Nhanbkvn 2024
Chào Mừng Các Bạn Tham Gia Và Chia Sẽ Tại Diễn Đàn Nhanbkvn
Nhanbkvn 2024
Chào Mừng Các Bạn Tham Gia Và Chia Sẽ Tại Diễn Đàn Nhanbkvn
Nhanbkvn 2024
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

Nhanbkvn 2024

Chia Sẽ Không Giới Hạn
 
Trang ChínhTrang Chính  Sự kiệnSự kiện  Latest imagesLatest images  PublicationsPublications  Tìm kiếmTìm kiếm  Đăng kýĐăng ký  Đăng NhậpĐăng Nhập  

 

 Về Với Mẹ - Loại Hoa Xanh

Go down 
Tác giảThông điệp
Admin
Admin
Admin


Tổng số bài gửi : 17784
Points : 24761
Reputation : 0
Join date : 16/10/2016

Về Với Mẹ - Loại Hoa Xanh Empty
Bài gửiTiêu đề: Về Với Mẹ - Loại Hoa Xanh   Về Với Mẹ - Loại Hoa Xanh Icon_minitimeSat Jun 03, 2017 5:51 pm

Về Với Mẹ - Loại Hoa Xanh Ve_voi10

Chương 1

Tôi không biết mình được sinh ra đời tại đâu, nhưng từ khi biết nhìn và biết hiểu, tôi đã thấy chung quanh mình là những ruộng lúa xanh bát ngát, những con đường ngòng ngoèo dẫn đến chợ quận. Làng tôi ở cách quận không xa, nên mỗi sáng mẹ tôi nấu một nồi xôi, một nồi chè gánh ra chợ bán. Tôi thấy mẹ tôi dậy thật sớm. Tờ mờ khuya, khi gà còn ngủ trong chuồng chưa kịp dậy, khi mặt trời còn ngủ rất kỹ ở phương Đông và khi tôi cuộn mình trong tấm mền rách lỗ chỗ mà ngủ, thì mẹ tôi đã lục đục dậy. Tôi đã có lần tình cờ thức giấc, nhìn thấy mẹ tôi lạnh lẽo trong chiếc áo ngắn vừa thổi lửa vừa vò đậu nấu chè. Lúc đó, tôi còn nhỏ lắm, mới năm, sáu tuổi gì đó, nên tôi chưa biết phụ giúp mẹ tôi. Mà nếu tôi có phụ giúp được gì đi nữa, thì chắc mẹ tôi cũng chẳng bằng lòng. Tôi hiểu là mẹ tôi cưng tôi biết ngần nào, vì chung quanh tôi, nhà thằng Lượm, thằng Tất, thằng Nghĩa, nhà nào cũng có cả lô con nít mà mẹ tôi thì lại chỉ có một mình tôi. Với lứa tuổi còn quá nhỏ, tôi thụ hưởng những gì mẹ tôi mang lại bằng sự lao lực của mẹ. Tôi ăn xôi mỗi sáng rồi trông nhà cho mẹ. Mà thật ra ở làng chúng tôi, dân chúng hiền lành vô cùng. Những con người chất phác và hiền lương suốt tháng quanh năm sống bằng những nghề chân tay khổ cực, hầu như không hề biết đến trộm cắp. Hơn nữa, nhà tôi cũng có gì đâu để mà ăn trộm dòm vào.

Tôi và mẹ tôi sống trong một căn nhà tranh nền đất khá cao ráo và rất sạch sẽ, bởi vì mẹ tôi là một người đàn bà vén khéo. Trong nhà chỉ vỏn vẹn có cái bàn con, bốn cái ghế, chiếc chõng tre cho hai mẹ con tôi ngủ và mấy đôi gióng cùng nồi niêu, chén bát để mẹ tôi bán chè. Chỉ có một cái rương nhỏ được khoá rất kỹ nằm tuốt dưới gầm giường là tôi không biết đựng gì nên đành phải coi là một bí mật. Mà bí mật thật. Mẹ tôi không bao giờ cho tôi thấy những gì mẹ cất chứa trong đó cũng như không khi nào mẹ mở rương ra. Vật dụng trong nhà tôi chỉ có vậy, cho nên mỗi sáng khi mẹ tôi đi chợ, là tôi cũng lẻn sang nhà hàng xóm chơi đùa. Tôi có bạn cùng lứa tuổi không thiếu gì. Có điều là chúng nó muốn đi chơi thì phải tay xách nách mang một vài đứa em nhỏ, ăn bận dơ dáy và mũi chảy thò lò trên mặt. Ngay cả tụi nó cũng vậy, quần xuống tới ngã ba trễ cả rốn ra, áo thì hở ngực hay là ở trần. Chỉ có tôi hơi khác chúng nó, tôi vừa không phải bế em vì tôi không có em, vừa ăn mặc tươm tất hơn chúng nó. Cho nên tụi lỏi con trong xóm có phần hơi “nể” tôi. Trò chơi nào tôi cũng được chúng nó hỏi ý kiến. Thí dụ như chơi u mọi, thì phe nào cũng giành tôi cho bằng được. Tôi thầm hãnh diện về cái giá trị con người mình và tuổi thơ tôi trôi qua trong những ngày tháng rong chơi như thế.

Ở xóm tôi không có trường, muốn học thì phải ra quận cách xóm tới khoảng một cây số. Năm tôi lên tám tuổi, một buổi tối tôi đang ngồi nhìn mẹ tôi khâu quần áo cũ bên ngọn đèn dầu thì mẹ tôi bất thần ngước nhìn tôi rồi hỏi :

- Thuận ! Con có muốn đi học không ?

Tôi thật tình lúc đó không biết học là gì, nên đã hỏi lại mẹ bằng giọng ngớ ngẩn :

- Học là gì hả mẹ ?

Mẹ tôi cười :

- Học là con đến trường, rồi ở trường người ta dạy cho con biết đọc biết viết.

- Nhưng trường ở đâu mẹ ?

- Trường ở trên chợ quận nơi mẹ đang bán đồ ăn đó !

Tôi vẫn thắc mắc :

- Nhưng học để làm gì hả mẹ ?

Mẹ tôi không trả lời, đứng dậy đến bên gióng, lấy từ trong một xấp báo cũ dùng để gói xôi bán. Mẹ tôi cầm lấy một miếng giấy đem đến cạnh tôi.

- Đây nè, con nhìn vào đây có biết gì không ?

Tôi cúi ngó vào những hàng mực đen nhem nhuốc in trên nhựt trình rồi lắc đầu :

- Không, mẹ !

- Ừ, thì con đi học, thầy cô sẽ dạy cho con đọc được những giòng chữ như vậy đó.

À, thì ra đi học là để đọc những giòng nhem nhuốc trên nhựt trình. Chỉ có vậy thôi ư ? Thấy tôi ngồi im, mẹ tôi hỏi tiếp :

- Mẹ cho con đi học nghe ?

Tôi nghĩ ngay đến việc mình sẽ lên quận học, bỏ xa tụi thằng Lượm, thằng Tất. Mình sẽ biết đọc, mai mốt mình mua nhựt trình về đọc cho tụi nó nghe chắc tụi nó phục lắm. Ở cái hồn nhiên của tuổi tôi, tôi mơ đi học để từ đó tôi có thể hãnh diện mà lên mặt với những đứa bạn đồng tuổi cùng xóm. Cho nên tôi gật đầu trả lời mẹ :

- Đi học, mẹ nghe. Cho con đi học đi !

Mẹ tôi vẫn tiếp tục khâu đồ :

- Ừ, để mẹ xin cho con đi học.

Tôi lại thêm ngạc nhiên :

- Ủa, đi học mà phải xin sao ?

- Chứ sao. Mẹ phải xin thầy giáo, cô giáo, rồi phải đóng tiền nữa. Thôi bây giờ con đi ngủ đi !

Tôi tụt xuống ghế đi lại phía chõng. Nhưng nằm trong giường rồi mà vẫn lo mẹ sẽ quên tôi còn dặn vói :

- Mẹ ơi ! Nhớ xin cho con đi học nghe !

- Ừ, mai mẹ xin cho.

Tôi đi ngủ với bao nhiêu hình ảnh đẹp trong đầu. Đối với tôi giờ phút đó, trường học là một cái gì vĩ đại và huyền bí vô cùng, vì từ trường học, tôi đang không biết gì sẽ biết nhiều thứ, biết đọc biết viết. Tôi mơ tưởng một lâu đài có những bà tiên huyền diệu sẽ dùng những chiếc đũa nhiệm mầu gõ lên đầu tôi cho tôi thông hiểu. Tôi thiếp đi trong những hình ảnh đó.

Vì buổi tối tôi ngủ muộn, nên sáng hôm sau tôi dậy thì mẹ đã ra chợ quận từ lúc nào. Tôi ân hận và bứt đầu bứt tai vì không dậy sớm để nhắc mẹ một lần nữa trước khi mẹ đi, để lỡ mẹ ra chợ quận buôn bán rồi mẹ quên xin cho tôi đi học thì sao. Vùng dậy khỏi giường, tôi chạy đến bàn. Ở đó, mỗi sáng mẹ tôi đã để sẵn một gói xôi cho tôi, gói xôi đậu phủ những lát dừa bào mỏng béo và thơm. Tôi chạy xuống bếp tìm cái muỗng, dù tôi có thể ăn xôi bằng tay. Tôi nhớ có lần tôi lười biếng, dùng cả tay vừa chơi bi bóc vào xôi ăn, mẹ tôi đã lấy chiếc đũa cả xới cơm, đánh mạnh vào mu bàn tay tôi. Đó là lần đầu tiên tôi bị mẹ đánh đau đến khóc. Mẹ tôi vừa đánh vừa la tôi :

- Tại sao tay con dơ bẩn như thế này mà con không chịu rửa đi, và tại sao mẹ đã dặn con bao nhiêu lần là không được ăn bốc ăn hốt mà không nghe.

Tôi vừa giật bàn tay lại, khóc nức nở. Mẹ tôi bắt tôi chạy xuống rửa tay ngay lúc đó. Từ đó tôi không dám ăn bốc nữa. Nhưng sáng hôm sau, tôi thấy thằng Lượm, bàn tay dơ bẩn cầm gói xôi bốc từng miếng cho vào miệng ngon lành. Trưa đó, khi mẹ về, tôi mang ra hỏi :

- Mẹ không cho con ăn bốc, sao con thấy thằng Lượm nó ăn ?

Mẹ tôi trả lời :

- Nó ăn là tại mẹ nó không la. Con phải biết là khi tay con bẩn, tức là có vi trùng trong đó, rồi con cầm vào xôi cho lên miệng nhai nuốt. Như vậy là vi trùng nó sẽ theo vào người con, phá hoại thân thể.

Tôi nghe mẹ nói, khâm phục mẹ hiểu nhiều biết nhiều. Mẹ tôi thì cái gì cũng giải thích cho tôi nghe được, mẹ tôi thật tài. Nhưng tôi không biết vi trùng là gì, tôi lại hỏi :

- Mà vi trùng là gì mẹ ?

- Là những con vật bé li ti mà con không thấy đâu khi nó vào cơ thể con, nó sẽ làm con đau ốm.

Lời nói của mẹ thật xác đáng. Tôi yêu mẹ và kính trọng mẹ rất nhiều, vì ngoài mẹ ra tôi không có ai khác. Tôi không có cha như tụi bạn, cũng không có ông nội ông ngoại đã già nua như chúng nó. Tôi chỉ có mẹ thôi.

Vừa ngồi ăn xôi, tôi vừa nghĩ đến lát nữa tôi sẽ khoe khoang với tụi thằng lượm, thằng Tất tôi sắp đuợc đi học. Mà hẳn là tụi nó chả biết học là cái gì đâu. Lo gì, tôi sẽ giải thích cho tụi nó hiểu. Tụi nó chắc phải ngạc nhiên lắm. Tôi cảm thấy hơi no nên cuộn xôi còn lại trong miếng lá quăng ra sân gà vịt. đang lúi húi rửa tay thì tôi đã nghe tiếng tụi thằng Lượm réo trước cửa :

- Thuận ơi, chơi bi lỗ không ?

Tôi vừa rửa miệng, vừa nói vọng ra :

- Chơi, chơi ! Chờ tao chút xíu !

Quơ vội chiếc khăn cũ mèm lau miệng, tôi chạy lên nhà, chui xuống gầm giường lấy lon sữa bò đựng bi, rồi chạy nhanh ra theo tụi bạn. Tất cả đang tụ tập đầy đủ trên khoảng sân đất khá rộng trước nhà chú Tư Còn. Thằng Tất vừa lấy áo lau mũi cho em vừa hỏi tôi :

- Ê Thuận ! Sao bữa nay, nãy giờ hỏng ra chơi mậy ?

- Tại bữa nay tao dậy trễ.

Thằng Lượm tò mò :

- Sao dậy trễ ?

Tôi sửa bộ lại cho nghiêm trang, giọng tôi đầy tự phụ :

- Tao sắp đi học !

- Đi học ?

Cả mấy lỏi tì có mặt đều mở to mắt nhìn tôi :

- Mà đi học là đi đâu ? Ở đâu ?

Tôi giải thích :

- Thì đi học là tới trường, người ta dạy mình.

- Trường ở đâu ?

- Ở chợ quận.

Vô tình mà chúng nó quây quanh tôi nghe nói, chả đứa nào buồn đánh bi. Tôi thấy mình quan trọng lạ.

- Mẹ tao nói sáng nay sẽ xin cho tao học. Học để biết đọc biết viết đó mà.

Tôi dùng những lời giải thích của mẹ tôi đã giảng cho tôi nghe tối hôm qua nói lại với chúng nó. Coi bộ đứa nào nghe cũng ham thích. Tụi nó cũng như tôi thôi, cũng mơ được vào lâu đài có bà tiên cầm đũa thần ban phép thông minh nhưng tụi nó không được thoả nguyện. Còn tôi thì được nhờ có mẹ tôi, một người mẹ mà tự trong những nhận xét đơn thuần của con nít, tôi đã thấy mẹ tôi khác tất cả những người đàn bà cùng xóm. Mẹ tôi không bao giờ quác miệng mắng mỏ tôi như mẹ thằng Lượm vẫn thường làm với nó, hay dùng khúc củi nấu cơm heo mà phang lên mình thằng Tất như mẹ thằng Tất vẫn đánh con. Tôi ít bị la và bị đòn. Chính tụi bạn tôi cũng thấy vậy, nên thằng Nghĩa nói :

- Mẹ mày thương mày ghê há, cho đi học nữa !

Tôi hãnh diện gật đầu :

- Ừ, mẹ tao thương tao lắm.

Nhưng chợt nhìn thấy mắt thằng Nghĩa buồn thiu, tôi lại thôi không nói về mẹ mình nữa, vì thằng Nghĩa là đứa bạn thân nhất của tôi mà lại không có mẹ. Nó có dì ghẻ, nên suốt ngày thường bị mắng chửi luôn. Tôi định tìm ý gì hay hay nói cho Nghĩa quên, thì thằng Lượm lại hỏi :

- Nè Thuận, nữa mày biết đọc biết viết rồi, mày có viết cho ông nội ông ngoại mày sống lại không hả ?

Câu hỏi làm tôi ngẩn ngơ. Quả thật hồi tối tôi cũng quên hỏi mẹ điều đó. Tôi đáp lại :

- Tao đâu biết. Mà chắc không đâu !

Lượm nhún vai, nó bắt chước anh hề trong gánh xiếc tuần trước về diễn tại sân đình trong xóm.

- Vậy học làm gì !

Câu nói của thằng Lượm là để kết thúc buổi nói chuyện và bắt đầu cuộc chơi bi. Mải mê trong cuộc chơi mà mặt trời đã lên khá cao. Chiếc áo tôi đang mặc thấm mồ hôi bởi ánh nắng chiếu vào nhắc nhở tôi là mẹ đã sắp về. Hai tiếng mẹ về vang lên trong tôi đầy lôi cuốn, vì mẹ về thì tôi sẽ biết ngày mai ngày mốt mình có được đi học không. Tôi thu bi cho vào lon sữa bò, cài lại nút áo. Thằng Tất thấy vậy ngạc nhiên :

- Ủa, nghỉ chơi hả mậy ?

- Ừ, nghỉ.

- Chơi chút nữa đi, còn sớm mà.

- Thôi, tao không chơi nữa.

Thằng Lượm thua nãy giờ nên sùng lắm. Thấy tôi nghỉ nó lo lắng vì nếu tôi nghỉ thì cuộc chơi sẽ tan, nó làm sao gỡ được số bi đã thua. Nó dụ tôi :

- Chơi chút đi mầy, tao đang thua mà !

Tôi cương quyết nghỉ chơi. Tôi muốn chạy ra đứng đầu đường đón mẹ về để xem kết quả có đúng như mình mong đợi không.

- Thôi tụi bây chơi đi, có một mình tao nghỉ mà.

Thằng Toại nãy giờ ăn nhiều nên muốn nghỉ để khỏi thua lại. Nó phụ hoạ :

- Ừ, trưa rồi thôi nghỉ tụi bây.

Nhưng thằng Lượm đâu chịu thua :

- Không được. Mày ở xóm trên xuống tính quịt hả ? Chơi chừng nào tụi tao hết vốn đã !

Thằng Toại nghe giọng thằng Lượm đầy gây hấn nên cũng ớn, đành nán lại. Tôi bỏ tụi bạn trước sân chú Tư Còn, chạy ra đường cái quan. Mặt đường tráng nhựa nhưng bị sụp nhiều nơi, chỉ còn những khoảng nhỏ còn mang màu xám của nhựa đường. Con đường xa xôi hút mắt, tôi đặt lon bi xuống đất, ngồi xuống vệ đường hướng mắt nhìn về phía xa. Mấy chiếc xe lôi chở khách hàng đi chợ về, chạy ngang tung bụi đầy quần áo. Tôi mở to mắt nhìn vào những chiếc xe, mong đến chiếc có mẹ tôi đi. Ngồi một lúc lâu, tôi thấy bà Tám, má thằng Tất, người bán rau muống vẫn ngồi cạnh mẹ tôi ngoài chợ từ trên chiếc xe lôi bước xuống. Tôi chạy lại hỏi bà :

- Bác Tám, má cháu đâu ?

Bà Tám vừa kéo hai giỏ cần xé xuống vừa đáp :

- Má mày hả ? Ờ… hồi nãy bả nói với tao đi đâu đó mà, chắc chút về đa !

Tôi hồi hộp. Có lẽ mẹ tôi đi xin cho tôi học chăng ? Tôi hỏi :

- Có phải má cháu ghé trường học không bác ?

Bà Tám gật đầu :

- Ờ phải đó, bả nói mà tao quên.

Rồi bà gọi lớn thằng Tất đang chơi tuốt trong sân :

- Tất ơi, Tất ! Mày làm gì đẳng, thằng quỉ kia ? Ăn rồi lo chơi với giỡn, lại khiêng đồ vô cho tao coi ?

Thằng Tất buông đứa em xuống, chạy a lại phía mẹ nó. Bà Tám còn cốc vào đầu nó một cái thật mạnh.

- Mày lo cho heo ăn chưa mà nhong nhỏng đi đánh bi, liệu hồn với tao.

Hai má con bà Tám đi vào xóm, tôi vẫn còn ngồi bệt bên vệ đường. Sao mẹ tôi lâu về quá vậy ? Mặt trời đã lên quá cao, nắng chiếu trên tóc làm đầu tôi dầm dề mồ hôi nghe ngứa ngáy. Tôi tính đứng lên chạy vào nhà thì một chiếc xe lôi ngừng cách chỗ tôi không xa, và trên xe mẹ tôi mang quang gánh xuống. Tôi mừng rỡ chạy lại bên mẹ.

- Mẹ, mẹ, có xin cho con đi học không ?

Mẹ tôi bận trả tiền cho ông tài xế, nên không nghe câu hỏi. Chừng quay qua tôi, mẹ tôi đưa tay vuốt những giọt mồ hôi lấm tấm trên trán tôi, mắng :

- Mẹ đã bảo con, trưa thì ở trong nhà kẻo nắng mà sao không nghe mẹ ?

Tôi khệ nệ khiêng giỏ thức ăn, hỏi lại :

- Mẹ có xin cho con học không ?

Mẹ tôi gật đầu :

- Có, mẹ xin rồi. Đầu tháng nầy con đi học.

Tôi sung sướng tưởng có thể quẳng ngay giỏ thức ăn xuống mà nhảy cỡn lên ôm mẹ. Nhưng kìa, mẹ bảo đến đầu tháng mà đầu tháng là gì ? Còn bao lâu nữa đầu tháng ? Tôi nhăn nhó :

- Đầu tháng là chừng nào hả mẹ ?

Mẹ tôi cười véo vào tai tôi :

- Đầu tháng là còn chừng năm, sáu ngày nữa.

Thế là cả tuần lễ tôi sống trong sự hồi hộp chờ đợi ngày mình được đi học. Mẹ tôi giặt và ủi cho tôi bộ đồ bà ba màu trắng có những chấm nho nhỏ màu xám. Mẹ mua cho tôi đôi guốc mới và buổi sáng đầu tháng nhằm vào ngày thứ hai, mẹ cho tôi đi học.


Về Đầu Trang Go down
https://nhanbkvn-2022.forumvi.com
Admin
Admin
Admin


Tổng số bài gửi : 17784
Points : 24761
Reputation : 0
Join date : 16/10/2016

Về Với Mẹ - Loại Hoa Xanh Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Về Với Mẹ - Loại Hoa Xanh   Về Với Mẹ - Loại Hoa Xanh Icon_minitimeSat Jun 03, 2017 5:51 pm

Chương 2

Sáng hôm đó, không hiểu sao tôi dậy thật sớm. Mẹ vừa nhóm lửa dưới bếp là tôi đã mò mò thức giấc. Tôi vươn vai thở một hơi dài khoan khoái. Mùi thơm thoang thoảng của mấy cụm vạn thọ mẹ trồng ở hiên nhà bên cạnh những bụi ngò gai và hành, toả mùi ngát mũi. Tôi xuống giường định đi rửa mặt, nhưng mẹ nghe tiếng tôi dậy, đã từ dưới sân sau chạy lên. Tay mẹ tôi còn cầm đôi đũa, mẹ la tôi :

- Con dậy làm chi mà sớm vậy ?

Tôi ấp úng :

- Con dậy… sửa soạn đi học.

Mẹ gắt :

- Đi học đâu giờ này. Ngủ lại đi, lát mẹ kêu.

Tôi xịu mặt xuống. Làm sao tôi ngủ được, tôi mong mỏi giờ phút này đã từ bao lâu nay. Như hiểu ý tôi, mẹ tôi doạ :

- Nếu con không nghe lời mẹ đi ngủ lại, thì mẹ sẽ không cho con đi học.

Tôi hốt hoảng leo vội trở lên giường. Mẹ tôi bỏ mùng lại cho tôi xong mới trở xuống bếp. Nằm trong mùng, tôi không ngủ được. Tôi thầm giận mẹ tiếc gì mà không cho tôi dậy sớm một chút, có mất mát gì đâu. Tôi không ngủ được nên sự nao nức trong lòng càng tăng lên mãi. Tôi chờ tiếng gà gáy lần đầu, chờ tiếng bà Tám gọi thằng Tất dậy để mà leo xuống giường. Nhưng sao hôm nay thời giờ trôi qua chậm thế. Rồi cũng đến lúc sáng. Mẹ tôi lên nhà, có lẽ mẹ tưởng tôi đang ngủ nên đến cạnh giường khe khẽ đập vào chân tôi:

- Thuận, Thuận. Dậy con, dậy sửa soạn đi học.

Chỉ chờ có thế, tôi nhảy phóc xuống giường ra nhà sau. Cầm cái gáo trong tay, tôi nhón chân soi mặt mình trong lu. Trời còn mờ mờ, nước lu trong vắt soi khuôn mặt của tôi với mái tóc hớt dựng cao trên đỉnh trán. Giá thường ngày thì tôi đã đứng lâu như thế mà ngắm bóng, nhưng hôm nay thì không được, hôm nay tôi phải vội vàng lắm. Tôi đưa gáo vào lu khua mạnh, vòng nước loãng ra thành những khoanh tròn khiến bóng tôi trong lu chao đi, méo mó. Tôi vốc nước ấp ấp vào mặt. Rửa mặt xong, tôi lên nhà. Mẹ tôi đã để sẵn bộ quần áo thẳng thớm trên đầu giường. Tôi thay quần áo, trong lúc mẹ tôi bới cho tôi chén xôi, vừa thu dọn đồ vào quang gánh.

Hai mẹ con tôi ra đi khi mặt trời bắt đầu lên ở phương Đông. Tôi nắm quang gánh của mẹ, vừa đi vừa suýt soa vì đôi guốc mới dưới chân. Trong lòng tôi nẩy sinh nhiều ý tưởng làm tôi nao nao. Tôi vừa mừng, mừng vì sắp sửa được đến trường, đến lâu đài thần tiên mà tôi đã vẽ ra trong trí não từ hôm mẹ tôi hứa cho đi học. Tôi lo là vì nghĩ một lát nữa, mình sẽ ngồi một mình giữa những đứa con nít không quen biết, hoàn toàn xa lạ. Và tôi còn nỗi không biết thầy giáo của tôi, người sẽ cầm chiếc đũa thần gõ vào đầu tôi có sẽ thương yêu tôi không. Nhưng tôi yên tâm khi nghĩ tiếp là tiên thì thường thương con nít như những chuyện thần thoại mà mẹ tôi vẫn thường kể. Thầy giáo há không phải là tiên sao ?

Suy nghĩ lan man mà đã bắt đầu đến quận, bến xe lôi hiện ra trước tiên. Mẹ tôi đưa tôi đến sạp chỗ mẹ vẫn ngồi bán hàng và bày hàng ra. Tôi ngạc nhiên hỏi mẹ :

- Ủa, mẹ không dẫn con đến trường sao ?

Mẹ tôi cười, dùng giá quấy chè vừa trả lời :

- Chưa đâu con. Con ngồi đây với mẹ tí nữa. Giờ này trường chưa mở cửa.

Tôi ngẩn ngơ ngồi bên mẹ. Trường mà cũng dậy muộn thế ư ? Tôi tưởng là chỉ có mình tôi dậy muộn thôi chứ. Tôi ngồi bên mẹ được một lúc khá lâu thì thấy bà Tám đến bày hàng bên mẹ. Thấy tôi, bà ngạc nhiên :

- Sao hôm nay thằng này ngồi đây mầy ?

Mẹ tôi tươi cười đáp lời bà :

- Hôm nay tui cho cháu đi học chị Tám.

Trong khi mẹ tôi trả lời, tôi nhìn chăm chăm vào mặt bà Tám chờ nơi bà câu nói thán phục sự việc đi học của tôi. Nhưng tôi ngạc nhiên và thất vọng khi nghe bà lẩm bẩm hai tiếng :

- Thế à !

Rồi quay qua bày hàng bán, như việc đó không có một chút quan trọng nào vậy. Mẹ tôi chăm chú múc chè, bới xôi bán cho những người qua lại cho đến khi mặt trời lên độ hơn sào thì mẹ tôi quay qua bà Tám nói :

- Chị Tám cho tui gửi hàng chút chị, dẫn thằng nhỏ tới trường.

Bà Tám gật đầu :

- Ừ, để đó !

Tôi hớn hở ôm cặp, cái cặp bằng da rẻ tiền mẹ tôi mua hôm qua mà đối với tôi như một báu vật. Trong đó là vần, là viết chì, là cả gia tài của tuổi thơ tôi. Mẹ dẫn tôi đến một ngôi nhà dãy chia làm mấy phòng, ở giữa có cây cột cao thật cao mà tôi phải ngước lên nhìn ngút mắt mới thấy, sau này tôi biết đó là cột cờ. Mẹ dẫn tôi đến và nói :

- Trường con đây rồi.

Tôi nhìn trường học, lâu đài trong óc tôi vẽ vời ra bây giờ xuất hiện dưới hình thức đơn sơ nhất. Trong này rồi sẽ có bà tiên và chiếc đũa thần đây. Bằng tất cả lo sợ và ngỡ ngàng tôi theo mẹ vào lớp. Một ông hơi đứng tuổi mặc chiếc áo sơ mi ngả mầu và quần đen tiến ra. Mẹ tôi cất nón trên đầu tôi cầm tay, lễ phép nói :

- Thưa ông giáo, tôi đưa cháu đến học.

Ông giáo à à lên mấy tiếng rồi nắm lấy tay tôi hỏi, giọng thân thiện :

- Con tên gì ?

Tôi lí nhí :

- Dạ… tên…

Mẹ tôi đỡ lời :

- Dạ cháu tên Thuận -- Nguyễn Đình Thuận ạ !

Tôi ngước nhìn thầy. Thầy hiền lành và dễ thương quá. Thật thầy đúng như hình ảnh ông tiên, bà tiên trong tôi, trong thần thoại mẹ tôi vẫn thường xuyên kể và đã ở luôn trong tôi như một ám ảnh. Thầy dẫn tôi sang dãy bàn đối diện bàn thầy và bảng, nói với ba học sinh ngồi bàn nhất :

- Các con xích vào cho trò Thuận ngồi.

Tôi e dè ngôi xuống bên cạnh những người bạn. Lớp mới tựu trường một tuần nên học sinh chưa học gì. Suốt buổi học tôi ngồi nhìn thầy giáo và quan sát chung quanh. Sự lo sợ trong tôi tan đi và tôi dần cảm thấy mình được hoà đồng vào không khí thương yêu của lớp học. Khi giờ chơi thì tôi đã biết tên ba học trò ngồi cùng bàn : Sinh, Tuấn và Mã. Tụi nó cũng gần gần tuổi như tôi. Nhưng ngồi bên tụi nó, tôi thấy mình thua sút sao sao ấy. Có lẽ tại tôi nhà quê hơn chúng nó cũng nên. Trống đánh báo hiệu giờ tan học làm tôi giật mình. Thằng Tuấn, thằng Sinh thu xếp tập vở và cuốn vần vào cặp. Thằng Mã hỏi tôi :

- Trò về xa mà có ai đón không ?

Tôi gật đầu :

- Có mẹ tui đón.

Mã gật đầu :

- Tui cũng vậy – Nhà gần nhưng có chị tui đón.

Học trò tất cả là bảy lớp túa ra sân. Tôi dớn dáo tìm mẹ tôi và thấy mẹ tôi với quang gánh đang đứng cạnh cổng trường. Tôi chạy a lại phía mẹ tôi, ríu rít gọi :

- Mẹ, mẹ !

Mẹ tôi buông gánh ôm lấy tôi, hôn lên má tôi và hỏi :

- Con học có vui không ?

Tôi kể cho mẹ nghe tên những người bạn mới trong lớp. Suốt quãng đường từ chợ quận về nhà, tôi nói liên miên bất tận. Mẹ tôi lắng tai nghe, thỉnh thoảng hỏi một vài câu ngắn cho thêm rõ những mẩu chuyện. Trưa hôm đó tôi ăn cơm thật ngon. Tôi đã đi học, biết đọc biết viết nữa, tôi sẽ biết hết. Tôi nói với mẹ tôi :

- Mai mốt con biết đọc, con đọc nhật trình cho mẹ nghe.

Mẹ tôi cười âu yếm :

- Ừ mai mốt biết đọc, đọc báo mẹ nghe với.

Chiều hôm đó, tôi ra tìm bọn thằng Lượm, thằng Tất. Thấy tôi, bọn nó chạy lại hỏi :

- Hồi sáng mày đi đâu ? Sao không ra chơi với tụi tao ?

Tôi ưởn ngực :

- Tao đi học !

- Vui không ?

Tôi tạo một điệu bộ quan trọng :

- Vui gì, đi học mà tụi bây hỏi vui không ? Mình đi học có thầy giáo nè.

Thằng Lượm tò mò :

- Thầy giáo mầy hiền không ? Có lấy cây khẻ tay mày không ?

Tôi lắc đầu :

- Thầy giáo tao hiền lắm. Khỏi có đánh tao đi !

Nãy giờ tôi thấy thằng Nghĩa im lặng nghe mà không hỏi cũng không nói gì. Trông nó có vẻ buồn. Tôi lảng xa tụi thằng Tất, thằng Lượm, kéo Nghĩa ra chỗ gốc cây cốc trước cửa nhà thím Năm.

- Sao mày buồn vậy Nghĩa ?

Thằng Nghĩa dơm dớm nước mắt.

- Tại mày đi học, tao ở nhà không thích chơi với ai.

Tôi nói :

- Tao học một ngày có một buổi thôi mà. Chiều tao ở nhà nè.

- Nhưng mày có bạn mày quên tao.

Tôi quả quyết :

- Còn lâu. Tao thương mày chứ bộ. Tao đâu có bỏ mày.

Thằng Nghĩa hơi yên tâm, nó tâm sự :

- Mày đi học thích ghê, tao cũng muốn đi học như mày, nhưng dì tao đâu có chịu.

Tôi an ủi nó :

- Mày biết không, tao đi học như vầy há, mai mốt tao biết chữ rồi, tao về dạy lại mày nhe, chịu không ?

Mắt thằng Nghĩa sáng lên :

- Chịu liền. Mà mày nói thật há ?

Tôi gật đầu :

- Thiệt mà !

Thằng Nghĩa tươi lại. Hai đứa tôi ngồi dưới gốc cây nói chuyện tương lai. Thằng Nghĩa bàn :

- Làm sao có tập vở ?

- Mày để dành tiền !

Nghĩa xoè hai bàn tay lem luốc :

- Mà tao làm gì có tiền ?

Tôi bí quá nói đại :

- Thì… xin dì mày !

Thằng Nghĩa bĩu dài môi :

- Ở mà dì tao cho. Cho cây chứ cho tiền.

Tôi trấn an nó :

- Có gì, tao học xong cho mày tập.

Thằng Nghĩa đồng ý :

- Ừ ừ, mày nhớ nhe.

Tôi thương thằng Nghĩa nhất là tại tính nó hiền lành không hung hăng như thằng Lượm, không lỳ lợm như thằng Tất. Mà thằng Nghĩa cũng rất mến tôi. Nó lại chìu tôi và hình như nó sợ tôi nữa. Tôi nhớ có lần nó rủ tôi đi bẻ ổi của bà Chanh ở xóm thằng Toại. Tôi đã định đi với nó nhưng nhớ lại lời mẹ tôi. Mẹ tôi vẫn thường nói với tôi là “Ăn cắp là xấu lắm, con đừng khi nào ăn cắp nghe Thuận. Con mà ăn cắp nữa sau con bị què hai tay nè, què hai chân nè”, cho nên tôi sợ nhất là ăn cắp của người khác. Tôi mang ra nói lại cho thằng Nghĩa nghe. Nó lắc đầu le lưỡi :

- Eo ơi, tao đâu có biết.

Ngừng một lát nó nhìn tôi :

- Ê mầy, mà sao thằng Tất ăn cắp trứng gà của chú Tư Còn mà không què tay mày ?

Tôi không biết trả lời sao – tôi nói :

- Chắc tại nó chưa bị đó mày, nữa mai mốt nó bị cho coi.

Vậy là tôi và thằng Nghĩa không đi bẻ trộm ổi nữa.

Từ ngày tôi đi học, tôi biết được nhiều chuyện hơn.

Tôi biết rằng học trò thì không được ăn ở dơ dáy, không được hỗn láo với cha mẹ, cuộc sống tôi cứ đều đặn trôi qua. Mỗi buổi sáng tôi theo mẹ đến chợ quận, và buổi trưa mẹ chờ tôi ở cổng trường làng.

Một buổi trưa, thằng Tuấn bất chợt hỏi tôi khi chúng tôi bắt đầu thu xếp sách vở cho vào cặp :

- Thuận ơi, ba đâu sao không thấy đến đón trò ?

Quả tình từ trước tôi chưa hề bị ai hỏi một câu tương tự nên không kịp phòng bị. Ở dưới xóm tôi, chúng nó quen thân tôi, chúng nó sống cạnh tôi lâu nay, nhưng chưa bao giờ có đứa nào mở miệng hỏi tôi xem ba tôi đâu. Vậy mà hôm nay tình cờ thằng Tuấn hỏi làm tôi bị du vào thế bí. Tôi trả lời ấp úng :

- Ba tui hả ? Ừ… ừ… tui… tui hông có ba !

Thằng Tuấn mở to đôi mắt :

- Hông có ba… “Chời ơi”. Sao kỳ vậy ?

Giọng nói của nó kéo dài ra vừa ngạc nhiên vừa diễu cợt làm tôi xấu hổ. Tôi tự trách mình sao từ trước không bao giờ đem câu chuyện có ba hay không ra hỏi mẹ, để hôm nay trả lời trôi chảy với thằng Tuấn để khỏi bị nó cười. Mà từ lâu, có bao giờ tôi thắc mắc tại sao mình không có ba như chúng nó, ba mình đâu ? Hôm nay câu hỏi bất ngờ của thằng Tuấn đã đưa tôi đến gần những câu hỏi khác hơn. Ừ nhỉ, tại sao tôi lại không có ba để chiều chiều tôi theo ba tôi đi câu cá như ba thằng Lượm vẫn cho nó theo xách giỏ đựng cá, hay ngồi đầu con thuyền chèo trên con lạch nhỏ để vớt lục bình như ba thằng Tất vẫn làm. Trong lớp tôi, tụi nó hay nói về những gì mà ba tụi nó cho. Vì là con trai hết nên những câu chuyện kể của tụi nó làm tôi háo hức. Một hôm, trong giờ chơi, trời đột ngột mưa to. Mấy đứa bàn đầu xúm xít lại bên nhau nói chuyện, vì trời mưa sân ướt nhẹp không thể chơi u mọi hay nhảy lừa được. Mở đầu thằng Sinh :

- Chiều hôm qua, ba tui về nè, vui lắm.

Thằng Tuấn hỏi :

- Ủa bộ ba trò ở xa sao ?

Thằng Sinh gật đầu :

- Chớ sao, xa lắm mờ, ba tui đánh giặc mờ.

Ngừng một chút nó tiếp :

- Ba tui đem cây súng về, ngộ ghê. Cây súng đen đen mà nặng ác. Nhưng ba tui không cho chơi, cấm tui đụng tới nữa.

Tôi thắc mắc, vì từ hồi trước tôi chưa thấy cây súng, dù tôi được thường xuyên nghe tiếng đạn bởi những đêm người bên kia về đột kích nằm đâu đó dưới bờ ruộng. Tôi nói với thằng Sinh :

- Cây súng đẹp hông trò ?

Thằng Sinh gật gật :

- Đẹp chứ ! Tui thích muốn bắn pằng pằng thử coi mà ba tui hổng cho.

Thằng Tuấn bĩu môi :

- Vậy ba trò hổng cưng con !

Thằng Sinh trợn mắt :

- Sức mấy, ba tui hông cho chơi súng là sợ tui cầm hông nổi rớt trúng chân chớ bộ. Ba tui mua về cho tui chiếc tàu lửa chạy bằng pin đẹp ác.

Mấy cái đầu cùng chụm lại :

- Xe lửa hả ? Đâu, đâu ?

Thằng Sinh hãnh diện ngước mặt lên :

- Tui để ở nhà mờ. Đâu có đem theo. Mai mốt trò nào lại nhà tui, tui cho coi !

Thằng Tuấn nãy giờ khó chịu vì phải ngồi im nghe thằng Sinh khoe khoang. Bây giờ nó bắt đầu :

- Ba tui hông đi đánh giặc, nhưng ở đây ba tui làm lớn lắm, làm ông phó quận mà !

Nghe bất cứ ai nói về ba tôi cũng ham nghe, tôi hỏi :

- Ba trò thương trò lắm hé ?

- Chứ sao !

Thằng Sinh chợt ngó tôi :

- Còn trò ? Ba trò làm gì ?

Thằng Tuấn đỡ lời tôi :

- Trò Thuận hổng có ba !

Sinh mở to mắt :

- Ủa, sao kỳ vậy ? Ba trò đi uýnh giặc xa hả ?

Tôi lắc đầu :

- Tui cũng hổng biết, mà tui hông thấy ba tui !

Trưa hôm đó, tôi mong chóng đến giờ tan học để tôi ra với mẹ, để tôi hỏi mẹ xem ba tôi đâu mà sao không có, sao không ở bên cạnh tôi như ba chúng nó luôn luôn có bên chúng nó. Trống vừa đánh, tôi đã vội chạy ra khỏi lớp, nhưng mẹ tôi chưa có đó. Hôm hay có lẽ mẹ tôi ra trễ. Tôi đứng nơi cổng chờ mẹ và tôi thấy thằng Sinh được ba nó tới đón. Đó là một người đàn ông cao lớn, mặc đồ lính mà tôi vẫn thường thấy mấy anh lính thỉnh thoảng về quận hành quân có mặc. Ba thằng Sinh đội trên đầu một chiếc mũ màu nâu lệch qua một bên. Trông ba nó oai ghê cơ. Thằng Sinh ôm cặp lon ton chạy lại phía ba nó, ba nó ôm nó lên, giở hổng lên cao, hôn vào má nó. Thấy cảnh đó mà tôi thèm, bởi vì tôi không hề được ai ôm giơ lên cao như vậy. Bởi vì tôi đâu có ai thân thuộc chung quanh, chỉ có mẹ, mà mẹ thì ốm yếu như cây liễu cây mai ngày tết, làm sao mẹ nhấc bổng tôi lên như thế kia được ? Lúc đó mẹ tôi cũng vừa kẽo kịt quang gánh tới, tôi chạy ngay lại phía mẹ, và câu hỏi đầu tiên là :

- Mẹ ơi ! Ba con đâu ?

Mẹ tôi trố mắt nhìn tôi, có lẽ mẹ ngạc nhiên sao hôm nay tôi hỏi vậy. Tôi lặp lại :

- Hả mẹ, ba đâu mẹ ?

Mẹ tôi vẫn không trả lời, vừa dắt tôi đi ra khỏi cổng trường, mẹ tôi vừa hỏi lại :

- Tại sao hôm nay con hỏi mẹ như vậy ?

Tôi phụng phịu :

- Tại con nghe thằng Tuấn, thằng Sinh, đứa nào cũng có cha hết, mà con thì hổng có !

Mẹ tôi thở dài, tiếng thở dài tôi nghe hoài những lần tình cờ mẹ nhìn thấy tôi thui thủi ngồi sau chuồng gà đùa một mình với mấy chú gà con. Mẹ khẽ nói ;

- Con… không có cha đâu !

Tôi ngạc nhiên :

- Sao kỳ vậy mẹ ?

- Tại ba con ở xa lắm, xa thật xa !

- Ba con đi đánh giặc hả mẹ ?

Mẹ tôi gật đầu nhanh :

- Ừ, đi đánh giặc !

Tôi nhảy cỡn lên vui mừng :

- Vậy mai mốt ba cũng về há mẹ ? Như ba thằng Sinh đó !

Mẹ tôi im lặng bước, mồ hôi nhỏ giọt trên trán mẹ chảy xuống má. Nhưng tôi không nhìn mẹ lâu nữa, tôi nhìn chung quanh, buổi trưa nồng nực và tôi mơ tưởng đến ngày ba tôi về. Ừa, thì ra tôi cũng có cha vậy mà mẹ không chịu nói sớm để tôi có dịp khoe với tụi nó là nữa ba tôi cũng sẽ về như ba tụi nó. Tôi hình dung đến ba tôi bằng trí tưởng tượng non nớt của tôi. Chắc ba tôi cũng gồ ghề như ba thằng Sinh, tại ba tôi cũng đánh giặc như ba nó mà. Ba tôi về, đến cổng trường đón tôi cho tụi nó lé mắt luôn. Tôi muốn reo to lên cho thằng Tuấn, thằng Sinh trên chợ quận biết là tôi cũng có cha, có cha như chúng nó, nhưng tôi chợt nhớ là tôi đã đi về hơn nửa đường đến xóm rồi, và bây giờ cho dù tôi có la lên khan hơi mỏn tiếng thì thằng Tuấn, thằng Sinh cũng không thể nghe được. Khu xóm lại hiện ra, tiêu điều trong nắng trưa. Mẹ tôi đặt đôi gánh xuống đất, móc cái nón lá cũ trên vách, rồi bảo tôi :

- Sửa soạn rửa mặt mũi rồi ăn cơm.

Tôi chạy ra nhà sau, đến bên lu nước. Nước mát làm tôi khoan khoái. Tôi vốc những ngụm nước đắp đắp lên mặt, liếm môi cho những giọt nước chảy miên man vào miệng. Chợt tôi nhìn ra phía sau ruộng, vì bờ vào nhà tôi làm bằng hàng dậu thưa nên tôi nhìn thấy dễ dàng thằng Nghĩa đang lom khom vớt bèo. Tôi gọi lớn :

- Nghĩa !

Thằng Nghĩa nghe tiếng kêu ngẩng đầu lên. Khi thấy tôi, nó mừng rỡ bỏ cái rổ xuống và chạy lại.

- Mày đi học về rồi hả ?

- Ừa, mày vớt bèo chi mà vớt trưa dữ vậy ?

- Cho vịt ăn, mày. Tại sáng nay dì tao làm đổ nồi cháo heo nên trưa nay vịt cũng hổng được ăn ké.

Rồi nó ngó ngó vô cửa sau, cốt dòm lên nhà trên.

- Má mày đâu ?

- Má tao đang dọn cơm !

Nghĩa chắc lưỡi :

- Mày sướng ghê. Có má mày cưng mày ác !

Tôi buồn bã lắc đầu :

- Mày có ba, còn tao thì không !

Nghĩa ngạc nhiên :

- Có chớ sao lại không. Tao nghe dì tao nói mày cũng có ba mờ.

- Dì mày nói hồi nào ?

- Bữa hổm khi nói chuyện với chú Tư Còn đó, có điều dĩ cũng không biết ba mày ở đâu sao hổng dìa !

Tôi gục gặc đầu. Thì đúng vậy, làm sao bà dì ghẻ của thằng Nghĩa biết cha tôi đang ở đâu được, vì chính tôi đây cũng không biết nữa mà. Nhưng chẳng lẽ người ta đã biết mình có cha mà mình lại không rõ cha mình đâu thì coi cũng kỳ. Tôi nói :

- Nghĩa à, dì mày nói đúng đa.

- Đúng sao ?

- Tao cũng có cha !

- Vậy cha mày đâu ?

- Cha tao đi đánh giặc rồi, bắn súng đó, uýnh nhau với mấy người bên kia đó mà.

- Chừng nào cha mày dìa ?

- Ai biết, chừng nào uýnh xong thì dìa.

Thằng Nghĩa chừng như đã chán nói đến chuyện cha con, nhưng tôi thì vẫn thích nghe. Vì kể từ lúc nghĩ là mình cũng có cha, tôi nghe trong tâm hồn dậy lên một nỗi yêu thương nào thật mơ hồ về người cha mà mình không thể hình dung được đó. Thằng Nghĩa chợt nói :

- Thuận à, tối mày ra tao !

- Chi vậy ?

Nghĩa cúi đầu. Nó có vẻ ngập ngừng như muốn nói điều gì mà còn ngại. Tôi thúc nó :

- Chi vậy mày ?

- Thuận à, hồi sáng này tao tính gặp mày, nói mày nghe. Tao nghỉ chơi với thằng Lượm rồi !

- Sao vậy ?

- Tụi nó chơi xấu lắm !

Tôi nhìn vào nhà. Mẹ tôi vẫn còn lui cui, tôi nói :

- Mày kể tao nghe đi !

Nghĩa lắc đầu :

- Bây giờ đâu được. Tao phải vớt bèo về lè lẹ, hổng có dì tao uýnh chết. Thôi dìa nhe, nhớ tối ra tao à !

Nó vừa nói vừa chạy ù ra lại bờ ruộng, chỗ nó có đặt cái rổ vớt bèo. Tôi quay lên nhà trên, mẹ tôi hỏi :

- Con vừa nói chuyện gì hả ?

- Dạ nói với thằng Nghĩa.

Mẹ im lặng dọn cơm. Cơm trưa xong, tôi đánh một giấc thật ngon. Chừng dậy thì đã xế chiều. Hơi nóng hầm hập kéo đến làm tôi khó chịu. Tôi chạy ra sân đứng hứng lấy gió mát từ đồng ruộng thổi sang. Đang nhìn ra đường cái quan, chợt tôi thấy một chiếc xe jeep chạy ngang. Trên xe, thằng Tuấn đang ngồi chễm chệ. Xe chạy chậm, vì đường toàn là ổ gà nên thằng Tuấn trông thấy tôi. Nó hét lên :

- Thuận, Thuận !

Và đập đập vào vai người lái chiếc xe, chiếc xe ngừng hẳn lại. Tôi chạy đến, thằng Tuấn nhảy xuống xe tiến về phía tôi, miệng nó bi bô :

- Ủa, trò ở đây hả ?

Tôi đáp gọn :

- Ừa !

- Xa quá hén.

Rồi đưa mắt nhìn một lượt chung quanh, thằng Tuấn nhận xét :

- Ở đây rộng hơn trên trường há ?

Tôi không biết nói gì, vì sự gặp gỡ đột ngột nên cứ đáp :

- Ừa !

Tuấn hỏi :

- Má trò đâu ?

Bây giờ tôi mới nhớ là nãy giờ mình đã thộn mặt ra chả hỏi han gì Tuấn :

- Má tui trong nhà. Mà trò đi đâu đây ?

Tuấn chỉ tay về miệt trên :

- Theo ba tui lên ấp trên kia cà.

Rồi Tuấn kéo tôi lại bên xe, chỉ vào người đàn ông đứng tuổi ngồi kế bên tài xế :

- Ba tui nè.

Tôi cúi đầu khoanh tay :

- Dạ thưa ông.

Ba Tuấn trông thật hiền lành, ông vuốt tóc tôi :

- Cháu học cùng với Tuấn à ?

Tuấn liếng thoắng :

- Dạ, học chung với con đó ba.

Rồi quay qua tôi, nó nói :

- Đi chơi hông ?

Tôi hỏi :

- Đi đâu ?

- Thì ba tui với tui đi xa xa trên kia cho vui.

Tôi lắc đầu, nhớ tới mẹ đang trong nhà.

- Thôi trò đi với ba trò, tui ở nhà chớ má tui hổng cho tui đi đâu !

Thằng Tuấn dụ khị :

- Đi chút mà, trển vui lắm.

Tôi mân mê thành xe lạnh ngắt. Cứ nghĩ đến việc mình được ngồi trên chiếc xe là đã thích rồi. Từ xưa tới giờ, tôi có bao giờ được đi xe hơi đâu. Bây giờ có dịp, tội gì không đi thử. Ngồi trên xe hãnh diện lắm chớ chơi sao. Tôi quên hình ảnh mẹ trong nhà, quên vần ngày mai chưa thuộc mà leo lên xe. Chiếc xe rồ máy, tôi nghe trong lòng nôn nao kỳ lạ. Nệm xe êm êm, xe lướt trên những quãng đường tăm tắp, hai bên ruộng lúa ngan ngát. Tôi cứ nhìn ra hai bên đường xem người khác có thấy tôi đang đi xe và có phục tôi sát đất không, nhưng đường thật vắng. Thỉnh thoảng có mấy chiếc xe lôi chạy ngược chiều tung bụi mù mịt. Tuấn nói huyên thuyên. Nó hích tôi:

- Đi xe thích không ?

Tôi gật đầu :

- Thích !

- Mai mốt đi nữa nghe ?

- Ừa !

Hình ảnh mẹ hiện ra khi trời bắt đầu tối mà ba thằng Tuấn chưa ra xe để về. Ngồi bên cạnh nó, tôi nghe lo sợ thật nhiều, gió lạnh buốt càng làm tôi thêm hãi hùng. Tôi ân hận hồi chiều đi ẩu mà không xin phép mẹ, chắc bây giờ ở nhà mẹ đang lo lắng tìm kiếm không biết tôi đi đàng nào. Tôi đâm giận thằng Tuấn đã rủ rê tôi đi như thế này. Thấy tôi bí sị, Tuấn hỏi :

- Sao trò buồn vậy ?

- Tui sợ lát về má tui la, hồi chiều đi tui hổng xin phép.

Tuấn gật gù :

- Ừ hén, chết ! Thầy dặn mình đi đâu phải xin phép mờ. Thôi để lát nữa về xin sau.

Hai đứa nói tới đó thì ba Tuấn ra. Tôi mừng rỡ không cùng. Chiếc xe rồ máy và theo đường cũ trở về. Ngang những ruộng lúa, tôi chỉ còn thấy một màn đen thâm thâm tím tím phủ đầy. Gió đưa lúa xào xạc, gió lạnh qua chiếc áo thật mỏng tôi đang mặc. Chắc mẹ giờ này đang quay quắt tìm tôi và tự nhiên nước mắt ứa ra trên má tôi. Nghe sụt sịt, ba thằng Tuấn quay lại hỏi :

- Ủa, sao khóc ?

- Dạ…

Tôi ấp úng không nói được. Thằng Tuấn lại phải đỡ lời :

- Tại nó sợ đó ba, sợ má nó rầy !

Ba Tuấn vỗ vỗ vào đầu tôi :

- Chút nữa bác nói với má cháu cho !

Xe ngừng trước đường, ba thằng Tuấn đỡ tôi và nó xuống rồi dắt cả hai vào xóm. Tôi chỉ căn nhà mình và chạy vào, tôi thấy mẹ đang ngồi khóc bên ngọn đèn. Vừa nhìn ra thấy tôi, mẹ tôi đã nhào ngay lại ôm siết lấy tôi như sợ ai sẽ bắt tôi đi mất. Giọng mẹ nức nở :

- Con đi đâu ? Con đi đâu hồi chiều giờ mà không cho mẹ hay, để mẹ tìm kiếm khắp nơi không thấy.

Tôi chỉ tay ra cửa, vừa đúng lúc ba thằng Tuấn và nó bước vào.

- Dạ con đi với thằng Tuấn.

Mẹ tôi ngẩng lên nhìn và thoáng thấy ba thằng Tuấn, mẹ vội cúi đầu chào :

- Dạ thưa ông phó…

Ba Tuấn khoát tay :

- Thôi khỏi thưa gởi gì. Tôi vào đây để nói chị đừng la em nhỏ. Nó theo tôi và thằng Tuấn đi lên ấp mà nó không xin phép nên sợ khóc nãy giờ.

Mẹ tôi vẫn siết tay tôi, khi cha con Tuấn đã về rồi, tôi co ro trong lòng mẹ và tự nguyện từ nay trở đi sẽ không bao giờ làm mẹ lo lắng như vậy nữa. Tối hôm nay như thế là tôi bỏ buổi hẹn thằng Nghĩa rồi. Tội nghiệp, chắc nó trông tôi dữ lắm, nhưng tôi đâu có muốn xí gạt nó. Tại tôi lỡ đi mà. Sáng hôm sau, khi tôi đi học về, cất cặp xong, tôi chạy ra đánh đáo với tụi thằng Lượm, thằng Tất, nhưng tôi ngạc nhiên không thấy Nghĩa đâu cả. Chờ một hồi mà nó vẫn biệt dạng, tôi thắc mắc hỏi Lượm :

- Ủa, thằng Nghĩa đâu sao hổng ra chơi ?

Thằng Lượm lắc đầu :

- Nó hổng ra nữa đâu. Nó đi rồi !

Tôi ngạc nhiên :

- Đi đâu ?

- Mày hổng biết sao ? Dì nó đem nó lên quận ở đợ rồi. Mới đi sáng nay.

Tôi hỏi dồn :

- Sao vậy ?

- Tại tao thấy nó ăn cắp trứng chú Tư Còn, tao mét dì nó, dì nó nói lại với ba nó là để nó ở nhà phá xóm phá giềng, thôi chi bằng cho nó đi ở đợ được thêm tiền.

Tôi nhớ lại lời thằng Nghĩa trưa qua. Hèn chi nó hẹn gặp tôi buổi tối mà tôi kẹt không ra, chắc nó buồn và giận tôi lắm. Tôi nhớ nó nói thằng Lượm xấu. Đúng vậy, tôi biết thằng Nghĩa không bao giờ ăn cắp trứng của chú Tư Còn. Thằng Nghĩa không ăn cắp của ai bao giờ. Nó nghe tôi và tôi thì không lấy vì sợ tội, vì mẹ tôi cấm. Chỉ có thằng Tất thằng Lượm mới hay ăn cắp vặt rồi đổ thừa cho nó. Tôi bỏ vào nhà không chơi đánh đáo nữa. Tôi nghe buồn thật buồn, nhớ thằng Nghĩa nữa. Tôi hứa là đi học, biết đọc biết viết tôi sẽ dạy lại cho nó mà bây giờ nó đi ở đợ rồi, làm sao tôi còn dạy cho nó được nữa ? Tội nghiệp nó quá. Mỗi khi thấy tôi ngồi ê a đánh vần chữ trên tập, nó ngồi xổm một bên thèm thuồng nhìn. Nó sáng trí lắm, hễ tôi thuộc thì nó ngồi kế cũng thuộc. Có điều là nó thuộc mà chả hiểu gì, còn tôi thì chưa đủ khả năng chỉ lại cho nó. Không biết nó ở đợ như vậy, chắc là khổ cực lắm. Mà nói chi đi ở, tại nhà nó tôi đã thấy nó không sướng. Bà dì nó thật không tốt chút nào, hành hạ nó đủ thứ. Buổi chiều, khi hai mẹ con tôi ăn cơm, tôi buồn rầu nói với mẹ về chuyện thằng Nghĩa phải đi ở đợ. Mẹ tôi chép miệng :

- Biết đâu chừng vậy mà nó lại sướng ra. Ở nhà mẹ ghẻ con chồng, đời nào nó khá nổi.

Tôi nói :

- Nhưng nó ở người ta khổ cực.

Mẹ tôi lắc đầu :

- Thôi, kệ chuyện người ta, con lo học hành đi. Thuộc bài chưa ?

Mẹ nói thế nên tôi không dám hỏi nữa. Nhưng suốt buổi tối, tôi cứ ấm ức nhớ thằng Nghĩa và tức mẹ sao không cho tôi nói nhiều thật nhiều về nó, vì hễ nói ra thì tôi đỡ nhớ hơn…


Về Đầu Trang Go down
https://nhanbkvn-2022.forumvi.com
Admin
Admin
Admin


Tổng số bài gửi : 17784
Points : 24761
Reputation : 0
Join date : 16/10/2016

Về Với Mẹ - Loại Hoa Xanh Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Về Với Mẹ - Loại Hoa Xanh   Về Với Mẹ - Loại Hoa Xanh Icon_minitimeSat Jun 03, 2017 5:52 pm

Chương 3

Sáng nay thức giấc, tôi ngạc nhiên khi thấy mẹ tôi còn đang nằm trên giường, mặc dù mặt trời đã bắt đầu ló dạng ở phương Đông. Ở làng tôi, vào mùa hạ, mặt trời thức dậy rất sớm. Không khí mát dịu dàng. Tôi đến bên giường mẹ định lay mẹ dậy vì tưởng mẹ ngủ quên. Nhưng ngay khi tôi vừa tụt xuống khỏi giường thì đã nghe tiếng mẹ vang lên, tiếng mẹ khan đặc như người ốm đau lâu ngày.

- Thuận dậy rồi đó hả ? Xuống bếp nhúm lửa bắc dùm mẹ ấm nước.

Tôi chạy đến bên giường mẹ.

- Ủa sao hôm nay mẹ không đi bán ?

Mẹ tôi lắc đầu :

- Hôm nay mẹ không đi bán được đâu con. Mẹ đau.

Tôi đưa tay nắm lấy bàn tay mẹ. Bàn tay mẹ lạnh ngắt như đồng. Tôi lần tay xuống chân mẹ. Hai chân mẹ cũng lạnh như tay và mướt mồ hôi. Tôi chợt nhớ mỗi khi tôi đau ốm, mẹ thường cho tay lên đầu sờ thử. Tôi đưa lại bàn tay lên trán mẹ. Kỳ lạ, tay chân mẹ lạnh mà trán nóng như hơ lửa. Tôi hốt hoảng nhìn mẹ nằm im lìm cuộn mình trong tấm mền rách lỗ chỗ mà thường khi vào mùa đông mẹ dùng nó để đắp cho tôi. Lâu nay tôi không xài đến nó nữa, vì mùa hè thôn tôi về khuya không lạnh, nếu không muốn nói là nóng lắm. Thế nên bây giờ chắc là mẹ lạnh mẹ mới chùm chăn. Mắt mẹ khép kín vẻ mệt nhọc mở không nổi. Và tôi cúi nhìn sát vào mặt mẹ, thấy môi mẹ nứt nẻ. Có lẽ mẹ bị đau như hôm trước tôi đã bị đây mà. Tôi nhớ dạo trước có lần tôi cũng nóng lắm, nóng đến độ mê man không biết gì, nửa khuya mở bừng mắt tôi thấy mẹ quỳ bên cạnh giường, hai tay ôm lấy bàn tay tôi, vẻ mặt lo lắng khẩn trương. Sáng hôm sau mẹ bao xe lôi chở tôi xuống chợ quận đưa đi một nơi mà mẹ gọi là phòng mạch. Tôi đã mở to mắt trước ông y tá già mà hồi đó tôi nghe thoáng như người ta gọi ông là ông đốc, và ông y tá già dường như cũng không buồn đính chính về sự lạm dụng danh từ ấy nữa. tôi được đặt lên một chiếc bàn dài trải tấm drap màu vàng mà khi thoáng nhìn ai cũng phải hiểu trước kia nó là màu trắng. Ông già trịnh trọng đặt ống mạch vào nách tôi, lát sau đưa lên cao, hấp háy đôi mắt lem nhem nhìn vào rồi lắc lắc cái đầu ra chiều khó khăn. Lúc đó tuy mệt mỏi trong người, nhưng tôi lại tỉnh táo hẳn ra để nhìn thấy mẹ nước mắt dòng dòng năn nỉ ông “đốc” dùm ra tay cứu tôi. Ông y tá già đè đầu tôi ra chích thuốc đau điếng và sau đó phát cho mẹ tôi mấy viên thuốc nho nhỏ màu vàng và đắng nghét. Chỉ có bao nhiêu đó thôi, mà số tiền mẹ tôi phải trả cho ông bằng tiền lời của cả tuần lễ đi bán bưng khổ cực. Tôi tuy còn nhỏ nhưng trong đầu óc thường nảy sinh những mơ ước đâu đâu xa vời, khi tôi bắt gặp một chuyện gì xảy ra trong tầm mắt. Thế nên lúc đó tôi mơ ước sau này mình lớn lên học nghề y tá như ông cụ già này, vì chỉ cần một chút xíu thì giờ mà ông ta kiếm được bằng số tiền mẹ tôi tảo tần dãi nắng dầm mưa trong bao nhiêu lâu. Tôi mải nghĩ ngợi đâu xa mà quên mẹ tôi đang nằm mê man. Tôi chợt nhớ là mẹ nhờ nhúm lửa bắc cho mẹ ấm nước sôi, tôi định chạy đi nhưng chân tôi như khựng lại. Mẹ nằm mê man như thế này thì tôi nấu nước sôi cho mẹ mà chi. Hay là tôi gọi mẹ dậy để hỏi xem mẹ còn cần nước sôi kkhông ? Hay là tôi cứ để mẹ nằm yên cho đỡ mệt và chạy xuống nhúm lửa ? Mấy câu hỏi quay cuồng trong đầu óc non nớt của tôi làm tay chân tôi như bủn rủn hẳn đi. Tôi bất thần không định trước, đưa tay lay nhẹ mẹ. Mẹ tôi ú ớ trong miệng không trả lời, mắt mẹ chừng như cố mở ra nhưng mở không nổi. Tôi lay mẹ mạnh hơn một chút, chợt thấy môi mẹ mấp máy, tôi cúi sát xuống miệng, nghe mẹ thì thào :

- Thuận… mẹ… lạnh… lạnh… quá ! Con chạy sang nhà bà Tám kêu bả qua đây dùm mẹ !

Không đợi mẹ nói thêm tiếng nào, tôi băng mình chạy ra sân, lòng thầm cầu mong bà Tám còn đâu đó. Quả nhiên, thật may mắn, tôi nhìn thấy bà còn đang cho mấy bó rau muống cuối cùng vào cần xé. Tôi chạy như bay đến bên bà, dừng lại thở hổn hển. Bà Tám ngạc nhiên nhìn tôi :

- Thằng này hôm nay đi đâu sớm dữ mày ?

Tôi thở không ra hơi, đưa tay ôm cứng lấy bà Tám. Bà Tám càng thêm lạ lùng, giựt tay ra khỏi tay tôi, miệng nói lớn :

- Ủa lạ, mày làm gì vậy Thuận ?

Lúc bấy giờ tôi đã tỉnh trí mới lắp bắp :

- Mẹ… Mẹ cháu…

Bà Tám chừng như thấy rõ tầm quan trọng của sự việc nên nắm lấy vai tôi lắc mạnh :

- Cái gì… nói mau… Má mày chuyện gì vậy ?

Tôi hoàn hồn đứng nhìn bà Tám :

- Dạ, mẹ cháu đau nặng lắm. Mẹ cháu nói chạy sang đây nhờ bà Tám qua.

Bà Tám buông mạnh vai tôi, đà buông của bà mạnh suýt làm tôi ngã xuống. Bà lớn tiếng gọi vào nhà :

- Tất, Tất ơi ! Thằng quỉ giờ này chắc ngủ gục dưới máng heo rồi chớ gì ?

Bà cao giọng hơn :

- Tất ơi !

Tiếng thằng Tất dạ lớn trong nhà, nó chạy vội ra ngay, mắt mũi lèm nhèm, chiếc áo hở phanh cả ngực và quần vẫn hở rốn. Bà Tám chỉ tay vào hai giỏ cần xé đầy những bó rau muống xanh tươi :

- Ở coi chừng chỗ này. Tao chạy qua bên má thằng Thuận coi bả đau sao mà dậy hổng nổi đây !

Không đợi thằng Tất hở môi, bà hối hả qua nhà tôi. Tôi dợm bước, nhưng thằng Tất mà trí tò mò thắng những lời khuyên răn của bà mẹ, đã kéo áo tôi lại và hỏi :

- Ê Thuận, má mày sao vậy ?

Tôi lắc đầu :

- Tao cũng hổng hỏi nữa nên đâu biết. Giờ bà già mày vô đó, lát mày hỏi đi.

Nói xong tôi giựt tay Tất ra chạy về nhà. Bà Tám đang loay hoay trước giường mẹ tôi. Thấy tôi chạy vào, bà nói như hét lên :

- Chạy kêu cái xe lẹ lên !

Tôi luống cuống :

- Xe nào ?

- Trời đất, xe lôi, mau lên !

Tôi chạy ra lộ. Trời sáng hơn nên xe lôi đã di chuyển hơi nhiều, nhưng chiếc nào cũng chật ních những người ngồi. Chợt có chiếc xe trống chạy ngang, tôi rối rít vẫy gọi lại. Chiếc xe ghé vào, bác tài nghiêng người hỏi lớn :

- Đi đâu, chợ hả ?

Tôi đưa hai tay lên miệng làm loa nói cho ông ta nghe rõ :

- Không phải tôi đi một mình đâu. Bao cả chuyến.

Chiếc xe ghé hẳn vào bên lề. Tôi chạy đến vịn tay vào thành sắt thép lạnh.

- Bác vô đây đi.

- Chở ai vậy ?

- Má tui.

- Đi đâu ?

- Chợ quận.

Ông tài xế già nhịp nhịp bàn tay đen đúa trên tay ga.

- Mình má mày hả, đi chi mà bao xe một mình ?

Tôi cúi đầu :

- Đau mờ.

- Đau ?

Giọng ông tài già hỏi lớn rồi ông ta dợm phóng xe đi, tôi hốt hoảng vịn chặt thành xe như muốn kéo lại.

- Vô đi, bác.

- Thôi mày, buổi sáng mở hàng chở người đau xui luôn ngày sao !

Tôi năn nỉ :

- Thôi mà bác, chở dùm má tui đi !

Đôi con mắt lờ đờ vàng đục của ông già chớp chớp vài lần, rồi chừng như nghĩ rằng việc chở người bịnh vào buổi sáng một chuyến cũng không hại gì mấy, nên ông ta đổi giọng :

- Nhà đâu, chỉ tao vô coi ?

Tôi mừng rỡ :

- Kia kìa, đó đó, căn nhà đốt đèn sớm đó… Đó… đúng rồi, chạy vô đi bác.

Rồi tôi co giò chạy vào trước. Bà Tám đã gọi thêm mấy người hàng xóm đến để phụ lực đưa mẹ tôi ra xe. Bà Tám dùng cái mền cũ quấn mẹ tôi lại. Chú Tư Còn đang cầm đèn cho vợ chú đánh gió cho mẹ tôi. Bà Sáu cả đang nhéo từng mảng thịt trên lưng mẹ. Mọi người thấy có xe, vội vã đưa mẹ tôi ra. Chú Tư Còn nói trong khi mắt ngó dáo dác chung quanh :

- Ủa, còn thằng nhỏ Thuận đâu rồi, cho thẳng theo luôn chớ.

Có tiếng ai đó trả lời :

- Thôi cho nó đi chi. Con nít con nôi xuống dưới phá thêm không ai làm việc được. Để nó ở nhà đi !

Giọng bà Sáu cả mắng át :

- Bậy nà, cho nó đi theo má nó chớ. Lỡ có bề gì mẹ con nó có nhau.

Tôi được lời, ra ngồi vào kế bên bác tài già, phía sau bà Tám và bà sáu Cả ngồi với mẹ tôi đang hầu như mê man. Xe chạy lên đến chợ quận thì trời sáng tỏ. Một chiếc xe jeep quẹo ngang suýt đụng ngay vào xe lôi, làm ông tài xế thắng gấp, cả chiếc xe suýt nữa ngã ra mặt lộ, phía sau tiếng càu nhàu của hai người đàn bà và phía trước là những lời chửi thề của ông tài già. Chiếc xe jeep chạy qua, tưởng là chạy luôn, nhưng rồi ngừng lại cách chiếc xe lôi chừng mười thước. Một người từ trên xe nhảy xuống tiến lại phía xe lôi. Bộ quân phục trên người ông ta làm bác tài xế già lo ngại quay nhìn mấy người khách. Khi người mặc đồ lính tiến lại gần, tôi nhận ra đó là ông phó ba thằng Tuấn. Giọng ông đầy ngạc nhiên :

- Kìa cháu đi đâu đây, sao giờ này chưa đi học ?

Quay nhìn vào xe ổng thêm lạ lùng :

- Ủa sao vầy nè ?

Bà Tám và bà Sáu Cả lúc đó mới trả lời thay :

- Dà… đây là má thằng nhỏ. Bả bị trúng gió hay sốt nặng sao đây mà á khẩu. Tụi tui tính đưa bả lên ông “đốc” trên này coi sao…

- Vậy hả, chà, trúng gió mà sáng đi xe như vầy coi bộ không tốt mấy.

Ông ta đến sát bên hai người đàn bà ngồi sau, giở mền nhìn vào mặt mẹ tôi.

- Chà, điệu này chắc gì ông “đốc” quận này coi nổi. Đâu, đưa bà này lên xe tôi đi, tôi đưa ra tỉnh đến bác sĩ may ra…

Bà Tám rối rít :

- Dạ, ông phó có lòng thương thiệt là quý hết sức.

Quay qua bà Sáu Cả, bà Tám nói như bàn luận :

- Giờ mình đưa chỉ qua xe ông phó đi nhờ xuống tỉnh đi, ổng nói phải quá rồi còn gì. Bịnh này tui nghi cha “đốc” cua tay quá !

Bà Sáu Cả gật gù :

- Ừa, thì dzậy chớ sao ! Đâu chị xuống trước đặng đỡ, còn tui ngồi vịn chỉ chút nữa.

Hai người đàn bà loay hoay, ông phó chạy đến xe lui chiếc xe jeep lại bên chiếc xe lôi. Mẹ tôi được đưa từ xe này sang xe kia, đặt nằm ngay ngắn và thoải mái ở băng sau. Sau khi thanh toán tiền xe lôi xong, bà Tám và bà Sáu Cả cùng leo lên ngồi chồm hổm trong xe, tôi ngồi băng trước với ông phó và chú tài. Ông phó bảo :

- Cho xe ra tỉnh đi !

Chiếc xe lao mình băng ra quan lộ. Đường ra tỉnh hun hút, hai bên là đồng ruộng ngan ngát chạy dài xanh những mạ non, người qua lại thưa thớt. Thỉnh thoảng một vài thôn ấp nhỏ hiện ra rồi vụt qua trong tầm mắt. Chiếc xe nuốt quãng đường một cách thật nhanh chóng và tương đối êm ái. Thỉnh thoảng chú tài khéo léo tránh một chiếc xe đò chạy ngược chiều. Khoảng hơn nửa giờ sau, tỉnh bắt đầu hiện ra qua những nhà cửa mọc rải rác trên quốc lộ. Xe tiến dần, ngồi trên xe, lòng tôi vừa hồi hộp lo âu cho bệnh tình mẹ, vừa có cái hiếu kỳ của đứa bé con muốn quan sát thật kỹ những gì xa lạ với mình đang diễn ra trước mắt, vì từ nhỏ đến giờ, quả đất đối với tôi không đi xa hơn con đường từ nhà, thôn tôi ra chợ quận. Mắt tôi dõi trên những căn nhà xây cất quá đẹp và tôi tự hỏi sao người ta lại có thể đem đá gạch tạo thành những công trình kiến trúc mát mắt như thế. Ông phó quay ra sau nói với hai người đàn bà đang thì thầm to nhỏ.

- Ở đây có ông bác sĩ quân y mới đổi về chữa bịnh hay lắm. Tôi đưa bà này vào đó !

Bà Tám và bà Sáu Cả dạ nhỏ. Chiếc xe dừng lại trước cổng một ngôi nhà lớn có giàn hoa giấy màu đỏ, loại hoa mà tôi thấy xuất hiện ở cổng nhà ông phó những lần tôi theo thằng Tuấn đến nhà nó chơi. Ông phó nhảy xuống xe thật gọn gàng. Ông đưa tay sờ sờ vào cột vôi mà mãi sau này hồi tưởng lại tôi mới hiểu là ông đang bấm chuông. Một bà già ló đầu ra. Hai người trao đổi với nhau vài câu rồi ông phó quay ra :

- Vào đi, may quá, ông bác sĩ có nhà.

Hai người đàn bà khiêng mẹ tôi xuống, cánh cổng mở rộng, tất cả đi lọt vào bên trong. Đứng trong khung cảnh xa lạ này, tuy hết sức lôi cuốn và khích động tính tò mò trẻ con, nhưng tôi không còn đủ lòng trí nào mà nghĩ đến những diễn biến chung quanh nữa. Tôi đứng cạnh mẹ, bàn tay xiết lấy tay buốt lạnh của mẹ. Tôi muốn van xin cho mẹ đừng chết như những người già cả mà tôi từng thấy chết, nhưng tôi không biết van xin ai bây giờ. Bà Tám lầm thầm những gì trong miệng nghe không rõ, trong khi bà Sáu Cả đọc kinh. Tôi biết bà Sáu Cả theo đạo gì mà có đi nhà thờ, vì mỗi Chúa Nhật tôi được nghỉ học thì lại thấy bà khăn áo đi từ sớm. Phần tôi, tôi không biết cầu xin với ai vì tôi không rõ mẹ tôi theo đạo gì. Bí quá, tôi nghĩ cứ cầu nguyện đại, ai cho thì cho. Tôi gọi cả Phật và Chúa trên môi để nguyện xin cứu vớt cái thể xác đang lạnh lẽo nằm bên cạnh tôi đây, thể xác người mẹ yêu đã bỏ cả quãng đời tuổi trẻ để nuôi dưỡng và lo toan cho tôi. Tôi nhìn mẹ nằm bất động như một niềm đau nào không bờ bến diễn tả, như một ung nhọt lâu ngày nung mủ làm vỡ tung ra nhức nhối đến độ khủng khiếp. Bao tháng ngày mẹ lặn lội cùi cụi, thức khuya dậy sớm không biết mệt để kết quả là mẹ chỉ còn là một sự bất động im xuôi trong lần mền cuốn. Mẹ ôi ! Tôi muốn gọi to lên như thế hoài để nói với mọi người là tôi yêu mẹ lắm. Tôi không muốn mẹ tôi bị cướp đoạt đi dù việc níu kéo mẹ ở lại với tôi là điều không thuộc khả năng của tôi. Mẹ ơi ! Tôi muốn gọi to tên mẹ để nói với mẹ là tôi muốn đổi cho mẹ sức sống trong tôi để mẹ chỗi dậy nói với tôi lời âu yếm mỗi ngày, gói cho tôi gói xôi mỗi sáng và dúi vào tay tôi những thỏi kẹo ngon ngọt trước khi tôi vào lớp. Mẹ ơi ! Tôi muốn gọi to lên như thế để nói với mọi người, mẹ là của tôi, của tôi chứ không quyền lực nào cướp mẹ tôi đi được. Tôi ôm bàn tay mẹ chặt cứng. Ông bác sĩ ra đến, ông cao lớn và không già ; ông mặc áo trắng với quần lính như ông phó. Ông bác sĩ đến cạnh mẹ tôi. Bà Tám kéo tay tôi đứng dang ra bên cạnh. Ông nắm lấy tay mẹ tôi bóp bóp thật nhẹ, rồi móc hai dây gì đen đen lên lỗ tai, còn dính theo cái ống bằng sắt nho nhỏ. Ông bác sĩ cầm cái ống đó áp áp vào bụng, vào ngực, vào lưng mẹ tôi. Vẻ mặt ông đầy trầm trọng, ông bảo :

- Ai là thân nhân của người này ?

Tôi không hiểu ông nói thân nhân nghĩa là gì, bỗng ông phó chỉ tay vào tôi nói :

- Dạ thưa bác sĩ, cháu nhỏ đây là con !

Ông bác sĩ dịu dàng nhìn tôi, rồi sau đó ông bảo đưa mẹ tôi vào nhà thương, ở đó sẽ đủ phương tiện để ông cứu sống mẹ tôi. Ông bác sĩ nói với ông phó khi ông này hỏi về bệnh tình mẹ tôi :

- Chắc phải giải phẫu ngay. Người đàn bà này bị đau ruột thừa nặng và nguy.

Rồi hai ông thì thầm với nhau những gì tôi không nghe nữa. Mẹ tôi lại được di chuyển ra xe lần nữa. Kỳ này xe chạy trước, phía sau có xe ông bác sĩ chạy theo. Đến nơi, người ta đưa ngay mẹ tôi vào nhà thương và mất hút đâu đó trong những ngõ ngách mấy căn phòng. Tôi đứng với hai người đàn bà, lòng ngổn ngang trăm mối. Bà Tám chỉ tôi ngồi xuống chiếc ghế kê góc phòng, còn hai bà thì châu đầu lại thì thầm to nhỏ. Thời khắc trôi qua thật chậm chạp, không biết tôi ngồi chờ như thế trong bao lâu, rồi mệt mỏi, tôi ngủ thiếp đi lúc nào không hay nữa. Khi tôi tỉnh dậy, tôi thấy mình đang nằm trên giường tử tế đàng hoàng, chung quanh là những bàn ghế sạch sẽ. Tôi nhớ lại mình đưa mẹ đến nhà thương, không biết giờ này mẹ ra sao, bịnh tình có thuyên giảm hay không mà tôi ngủ mê man như thế. Tôi nhảy phóc xuống giường chạy lại bên cửa phòng, cửa không khoá chỉ khép hờ, tôi chạy ra. Thì ra tôi đang nằm ngủ trong căn phòng của ai đó trực thuộc bệnh viện mẹ tôi giải phẫu. Tôi nhìn dãy hành lang dài hun hút và lạnh lẽo vô cùng. Mẹ tôi đâu ? Người ta nhốt mẹ tôi đâu rồi, sao người ta bỏ tôi đây, sao mẹ bỏ tôi đây ? Tôi định kêu lớn “mẹ ơi” thì bỗng tôi nhìn thấy từ xa bà Tám và bà Sáu Cả đang đi lại. Tôi chạy a lại phía hai bà :

- Mẹ cháu đâu ?

Nụ cười trên môi hai người đàn bà làm tôi an tâm.

- Mẹ mày khá rồi đa, đỡ dữ.

Chợt bà Tám nói :

- Hồi nãy thằng Thuận ngủ, ông bác sĩ bảo người lao công khiêng mày dô phòng kia đó đa. Ổng thấy mày nằm chèo queo coi tội nghiệp, ổng tốt quá.

Bà Sáu cả tiếp :

- Ổng nói khi nào mày dậy lên ổng hỏi.

Tôi tự hỏi một đứa bé mười tuổi như tôi thì biết gì mà trả lời, nhưng đúng lúc đó người lao công già đến bên cạnh.

- Cậu Thuận đâu, lên phòng bác sĩ chút.

Tôi nhìn hai người đàn bà đầy lo âu. Hai người nhìn lại tôi bằng ánh mắt khuyến khích và tin tưởng. Tôi dấn bước theo ông lão lao công. Đến trước một căn phòng có gắn tấm biển mà tôi đọc được “Bác sĩ” ông già đẩy cửa dẫn tôi vào. Ông bác sĩ đang ngồi trên ghế. Thấy tôi, ông ta đứng dậy đến bên cạnh. Ông xoa đầu tôi, thái độ dịu dàng của ông làm tôi thấy mình được an ủi. Ông chỉ tay xuống ghế.

- Cháu ngồi đó.

Tôi khép nép ngồi xuống. Ông hỏi :

- Cháu năm nay mấy tuổi ?

Tôi ngạc nhiên sao ông không hỏi gì mà lại hỏi tuổi của tôi, nhưng tôi vẫn lễ phép trả lời ông :

- Dạ thưa mười tuổi.

- Cháu học lớp mấy ?

- Dạ lớp năm.

Ông bác sĩ đưa tay lên sửa lại gọng kính.

- Mẹ cháu tên gì, sao hai người hàng xóm này không biết tên mẹ cháu ?

Nghe ông bác sĩ hỏi, tôi mới biết cả xóm không ai biết tên mẹ tôi, chỉ biết mẹ tôi thứ tư, theo lời mẹ tôi khai với họ, nên họ gọi mẹ là chị Tư. Tôi nói :

- Dạ ở xóm kêu má cháu tên Tư !

Ông bác sĩ lắc đầu :

- Đó có lẽ không phải là tên thật. Cháu biết tên má cháu không ?

Tôi ngập ngừng nhìn ông :

- Dạ không biết. Má cháu nói mai mốt lớn má cháu kể chuyện tên tuổi cho nghe, nhỏ nghe làm chi.

Ông bác sĩ hơi đổi giọng :

- Ba cháu đâu ?

Tôi lắc đầu :

- Cháu không có ba.

- Ba cháu chết rồi ư ?

- Dạ hổng phải. Mẹ cháu nói ba cháu còn đi xa.

- Thế bây giờ cháu có biết giấy tờ mẹ cháu để đâu không ? Ở đây cần biết rõ về tên tuổi của mẹ cháu để lập thủ tục nằm bệnh viện và nhiều việc nữa cần tới giấy tờ.

Tôi nghĩ ngay đến chiếc rương nhỏ mẹ giấu dưới giường khoá kín đáo mà từ nhỏ đến giờ tôi chưa hề được biết xem trong đó chứa những gì. Có lẽ là giấy tờ của mẹ chăng ? Tôi nói :

- Dạ mẹ cháu có cái rương chắc đựng giấy tờ mà hồi đó tới giờ mẹ cháu không cho xem nên cháu không biết. Bây giờ cháu phải về lục ra coi có giấy tờ gì…

Ông bác sĩ mau mắn :

- Cháu nên ở đây. Hiện tại mẹ cháu còn nằm phòng lạnh và chưa tỉnh dậy được. Nhưng ngay khi nào mẹ cháu tỉnh dậy, mẹ cháu sẽ cần tới cháu ngay. Vậy nên cháu ở lại đây. Có ai biết cái rương đó mẹ cháu để đâu không, hai bà hàng xóm của cháu biết không ?

Tôi lắc đầu :

- Dạ hai bà đó không biết, nhưng nếu cháu chỉ thì sẽ thấy ngay.

Ông bác sĩ gật gù :

- Tốt. Bây giờ cháu chờ đây.

Ông bấm chuông, người lao công già chạy vào. Bác sĩ nói :

- Ông ra mời hai người đàn bà ở phòng đợi vào cho tôi.

Lát sau thấy bà Tám và bà Sáu Cả xuất hiện. Ông bác sĩ đứng lên.

- Bây giờ cháu Thuận đây cần ở lại đợi mẹ nó tỉnh dậy, nhưng chúng tôi lại cần giấy tờ của người đàn bà này gấp. Vậy bây giờ tôi cho xe đưa hai bà về xóm, cháu Thuận sẽ chỉ chỗ để giấy tờ của người đàn bà đó, nhờ hai bà mang ra cho ông tài xế đưa về đây.

Trong cơn bối rối lo lắng, không ai chịu để ý xem tại sao ông bác sĩ cứ nằng nẵng đòi coi giấy tờ mẹ tôi, trong khi chắc chắn có những bệnh nhân khác không có giấy tờ mà không bị ông lục vấn như vậy. Bà Sáu Cả gật đầu:

- Dạ được !

Quay sang tôi, bà hỏi :

- Giấy tờ mẹ cháu để đâu Thuận ?

Tôi chỉ chỗ mẹ giấu cái rương. Hai bà hàng xóm đã đi với ông tài xế, tôi hồi hộp chờ đợi. Tý nữa chắc tôi sẽ biết mẹ tên thật là gì. Sở dĩ tôi không biết tên mẹ được là vì tôi đi học không nộp khai sanh, người ta chỉ hỏi tên tuổi rồi ghi vào sổ thôi. Tôi nghĩ chắc mình cũng phải có khai sanh, nhưng mẹ chưa muốn cho biết đó thôi.

Thời khắc đi qua sao mà chậm chạp. Ông bác sĩ đứng lên đi lo cho những bệnh nhân khác sau khi căn dặn tôi ngồi chờ tài xế mang giấy tờ về. Tôi hết đứng lại ngồi, nôn nao trong dạ. Vậy là mẹ đã thoát chết, mẹ sẽ ở lại với tôi hoài, vậy là mẹ sẽ không phải nằm xuôi đôi tay, bất động hình hài nữa mà mẹ sẽ trở dậy, hoạt động bình thường như từ xưa nay mẹ vẫn làm.

Khi người tài xế mang cái rương nhỏ vào đặt giữa phòng, ông lao công già vội chạy đi gọi bác sĩ theo lới căn dặn của ông ta. Bác sĩ Thạch (tôi đọc thấy tên ông trên tấm bảng nhỏ để trên bàn) hối hả bước vô. Ông hỏi :

- Cháu không có chìa khoá hả ?

Tôi nói :

- Dạ không. Trong túi mẹ cháu.

Mười phút sau, chiếc rương được mở ra. Trong rương trống trơn chả có gì, khác với dự đoán của tôi là mẹ cất nhiều thứ lắm. Trong rương chỉ có mấy xấp giấy tờ mỏng và một khung hình chụp người đàn ông và người đàn bà còn trẻ, chắc là hai vợ chồng.

Khi bác sĩ Thạch lật mặt hình lên, tôi nhận ra ngay người đàn bà là mẹ tôi dù có thay đổi theo thời gian nhưng mẹ cũng chả già hơn trong hình bao nhiêu. Còn người đàn ông, tôi nhận ra một cách mơ hồ… hình như giống ông bác sĩ ngồi trước mặt tôi. Bác sĩ Thạch nhìn tấm hình đăm đăm, rồi ông nhẹ nhàng đặt xuống. Bước đến chỗ tôi đang đứng, ông ôm chầm lấy tôi, siết mạnh. Tôi sợ người mình không sạch sẽ làm dơ áo trắng của ông, nhưng hình như ông bất chấp. Ông siết tôi thật mạnh đến độ làm tôi đau buốt và đột nhiên ông gọi tôi :

- Thuận ! Con của ba !

Tôi nhìn ông chăm chăm. Ông vừa nói gì lạ vậy ? Sao lại là “con… của ba” ? Ông là ba tôi đấy sao ? Tại sao ông nhận kỳ vậy? Tôi ngại ngùng muốn đẩy ông ra vì tôi thấy ông sang trọng quá, nhưng ông vẫn ôm tôi, giọng ông thì thầm :

- Con của ba, bao nhiêu lâu ba tìm kiếm con. Bao nhiêu lâu ba trông đợi giờ phút được gặp lại con. Thuận ơi, ba là ba của con !

Tôi vẫn không trả lời ông được, sự việc diễn biến quá bất ngờ làm tôi không kịp nhận thức xem mình nên làm gì. Trong thoáng chốc đột nhiên mình có một người cha, một người cha thật sang trọng, thật cách biệt. Một người cha làm tới bác sĩ được mọi người nể vì. Một người cha hơn ba thằng Tuấn, thằng Sinh, thằng Lễ. Hơn tất cả ! Tôi im lặng nhìn ông cho đến khi tôi cảm nhận thấy lệ nóng của ông lăn dài trên má. Tôi nhìn dãy hành lang bên ngoài bệnh viện mà chỉ mấy phút trước tôi hãi hùng, mà bây giờ như trở thành quen thân. Ông bác sĩ mấy tiếng đồng hồ trước sừng sững như vị thần linh nắm toàn quyền sinh sát, bây giờ đang kề má bên má tôi. Mẹ tôi đang nằm trong kia, mê man bên những dụng cụ xa lạ mà cả đời tôi chưa hề nhìn thấy. Làm sao mẹ biết người vừa cứu sống mẹ là người tôi phải gọi bằng ba. Là người mà lâu nay tôi mơ ước muốn biết mặt biết tên, mà mẹ phải giấu giếm rằng đang ở rất xa tôi. Sư đột ngột làm tôi bàng hoàng khôn xiết, không biết có nên gọi lớn “ba ơi” hay cứ đứng im lặng và giữ thế thủ chờ cho đến khi mẹ tôi tỉnh dậy và xác nhận. Bác sĩ Thạch vẫn nói :

- Ba sẽ đưa con về tỉnh sống với ba, ba tìm con lâu nay mà không gặp. Bà nội mong dược nhìn mặt con một lần mà không thấy. Thuận, con về với ba nghe !

Tôi hỏi :

- Còn mẹ… mẹ đâu rồi ?

- Mẹ đang nằm trong kia. Để mẹ tỉnh ba sẽ đưa con vào thăm mẹ.

Tôi im lặng không đáp. Buổi trưa bệnh viện nồng hơi thuốc. Mấy cơn gió nhẹ thoáng qua thổi theo những chiếc lá bay tơi tả ngoài sân bệnh viện. Tôi tựa tay vào thành cửa sổ nhìn bầu trời đứng bóng, rồi nhìn vào người đàn ông mặc áo blouse trắng đang cắm cúi nơi bàn thỉnh thoảng ngước nhìn tôi mỉm cười dịu dàng. Tự nhiên tôi mong muốn được sáng mai đến lớp học ở trường quận, tôi sẽ khoe khoang với những đứa bạn trong lớp là tôi đã có ba, ba tôi nhiều quyền lắm, ba tôi làm tới bác sĩ lận, ba tôi cứu được những người sắp chết và ba tôi có xe hơi hơn cả ba của mấy đứa bạn tôi. Bây giờ tôi sẽ không lẻ loi một mình với mẹ nữa. Sẽ không bao giờ tôi phải mở miệng hỏi lại mẹ tôi : “ba con đâu”, vì người đàn ông sang trọng đang ngồi kia, đã tự nhận là ba tôi, sẽ đem tôi về nuôi nấng săn sóc tôi, tôi sẽ được học trường tỉnh mỗi ngày có xe đưa rước, mang danh là con ông bác sĩ bộ không thích sao ? Tôi nghĩ như vậy và thấy bầu trời hôm nay đẹp hơn bao giờ hết.



Về Đầu Trang Go down
https://nhanbkvn-2022.forumvi.com
Admin
Admin
Admin


Tổng số bài gửi : 17784
Points : 24761
Reputation : 0
Join date : 16/10/2016

Về Với Mẹ - Loại Hoa Xanh Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Về Với Mẹ - Loại Hoa Xanh   Về Với Mẹ - Loại Hoa Xanh Icon_minitimeSat Jun 03, 2017 5:53 pm

Chương 4 (hết)

Bây giờ, mỗi buổi sáng tôi thức giấc không còn nhìn thấy mấy cụm hoa vạn thọ vàng hườm, mấy bụi ngò xanh lá hay lu nước đục lờ lờ trong màn sương sớm nữa.

Bây giờ, mỗi buổi sáng tôi thức giấc có bà vú già chạy lên đỡ tôi ra khỏi chiếc giường êm có nệm chứ không phải là cái chõng tre ọp ẹp. Buổi sáng người ta bưng đến cho tôi ly sữa với khúc bánh mì nóng giòn. Tôi ngồi ăn bên cạnh một bà nội già nua và một ông cha làm bác sĩ với một người, ba tôi gọi là vợ, nhưng không phải là mẹ tôi.Tôi được biết trước kia ba mẹ tôi thương nhau, ăn ở không có phép của bà nội tôi cho đến khi sanh ra tôi. Ba tôi lúc đó còn đi học nên tài chánh eo hẹp. Bà nội tôi lại nhất định không chịu cưới mẹ tôi cho ba tôi. Rồi một hôm, nhân lúc ba tôi đi học không có nhà, bà nội tôi đến tìm mẹ tôi. Bà nội mắng chửi mẹ và quẳng vào mặt mẹ tôi một số tiền mà bà cho là đủ để nuôi con cho đến ngày nào tìm được tấm chồng khác. Mẹ tôi trả tiền lại cho bà nội và hứa là sẽ xa ba tôi, để bà nội cưới vợ giầu cho ba tôi. Một hôm, nhân ba tôi đi học, mẹ tôi ở nhà thu vén một ít quần áo và nhiều tư trang mà mẹ sắm được do tiền dành dụm vì mẹ tôi mồ côi từ nhỏ. Mẹ tôi lớn lên trong khuôn khổ nội trú nhờ mấy bà sơ thương tình săn sóc. Chính bởi vậy cho nên thỉnh thoảng tôi thấy mẹ làm dấu thánh giá dù mẹ không bao giờ theo đạo. Rồi mẹ tôi bế tôi đi xa, tìm về thôn hẻo lánh để tránh ba tôi và tảo tần nuôi tôi khôn lớn.

Phần ba tôi, từ lúc mẹ tôi bỏ đi, ông đành nghe lời bà nội cưới vợ, một cô gái con nhà giàu rất môn đăng hộ đối với gia đình bà nội. Nhưng ba tôi và bà đó cưới nhau đã từ lúc đó đến nay mà vẫn không sanh được mụn con nào. Bà nội tôi đâm ra ân hận vì trước kia không dịu ngọt với mẹ tôi để giữ đứa con trai là tôi lại. Bà nói bà bảo ba tôi hãy cố tìm cho được mẹ tôi để bắt tôi về làm cháu đích tôn. Hôm mẹ tôi tỉnh dậy trong phòng lạnh và nghe tự sự, mẹ tôi đã khóc nức nở. Tôi không hiểu mẹ khóc vì mừng được gặp lại ba sau mười năm trời xa cách hay mẹ khóc vì tôi đang bị đe doạ ra khỏi cuộc đời giản dị mà hai mẹ con đã sống với nhau bao lâu nay. Thế rồi vì tương lai của tôi, mẹ bằng lòng cho tôi ở lại với ba, bà nội và người đàn bà nọ. Mẹ trở về quê sống nốt những tháng ngày còn trẻ để nhớ tôi. Với sự bồng bột của tuổi ấu thơ, tôi hân hoan lao mình vào nếp sống mới có những tiện nghi vật chất mà từ thuở có trí khôn tôi chưa bao giờ được thụ hưởng. Chân trời mới mở ra trước mắt tôi một viễn ảnh huy hoàng. Ngôi biệt thự với giàn hoa giấy đỏ, những con chó bẹc giê to tiếng ăn những phần ăn ngon lành bằng năm bằng mười phần của mẹ con tôi ngày còn ở quê. Chiếc xe hơi mỗi ngày được lau chùi bóng loáng và người vú già hầu hạ từng li từng tí.

Tôi những tưởng mình sẽ hoà mình vào nếp sống mới đó, thích hợp với những người chung quanh. Bà nội già ho khù khụ trong áo len dày cộm dù trời tỉnh lỵ nóng nực. Bà lúc nào cũng tỏ ra âu yếm và lo toan cho tôi. Nhưng không hiểu sao tự trong thâm tâm tôi thấy xa cách bà. Tôi hình dung bà như mụ phù thủy có những móng tay dài và nhọn trong truyện cổ tích thần tiên mẹ vẫn kể cho tôi nghe.

Những buổi tối tôi nằm trằn trọc không ngủ được vì cơn đau răng hành hạ. Mỗi khi bà vú già đưa tôi vào vấn an nội là tôi cảm thấy run rẩy. Khi bàn tay khô đét của bà vuốt ve trên da mặt tôi, tôi nghe rờn rợn khác với những lần bàn tay mẹ ấp ủ khuôn mặt tôi. Ba tôi thì suốt ngày bận bù đầu ở bệnh viện. Bà mẹ ghẻ ốm như cây tăm tre suốt ngày nhăn nhó đau ốm. Cuộc sống mới đầu quyến rũ mà càng ngày càng buồn tẻ. Chỉ mới có tuần lễ mà tôi nhớ mẹ đến điên cuồng. Buổi sáng trở dậy, tôi tưởng như mình đang ở thôn cũ, nghe tiếng gà gáy và tung chăn ngồi dậy để thấy mẹ đang lui cui sắm sửa để lên chợ quận. Nhưng tôi bàng hoàng mà tế nhận là mình không còn ở trong khung cảnh cũ nữa. Tất cả đã thay đổi kể cả con người tôi. Tôi không mặc những bộ đồ vải ú nữa, mà lúc nào cũng tươm tất trong những quần áo đắt tiền. Đồ chơi của tôi là những xe điện, tàu thủy có gắn máy chạy pin, những máy chiếu hình. Vậy mà tôi nhớ lon sữa bò bẩn thỉu đựng những viên bi lem luốc mà thân thuộc. Tôi xa lạ với những gì chung quanh quá. Tôi hiểu tôi không phải là của khung cảnh giàu sang êm ái này. Tôi không thể thiếu mẹ mà chín mười năm trời nay người đã nuôi dưỡng tôi. Tôi chỉ là của mẹ mà không là của ai khác.

Mẹ ơi ! Mẹ tha lỗi cho con lâu nay đã ở lại đây mà bỏ mặc mẹ thui thủi một mình ở dưới thôn xa. Nhưng sao mẹ không lên đây thăm con hay đón con về. Sao mẹ cứ để con ở giữa những người mà từ nhỏ đến giờ con chưa lần nào gặp mặt. Con còn nhỏ dại, làm sao con tìm về mẹ được hở mẹ ? Hay là mẹ không nhớ không thương con nữa, hay là mẹ giận con về tội bằng lòng ở với ba ? Tôi nhớ hôm đó chính mẹ tôi đã sụt sùi nói với tôi : “Mẹ khó sống xa con được, nhưng vì tương lai tươi sáng của con, nên mẹ đành phải lui về sau lưng con. Mẹ chỉ biết đứng trong bóng tối nhìn con bước lên những tiện nghi cần thiết cho sự việc tạo dựng ngày mai của con”. Tôi hiểu mơ hồ những câu mẹ nói. Nhưng điều duy nhất tôi hiểu được một cách chắc chắn là quả thật mẹ khó sống xa tôi. Chắc mẹ phải héo hon vàng võ. Có hôm tôi nhớ mẹ quá tôi ngỏ lời xin ba cho tôi trở về sống với mẹ như xưa, nhưng ba tôi luôn luôn lắc đầu. Bây giờ thì tôi thấy mình không chịu đựng được nữa. Tôi phải sống kề cận bên mẹ như từ bao giờ tôi vẫn sống. Tôi phải thức dậy mỗi sáng trên chiếc chõng tre, đi đôi guốc gỗ, ăn gói xôi đậu và theo mẹ ra trường chợ quận. Cuộc sống đó mới đích thực là cuộc sống của tôi. Tôi phải trở về với mẹ, với quê. Ba tôi đó, nhưng ông không đủ sức kéo tôi vào cuộc sống sang cả này.

Thế nhưng làm cách nào để mà trở về với mẹ ? Tôi thật nát óc với câu hỏi hóc búa tự mình đặt ra mà không thể trả lời ! Với mười tuổi đầu, tôi làm được gì khi tôi không có một đồng dính túi, vì tuy ở với ba, nhưng ba tôi lo lắng mọi mặt mà không hề cho tôi cầm tiền. Tôi làm được gì khi mà tôi không biết đường biết xá, không biết xe biết cộ. Tự trong thâm tâm, tôi nhủ thầm dù không có gì trong tay, dù vạn điều cản ngăn đi nữa, thì tôi cũng sẽ trở về với mẹ. Tôi bắt đầu để tâm tìm mưu thoát về, vì bên cạnh tôi lúc nào cũng có người, không ông tài thì bà vú. Tôi đâu có được tự do như ngày trước, làm gì cũng có giờ giấc. Điều đầu tiên bây giờ là phải làm sao để có tiền đi xe từ đây về chợ quận. Xa quá tôi sẽ không đủ sức đi bộ, tôi sẽ gục ngã giữa đường và như vậy là hỏng hết. Tôi nghĩ chỉ cần tiền xe về đến chợ quận, là vì từ chợ quận về nhà, nếu hết tiền đi xe lôi tôi có thể cuốc bộ như những buổi sáng thường xuyên theo mẹ ra chợ, hơn nữa về đến đó là tôi rành đường rồi.

Tôi nghĩ hoài mà không ra cách nào để có tiền. Sáng hôm ấy, bà vú mang sữa và bánh mì vào phòng cho tôi. Vừa nhìn thấy bà, tôi nảy ra ý định xin bà ít tiền. Nhưng tôi phải nói thế nào để bà cho và khỏi nghi ngờ đây ? Chờ cho bà đặt mâm xuống, tôi mở lời :

- Bà vú ơi ! Cháu nói này hay lắm !

Bà vú già ngồi cạnh tôi, nhúng từng mẩu bánh mì vào sữa cho tôi ăn. Bà hỏi :

- Gì đó bé ?

- Bà cho cháu trăm đồng đi !

Bà vú mở tròn mắt :

- Chi vậy ?

Tôi nói dối ngay :

- Tại cháu thấy tụi nó trên trường (tôi được đi học ngay tại trường tỉnh từ lúc về với ba tôi), có tiền để trong tập thích ghê mà cháu không có !

Bà vú cau mặt :

- Con nít lấy tiền làm chi ! Ba của bé không cho đâu !

Tôi dụ bà :

- Ba cháu không cho là tại ba cháu sợ cháu ăn bậy bạ rồi đau. Nhưng cháu đâu có mua gì. Cháu để le chơi.

Sau một hồi năn nỉ, bà vú lận túi lấy cho tôi tờ giấy trăm. Cầm tiền trong tay, tôi nhẹ nhõm cả người. Buổi trưa, khi bác tài đưa ba tôi đi làm, tôi núp sẵn ở lùm cây gần cổng, chờ lúc cổng mở và xe ra, tôi nép mình ra theo nên không ai trông thấy. Ra khỏi cổng nhà, tôi thở một hơi nhẹ nhõm, vậy là tôi sắp thoát rồi, tôi sắp được về gặp lại mẹ tôi, gặp lại những bạn bè xưa thân thích, những viên bi lem luốc nhưng trung thành với tôi. Tôi đứng nép người chờ chiếc xe đi khuất và cánh cổng đã đóng hẳn lại, mới băng mình chạy qua đường. Tôi nhớ mang máng bến xe đò ở gần công viên thành phố, vì hàng ngày bác tài chở tôi đi học ngang đó, tôi thấy nhiều xe đò. Tôi chạy lại phía công viên, thấy người lơ xe đang đứng la lên những tiếng chói tai, tôi mon men lại gần. Thấy tôi, ông ta nạt đùa :

- Nhỏ đi đâu, dang chỗ khác chơi, tính móc túi hả ?

Tôi hoảng hồn ấp úng :

- Dạ đâu có !

- Chớ lại đây chi, chỗ này xe de ra de dô hoài mày lạng quạng coi chừng xe cán à con.

- Dạ…

Tôi muốn hỏi ông ta xe nào về quận mà không dám mở lời. Chừng thấy tôi tội nghiệp, ông ta mới nhỏ giọng :

- Có chuyện gì không, nói đi…

Tôi như mở cờ :

- Dạ, cháu muốn hỏi xe nào về quận Thủy Điệu ?

Ông lơ xe thở ra :

- Tưởng gì, vậy mà nãy giờ mày không nói. Kia kìa, chỗ chiếc xe xanh xanh đó… đọ… đúng rồi, mày lại đẳng mà đi.

Vừa nói, ông ta vừa chỉ chỏ về mấy chiếc xe đậu cuối cùng. Tôi mừng rỡ cám ơn rối rít và chạy lại. Muốn cho chắc ăn, tôi hỏi lại một cụ già đang ngồi trên xe :

- Cụ ơi ! Phải xe về Thủy Điệu không cụ ?

Cụ già gật đầu, chùm râu bạc bay bay :

- Phải đa, cháu đi hả, lên ngồi đây cho vui.

Tay nắm chặt trăm bạc, tôi leo lên xe ngồi cạnh cụ già, lòng tôi nơm nớp lo sợ, mong sao cho xe chạy nhanh. Tôi sợ ở nhà phát giác ra sự vắng mặt của tôi rồi đi tìm mà bắt lại thì nguy. Thời khắc trôi qua chậm rì. Người ta chờ xe đông mới chạy. Mỗi người bước lên là tôi cảm thấy mừng. Mắt tôi nhìn về phía nhà, may quá, không thấy bóng chiếc xe của ba tôi chạy đi tìm. Có lẽ giờ này chưa ai biết vì tôi phải ngủ trưa mà. Cuối cùng chiếc xe cũng chuyển bánh. Ngồi trên xe, lòng tôi nôn nao kỳ lạ. Tôi nghĩ đến khuôn mặt của mẹ tôi khi tôi bất thần trở về. Chắc là mẹ mừng rỡ đến nghẹn ngào. Mẹ sẽ ôm siết tôi trong tay. Hai mẹ con sẽ xuống bếp, tôi sẽ bảo mẹ lục cơm nguội cho tôi ăn vì tôi đói lắm. Tưởng tượng đến lúc nhẹ nhàng bước vào nhà gặp mẹ, lòng tôi lâng lâng nỗi hân hoan không bút nào tả xiết.

Tôi phải về với mẹ, mẹ ơi ! Đợi con. Con sắp về cùng mẹ đây. Con phải về với mẹ, vì mẹ là người duy nhất đã hy sinh cả cuộc đời cho con.

Buổi trưa nóng nực, gió đồng ruộng hừng hực thổi vù vù bên tai. Xe đò chạy nhanh, bởi vì về đến quận, họ còn phải chạy một chuyến nữa lên tỉnh. Tôi thấy sao con đường dài dằng dặc, cuối cùng rồi cũng tới. Khu chợ quận hiện ra, những quen thuộc cũ làm tôi lặng người. Đằng kia là trường học với cột cờ cao…

Xe từ từ chạy vào bến của nó. Tôi chen lấn bước xuống xe. Đang dáo dác tìm xe lôi, chợt tôi thấy trong đám hành khách đang leo lên xe để lên tỉnh có một người đàn bà mặc áo bà ba trắng. Môi tôi bập bẹ và tôi gọi lớn lên :

- Mẹ !

Phải, mẹ quay lại. Nhìn thấy tôi, hai mắt mẹ mở lớn và từ trong vực sâu thương yêu đó, dòng lệ nóng lăn tự nhiên trên gò má. Mẹ chạy bay lại phía tôi, ghì ôm lấy tôi hôn lấy hôn để vào má vào tóc tôi. Rồi mẹ nói cho tôi biết là mẹ định ở luôn dưới quê không lên tỉnh để tôi yên ổn học và mẹ cũng không muốn làm phiền lòng gia đình ba, nhưng mẹ nhớ tôi quá chịu không được nên mẹ đành ra đi. Mẹ định lên thăm tôi rồi sẽ trở về tiếp tục cuộc đời bình lặng của mẹ. Mẹ hỏi tôi sao đi về một thân một mình. Tôi tức tưởi nói với mẹ nỗi nhớ nhung của tôi trong những ngày xa mẹ.

- Từ nay con không lên ba nữa đâu. Mẹ ơi ! Mẹ cho con ở nhà bên mẹ mãi nghe mẹ !

Mẹ tôi không trả lời mà nước mắt cứ tuông dòng dòng. Mẹ siết tôi thật mạnh và tôi hiểu là tuy mẹ không trả lời câu nói của tôi, nhưng kể từ nay mẹ con tôi sẽ không thể nào xa nhau lần nữa.

Nắng xế buổi chiều nhảy múa trên tóc, trên áo mẹ. Con đường về thôn dài hun hút ngoằn ngoèo, nhưng đầy thân thuộc. Con đường đó sẽ mãi mãi in dấu chân tôi và mẹ mỗi sáng tôi đến trường, mẹ ra chợ bán. Ngôi nhà lá ọp ẹp sẽ có tôi mà không phải là mẹ thui thủi nữa. Tôi nắm tay mẹ, mắt nhìn xa phía trước. Ngước nhìn mẹ, tôi nói :

- Về thôi, mẹ !

Bóng hai mẹ con tôi đổ dài trên quan lộ…


THỤY Ý
Về Đầu Trang Go down
https://nhanbkvn-2022.forumvi.com
Sponsored content





Về Với Mẹ - Loại Hoa Xanh Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Về Với Mẹ - Loại Hoa Xanh   Về Với Mẹ - Loại Hoa Xanh Icon_minitime

Về Đầu Trang Go down
 
Về Với Mẹ - Loại Hoa Xanh
Về Đầu Trang 
Trang 1 trong tổng số 1 trang

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
Nhanbkvn 2024 :: THƯ VIỆN SÁCH TUỔI HOA :: Tủ Sách Hoa Xanh-
Chuyển đến