.

- Sao con nhớ mẹ con quá hà nội ? Mẹ đi mẹ hứa cho con đi theo mà…

Nội vuốt tóc Ngôn :

- Mồ tổ mày chớ nhớ. Làm như còn nhỏ em lắm vậy. Thôi chun vô mùng ngủ đi nội giăng rồi. Muốn ngủ một mình thì ngủ, còn muốn ngủ với nội thì vô mùng nội.

Câu này Ngôn nghe hoài đến thuộc lòng. Hễ mẹ đi lúa, tối lại là Ngôn nghe nội nói câu đó. Lần nào cũng vậy. Nhưng Ngôn chỉ ngủ với nội có một lần, mấy lần sau, nội nói thì nói chứ Ngôn không dám. Bởi vì Ngôn ngủ xấu nết, hay nằm chiêm bao, rồi chân đạp, tay đánh túi bụi, làm nội ngủ không được, mẹ la quá chừng, khi nghe nội kể lại…Nội kể nghe cho vui chớ không phiền giận gì, nhưng mẹ không chịu vậy, và Ngôn nữa, Ngôn cũng phải thương nội chớ. Thành ra, từ đó về sau, Ngôn ngủ một mình không hà.

Bây giờ, Ngôn bỗng tức cười, Ngôn cười hì hì, làm nội ngạc nhiên :

- Ủa, sao khi không phát cười lên vậy ?

Ngôn mới nhắc lại chuyện cũ, nội cũng cười :

- Ối ! Sức đâu mà lo. Bộ mầy chiêm bao hoài sao, mà có đau đớn gì cho cam, tỉ như mày đấm bóp cho nội vậy mà. Thôi đi ngủ đi Ngôn, khuya lắm rồi đa nghen !

Ngôn vòng tay bó gối lắc đầu :

- Con chưa buồn ngủ mà nội. Cho con ngồi chơi chút đi.

- Không được, con nít con nôi không nên thức khuya…

- Con chưa buồn ngủ chớ bộ, nội sao...

Nội đứng lên, giũ khăn giắt vai :

- Mồ tổ mày, lì lợm nghen ! Mẹ mày về tao méc lại, bị đòn nhừ xương à.

Ngôn bí xị… giọng nói nhẽo nhẹt muốn khóc :

- Nội, con ngồi chơi chút thôi, tại con chưa thèm ngủ, vô mùng con cũng nằm chong ngóc…

- Ờ, ngồi chơi với mấy con gián, mấy con thằn lằn đó, nội đi ngủ.

Rồi nội chỉ vào mắt Ngôn :

- Con mắt đục ngầu vầy nè mà nói chưa buồn ngủ. Coi kỳ hôn ? Để tao kêu con Tam dắc mầy đi phức cho rồi.

Ngôn làm thinh. Hình như có cái gì đè lên mắt Ngôn nằng nặng. Ngôn nhướng mắt lên không muốn nổi. Nội lê dép xẹp xẹp ra đằng sau, mang theo ngọn đèn bão tù mù. Ngôn cố gắng giữ cho mình ngồi thẳng mà đầu cứ muốn ngoẻo qua một bên. Ngôn chưa buồn ngủ đâu. Bữa nay, Ngôn muốn thức tới sáng, thức hoài để nhớ tới lời hứa của mẹ, để thấy mình buồn buồn tức tức gì đâu !

- Đó, mầy thấy hôn, vậy mà nó cứ nói là chưa buồn ngủ.

- Dạ, để con bồng nó vô buồng của chị Năm.

- Ờ, rồi canh cho nó ngủ yên chút xíu nghe !

Ngôn lờ mờ nghe bên tai những câu nói như vậy, Ngôn cảm thấy mình được nhấc bổng lên, ôm nhẹ vào lòng, và còn được hôn lên trán nữa. Mắt nó díu lại, nó không thấy người bồng nó, nhưng nó cũng đoán là cô Tam, chứ không là mẹ.

Đặt Ngôn lên giường, cô Tam ngồi cạnh bên xoa xoa nhẹ đầu Ngôn, rồi “ ầu ơ ” cho Ngôn dễ ngủ. Giọng ru êm ái trầm trầm của cô Tam chẳng mấy chốc đem lại cho Ngôn nhịp thở đều đều.

Nhìn khuôn mặt hồn nhiên trong giấc ngủ của Ngôn, cô Tam tự nhiên bật khóc, muốn nói gì đó, nhưng lại thôi. Cô nhẹ nhàng nằm xuống bên cạnh Ngôn, cô nghiêng đầu hôn vào má Ngôn, rồi hôn khắp khuôn mặt của đứa bé mà cô nhìn hoài không thấy chán, trái lại càng ngó kỹ, cô càng thấy thương yêu nhiều hơn. Ngôn vẫn ngủ say sưa, không biết gì…


Về Đầu Trang Go down
https://nhanbkvn-2022.forumvi.com
Admin
Admin
Admin


Tổng số bài gửi : 17784
Points : 24761
Reputation : 0
Join date : 16/10/2016

Vòng Tay Mẹ - Loại Hoa Xanh Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Vòng Tay Mẹ - Loại Hoa Xanh   Vòng Tay Mẹ - Loại Hoa Xanh Icon_minitimeSat Jun 03, 2017 5:56 pm

Chương 04

Mẹ đi lúa về rồi, mẹ cho Ngôn năm trái quit, Ngôn để dành chiều con Bông tới, Ngôn cho nó ăn. Ở miệt vườn, quít không thiếu gì, mà cũng không có đứa con nít nào không ăn quít. Vậy mà Ngôn cũng để giành biếu xén. Quít không quý giá, mà Ngôn thấy le le khi cầm trái quít đưa cho con Bông. Chắc con Bông sẽ nghĩ là Ngôn thảo ăn, chứ không biết là Ngôn muốn… lấy le đâu…

Cái hôm nhát ma, con Bông sợ muốn… té đái trong quần, nó chạy thiếu điều vắt giò lên cổ. Sáng đi học, nó méc thầy. Thầy bắt Ngôn, Thạnh, Khôi ra quì gối ngoài cột cờ. Tụi học trò chộ mắc cỡ muốn chết. Ai đời học trò lớp nhất, già đầu mà còn bị phạt. Xấu hổ gì đâu. Ngôn tức lắm đó chớ, mà không biết làm sao. Ngôn nghĩ thầm trong bụng : “ Con gái dữ còn hơn chằng tinh, cóc thèm quen nữa, lạy cũng không chơi. ” Con Bông cũng chẳng chịu thua. Nó cũng thề thốt với tụi con Cúc, con Cẩm là không đời nào quen với thằng Ngôn, thằng con trai khỉ gió nào hết. Ngày nào đi học cũng hay nguýt nhau tưng bừng.

Nhưng sau cái hôm phiêu lưu… hụt đó, Ngôn dẹp tự ái xuống, mấy lần muốn làm quen lại với Bông, Ngôn biết nhường nhịn bạn bè, không nên thù vặt… tại giấc chiêm bao lạ lùng. Hôm bữa kia, tới phiên đội con Bông trực, con Bông làm đội trưởng nên phải đi sớm lau bảng, tưới nước vô mấy lon trầu bà treo ở cửa sổ và cửa lớp, còn mấy đội viên quét lớp cho sạch sẽ. Ngôn cũng đi sớm nữa, Ngôn nhúng ẩm nùi giẻ, rồi lau bảng dùm Bông, Ngôn mở tủ nhỏ lấy khăn trải bàn cho thầy, lấy sổ, lấy thước, lấy viết đặt lên đó. Con Bông bắc ghế leo lấy mấy cái lon trầu bà ra sau ao tưới nước, nó thấy Ngôn làm chớ, mà nó không thèm nói.

Ngôn còn đi theo nó đòi xách giùm… một lon trầu bà. Con Bông bĩu môi quay đi. Ngôn xấu hổ trở lại lớp. Nhỏ Bông làm le ác ! Vậy đó mà Ngôn cũng không thèm giận lại, Ngôn thấy Bông bước vô, nó chỉ bảng :

- Tui lau dùm trò đó nghen !

Rồi chỉ cái bàn :

- Tui trải dùm trò đó nhen !

Con Bông sẵng giọng :

- Ai mượn trò mà trò kể công ! Mấy trò quét lớp, quét lẹ đi, rác rưởi quét cho gọn, quét luôn ai không phải đội trực mà vô sớm nữa nghe mấy trò.

Tụi con gái dụm đầu lại cười khúc khích, Ngôn thiếu điều độn thổ. Nó lầm lũi bước ra khỏi lớp. Nghĩ mà buồn con Bông hết sức, Ngôn làm quen mà nó còn chấp nhứt hoài. Biết vậy, Ngôn khỏi thèm. Con gái lại hay lẻo mép. Chuyện Ngôn bị Bông đòi quét ra khỏi lớp, tụi nó xúm nhau hát lớn :

- Làm quen con chó leng keng, con chó thổi kèn, con chó làm quen.

Quê với tụi con gái đã đành, Ngôn lại còn quê với phe con trai nữa. Sau này, chẳng biết ai mà ác đức đi thóc mách với con Bông cái chuyện Ngôn bỏ nhà ra đi bị té sông, Bông đồn rùm và từ đó Ngôn có thêm cái “ mỹ danh ” vô cùng độc đáo “ anh hùng phiêu… lọt ”. Cái gì cũng bị kêu “ anh hùng phiêu lọt ” hết. Riết rồi Ngôn chẳng dám nói chuyện với ai ngay cả thằng Thạnh, thằng Khôi mà cũng kêu Ngôn như vậy. Nhất là lúc tan học về, qua Đò chợ quận con Cẩm nhí nhảnh đứng lên diễn tuồng :

- Ta biết trôi dạt “ dìa ” đâu, ôi phương trời vô định…

Học trò chung xuồng cười vậy thôi muốn bể bụng. Rồi con Cẩm còn làm bộ té sông nữa chớ, thấy mà phát ghét. Ngôn tưởng là kể từ đó, hết mong làm lành với con Bông, vì Ngôn đã chỉ vào mặt con Bông, hầm hầm :

- Nói cho trò biết, cười người hôm trước hôm sau người cười, trò liệu hồn !

Con Bông bịt lỗ tai lại không thèm nghe nó nói :

- Chó sủa điếc tai, điếc mũi quá, Cẩm ơi, trò xuống sáu câu cho mùi coi.

Cẩm xảnh xẹ chống nạnh hai quai, ong óng cái họng :

- Xuồng trôi xuôi một nước, tưởng đâu ta “ dìa ” nơi bồng lai tiên cảnh, dè đâu ta lọt tuốt một cái… ơ… ơ… ùm.

Trời ơi Ngôn dằn ghê lắm, nếu không Ngôn xán cái con nhỏ đó mấy bạt tay cho méo miệng luôn chớ đừng nói. Vậy mà, cái câu hăm he của Ngôn “ linh ” thiệt. Bữa đó, con Bông vô nhà gì Tám Mịch, chắc để mua trầu, bận về thấy Bông vừa chạy vừa khóc, tới trước ngõ nhà Ngôn.

Bông bị một thằng nhỏ nắm áo lại, chạy lúp xúp đằng sau còn có thằng nhỏ khác mập mạp hơn, hai đứa này Ngôn thấy lạ, Ngôn đoán nó ở tuốt trong ngọn. Mà sao con Bông bị hai thằng này túm áo chận đường đến nổi khóc lận ? Ngôn núp vào bụi tre, không ngớt theo dõi. Hai bên nói với nhau cái gì đó, thằng kia thì hùng hổ, mạnh dạn quơ tay múa chân, còn con Bông tội nghiệp hết sức, cãi yếu xịu và quẹt mắt lia lịa.

Chợt thằng mập giơ tay xô con Bông cái mạnh. Ngôn hết hồn chạy ra la lớn :

- Ê ! Ê ! Làm gì xô con người ta vậy ? Bông, coi chừng…

Tiếng la của Ngôn vừa dứt thì con Bông chới với cũng vừa té xuống sông. Hai thằng nhỏ dông mất. Ngôn không thế bỏ qua được, con Bông hụp hụp dưới kia, hình như nó không biết lội. Ngôn nhảy xuống ôm lấy con Bông :

- Có tui nè Bông, trò đừng lo, trò… trò…

Ngôn chưa nói hết câu thì bị con Bông ôm cổ thắt chặt làm nó nghẹt thở ráng nói mà cứ kêu è… è… Con Bông sợ quýnh lên, nên khi thấy có người cứu là bắt lấy, Ngôn cố gỡ tay Bông ra mà không được, nó quơ hai tay lội vào bờ, lội ì ạch, lúc nào cũng muốn chìm lỉm, đeo thêm con Bông thật là nặng nề, cổ nó bị ôm cứng hơn, hơi thở nó đứt đoạn. Con Bông vẫn không biết, mắt Bông nhắm nghiền, Ngôn thấy máu dồn cả lên đầu rần rần, mệt quá, mắt nó mờ đi, nó ráng hết sức của nó… May làm sao vô được tới bờ mấp mé nước, Ngôn lăn đùng ra xỉu. Bông cũng vậy. Đến chừng mở mắt ra, Ngôn thấy mình đang nằm trên giường mẹ, mẹ thoa dầu nóng lên thân thể Ngôn, mặt lo âu. Con Bông thì ngồi bên cạnh khóc thút thít. Mẹ nhìn Bông dỗ dành:

- Thôi Bông ! Ngôn nó tỉnh rồi kìa ! Nín đi cháu !

Bông đưa tay áo lên chậm chậm mà :

- Cháu sợ trò Ngôn… chết quá hà.

Lúc đó, đang mệt ngất ngư, vừa mới choàng tỉnh mà Ngôn cũng phát tức cười, huống gì bây giờ ngồi nhớ lại.

- Làm cái gì mà ngồi cười một mình vậy ta ?

Con Bông mới quẹo vào ngõ đã vội vàng lên tiếng. Ngôn mất hứng khép miệng lại, gãi gãi đầu :

- Đợi trò tới nè, nhớ chuyện cũ nên cười cho vui.

Bữa nay Bông mặc cái áo bà ba tím, quần đen, tóc Bông kẹp lại gọn gẽ chứ không buông xõa như mấy lần đi học. Ngôn khen Bông một câu

- Trò Bông dễ thương ghê nơi.

Bông cười tự nhiên :

- Má tui mới mua cây kẹp ba lá đó, đẹp hông ? Tui kẹp tóc lại coi cũng dở dở hén trò !

Ngôn móc túi áo, lấy trái quít vàng khè ra đưa trước mặt Bông, làm điệu người lớn :

- Thưởng cho trò đó ?

- Cha ! Làm bộ dữ, lâu lâu cho trái quít cái lên chân à.

Nói thì nói chứ Bông cũng đưa tay lấy. Nó tẩn mẩn lột vỏ quít, mùi thơm cay cay bay vào mũi hai đứa ngon sao đâu. Bông tách ra cho Ngôn hai múi, vừa ăn Bông vừa kể chuyện :

- Trò biết hôn, lóng rày đánh giặc dữ quá, đạn lạc ngoài ruộng nhiều ghê ! Tía tui ông hết dám ra cấy thường rồi, ổng buồn hết nói. Nội cái nhìn miếng ruộng bị xe tăng chạy lằn ngang lằn dọc, ổng đủ nát ruột. Mới hôm trước đây hà, tá điền nhà ông Chạo bị lạc đạn chết người, thấy ớn xương sống !

- Sao trò biết ?

- Tui theo tía tui ra đồng chiều bữa đó mà. Xác nằm dài xọc ghê luôn.

Ngôn mơ màng :

- Ờ, tui cũng ghe chú Ban, với mấy người khác kể lại. Sợ quá héng trò ! Bây giờ lính về gác ở đầu cầu Cả. Đâu cũng đông lắm.

- Tui không thích đánh giặc đâu trò, máu me, chết chóc, trời ơi sao dễ sợ quá!

Con Bông nói xong nó rùng mình mấy cái, rụt cổ vào, le lưỡi ra, tưởng như là trước mặt nó đang có xác chết nào vậy.

Ngôn mỉm cười nhưng nụ cười bỗng méo xẹo não nề vì nó vừa nghe tiếng con Bông nói :

- Ngôn à, có lẽ tía má tui sẽ lên Saigon làm ăn. Dưới này lộn xộn quá chừng…

Ngôn nhìn Bông thật lâu :

- Chừng nào mới đi lận ?

- Hễ tính xong công chuyện nhà là đi, không biết chắc.

- Rồi trò nghỉ học luôn sao ? Trò không thi Đệ Thất sao ?

Bông vò vò miếng vỏ quít quăng ra sân :

- Ờ, chắc vậy. Tía tui nói học vậy đủ rồi, con gái mà.

Tự nhiên mà Ngôn thấy lòng nặng nặng, chắc buồn nhiều hơn vui. Mỗi lần đi học trên chợ quận, hễ thấy xe đò ghé lại đổ xuống vài ba người khách Saigon là Ngôn dòm trối chết. Họ mặc quần áo bảnh bao, ngộ nghĩnh, ăn nói gọn gàng thanh bai, thân hình thì chẳng dơ dáy cục mịch như dân ở đây.

Có người cũng yêu thích sông ngòi đồng lúa, có người lại ngoảnh mặt chê vách đất nhà tranh, Ngôn ước mong lần nào đó được lên Saigon. Chắc là vui lắm. Nhưng có khi nào ba tỏ ý dẫn Ngôn theo đâu. Rồi dạo này có mấy nhà bỏ làng mạc ào đi, xe đò về chợ quận cũng như thủa trước nhưng khách Saigon về thăm quê càng lúc càng thưa so với số khách quê đi ngược lên Saigon, mà hễ lên Saigon rồi thì không thấy họ về. Ngôn cũng nhìn theo dáng họ trên những chiếc xe đò lầm lũi, để nao nao trong dạ. Sao mà Ngôn thấy thương bộ bà ba đen cày cấy, thương những mái tóc chỉ biết bới lại sau ót thật thà. Họ đi rồi, đi hoài, làng mạc vắng lặng hơn, buồn bã hơn. Bây giờ tới lượt con Bông ? Làm sao biết được lúc nào nó trở về hay di luôn ?

Saigon yên vui, náo nhiệt, đèn đỏ đèn xanh, ngựa xe đông đúc. Không nghe tiếng súng đe dọa mạng sống. Không có những con đường bị giựt mìn đứt đoạn lở loét, ai lại chẳng ham sống ở đó ? Ngôn nhớ tới lời cô, khi giảng bài chính tả “ Saigon”: “ Saigon là một đô thị mỹ lệ trang nhã và thanh lịch với những nét đặc biệt của một dân tộc có hơn bốn ngàn năm văn hiến ”, cô còn đọc cả một bài thơ nói về Saigon mà Ngôn chỉ nhớ lỏm bỏm, gì mà :

Saigon có bến Chương-Dương

Có Tòa Đô Sảnh, có đường Tự-Do.

Quả thật Saigon là một thiên đường, nơi chỉ toàn là an lành sung sướng, nơi chỉ toàn là dinh thự nguy nga, mai mốt gia đình con Bông lên Saigon, chắc gì còn chịu quay về đây ! Ngôn buồn bã cúi đầu nhìn thấy hột quít nằm trơ trên mặt đất. Ngôn hỏi Bông bằng một giọng thẩn thờ :

- Saigon chắc vui lắm, héng Bông ?

- Ừa, chắc vui lắm.

- Saigon chắc đông người lắm, héng Bông ?

- Ừa, chắc vậy.

Rồi thôi, nó không biết nói thêm gì nữa.

Ngôn muốn đừng ai bỏ làng mà đi, đánh giặc đâu phải đánh hoài, có ngày cũng sẽ hết. Bỏ làng mạc sẽ làm dòng sông khắc khoải, hàng dừa sẽ biết thở dài, và đám lục bình còn biết trôi tắp vào đâu ? Chẳng lẽ lục bình cũng tìm tới Saigon ? Ôi ! Tất cả sẽ buồn thiu. Con Bông thấy bạn không dưng ít nói, lại có vẻ suy nghĩ chuyện gì, mắt Ngôn tối lại, môi Ngôn mím mím. Bông nghĩ có lẽ chuyện Bông lên Saigon làm Ngôn xụi lơ. Bông bèn xoay sang chuyện khác:

- Ngôn nè, hôm bữa tui mém chết chìm trò cứu tui được đó, trò có hứa dạy tui tập bơi. Trò nhớ hông?

Ngôn gật đầu. Bông cười nhẹ:

- Rồi chừng nào trò dạy tui đây?

Ngôn im lìm. Biết chừng nào bây giờ? Hôm đó, con Bông nói cho Ngôn nghe lý do Bông không biết lội. Lúc sanh nó ra, bà mụ đở đẻ kiêm luôn bà thầy bói, bả nói con Bông mạng Hỏa nên kỵ Thủy lại tuổi con gà nữa, không nên cho Bông tắm sông, Bông sẽ bị "mắc đàng dưới". Tía má nó nghe lời không khi nào cho nó héo lánh xuống sông. Thành thử, con nhà quê mà chẳng biết bơi lội gì hết ráo.

Ngôn mới hứa là bữa nào sẽ lấy tàu dừa tập cho con Bông lội, để rủi ro có té sông thì chẳng bị chết chìm. Nhưng Bông sắp sửa theo tía má lên Saigon, chắc Bông không còn lo bị té sông nữa, mà nếu có biết lội thì sông đâu cho Bông lội bì bõm.

- Chừng nào trò dạy tui? Sao trò hổng nói? Bộ trò muốn cho tui thành "con chổng" lắm sao hả?

Tiếng Bông phụng phịu nhắc nhở Ngôn, nó nói đại:

- Không cần tui dạy trò cũng biết bơi như thường.

Bông tròn mắt:

- Ủa, sao kỳ vậy?

- Ờ, trò cứ việc bắt chuồn chuồn cho nó cắn rún trò ba cái, là trò bơi te te như vịt vậy.

Bông xoa xoa bụng:

- Mèn ơi, đau chết còn gì.

Ngôn mắc cười cho nhỏ bạn, nó nói:

- Thà chịu đau mà biết bơi. Chớ trò hổng chịu hả?

- Thôi sợ lắm. Tưởng gì chớ cho chuồn chuồn cắn rún, hổng được đâu.

Nắng chiều lung linh xuyên qua tàng lá cây trong sân, đậu lốm đốm trên mặt, trên tay Bông, cả Ngôn nữa. Ngôn thấy con Bông sáng lên lạ lùng. Bông gần lên Saigon nên Bông vui chớ gì. Ngôn dặn dò:

- Chừng nào trò đi Saigon, trò nhớ cho tui hay nghen!

Bông gật đầu, đứng lên ra về, Ngôn nhìn theo đuôi tóc kẹp đong đưa sau lưng Bông cho tới khuất.



***

Ngôn nắm lấy bàn tay cô Tam xoè ra trước mắt. Ngôn nghiêng qua rồi nghiêng lại nhắm nhía đủ bề. Cặp lông mày nhíu lại ra cái điều suy nghĩ. Cô Tam che miệng cười:

- Sao thầy? Thầy coi dùm tui, quẻ tốt hay xấu?

Ngôn tằng hắng, chỉ vào lằn tay dài nhất:

- Cái đường này tỉ như đường sông, cho biết tình cảm của thân chủ dồi dào, nhiều như là... là... nước sông vậy?

- Tình cảm là cái gì hả thầy?

Ngôn nhìn cô Tam bối rối:

- Thầy không biết cắt nghĩa, thân chủ... ráng hiểu một mình.

Cô Tam cười ngất:

- Dạ, cũng được, rồi mời thầy coi tiếp.

Ngôn bấm mấy ngón tay lẩm bẩm:

- Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ, Tý, Dần, Mẹo, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi... hung hung kiết kiết.

- À, cái này thân chủ sống lâu lắm số trường thọ mà, cũng tới hơn bảy mươi mới theo ông theo bà...

Rồi Ngôn buông tay cô Tam ra:

- Thôi, Ngôn hổng làm thầy bói nữa đâu, Ngôn biết có bi nhiêu đó hà.

Cô Tam nựng má Ngôn:

- Ông thầy coi bói hay quá, mai mốt tui thưởng cho nhen!

Ngôn cười. Ngôn thấy lạ ghê, sao cô Tam không thèm lấy chồng, có con đi ở riêng mà lại ở chung với nội với mẹ hoài để lâu lâu bà chưởi bới, đánh đập. Dù bây giờ mẹ đã cho phép Ngôn nói chuyện với cô Tam, Ngôn vẫn phải e dè. Vì có lần Ngôn bắt gặp nơi mẹ một cái nhìn thật dữ khi Ngôn ngồi nghe cô Tam kể chuyện. Mẹ dặn Ngôn cô Tam có nói gì thì nói cũng đừng tin, đừng nghe theo mà bị đòn, Ngôn cũng không biết tại sao mẹ dặn Ngôn như vậy. Với Ngôn, những lời cô Tam nói, đều hiền lành, đều đáng tin hết.

Ngôn nắm ngón tay út của cô Tam vuốt vuốt:

- Sao cô Tam không có chồng, có con hả? Bộ cô Tam hổng thích hả?

Cô Tam cú lên đầu Ngôn:

- Mèn ơi, ai cho Ngôn hỏi kỳ cục vậy nà? Nhưng mà cô Tam cũng trả lời cho Ngôn nghe, lần này thôi, cấm hỏi nữa nghe chưa, Ngôn còn nhỏ hỏi chuyện vợ chồng làm chi? Bất cứ với ai cũng vậy. Ngôn nhớ chưa?

- Dạ nhớ!

Cô Tam kéo Ngôn ngồi sát bên cô:

- Ngôn nghe cô nè. Cô không lấy chồng, không có con là vì Ngôn đó. Cô thương Ngôn như là... con của cô vậy.

- Bộ cô hổng buồn khi bị mẹ Ngôn đánh, mẹ Ngôn la sao?

Mắt cô Tam nhìn ra dòng sông:

- Cũng buồn chớ, nhiều lúc cô muốn trốn, mà nhớ tới Ngôn cô không đành. Xa Ngôn cô còn buồn hơn là bị mẹ Ngôn đánh nữa.

- Sao vậy cô?

- Vì cô không có con, mà Ngôn dễ thương lắm, làm cô thương Ngôn nhiều, có khi cô tưởng Ngôn chính là... con của cô đó.

Ngôn ngước nhìn cô:

- Ngôn cũng thương cô nữa.

Cô Tam ôm mặt Ngôn, ngó thẳng vào mắt Ngôn:

- Bây giờ héng! Ngôn nghe cô nói nè. Giả bộ như cô với Ngôn là... hai mẹ con ngồi nói chuyện...

- Cô làm mẹ, còn Ngôn làm con hả?

- Ờ, Ngôn chịu hôn?

Ngôn ngẫm nghĩ sao đó, rồi gật đầu, cô Tam hớn hở ra mặt. Cô Tam tằng hắng.

- Bắt đầu nhen! Ngôn làm con của cô Tam à.

Cô Tam ôm Ngôn vào lòng, giọng cô run run:

- Con của mẹ ơi!

Ngôn ngoan ngoãn dựa đầu lên vai cô:

- Dạ!

- Con có thương mẹ không?

- Dạ, thương.

- Nhiều hay ít?

- Dạ, nhiều.

Cô Tam hôn lên tóc Ngôn, giọng cô thổn thức thấy rõ:

- Con thương mẹ nhiều mà con để ở đâu.

Ngôn lắp bắp vì sợ cô Tam sẽ khóc bất tử:

- Con thương mẹ con... để... trong... tim.

Ngôn tính nói "để trên đầu" nhưng nhớ lại, trên đầu để thương nội, trong lòng để thương ba, Ngôn thấy... chật quá và hết chỗ rồi. Ngôn nói đại "để trong tim". Cô Tam vụt khóc, nước mắt nhiễu xuống mặt Ngôn nữa. Ngôn hốt hoảng, Ngôn tưởng cô Tam không bằng lòng khi nghe Ngôn nói như vậy, nó nhổm người lên:

- Con... con... thương mẹ... nhiều lắm, để lung tung hết, chỗ nào cũng có.

Cô Tam siết chặt Ngôn trong tay, hôn lên trán Ngôn mấy cái hôn dài, cô thì thầm qua màn nước mắt, cảm động lắm, làm Ngôn khóc theo:

- Con ơi, từ lâu mẹ vẫn mong được gọi con như vậy. Con của mẹ, mẹ thương con nhiều lắm con biết không?

Ngôn không ngờ cô Tam dễ khóc đến như vậy, chỉ giả bộ thôi mà làm như thật. Cô Tam vuốt tóc Ngôn:

- Sống bên con, nhìn con vui vẻ bên người ta, mẹ thấy xót xa mà cũng cam chịu. Làm sao con hiểu được lòng mẹ đây, Ngôn?

Bỗng có tiếng mẹ la lớn đàng sau lưng cô Tam và Ngôn:

- Trời ơi, quá lắm rồi mà. Má ơi, má ra đây coi con Tam nè. Thiệt không ngờ mà.

Cô Tam hết hồn xô Ngôn ra thật mạnh, chút nữa là Ngôn té sấp xuống đất. Cô Tam lính quýnh lau nhanh nước mắt, nhìn má sợ sệt:

- Chị Năm...

Mẹ nạt ngang:

- Không có chị Năm, chị Sáu gì hết. Tao không dè mày lại khốn nạn như vậy.

Rồi mẹ xấn tới đánh cô Tam túi bụi; đầu tóc cô Tam xổ ra hết, mẹ túm lấy ghịch tới, ghịch lui, cô Tam khóc tấm tức mà không hề đánh lại mẹ. Sẵn có cây chổi chà quét sân gần đó mẹ chụp ngay, đập lên đầu lên cổ cô Tam liên hồi, Ngôn sợ quá khóc lên, nội trong nhà, chạy ra, la hoảng:

- Năm, Năm, gì vậy hả? Ngừng lại, Năm...

Mẹ xán thêm mấy bạt tay nữa mới chịu buông tha cô Tam, người cô Tam lúc đó bèo nhèo, xốc xếch trông thật thảm. Ngôn chạy lại đỡ cô Tam:

- Cô Tam có sao không? Cô Tam...

Mẹ quát lên:

- Ngôn, lại đây biểu.

Ngôn co ro đứng trước mặt mẹ, mẹ nhìn cô Tam tóe lửa, rồi gằn giọng hỏi Ngôn:

- Ai cho mày gọi con mọi đó là mẹ, xưng con ngọt xớt vậy. Trời ơi, mẹ mẹ con con đầm ấm dữ mà.

Mẹ vừa nói vừa cú lên đầu Ngôn ba bốn cái đau điếng. Ngôn vò đầu khóc ré lên. Nội kéo Ngôn lại gần nội. Nội hỏi:

- Chuyện gì vậy Năm?

Mẹ thở hổn hển:

- Phải chi má ra sớm mà coi. Con Tam ngoài này nó lộng giả thành chơn, nó xưng mẹ với thằng Ngôn, kêu thằng Ngôn bằng con, lại khóc kể nỉ non nữa chớ.

Rồi mẹ quay sang xỉa xói vào mặt cô Tam:

- Đi, mày cuốn gói đi khỏi nhà tao, đi ngay lập tức, tao không muốn mày ở trong nhà nữa.

Cô Tam vén tóc run run:

- Chị Năm, chị tha cho em lần này, tại em quá...

Cô Tam chưa nói dứt lời thì bị mẹ bạt tay một cái thật mạnh. Cô Tam bật ngửa. Ngôn chạy lại quì gối xuống năn nỉ mẹ:

- Mẹ, mẹ đừng đánh cô Tam tội nghiệp, nãy giờ chỉ là giả bộ thôi mẹ, chớ cô Tam đâu có tội tình gì đâu mẹ!

Mẹ hứ một tiếng rồi bảo với Ngôn:

- Con không biết gì đâu mà xin với xỏ. Con đứng lên, lại với nội kìa, mau.

Nội đến bên cô Tam, cô Tam cúi đầu chưa hết khóc. Bà nội nâng mặt cô Tam lên giọng nghiêm nghị:

- Tam, tao tưởng mày giữ lời chứ, nào dè... tao cho mày ở đây là vì lòng thương. Bây giờ chuyện như vậy đó, không còn cách gì khác hơn, mày đi khỏi nhà tao, mày đừng làm tao giận lên.

Cô Tam òa lên khóc, đôi vai run theo tiếng nấc nghẹn ngào. Ngôn bối rối quá, chỉ có một chút mà sinh ra lớn chuyện.

Cô Tam bị mẹ và nội đuổi đi, Ngôn ôm tay nội:

- Sao lại đuổi cô Tam hả nội?

Nội quắc mắc nhìn Ngôn:

- Mày liệu hồn mày! Tao đập một cái chết tươi bây giờ. Đi vô nhà!

Ngôn không dám cãi lời nội, nhưng Ngôn cũng không đành lòng bỏ cô Tam ở lại, dù rằng sự có mặt của Ngôn không giúp ích gì được cho cô Tam. Ngôn cứ tần ngần nửa muốn vào, nửa muốn không. Mẹ bới đầu tóc lại rồi nói như ra lệnh với cô Tam:

- Nội nhựt ngày nay, mày phải ra khỏi nhà tao. Dung túng mày trong nhà như nuôi ong tay áo. Nếu không nghe thì đừng trách tao.

Cô Tam gọi nhỏ:

- Chị Năm.

Nhưng mẹ vẫn quày quả đi một nước. Mẹ đã quyết định rồi. Nội cũng như mẹ:

- Bây giờ mày vô thu xếp quần áo của mày, tao cho thêm một ít tiền bạc đi xe, tao cũng cho mày luôn chiếc xuồng đó, muốn làm gì thì làm.

Cô Tam quỳ xuống níu chân nội van xin:

- Bác Hai, bác Hai thương cháu, cháu tứ cố vô thân, cháu bỏ xứ về đây chỉ còn nhờ vào bác Hai, bây giờ bác với chị Năm đuổi cháu đi, cháu biết đi đâu?

Nội cười gằn hất tay cô Tam ra:

- Mày đi đâu mày đi chớ. Tao hết còn thương mày nổi rồi, mày liệu mà thu xếp. Tao không ưa nói nhiều, tánh tao chắc mày cũng biết. Thôi, vô nhà Ngôn!

Nói xong, nội kéo tay Ngôn, lôi thằng nhỏ đi lẹ. Ngôn ngoái đầu lại thấy cô Tam ngẩng đầu lên kêu tên Ngôn rồi gục xuống đất. Ngôn chảy nước mắt:

- Cô Tam xỉu nội ơi!

Nội không nghe dắt Ngôn đi tuốt vào nhà.


Về Đầu Trang Go down
https://nhanbkvn-2022.forumvi.com
Admin
Admin
Admin


Tổng số bài gửi : 17784
Points : 24761
Reputation : 0
Join date : 16/10/2016

Vòng Tay Mẹ - Loại Hoa Xanh Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Vòng Tay Mẹ - Loại Hoa Xanh   Vòng Tay Mẹ - Loại Hoa Xanh Icon_minitimeSat Jun 03, 2017 5:56 pm

Chương 05

Chỉ trong một khoảng thời gian ngắn ngủi cách nhau chẳng bao lâu mà Ngôn vuột mất hai người Ngôn thương mến: cô Tam với con Bông. Đi học Ngôn cứ buồn bã ủ dột suốt buổi. Bọn học trò nói là: thằng Ngôn nhớ con Bông, rồi tụi nó trộ Ngôn:

Hò... ơ... Nhớ ai ra ngẩn vào ngơ.

Nhớ ai, ai nhớ... ờ...

Hò... ơ... Nhớ ai, ai nhớ bây giờ nhớ... ai...

Đành rằng Ngôn cũng có nhớ con Bông, nhưng Ngôn buồn vì vắng cô Tam hơn là buồn vì xa Bông. Bông chỉ là nhỏ bạn học cùng lớp, cùng trường, còn cô Tam, dường như có một sự liên hệ vô tình nào ràng buộc cô Tam vào với Ngôn. Ngay cái đêm ấy, sau khi bị mẹ và nội đuổi đi, cô Tam đã âm thầm khăn gói lên đường. Đêm khuya lắm, Ngôn nhớ rõ, Ngôn còn trằn trọc chưa ngủ được vì hình ảnh cô Tam ngất xỉu ban chiều cứ lởn vởn trong đầu óc Ngôn, thì Ngôn nghe có tiếng khóc thật gần, tiếng chân bước nhè nhẹ. Hồi nào tới giờ, Ngôn không biết ma là gì, nên không sợ ma, nhưng cái ngọn đèn hột vịt tù mù, lung linh chập chờn làm căn buồng nhỏ khi mờ sáng làm Ngôn ngán vô cùng. Ngôn mở mắt thao láo nhìn ra ngoài mùng. Ngôn thấy một bóng đen đứng ở cửa nhà bếp thật lâu, dường như có đưa tay quẹt mắt mấy lần. Ngôn định kêu mẹ dậy, vì Ngôn nghĩ đó là tên ăn trộm. Nhưng Ngôn chợt nhớ tới cô Tam. Phải rồi, cô Tam chớ không còn ai vô đây. Cô Tam sắp bỏ nhà mà đi. Thốt nhiên Ngôn thấy mắt mình cay cay muốn khóc. Bóng đen quay ra, rồi từ từ mất dạng. Ngôn ngồi bật dậy, rón rén bước xuống giường, leo lên ghế, nhắc chiếc đèn hột vịt cầm tay soi sáng. Ngôn đi vòng ngõ sau bếp để ra vườn, mẹ không hay, căn buồng tối om lại. Ngôn bước từng bước thật chậm. Ánh sáng yếu ớt của chiếc đèn chỉ vừa đủ soi cho Ngôn thấy khoảng đất nhỏ, chứ không tài nào thấy rõ chung quanh. Ngôn lần ra tới bờ sông, vẫn không thấy cô Tam đâu, không lẽ bóng đen đó là ma. Ngôn đi thêm vài bước nữa, trên tay Ngôn chiếc đèn hột vịt run như muốn rớt xuống đất. Ngôn mừng quá, cô Tam còn ngồi ở đầu cầu bên cạnh là cái nón là và một bọc quần áo nho nhỏ. Ngôn kêu lên:

- Cô Tam!

Cô Tam quay lại, ánh đèn dầu cho Ngôn biết rằng cô Tam đang khóc, mắt cô long lanh sáng, trên má cô hai hàng nước ướt nhòe. Ngôn lại gần cô Tam, đặt đèn xuống mặt cầu Ngôn hôn lên má cô Tam rồi ôm chầm lấy cô mà khóc. Không ngờ Ngôn cũng mau xúc động đến vậy, hai cô cháu cứ ôm nhau thút thít, thút thít. Cô Tam nói với Ngôn giọng đầy nước mắt:

- Ngôn ở lại mạnh giỏi. Ráng học và ngoan ngoãn luôn.

Ngôn gật đầu, giờ phút này Ngôn muốn kêu cô bằng mẹ, tiếng mẹ giả bộ đã làm cho cô Tam bị đuổi, nhưng tiếng mẹ thật thà bây giờ chắc sẽ xoa dịu nỗi buồn cô Tam hơn. Cô Tam thương Ngôn như một người mẹ thương con. Tại sao Ngôn không thể kêu cô Tam bằng mẹ? Chắc tại vì cô Tam không sanh ra Ngôn. Ngôn lau nước mắt cho cô.

- Mẹ của Ngôn!

Cô Tam run run nắm bàn tay của Ngôn áp lên má:

- Ngôn, đừng gọi cô bằng mẹ nữa, dù mẹ... ? Ơ... cô muốn nghe ghê lắm. Cô không phải là... mẹ Ngôn. Nhưng cô thương Ngôn nhiều. Xa Ngôn, cô nhớ Ngôn biết chừng nào nói. Ngôn...

Nước mắt tuôn xối xả, chảy vào miệng cô Tam nữa. Ngôn lấy vạt áo chậm mắt mình. Nó nói như không phải là nói với cô Tam:

- Mai mốt không còn ai để kể chuyện lục bình, không còn ai để Ngôn làm thầy bói nữa.

Cô Tam ôm Ngôn vào lòng:

- Cô đi nhưng không bao giờ quên Ngôn cả. Thôi Ngôn vô ngủ đi, kẻo mẹ hay. Mẹ đánh đòn.

Ngôn nhõng nhẽo với cô:

- Lâu lâu cô Tam ghé về thăm Ngôn, nghen cô.

- Nếu cô còn sống thì cô sẽ về thăm Ngôn. Cô ra đi lần này, cũng giống lần đầu ba má cô đuổi cô đi. Nhưng không biết phải đi đâu?

Giọng cô buồn quá, nghe như một lời trối trăn. Ngôn nằm vùi trong lòng cô, không muốn rời cô Tam nữa. Mà hình như cô Tam cũng muốn như vậy. Có tiếng súng nổ thật lớn, cô Tam giật mình, đẩy Ngôn đứng lên:

- Thôi Ngôn vô đi, khuya lắm rồi.

Ngôn chậm chạp bước từng bước lên cầu; cô Tam còn ngồi đó, Ngôn đứng yên, bóng cô Tam lung linh như sắp bể tan trong mắt Ngôn. Ngôn không nói gì hết, một giọt nước len nhẹ vào môi cho nó nghe mặn mặn đầu lưỡi. Cô Tam lại ôm vai nó:

- Cho cô hôn lên trán Ngôn lần cuối.

Ngôn quỳ xuống đón lấy từ môi cô mấy nụ hôn thân yêu làm dấu kỷ niệm để đời trên vầng trán nhỏ. Nước mắt của cô đậu lên mặt Ngôn ấm áp. Cô Tam buông Ngôn ra:

- Nữa lớn nhớ đến cô, Ngôn cho cô vài giọt nước mắt, nghe Ngôn. Ngôn ở lại mạnh giỏi. Cô đi.

Ngôn gật đầu, nó muốn chúc cô đi bình an mà cổ họng nghẹn lại, thốt không ra lời. Cô xuống xuồng, nhẹ nhàng chèo đi, tiếng dầm khua nước róc rách sao giống như tiếng khóc. Ngôn nhìn theo bóng cô Tam từ từ biến mất, Ngôn không dằn được nữa, nó khóc òa lên. Không có ai bên cạnh để dỗ dành Ngôn, nó khóc nức nở một mình, tưởng như vừa bỏ mất một vật gì quí giá lắm mà không đời nào lấy lại được. Tiếng súng nổ dồn, súng lớn có, chắc lại đụng trận nữa chớ gì. Ngôn thầm van vái trời phật phò hộ cho cô Tam yên lành. Ngước nhìn lên cao, Ngôn chấp tay xá ba xá, để vừa bắt gặp một ngôi sao vụt băng đi xa tuốt luốt nơi nào không biết.

Rồi hai ba bữa sau, con Bông vô lớp nói cho Ngôn biết nó sẽ đi Saigon. Bây giờ con Bông đã đi rồi, cô Tam cũng đi rồi, Ngôn ngồi nhớ và buồn bã vô hạn. Nắng mới lên trên dòng sông lấp lánh, nhìn ra ngoài xa Ngôn mường tượng xuồng của cô Tam đang trôi bềnh bồng, như một chiếc lá, như một đám lục bình. Không biết lúc này cô Tam ở đâu, có nhớ đến Ngôn chăng? Nước cứ trôi xuôi một dòng, biết khi nào mang trả lại cho Ngôn một cô Tam trìu mến? Ngôn muốn bày tỏ nỗi buồn nỗi nhớ cho người nào khác, để đỡ nặng lòng. Con Bông thì đã ở trên Saigon xa lắc xa lơ. Nội thì không bao giờ thèm nghe bất cứ câu nói nhắc đến tên cô Tam, tất nhiên mẹ cũng cùng tâm trạng. Bạn học thì không ai thân. Đâu phải bất cứ một chuyện vui, chuyện buồn nào người ta cũng dễ bộc lộ. Phải tùy người và tùy lúc nữa. Chẳng hạn ngay giây phút này Ngôn đang thèm tâm sự, thèm có một đứa bạn thân ngồi bên để chia sớt nỗi buồn với Ngôn. Nhưng ngoài dòng sông, ngoài hàng dừa nghiêng nghiêng bờ đất ra, Ngôn không có ai kề cận. Mà dòng sông với hàng dừa thì lúc nào lại chẳng chứng kiến những thân mật cũng như những buồn đau của cô Tam và Ngôn? Chắn chắn chúng hiểu Ngôn hơn ai hết, chúng cũng hiểu cô Tam hơn ai hết. Dòng sông như một nơi cất giữ những chuyện muốn nói mà không bao giờ nói của Ngôn. Buồn nhiều hơn vui. Đáng lẽ, nỗi buồn phải đi theo con nước mà đi biền biệt, đi thật xa, để lại cho Ngôn niềm vui độc nhất dù nhỏ bé, dù đơn sơ. Vậy mà không, Ngôn vẫn còn buồn. Ngôn tưởng dòng sông đục nước là vì hòa trộn niềm đau của Ngôn, dòng sông chảy lững lờ là muốn an ủi Ngôn. Ngôn thấy sông đẹp hơn bao giờ hết. Ngôn nhìn nó với ánh mắt thật thương. Và những chiếc lá dừa rộng rãi trên đầu, đong đưa xào xạc mỗi chiều có gió, Ngôn xin lấy làm bằng chứng yêu thương. Biết bao lần Ngôn nói thương cô Tam ở đây những chiếc lá dừa chắc đã đựng đầy hết, nhất là những lời nói đêm cuối cùng, Ngôn đau xót nhìn theo bóng cô Tam chèo xuồng bỏ Ngôn mà đi.

Rồi bỗng nhiên Ngôn nhớ đến thằng Thạnh, cái thằng bạn chuyên môn chê con gái, không thèm chơi với con gái và cũng rất sợ con gái. Hôm Ngôn tiễn con Bông ra bến xe đò chợ quận, bỏ một buổi học, Thạnh biết nên theo chọc Ngôn hoài, Ngôn không khi nào giận nó cả. Coi nó vậy mà hiền khô và chân thật. Ngôn thương mến Thạnh như là Ngôn mến thương Bông. Kể như đó là hai đứa bạn thân của Ngôn.

Từ dạo cuộc chiến trở nên sôi động, tình thế bất an, Ngôn chỉ còn gặp Thạnh ở sân trường trong giờ chơi với lần u mọi té xuống bể đầu, với lần rượt bắt cứu bồ muốn đứt hơi vì chạy. Hai đứa đã không còn cái thú vác cần câu vào tận rạch dừa um tùm bóng lá để thi câu, cũng không còn đua nhau làm diều đem ra đồng thả, rồi nằm chơ vơ trên gò mả của ai đó mà say sưa ngắm diều phất phới trên cao. Thạnh cũng là thằng bạn Ngôn hay kể chuyện nhất, phải chi lúc này có nó thì đỡ biết mấy...

- Ngôn ơi, Ngôn! Ngôn ơi, Ngôn!

Tiếng ai gọi Ngôn thất thanh bài hãi, Ngôn bỏ cầu ván, chạy vội lên bờ. Bao nhiêu ý nghĩ vẩn vơ bay tuốt hết. Ngôn nhìn quanh quất, kìa, thằng Khôi với chiếc xe đạp cũ rích cũ mèm, nó vừa đạp vừa la. Ngôn vẫy tay ra dấu cho nó thấy đồng thời cũng là dấu hiệu bắt nó dừng lại. Khôi thấy Ngôn, mừng húm Khôi nhảy phóc xuống đất, quành xe lại, vỗ vào yên sau, nói tía lia:

- Leo lên Ngôn, lên tui chở trò đi.

Ngôn ngạc nhiên:

- Sao khi không mà trò đòi chở tui đi, mà đi đâu?

Khôi hối thúc:

- Đi đâu leo lên rồi biết, lẹ đi trò!

Ngôn cù cưa, cù nhầy:

- Khoan đã, để tui vô xin phép nội, xin phép mẹ tui.

- Trời ơi, lẹ lên đi, không kịp bây giờ, tội nghiệp nó mà.

Nghe giọng Khôi lạ lạ, Ngôn nhìn kỹ mặt bạn hơn, hai con mắt Khôi còn hơi đỏ đỏ. Ngôn lại càng ngạc nhiên hơn, nhưng linh tính cho nó biết có chuyện quan trọng, Ngôn không cần suy nghĩ gì nữa, Ngôn leo lên ngồi cho Khôi chở đi. Khôi đạp hết sức mình, chiếc xe đạp tội nghiệp kêu "cà cót, cà két", lao nhanh trên bờ đất, vậy mà Khôi vẫn còn thấy chậm, nó ghì người sát tay lái như một cua rơ chạy nước rút cho mau đến mức ăn thua. Ngôn khều lưng thằng Khôi:

- Chạy đi đâu dữ vậy, cha nội?

Khôi đáp lẹ:

- Tới nhà trò Thạnh, nó đang hấp hối...

Giọng Khôi như bị ai bóp nghẹt, lại còn bị gió thổi tạt đi, nhưng Ngôn nghe thật rõ, mình mẩy nó nổi da gà, Ngôn hơi run:

- Sao?... trò Thạnh... hả?

- Ờ, trò Thạnh, nó đi mua thuốc cho má nó trên tỉnh, bận về đi xe lam qua ngõ bên kia bờ rẫy bị giựt mìn, nó gần chết.

Ngôn bủn rủn tay chân lọt xuống đường cái bịch. Thằng Thạnh gần chết. Trời ơi, có lẽ nào, Ngôn mới nhớ tới nó đây mà.

Ngôn vừa mới mong ước nó có bên cạnh Ngôn để kể lể chuyện buồn đây mà! Thạnh ơi. Thằng Khôi đang gò lưng chạy bỗng thấy nhẹ re phía sau, Khôi nhìn lại, thằng Ngôn vừa lồm cồm ngồi dậy, vừa kêu réo:

- Chờ tui Khôi ơi, chờ tui.

Ngôn chạy tới, leo lên và chiếc xe đạp lại tiếp tục nuốt hết con đường. Nhà thằng Thạnh sao mà xa ghê vậy. Khôi chạy nãy giờ gần hụt hơi mà vẫn chưa tới. Khôi hỏi Ngôn:

- Trò té có sao hôn?

- Không sao.

- Vịn cho chắc nghen, tui đạp cho lẹ, sao tui sợ...

Ngôn không nghe Khôi nói tiếp. Mà nghe Khôi hít mũi, chắc Khôi khóc. Ngôn cũng nghe mắt mình cay cay, nó bậm môi lại thật chắc, để khỏi khóc bất tử. Khôi hãm xe lại bằng thắng tay, lẫn... thắng chân, Ngôn cũng giúp bạn, cố chạm chân xuống đường. Bốn cái chân kéo lê trên đường kêu "sạt! sạt!" làm chiếc xe ngừng lại mau hơn. Khôi thở hắt:

- Tới rồi.

Ngôn thấy nhà thằng Thạnh đông người quá, nhốn nha, nhốn nháo. Khôi dựng xe vào bờ rào, rồi nắm tay Ngôn dí vô. Nhưng hai đứa bỗng khựng lại trước cửa, má thằng Thạnh chị em thằng Thạnh khóc um sùm, kêu Thạnh ơi! Thạnh hỡi, não nuột, còn tía thằng Thạnh, cặp mắt đỏ hoe, run run, kéo chiếc mền xám tro lên tận mặt con. Ngôn nói với mình:

- Thôi, trễ rồi.

Ngôn cặp kè Khôi đi ra ngoài. Tiếng khóc kể vẫn không ngớt vọng vào tai chúng. Lúc mà Ngôn nhớ nhiều về Thạnh, cảm thấy thương Thạnh và cần có Thạnh lại là lúc Thạnh nằm ngủ muôn đời. Làm sao trò thức dậy để đi học như mọi lần hả Thạnh? Thôi vậy là trò xa tụi tui rồi. Buồn ghê hả Thạnh. Mai mốt vào lớp học, tui còn có ai nữa đâu?

- Ngôn à, chừng chôn trò Thạnh trò đi hôn?

- Không.

Ngôn đáp bằng một giọng chắc nịch. Thạnh à, bây giờ trò nằm đó, buông xuôi tay chân vô cùng thanh thản, mà tui muốn khóc thật nhiều vì hiểu trò thật sự làm một cuộc đi chơi xa. Xa hơn cánh đồng vàng vàng ngọn lúa, lổm chổm vài cái mộ đá rêu phong, xa hơn con rạch cong queo chảy hun hút, len lỏi qua mấy vuông đất trồng chuối, trồng dừa. Lần đầu tiên và cũng là lần sau cùng trong cuộc đời, trò đi chơi mà không rủ tui, rủ thằng Khôi.

Đi một mình chắc là vui hơn nhiều há Thạnh? Như vậy tui cần gì phải đưa đám trò. Với lại tui không thể nào can đảm đứng nhìn người ta đưa trò vô trong lòng đất. Bây giờ cũng đã là xa. Bây giờ cũng đã là mất Thạnh ha.



***



Từ đó trở đi, ngày nào cũng có tin người ta bị thương, hay bị chết. Không vì lạc đạn ngoài đồng thì cũng vì bị giựt mìn, mới đây lại thêm nạn pháo kích. Dân làng sống trong lo sợ phập phồng. Người lìa bỏ quê cha đất tổ, bỏ biệt mồ mả ruộng nương, càng lúc càng nhiều, họ đi tìm một nơi an lành hơn, dễ sống hơn. Làng mạc tiêu điều vắng lặng.

Nhà Ngôn cũng thu xếp đồ đạc để lên Saigon sống với ba. Đến phút này Ngôn mới thấy thương quê nội hơn bao giờ hết. Quê nội có dòng sông êm ái, có hàng dừa xinh xinh, có bóng cô Tam và chiếc xuồng đêm chia biệt, có hình ảnh con Bông, thằng Thạnh, thằng Khôi với những chiều rong chơi sung sướng, Ngôn muốn đem hết những thứ đáng yêu đó theo bên mình. Ước gì Ngôn có phép như mấy nàng tiên trong truyện cổ tích của nội, Ngôn sẽ "ếm sì bùa" cho hết đánh giặc, cho hết đau thương. Phải rồi, ước gì...

- Ngôn à, con thu xếp mọi thứ của con chưa mà ngồi ngó mông đó?

Ngôn đứng dậy, thưa với ba:

- Con làm hết rồi ba.

Ba gật đầu, ba đi tới đi lui trong nhà, Ngôn biết ba lo lắng cho nội. Suốt mấy đêm liền, từ khi ba về đây với ý định đem cả gia đình lên Saigon sống thì nội cứ nhất định không chịu nghe theo ba, dù ba đã trình bày hết mọi lý lẽ, để cố mong lay lòng nội. Ba không muốn để nội sống một mình ở đây, giặc giã hiểm nguy. Còn nội, nội không thể xa đất tổ, xa mồ mả ông bà. Nội ở lại để trông coi, giữ gìn và thờ phượng. Nội già cả, sống từng tuổi này là đủ rồi. Nếu có chết nội cũng đành lòng. Bởi vì chết tại ngôi nhà nội đã sống, chết tại mảnh đất làng, có ông nội, có gia quyến tổ tiên. Nhớ lời nội nói mà Ngôn thương nội sao đâu.

Mẹ từ trong buồng xách ra hai va ly quần áo, vật dụng. Ba nói với mẹ:

- Mình ra dốc cầu trước, để thằng Ngôn lại đây. Chút nữa anh với con ra.

Mẹ nghe lời, lủi thủi bước đi. Mẹ cũng buồn bã, Ngôn thấy bước chân mẹ ngập ngừng, Ngôn thấy mắt mẹ ươn ướt. Mẹ đi rồi, Ngôn vào nhà: nội nằm trên bộ ván giấu mặt vào trong, vai của nội gầy còm run nhè nhẹ, còn ba đứng im lìm bên nội, mắt đỏ hoe. Ba vẫy tay gọi Ngôn:

- Lại thưa bà nội rồi đi, con!

Ngôn ríu chân đi không nổi nữa, sao mà nội tội nghiệp quá.

Đến lúc này Ngôn mới thấy nội già nhiều, tóc nội bạc phơ phơ. Nội ốm nhom, ốm nhách. Ngôn mếu méo:

- Nội ơi.

Nội vẫn không quay ra, Ngôn biết nội đang buồn, đang khóc. Ngôn lóng cóng leo lên bộ ván ôm nội:

- Thưa nội, con đi, nội ở lại mạnh giỏi.

Nội xô Ngôn ra nhè nhẹ, tiếng nói của nội đục ngầu:

- Ờ, con với ba con đi đi! Mai mốt nhớ về thăm nội.

Ba nắm tay Ngôn, tần ngần:

- Má à, con đi nghe má! Má ở lại bình an thỉnh thoảng con sẽ về thăm.

Ba dẫn Ngôn đi. Nội vẫn còn nằm ở đó. Nội không buồn đưa tiễn. Chắc nội không đành lòng nhìn Ngôn, ba mẹ dắt díu nhau đi. Nội khóc, nội buồn, chẳng có ai bên cạnh an ủi. Dù gì Ngôn cũng còn có ba, có mẹ, Ngôn quay nhìn ngôi nhà lần chót, hàng tre um tùm quanh ngõ như thì thầm lời từ giã. Ngôn cũng nhìn lại dòng sông, nắng làm sông lấp lánh, muôn ngàn cái lấp lánh, Ngôn không còn thấy chúng đẹp như những sợi kim tuyến mà Ngôn tưởng như những giọt nước mắt thật đau lòng. Ngôn nhớ tới những đôi mắt long lanh của cô Tam. Ngôn nhớ tới ngôi mả mới đắp của Thạnh. Ngôn nhớ tới thằng Khôi với chiếc xe đạp cũ rích "cà cót, cà két"... Tất cả đều đáng thương.

Ba cúi xuống hỏi Ngôn:

- Con có còn thương cô Tam không?

Ngôn nhìn ba gật đầu. Ba cười buồn:

- Cô Tam đi mà không nhắn gởi lại gì với ba hết sao? Biết cô Tam ở đâu bây giờ?

Ngôn lặng thinh không nói, nó nắm tay ba lững thững bước đi. Càng lúc càng xa nội. Ba nhìn chăm chăm đôi mắt của Ngôn sao mà giống đôi mắt cô Tam quá đỗi. Cũng một điệu buồn. Nhưng có lẽ chưa lần nào ba bắt gặp mắt cô Tam buồn, não nùng một cách ngây thơ, như lúc này, ba bắt gặp trong đôi mắt của Ngôn.


Về Đầu Trang Go down
https://nhanbkvn-2022.forumvi.com
Admin
Admin
Admin


Tổng số bài gửi : 17784
Points : 24761
Reputation : 0
Join date : 16/10/2016

Vòng Tay Mẹ - Loại Hoa Xanh Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Vòng Tay Mẹ - Loại Hoa Xanh   Vòng Tay Mẹ - Loại Hoa Xanh Icon_minitimeSat Jun 03, 2017 5:57 pm

Đoạn Cuối

Người lính trẻ, ôm ghì họng súng, mắt đăm chiêu mơ màng. Trên đồn gác thật cao, hắn nhìn thấy đồng lúa phì nhiêu chạy dài xa tít tắp, xanh rờn, xanh rờn, như nỗi hy vọng của hắn ngày còn bé, và ngay bây giờ.

Hắn theo ba lên sống nơi thành thị, nhưng hình ảnh làng quê với bà nội già nua thấp thỏm vào ra một mình quạnh quẽ, cứ làm hắn bồn chồn. Hắn mong một ngày thanh bình để trở về với nội. Hắn mường tượng mỗi sáng nội thức dậy lui cui quét sân, đốt lá, lui cui châm trà và miệng gọi ột! ột! cho đàn heo ăn cám, mỗi chiều nội ra trước cửa ngóng, đôi mắt già mong thấy được con cháu tận đâu đâu... Ôi, sao hắn thương nội vô cùng.

Cũng trên đồn gác này, hắn thấy những gãy nước mênh mông, sáng lấp lánh... có con sông nào êm đềm lờ lững và đẹp như con sông trước nhà của nội? Con sông đã hứng lấy nước mắt của cô Tam, người mẹ đau khổ bất hạnh của hắn, khi chèo xuồng xa đứa con còn nhỏ.

Mẹ hắn, người mẹ mà không có quyền nhìn nhận đứa con, người vợ không được lên xe hoa về nhà chồng. Con dâu mà không bao giờ nội thương tưởng. Bây giờ cô Tam còn sống hay đã chết? Nếu còn thì chắc cũng già như mẹ nuôi hắn hiện giờ. Ngày đó, hắn ngây ngô khờ dại, thương mẹ thật thương mà cứ tưởng đó chỉ là một người bà con, thân quyến! Cuộc đời không xuôi chảy như một dòng sông. Mẹ hắn nói đúng. Hắn cầu mong mẹ vẫn hiện diện trên đời, để lần nào, hai mẹ con ôm nhau hội ngộ. Hắn mang trên khuôn mặt dấu tích của mẹ: đôi mắt đen và sâu của người Chàm Châu Đốc. Bây giờ hắn mới biết tại sao mẹ nuôi và nội gọi mẹ hắn là "con mọi". Ba mẹ không được tác hợp thành hôn với nhau cũng vì vậy. Ba kể lại cho hắn nghe, khi hắn tròn hai mươi tuổi, vào một buổi chiều, hắn ngồi buồn đọc câu ca dao:

Chiều chiều ra đứng bờ sông

Muốn về quê nội mà không có đò.

Ba nó bảo rằng:

- Cô Tam chính là mẹ ruột của con đó Ngôn!

Hắn không mấy ngạc nhiên, vì sau này hắn dần dần đoán ra được điều đó. Hắn mong sao chóng về quê nội, để tìm lại những kỷ niệm thân yêu mà hắn đã làm rơi rớt ở đó suốt quãng đời thơ ấu. Ôi, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra. Nay mẹ còn đâu cho hắn đền công sinh thành. Ba kể lại rằng: "Vì mẹ là người Chàm, hơn nữa nội cũng đã hứa kết xui gia với một người bạn thân thuở trước. Ba không cãi lời được, nên phải bỏ mẹ mà đi. Mẹ có thai, ba chẳng biết, sau này, mẹ sanh ra con, vì một thân một mình, mẹ đánh bạo đem con đến nhà nội bảo rằng cho.

Ba nói dối khi trước khi đi xem tuổi, thầy có dặn phải nuôi một đứa con nuôi thì gia đình mới êm ấm và hạnh phúc. Nội mới chịu nhận, mẹ xin ở bên cạnh con, nội vì thương tình nên bằng lòng với điều kiện không được nhận con là con. Ba thì cũng có ý săn sóc cho mẹ vì thấy mẹ buồn. Nhưng nội la rầy cấm cản, mẹ nuôi con lại ghen tương hành hạ. Ba buồn, nên bỏ lên Saigon làm ăn, lâu lâu mới về để thăm con, thăm nội..."

Ba còn kể nhiều nữa, nhưng hắn nhớ không hết, đúng ra hắn không thèm nhớ. Cuộc đời của mẹ sao gian truân và đầy buồn khổ. Cho đến bây giờ, hắn đã là một quân nhân, nếu ba không tỏ thật thì hắn cũng chỉ biết mập mờ. Lời hứa ngày xưa quan trọng quá và chữ tín của mẹ sao cao vời. Mẹ vẫn biền biệt không hay! Hắn cúi đầu thật thấp, hắn nghe tiếng hắn thở dài.



***



Chiều hôm ấy, hắn đang ngồi viết thư cho ba thì thằng bạn đồng ngũ chạy vào la to lên:

- Ê! Hiệp định ngưng bắn đã ký kết rồi Ngôn ơi! Hòa bình! Hòa bình!

Hắn tưởng mình ngủ mơ. Nhưng không nhiều thằng bạn ôm nhau mừng rỡ kìa: "Hiệp định sẽ bắt đầu có hiệu lực từ tám giờ sáng ngày chủ nhật 28 tháng Giêng. Trời ơi, sung sướng quá". Hắn bâng khuâng cắn bút nghĩ ngợi, thằng bạn lúc nãy vỗ vai hắn:

- Lát nữa, tin tức, Đại Úy Trưởng đồn sẽ cho vặn ra-đi-ô thật lớn truyền vào máy phóng thanh lời Tổng Thống nói cho mọi người cùng nghe. Mày mừng không Ngôn?

- Mừng chớ! Mừng hết lớn.

Thằng bạn hút một điếu thuốc phà khói nói như mê:

- Tao sẽ về quê Ngôn ạ! Về quê thăm mẹ tao, mày biết mẹ tao ở đâu không? Xa lắm mày ơi, ở tuốt Thái Bình ngoài Bắc lận.

Hắn nhìn thằng bạn mà mắt cay cay. Lâu rồi hắn không còn thấy mắt mình cay cay thú vị như thế. Hắn tưởng mình đã chai sạn gan lì, hết còn biết khóc. Thế mà chiều nay, hắn muốn khóc quá, khóc thật to.

- Ủa, Ngôn! Mày khóc à?

Ngôn điềm tĩnh mỉm cười, nước mắt thành giọt lăn xuống đậu trên môi, hắn thè lưỡi liếm, giọt nước mắt mừng sao ngọt ngào. Hắn vái trời cho mẹ hắn còn sống, như lúc nhỏ, hắn làm thầy bói, bảo rằng: "Cô Tam có số trường thọ". Hắn cúi xuống, đặt bút viết thư cho ba, báo tin hắn vẫn bình yên và hắn bỗng trẻ con vô cùng khi đòi ba dẫn hắn về quê ăn Tết. Tay hắn mãi mê viết, trong óc hắn, hình ảnh dòng sông hiền hòa, hình ảnh nội già lụm cụm ra cửa chờ con, xôn xao rạng rỡ; hắn lẩm bẩm: Ngưng bắn rồi! Hắn mỉm cười, một ngày nào không xa, trên chiếc xe đò xuôi về chợ quận, chắc chắn sẽ có hắn ngồi thật ngoan....

Phú - Nhuận, tháng 2 - 1973
LÊ-NGUYỄN MAI-TRẮNG
Về Đầu Trang Go down
https://nhanbkvn-2022.forumvi.com
Sponsored content





Vòng Tay Mẹ - Loại Hoa Xanh Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Vòng Tay Mẹ - Loại Hoa Xanh   Vòng Tay Mẹ - Loại Hoa Xanh Icon_minitime

Về Đầu Trang Go down
 
Vòng Tay Mẹ - Loại Hoa Xanh
Về Đầu Trang 
Trang 1 trong tổng số 1 trang

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
Nhanbkvn 2024 :: THƯ VIỆN SÁCH TUỔI HOA :: Tủ Sách Hoa Xanh-
Chuyển đến